Âm nhạc dân tộc cổ truyền trong dòng chảy của nền âm nhạc mới Việt Nam

0
627

Việt Nam là một dân tộc có nền văn hóa lâu đời, từ hàng ngàn năm trước đã xuất hiện Trống Đồng Đông Sơn (Thanh Hóa); Đàn Đá Tây Nguyên… Việt Nam là đất nước đa dân tộc: 54 dân tộc anh em sinh sống lâu đời từ Mục Nam Quan tới Mũi Cà Mau.

Ngoài dân tộc Kinh chiếm số đông, còn có các dân tộc khác như: Thái, Mường, H’Mông, Tày, Nùng… Ê Đê, Ba Na, M Nông, KH’me, Chăm…

Mỗi dân tộc lại mang trong mình một nền văn hóa riêng biệt, một nền âm nhạc đặc sắc, phong phú không trộn lẫn. Cùng với nền ca hát dân gian, Việt Nam còn là nơi lưu giữ nhiều nhạc cụ dân tộc lâu đời như: Sáo trúc, Đàn Nguyệt, Đàn Tranh, Đàn Nhị và đặc biệt là Đàn Bầu, với cấu trúc đơn giản chỉ có 1 giây mà tạo ra âm thanh đặc sắc, với gần với tiếng nói người Việt.

Nền âm nhạc Việt Nam cũng như các nền âm nhạc trên thế giới bao gồm hai lĩnh vực chính là thanh nhạc và khí nhạc. Trong mỗi lĩnh vực lại song song tồn tại ba dòng nhạc chính:

– Dòng âm nhạc dân gian dân tộc (Traditional).

– Dòng âm nhạc kinh điển bác học (Academic).

– Dòng âm nhạc đại chúng (Pop).

Dòng âm nhạc Dân gian Dân tộc

Trong những năm gần đây, dòng âm nhạc dân gian dân tộc Việt Nam vinh dự được tổ chức UNESCO công nhận là những Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đó là: Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Quan họ Bắc Ninh, Nghệ thuật Ca trù, Hát Xoan (Phú Thọ), Đờn ca Tài tử Nam Bộ, Dân Ca Ví Giặm (Nghệ Tĩnh), Bài Chòi, Hát Then của người Tày, Nùng, Thái và gần đây là nghệ thuật Xòe Thái. Đây là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm của chúng ta trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị nghệ thuật âm nhạc mà cha ông ta đã để lại. Bên cạnh việc giữ gìn và bảo tồn những giá trị âm nhạc dân tộc cổ truyền thì những hoạt động sáng tác biểu diễn âm nhạc dân tộc cũng diễn ra sôi nổi thông qua các liên hoan nhạc cụ dân tộc, các chương trình biểu diễn tại các Festival âm nhạc quốc tế, ngày văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Trong những dịp này những giá trị âm nhạc dân tộc đã được giới thiệu và được sự đón nhận, hoan nghênh của bạn bè quốc tế.

Các nhạc sĩ sáng tác cho nhạc cụ dân tộc phần lớn cũng chính là những nghệ sĩ biểu diễn, đã gắn tên tuổi mình vào các tác phẩm được công chúng ghi nhận. Đó là các nhạc sĩ Xuân Khải, Phương Bảo, Thao Giang, Khắc Chí, Hồng Thái, Thế Dân, Huỳnh Tú, Đinh Hà Linh, Cổ Huy Hùng, Bùi Lệ Chi, Hải Phượng… với những tác phẩm khai thác chất liệu từ âm nhạc dân gian. Những  nhạc sĩ nổi tiếng viết cho nhạc cụ dân tộc như: Nguyễn Văn Thương với Suối đàn T’rưng (đàn T’rưng độc tấu), Nguyễn Đình Long với Khúc hát quê hương cho đàn tranh, Văn Thắng với tác phẩm Cánh chim tự do (đàn tranh) và Tiếng lòng (đàn bầu). Nhạc sĩ Hoàng Dương với Khúc nhạc tâm tình, nhạc sĩ Quang Hải với tác phẩm cho đàn tranh độc tấu cùng dàn nhạc giao hưởng mang tiêu đề Quê hương giải phóng… Và nhân kỷ niệm 300 năm Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh nhạc sĩ Trần Quý và Chu Minh đã có một tác phẩm đồ sộ cho Dàn nhạc Giao hưởng Dân tộc gồm 100 nghệ sĩ biểu diễn.

Cùng với thời gian, âm nhạc dân tộc cổ truyền được gìn giữ và phát triển. Hòa cùng với các thể loại khác như: Ca khúc, khí nhạc, âm nhạc dân tộc đã tiếp thu tinh hoa của nền âm nhạc mới, phối hợp với kỹ thuật và hình thức thể loại, sáng tác ra những tác phẩm mới cho nhạc cụ dân tộc kết hợp với  nhạc cụ phương Tây.

Các nhạc sĩ hàng đầu sáng tác trong lĩnh vực Khí nhạc Dân tộc phải kể đến: Trần Quý, Quang Hải, Đôn Truyền, Đỗ Lộc, Nguyễn Chính,…Gần đây có: Thiếu Hoa, Võ Vang, Đỗ Hồng Quân, Trọng Đài… Đã hình thành một đội ngũ các nhạc sĩ chuyên viết cho nhạc cụ dân tộc, họ xuất thân là những nhạc công – nghệ sĩ giỏi chơi nhạc cụ dân tộc như NSND Phương Bảo (Thập Lục); NSND Mai Phương (Tỳ Bà); NSND Xuân Khải (Đàn Nguyệt) và các nghệ sĩ: Thao Giang, Thế Dân, Huỳnh Tú, Hoàng Anh Tú, Bùi Lệ Chi (Đàn Bầu)… Họ đã có công nâng tầm âm nhạc dân tộc lên trình độ chuyên nghiệp, tạo điều kiện tốt để âm nhạc Việt Nam giao lưu với âm nhạc quốc tế.

Hiện nay, ở Việt Nam có 3 nơi đào tạo âm nhạc dân gian cổ truyền là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt nam (tại Hà Nội). Năm 2009 Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) thành lập Dàn nhạc Giao hưởng – Dân tộc là một bước tiến mới về mô hình tổ chức và quy mô của âm nhạc dân tộc. Học viện Âm nhạc Huế (Thừa Thiên – Huế) và Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Ở đó đào tạo ra các nhạc công chơi các nhạc cụ Dân tộc như Sáo, Tiêu, Tam, Tứ, Thập Lục, Tam Thập Lục, Bầu, Nhị, Hồ, Trống Dân Tộc… Trong mỗi tổ chức nhà trường đều có Dàn nhạc Dân tộc biên chế đủ các bộ: Bộ hơi, bộ gẩy, bộ dây, bộ gõ – quân số lên đến 80 người.

Việc phát triển âm nhạc dân tộc song song với phát triển âm nhạc kinh điển (Classic) là đường lối xây dựng nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đ.H.Q (HNS)