Âm nhạc và kiến trúc

0
2158

Khung cảnh bên trong nhà thờ Koln

Phòng hòa nhạc Tây Bá Linh (West Berlin Philharmonic Hall) nằm ở rìa phía nam của Tiergarten của thành phố, ngay phía tây bức tường Berlin cũ.

Kiến trúc bên trong phòng hòa nhạc Tây Bá Linh

Nhà soạn nhạc người Hy Lạp Iannis Xenakis (1922-2001) Nhà soạn nhạc người Hy Lạp Iannis Xenakis (1922-2001)

Biểu đồ mối quan hê của âm nhạc và kiến trúc trong Philips Pavilion, được Xenakis phát triển tiếp tục trong kiến trúc của Montreal Pavilion.

Công trình Philips Pavilion do Iannis Xenakis thiết kế cho Hội chợ Expo Brussels năm 1958, ông đã cùng Edgard Varèse viết thử nhạc điện tử để tạo thêm hiệu ứng cho công trình gồm những đường parabol, đường cong, đường chéo mà đến nay vẫn còn nguyên tính vị lai một cách tráng lệ.

1. Sự khác nhau giữa Âm nhạc Tây phương và Âm nhạc Việt Nam:

Âm nhạc Tây phương: tựa như một khối đá chồng chất, có kiến trúc, đồng thế, nghe theo bề dọc và cả bề cao.

Âm nhạc Việt Nam: tựa như một bức họa, một bức thêu, nghe theo bề dọc, không nghe theo bề cao.

2. Âm nhạc và Kiến trúc bên phương Tây gần nhau hơn Âm nhạc truyền thống và Kiến trúc Việt Nam. Bên phương Tây, nhiều nhà nghiên cứu hay nhắc đến câu:

“Kiến trúc là một thứ Âm nhạc cô đọng” (L’architecture est une Musique figée)

Ai nói? Goethe? Joseph von Goers? Ông Fritz Winkel, một nhà cố vấn nổi danh về kiến trúc chưa dám khẳng định.

Ông Daniel Charles, chuyên gia nghiên cứu về Kiến trúc và Âm nhạc cho rằng ông Schelling đồng thời với Hegel đã viết ra câu đó (theo “Encyclopedie Universalis” – Tr. 143-202).

3. Theo thần thoại Hy lạp, con của Jupiter và Antiope xây các bức tường của Thèbes bằng cây đàn “lyre”, những viên gạch tùy theo giọng bổng trầm, bay lên tìm vị trí của mình trên bức tường !!! Do đó, có người cho rằng Âm nhạc tạo ra Kiến trúc.

4. Theo tương truyền bên Ấn Độ, có một vì Vua hỏi một nhà hiền triết:

– Thưa Thầy dạy cho tôi vẽ.

– Tâu Đại vương, muốn học vẽ, trước phải biết về Kiến trúc.

– Xin Thầy dạy cho tôi Kiến trúc.

– Tâu Đại Vương muốn biết Kiến trúc cần phải biết múa, biết tư thế của vũ công.

– Xin Thầy dạy cho tôi múa.

– Tâu Đại Vương, muốn biết múa, Đại Vương phải biết bản nhạc do nhạc khí phụ họa.

– Xin Thầy dạy cho tôi đàn đi!

– Tâu Đại Vương! Muốn hiểu Khí nhạc, phải thông hiểu Thanh nhạc. Vì Thanh nhạc là căn bản của nghệ thuật!

Đông Tây đều cho rằng Âm nhạc là căn bản của Kiến trúc.

5. Xem kỹ lại thì thấy hai môn đều là nghệ thuật muốn cấu tạo cái đẹp hiến cho đời và cần trang trí.

Kiến trúc

– Kiến trúc làm cho đẹp mắt.

– Kiến trúc tổ chức không gian.

– Kiến trúc là nghệ thuật xây cất nhà cửa, dinh thự, đền đài, đình chùa, theo những qui luật về Mỹ học, Hình học và Số học.

Âm nhạc

– Âm nhạc làm cho vui tai.

– Âm nhạc tổ chức Thời gian.

– Âm nhạc là nghệ thuật phối hợp âm thanh thành nhạc phẩm theo những qui luật của mỹ học, thanh học, vận hành giai điệu và hòa âm, đối vị. Mà thanh học và hòa âm cũng được giải thích bằng số học.

Kiến trúc có lẽ có nhiều liên quan mật thiết với Âm nhạc phương Tây, vì Âm nhạc phương Tây thường được biểu diễn trong một phòng hòa nhạc. Nếu phải tấu nhạc trong một phòng hòa nhạc, trong tư dinh hay trong nhà thờ, thì chỗ tấu nhạc phải được kiến trúc sư xây dựng cách nào để cho thính giả dầu ngồi góc nào cũng nghe rõ câu ca tiếng nhạc.

Từ thời Cổ Hy Lạp, qua thời kỳ La Mã, Trung cổ… đến nay, các kiến trúc sư trải qua bao đời đã thí nghiệm đủ cách để cho lời ca, tiếng nhạc, hay lời giảng đạo… được nghe rõ, nên đã xây cất phòng nhạc hình tròn, hình chữ nhựt, xây tường cao, xây tường thấp, dựng mái vòm (dôme) lớn hay nhỏ, thí nghiệm thử thách rất nhiều mà hình như chưa có ai khẳng định làm cách nào tốt nhứt?

Chắc các bạn đã biết rằng nhà thờ Koln (Cologne) bên Đức có một mái vòm rất lớn: 230.000 thước khối? Như vậy thời gian vang âm (résonance) lên tới 50 giây. Khi âm thanh rền lâu quá, ta không thể nghe rõ tiếng nói hoặc lời ca. Những lời giảng của linh mục, bài thánh ca được hát không nghe được rõ lời. Các chuyên gia kiến trúc phải cho thêm những cột trang trí bằng “gân cung nhọn” (ogives) cốt làm cho bớt rền. Cố hết sức nhưng thời gian vang âm cũng còn đến 12 giây. Theo thường, nếu không có vang âm chi hết thì tiếng nhạc bị coi là “dẹp lép” (trop plat!), khô khan, không hay. Nhưng vang nhiều lại khó nghe rõ âm thanh.

Bên Mỹ tại Viện kỹ thuật học Massachussett ở Cambridge, phòng hòa nhạc Kresge Hall cũng tương tự như vậy. Năm 955, kiến trúc sư Eero Saarinen cất xong phòng hòa nhạc. Khi thử âm thanh, nghe rền quá không rõ tiếng nhạc. Ông cho treo một số pa-nô (panneaux) dẹp trước tấm trần hình cong của phòng hòa nhạc, nhưng không thành công. Sau phải nhờ kỹ thuật gia trang âm phòng hòa nhạc.

Bên Đức, Phòng hòa nhạc Tây Bá Linh hình dáng bên ngoài không đẹp. Nhưng bên trong, cách sắp đặt cho dàn nhạc và chỗ ngồi của thính giả rất mới. Dàn nhạc không phải chỉ đối diện với thính giả, mà thính giả ngồi tứ phía kể cả sau lưng của dàn nhạc, đối diện với người chỉ huy. Về mặt kiến trúc âm thanh, rất được nhiều người tán thưởng.

Kiến trúc các phòng nhạc hay nhà hát thay đổi theo sự biến chuyển và nhu cầu của âm nhạc:

Đơn ca hay hợp ca

Tứ tấu đàn dây hay dàn nhạc giao hưởng

Đàn dây hay kèn sáo

Có trống phách và bộ gõ, ít hay nhiều

Kiến trúc phối hợp với thanh học để giải quyết những vấn đề liên hệ đến sự biểu diễn âm nhạc.

Kiến trúc tùy theo trọng lượng và số lượng của nhạc khí mà nghĩ ra hình dáng, khối lượng của các phòng hòa nhạc. Nhưng cũng có vài trường hợp âm nhạc tiến triển do kiến trúc đặc biệt của phòng hòa nhạc.

Bên trong nhà thờ Saint Marc ở Venise có hai hành lang đối diện hai bên chánh điện. nhạc sĩ AdrianWillaert, Quản ca nhạc sư thánh đường Saint Marc trong 30 năm sáng tác năm 1550 một nhạc phẩm viết cho 8 bè, chia ra thành hai khối hợp ca đối diện, mà theo Zarling – một môn sinh của Willaert – đã mở đầu một sáng tác mới trong truyền thống Venise. Chẳng biết nếu không thấy kiến trúc đặc biệt của nhà thờ Saint Marc, nhạc sĩ Willaert có nghĩ ra hai khối hợp ca đối diện hay không???

Sau đó năm 1584, nhạc sĩ Andrella Gabrielli và cháu Giovanni Gabrielli, hợp nhau song tấu hai cây phong quản cầm (organ) mỗi cây đặt một phía hành lang.

Tôi được biết và làm bạn với một nhạc sĩ nổi tiếng là Iannis Zenakis. Ông sanh ra tại Rumania năm 1922, người gốc Hy Lạp, kháng chiến chống phát xít, bị bắt cầm tù và bị xử tử, vượt ngục trốn sang Pháp năm 1947, học nhạc với các danh sư như Arthur Honneger, Darius Milhaud, Olivier Messiaens, và nhạc trưởng Đức Hermann Scherchen. Ông tốt nghiệp kiến trúc sư tại Athenes (Hy Lạp) nên sang Pháp vừa học nhạc vừa cộng tác với kiến trúc sư Le Corbusier xây dựng Tu Viện La Tourett, Vận động trường Baghdad, những khu nhà tại Nantes và Marseille bên Pháp.

Ông là một kiến trúc sư, một nhạc sĩ sáng tác, lại là người có óc nghiên cứu. Ông đã viết một quyển “Âm nhạc Kiến trúc” (Musique-Architecture) và thú thật, trình độ toán pháp của tôi chưa đủ để hiểu được lý thuyết của bạn tôi. Nhưng có nhiều người thích nên sách xuất bản tại Tournai năm 1971, được tái bản và bổ sung năm 1976.

Nhìn lại phương Đông, chúng ta không thấy có vấn đề kiến trúc phòng hòa nhạc, vì âm nhạc thính phòng châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, là một loại nhạc do một số nhỏ nhạc công diễn tấu cho một số nhỏ thính giả, trong một gian phòng ấm cúng của một tư gia.

Trong các nước châu Á chỉ có ở Ba Tư, tại thành phố Isfahan mới có những thánh đường (mosquée), đặc biệt trong đó có nơi cho người giảng kinh Koran nói không cần máy vi âm mà một số đông tín đồ Hồi giáo trong thánh đường nghe rõ. Tôi có viếng một thánh đường, trong đó nơi mình đứng, chỉ cần vỗ tay một cái mà nghe nhiều âm thanh vang dội lại.

Thánh đường Hồi giáo tại Isfahan

Kiến trúc bên trong các thánh đường Hồi giáo

Tại châu Á, khi một dàn nhạc hoành tráng được dùng thì không ở trong một gian phòng hay một cung đình, mà thường là ở ngoài trời như nhạc Lễ Tế Giao (Giao nhạc). Các loại nhạc khác như Miếu nhạc, Đại Triều nhạc dầu được tấu trong các Miếu (Thái Miếu, Thế Miếu, Văn Miếu) thường thì phải coi việc tế lễ là quan trọng hơn việc tấu nhạc. Khi các nhà kiến trúc được mời góp ý kiến để cất các miếu hay đền vua, thì chỉ coi trọng nơi để các bàn thờ, hay là chỗ vua ngồi. Đặc biệt, phải nhờ những người thầy địa lý xem phong thủy để định hướng cửa ra vào. Vì vậy mà ở châu Á, từ trước chúng ta chưa thấy một phòng hòa nhạc hay rạp hát mà trong đó vấn đề âm thanh được coi trọng.

Khi ra lệnh cất Nhà hát Duyệt Thị Đường, chúng ta cũng không thấy tư liệu nào chứng tỏ rằng nhà vua hay các quan để ý đến vấn đề âm thanh, nơi nào đặt dàn nhạc, nơi nào đặt sân khấu.

Do đó, chúng ta thấy rằng Kiến trúc và Âm nhạc tại châu Á gặp nhau trong dịch lý (âm dương, ngũ hành) hơn là vấn đề tăng âm, giảm âm, hay trang âm.

Trong thời kỳ hội nhập, chúng ta cũng nên nghĩ đến việc xây một nhà hát lớn vừa để phù hợp cho sự biểu diễn của các bộ môn kịch nghệ (Chèo, Hát Bội, Cải lương, Bài chòi…) vừa có thể dùng làm phòng hòa nhạc cho các loại nhạc thính phòng, nhạc cung đình, hay những dàn cồng chiêng Tây Nguyên. Bài toán đó có lẽ khó giải đáp trong những ngày gần đây, nhưng chúng tôi nêu ra để các bạn bắt đầu suy nghĩ và thảo luận về vấn đề đó.

GS.Trần Văn Khê (HNS)