Thơ phổ nhạc: Thơ quan trọng hơn hay nhạc mới là quyết định?

0
324

Lần đầu tiên, câu chuyện thơ và nhạc trong mối quan hệ chung: Thơ phổ nhạc được các nhà lý luận phê bình, nhạc sĩ, nhà thơ… đưa ra cùng chia sẻ tại Hội thảo “Thơ và nhạc: Tương sinh hay tương khắc” do Hội Nhà văn và Hội Âm nhạc TPHCM cùng phối hợp thực hiện. Đây cũng là một điểm nhấn của Ngày Thơ Việt Nam tại TPHCM.

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn: Nhiều bài hát hay có được là nhờ nhà thơ

Tôi đã phổ nhạc nhiều bài thơ, cả trong nước và nước ngoài. Cá nhân tôi luôn nghĩ cần đặt tên nhà thơ lên trước vì như đó là gốc rễ để tác giả âm nhạc tìm thấy sự đồng điệu, phổ nhạc, thăng hoa. Không có bài thơ hay thì không thể nào có ca khúc hay. Và dù, thú thực có những ca khúc khi cảm hứng đến dạt dào, nhạc sĩ chưa kịp xin phép nhà thơ để phổ nhạc, có khi vì điều kiện ở xa chưa từng gặp để cảm ơn, nhưng rất may tôi luôn nhận được sự chia sẻ, thông cảm của nhà thơ mà mình đồng cảm phổ nhạc.

Về ca khúc phổ thơ, có nhiều kỷ niệm, câu chuyện gắn với cuộc đời sáng tác của tôi. Việc sáng tác được những ca khúc mang chủ đề, đề tài lớn về quê hương, đất nước, Bác Hồ đi vào lòng công chúng có thể coi đó là mơ ước của nghệ sĩ. Tôi cũng vậy. Trước đây có nhiều người viết rất thành công về mảng đề tài này, và vì “sinh sau đẻ muộn” nên tôi mong ước lắm. Rất may năm 1984, tôi tìm gặp được bài thơ Đất nước tôi rất hay của anh Tạ Hữu Yên.

Anh Tạ Hữu Yên là nhà thơ có đến hơn 160 bài thơ phổ nhạc – được xem là người có thơ phổ nhạc nhiều nhất Việt Nam. Với bài Đất nước tôi của anh, tôi cảm nhận được lời thơ dung dị, trữ tình, phản ánh độ dài hơn 4.000 năm của đất nước, phù hợp với suy nghĩ của mình nên tôi bắt tay vào phổ nhạc ngay.

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn

Khi anh Tạ Hữu Yên mất, tôi đang bận công việc, lại ở xa, nhạc sĩ Huy Thục gọi điện báo tin. Tôi đã gửi vòng hoa kính viếng, với một lòng thương tiếc và biết ơn anh. Tôi chưa gặp nhà thơ Tạ Hữu Yên bao giờ, nhưng thực sự biết ơn một nhà thơ cho mình một bài thơ tuyệt hay, đồng điệu để có một ca khúc đi vào lòng công chúng.

Nhà văn Bích Ngân (Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM: Quan hệ thơ – nhạc còn nhiều điều bất cập

Ca khúc phổ thơ được xem như sự đồng điệu giữa nhà thơ và nhạc sĩ. Thế nhưng, ca khúc phổ thơ luôn có sự tương sinh và tương khắc giữa thơ và nhạc. Tìm được sự tương hợp giữa thơ và nhạc trong ca khúc phổ thơ thực sự có ý nghĩa cho giới sáng tác và giới thưởng thức.

Có những nhạc sĩ mà ca khúc phổ thơ làm nên sự nghiệp của họ như Hoàng Hiệp, Phan Huỳnh Điểu, Thuận Yến, Phú Quang… Rõ ràng, nhiều bài thơ đã thành bệ phóng cho những ca khúc thăng hoa vào lòng công chúng. Vì vậy, nhà thơ cũng có vai trò đáng kể trong sự phong phú của hoạt động sáng tác âm nhạc.

Thế nhưng, đánh giá một cách khách quan, quan hệ thơ – nhạc vẫn còn nhiều điều bất cập, cần được trao đổi thấu đáo. Dĩ nhiên, ngoài sự tế nhị về thù lao ít ỏi, thì sự cộng hưởng giữa thơ và nhạc trong ca khúc phổ thơ phải minh định rạch ròi hơn nữa. Hiện nay đang tồn tại những ý kiến trái chiều về việc ghi tên tác giả thơ khi công bố ca khúc phổ thơ. Ví dụ, bài thơ có trước thì ghi tên nhà thơ trước tên nhạc sĩ chăng? Hoặc, giới hạn sử dụng bao nhiêu câu chữ từ một bài thơ thì ghi chú “phỏng thơ”, “trích thơ” hay “ý thơ” trong một ca khúc phổ thơ? Hoặc, nhạc sĩ có được phép sửa văn bản gốc mà không màng tham khảo ý kiến nhà thơ không?

Những vấn đề nêu trên đều có vẻ chi li, nhưng chúng ta cũng nên tìm thấy tiếng nói chung để tránh hệ lụy “cơm không lành canh không ngọt” hoặc “bằng mặt không bằng lòng” giữa nhà thơ và nhạc sĩ, trong thiện chí hợp tác hướng đến tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao phụng sự cộng đồng.

Bây giờ, luật sở hữu trí tuệ đang từng ngày được thực hiện khá bài bản và căn cơ. Tuy nhiên, quan hệ thơ – nhạc còn được đặt cao hơn cả những điều khoản pháp quy, bởi quan hệ giữa nhà thơ và nhạc sĩ còn hiển lộ sự đồng điệu, sự tri âm. Khi một bài thơ được phổ thành ca khúc, nghĩa là nhạc sĩ đã nối sợi dây cảm xúc chia sẻ với nhà thơ. Do đó, quan hệ thơ – nhạc nhất định phải sớm loại bỏ những yếu tố tương khắc, để thực sự tương sinh với nhau. Điều này, cần sự nỗ lực ở hai phía, nhà thơ và nhạc sĩ.

Một ca khúc phổ thơ được lan tỏa rộng rãi trong xã hội, thì giá trị thụ hưởng chia đều cho nhà thơ lẫn nhạc sĩ. Nếu nói nhạc chắp cánh cho thơ bay lên, thì cũng phải nói thơ giúp nhạc trụ lại trong tâm hồn người nghe. Một khi đã xác định không có ai ban ơn cho ai, thì cũng mở hướng chan hòa không có ai mắc nợ ai, cả về vật chất và về tinh thần. Có lẽ đã đến lúc chúng ta sòng phẳng đề cập sự thật, một giải thưởng trao cho ca khúc phổ thơ, không thể chỉ tôn vinh nhạc sĩ mà lãng quên nhà thơ.

Ngôn ngữ của nhà thơ và giai điệu của nhạc sĩ khi có cùng tần số thẩm mỹ, sẽ nảy nở một ca khúc phổ thơ đặc sắc. Ngược lại, ca khúc phổ thơ vì những tác động ngoài nghệ thuật, thì sự nể nang hoặc sự miễn cưỡng chỉ mang lại những tác phẩm lạnh lẽo chìm khuất vào bộn bề danh lợi hôm nay.

PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, nguyên Phó giám đốc Nhạc viện TPHCM: Nên tận dụng “mối lương duyên” thơ nhạc

Trong nền âm nhạc cổ truyền, ca khúc dân gian có bản chất là thơ dân gian được hát lên. Đó là những bài hát ru, hò, vè, đồng dao, lý… trong dân ca, đều là thơ dân gian được hát lên (phổ thành nhạc). Mối lương duyên thơ ca – thơ nhạc đã có từ rất lâu.

Tại một số cuộc hội thảo về âm nhạc, nhiều nhạc sĩ đã thắc mắc: “Ở một bài hát sử dụng thơ để làm lời (cố ý không ghi là “phổ thơ”), sẽ phải ghi tên ai trước trên ca khúc: nhạc sĩ hay nhà thơ?”. Và không ít người đã quyết đưa tên của nhạc sĩ lên trên – trước!

Đối với nhạc, người ta hay nói “ca khúc phổ thơ của….”, nhưng đối với thơ, người ta lại nói “thơ được phổ nhạc bởi…”. Vậy thì, từ góc độ nào, ta sẽ nói theo góc ấy. Văn phạm tiếng Việt còn hơn “bảo táp phong ba”… mà! Vậy nên, nếu giới thiệu tác phẩm âm nhạc, một ca khúc chẳng hạn, thì tác giả âm nhạc sẽ được ghi tên và tiếp theo là tên nhà thơ.

Nhưng phổ thơ cũng lắm cách, nhiều đường. Nếu sử dụng toàn bộ bài thơ làm lời cho nhạc (ca khúc) thì lời thơ thường gắn bó hữu cơ với phần giai điệu, và nhất thiết không cưỡng âm, chịu chi phối bởi âm điệu của lời thơ và đôi khi cả tiết tấu của nhịp thơ. Như vậy, giống như lối hát trong dân gian – dân ca đã giới thiệu ở trên.

Song chúng ta đều biết, cùng một bài thơ có nhiều cách phổ nhạc, chẳng hạn trường hợp bài thơ Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan (phổ thành các ca khúc Những đồi hoa sim của Dzũng Chinh, Áo anh sứt chỉ đường tà của Phạm Duy…) hoặc nhiều bài thơ khác nữa. Nhưng, nếu không giữ nguyên vẹn lời, chỉ sử dụng tứ thơ, một vài câu làm ý nhạc thì nhiều ca khúc đã là một sáng tạo mới (Mùa xuân bên cửa sổ của Xuân Hồng phổ thơ Song Hào, Thuyền và biển – nhạc Phan Huỳnh Điểu, thơ Xuân Quỳnh; Khát vọng nhạc Phạm Minh Tuấn phỏng thơ Đặng Việt Lợi; Dấu chân phía trước, nhạc Phạm Minh Tuấn, thơ Hồ Thi Ca…). Lối này được các nhạc sĩ chọn nhiều hơn bởi sẽ có cảm hứng sáng tạo và có những tác phẩm bay bổng hơn.

Lúc đầu, nghĩ đến mối quan hệ thơ và nhạc, chỉ thấy chữ “tương sinh”. Nhưng nếu cưỡng lại, không thuận theo thì đôi khi có thể làm hỏng thơ và nhạc cũng bị hỏng mất. Vậy nên giữa thơ và nhạc cũng thành “tương khắc”. Giữa hai bên có mối ràng buộc mà cần biết cách giữ gìn, hòa thuận, nâng nhau lên… để cùng “tương sinh” và “tương khắc” thì có thể sẽ làm nên những kỳ tích!

Dù sao, từ ngàn năm trước, thơ và nhạc đã có mối giao duyên, nên, hãy tận dụng mối lương duyên này để dâng cho đời nhiều sáng tác bất hủ, và, thơ hãy tiếp tục là nàng… thơ của âm nhạc, mang đến cho âm nhạc những ý tưởng sáng tạo, nhưng ngôn từ đẹp đẽ rồi cùng nâng nhau bay lên…

K.N.T (HNS)