Sự mê hoặc của “Vĩ cầm đỏ”

0
2308
Có rất nhiều bộ phim lấy đề tài là âm nhạc. Đó có thể là cuộc đời của một ca sĩ, một nhóm nhạc, một sự kiện âm nhạc đáng nhớ, hay là chân dung của một vĩ nhân… Nhưng, “Vĩ cầm đỏ” không chỉ đơn thuần là một biểu tượng, mà là nhân vật chính của bộ phim. Một nhân vật có cả số phận quá khứ, hiện tại và tương lai.
Ai đã từng trông thấy nó rồi sẽ muốn có được nó, ai đã từng nghe nó thì trở nên mê mệt, và ai đã sử dụng nó thì sẽ trở thành nô lệ,… đó là ma lực của Vĩ cầm đỏ – “Red Violin”.
Đó là câu chuyện kể về cuộc hành trình gian truân dài suốt ba thế kỉ, bôn ba qua 5 quốc gia của một cây vĩ cầm quý giá. Điều trớ trêu là cây đàn này lọt vào tay ai, thì cuộc đời người sở hữu cũng thăng trầm như chính bản thân nó.
Âm nhạc trong phim quả là những tuyệt tác. Có khi nhẹ nhàng, yếu đuối và cô đơn của cậu bé ở cô nhi viện. Có khi đam mê, dục vọng của anh chàng Kaspar Weiss. Có khi dịu dàng, đôn hậu của người phụ nữ Trung Hoa,… Tất cả những tác phẩm đó đều do John Carigliano soạn và được trình bày bởi tay đàn tài ba Joshua Bell.
Hòa vào dàn đồng ca, cây “Vĩ cầm đỏ” như tình yêu giữa các thang bậc tình cảm, tạo nên giai điệu riêng biệt bởi sự sắc sảo và thanh tú. Khi đứng một mình đó là bức tranh bốn mùa: đỉnh núi trắng xóa của mùa đông, những con gió vi vu làm nên mùa thu, nền trời xanh ngắt gợi nhớ mùa xuân và tiếng chim chào nắng mới âm hưởng mùa hạ. Bản chất của tình yêu thuở ban đầu là tự nhiên nên hoàn mỹ, con người từ đó mới đắp thêm cốt cách của mình.
Related image
Khi việc khảo sát của Morritz làm hé lộ bí mật sững sờ và lý thú của cây “Vĩ cầm đỏ”, ông – và chỉ có ông – hiểu ra cái giá trị đích thực của cây đàn, một giá trị mà không tiền bạc nào trên thế giới này có thể mua được. Sứ mệnh của “Vĩ cầm đỏ” được ấn định ngay từ khi nó ra đời: nó chỉ dành để truyền từ đời cha sang đời con như là một biểu tượng vĩnh hằng của tình yêu, của mối ràng buộc khắng khít giữa cuộc sống và nghệ thuật…
Bản thân bộ phim đã là bản tổng phổ thật tuyệt vời về nỗi đam mê, tình yêu và khát vọng. Các bản nhạc trong phim thật hoàn hảo đã cống hiến cho người xem một bữa tiệc thật thịnh soạn về âm nhạc.
“The Red Violin” đã được chiếu ra mắt tại LHP Ở Venice – trở thành phim Canada đầu tiên có được vinh dự này. Bộ phim đã giành được khá nhiều giải thưởng tại các LHP quốc tế. Gần 2/3 phim sử dụng các ngôn ngữ không phải tiếng Anh (Ý, Pháp, Áo, Trung Quốc…) do đó The Red Violin được thị trường Mỹ phân loại là phim nước ngoài. Bộ phim công chiếu rộng rãi ngày 11/06/1999.
Với kinh phí sản xuất 10 triệu USD, chỉ riêng ở thị trường Mỹ, The Red Violin đã thu hồi vốn. The Red Violin không chỉ là một bộ phim về âm nhạc, nó là một bài ca về tình yêu và sự bất tử thông qua nghệ thuật, cái đẹp và sự tuyệt vời của những tác phẩm do bàn tay và khối óc con người tạo ra. Đó là cuộc sống vĩnh cửu mà nghệ thuật có thể mang lại cho con người.
Bình Khanh (tổng hợp)