Trịnh Công Sơn đã sống đã yêu hết mình…

0
326

Sau cái chết của hai người bạn thân: giáo sư Hoàng Thiệu Khang và nhà lý luận mỹ học Thái Bá Vân, Sơn như suy sụp hẳn. Mỗi lần nhắc đến tên hai người, một nỗi xót xa như cứ lặn vào đuôi mắt.

Một cuộc đời vốn phiêu lãng từ bé, Sơn đã để lại sau lưng mình gót chân của tài hoa. Quê ở Huế nhưng sinh ở Đắk Lắk, Sơn ngao du trong cuộc đời này, gánh nỗi buồn thân thế từ những Tuổi đá buồn, Diễm xưa, Cho một người nằm xuống, Phôi pha

Từ những năm 70, trong vòng những thành phố đi đâu cũng đầy vết chân ngoại bang, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Quy Nhơn, ông về dạy ở B’lao, Lâm Đồng. Và nghiệp cầm ca bắt đầu từ đấy. Và hàng trăm ca khúc của ông ra đời chiếm một vị trí đáng kể trong tâm tư mọi người.

Trịnh Công Sơn có một mạch đi riêng, một cách cấu tứ riêng, một giai điệu riêng và một tâm hồn lãng đãng cũng rất riêng. Mới nghe có thể có nhiều người không hiểu, nhưng càng nghe lâu càng thấy thấm. Và giọng hát Khánh Ly của một thời đã gây ấn tượng mạnh mẽ về những tác phẩm của Sơn.

Từ những ngày chiến tranh, Trịnh Công Sơn đã nối mạch đi của mình với mọi người trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”. Và bây giờ cứ mỗi lần hát Nối vòng tay lớn, người ta lại nhớ đến những tháng ngày khắc nghiệt và hào hùng đó. Có lẽ ít nhạc sĩ nào lại để lại một ấn tượng sâu như thế, đậm như thế trong tấm lòng những người Việt xa xứ, cũng như những người hàng ngày vẫn đến quanh anh.

Ngôi nhà riêng ở phố Duy Tân (Phạm Ngọc Thạch hiện nay) ở thành phố, cũng như gian nhà xưa kia ở Nguyễn Trường Tộ thành phố Huế, vẫn có một vị men hấp dẫn nhiều người. Thành phố Huế có thể tự hào, rất tự hào vì người con trai của mình. Nhiều bài ca nổi tiếng đã ra đời từ đây.

Trong những ngày cuối của chiến tranh, những giai điệu Trịnh Công Sơn loáng thoáng được nghe đâu đó quanh Hà Nội, Hải Phòng, vẫn bị xem như một món ăn cấm, nhưng nhiều người đều tò mò và thú vị trước món ăn lạ miệng. Phải đến hai năm sau giải phóng, anh mới có dịp bước chân ra Hà Nội. Và kỷ niệm của Hà Nội cũng đã để lại trong anh những ấn tượng ngọt ngào.

 “… Hà Nội mùa thu/Cây cơm nguội vàng/Cây bàng lá đỏ/… Mùi hoa sữa về/Thơm từng cơn gió” – bài hát viết ở khách sạn Đồng Lợi đường Nam Bộ có một hương vị quyến rũ, nhẹ nhàng, thanh thoát.

Về Hà Nội, Trần Tiến dẫn Trịnh Công Sơn đến tôi và mấy đứa rủ nhau đến nhà Văn Cao. Mấy chén rượu nhạt tao ngộ làm Sơn rất cảm động. Nghe tin nhau từ lâu, bây giờ mới biết mặt, nỗi vui của những người đồng nghiệp biết quý trọng tài năng của nhau là một trong những nhân tố kích thích Sơn những chặng đường sau này với: Chiều trên quê hương tôi, Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, Em còn nhớ hay em đã quên

Mỗi ca khúc của Trịnh Công Sơn có một đời sống riêng và vô số đời sống muôn màu ấy đã tạo thành một Trịnh Công Sơn khoan hòa, hồn hậu, sâu sắc mà dáng dấp vẫn có vẻ tiên phong đạo cốt. Trong các tác giả viết ca khúc của Việt Nam, Trịnh Công Sơn là người duy nhất được giải thưởng Đĩa vàng ở Nhật Bản năm 1972 với số lượng phát hành trên hai triệu đĩa. Và hàng loạt tuyển tập xuất bản: Tuổi đá buồn, Khói trời mênh mông, Ca khúc da vàng, Kinh Việt Nam, Một cõi đi về, Huyền thoại mẹ, Em còn nhớ hay em đã quên, Những bài ca không năm tháng đã đưa Trịnh Công Sơn lên vị trí của những người tên tuổi có trọng lượng vào bậc nhất.

Điều đó không phải dễ với một nghệ sĩ. Và cũng hàng loạt băng nhạc, đĩa tiếng, đĩa hình, cũng như đêm diễn của Trịnh Công Sơn với những gương mặt nổi đình đám của giới ca sĩ Việt Nam đã tạo cho anh một ấn tượng khó lòng phai mờ. Giới trẻ yêu anh, giới lớn tuổi cũng kính trọng anh, và cả các em bé vẫn ngày ngày hát những câu hát quen của Trịnh Công Sơn với một lòng mến mộ sâu sắc.

Cái may mắn nhất của Trịnh Công Sơn là đã tạo được một ấn tượng về nhân cách, về tâm hồn, về trình độ đối với mọi người quanh anh, đặc biệt đối với các em trong gia đình. Một gia đình Huế, vẫn giữ được những tập tục đáng quý của một nề nếp xưa, biết kính trọng, biết yêu thương và biết giúp đỡ. Hầu như các em út, từ em trai em gái, em dâu, em rể đều bao bọc quanh Trịnh Công Sơn một tấm lòng vị tha. Mọi người đều biết quý người anh nghệ sĩ của mình và đều biết bảo vệ, nâng niu, chăm sóc cho Sơn.

Công lao của các em không nhỏ trong việc đào tạo, gìn giữ một tài năng, điều đó không mấy người có. Những may mắn cuối đời của Sơn về nghệ thuật, về uy tín, về lòng kính trọng, kể cả về vật chất vẫn không đủ làm anh vui hơn trong cuộc đời, và những lần nói với chúng tôi Sơn vẫn tỏ ra không những rất yêu các em mà còn rất biết ơn. Em trai của Sơn là Tịnh, Hà… em gái Tâm, Vĩnh Trinh… cũng như các em khác đã bôn ba nhiều nơi để lo bảo đảm cho ông anh mình một cuộc sống sung túc, khỏi lo lắng đến miếng cơm manh áo của đời thường.

Sơn đã sống hết mình, đã yêu hết mình, nhưng nỗi buồn của thân phận vẫn đè nặng lên anh. Nỗi buồn của nghệ sĩ muôn đời vẫn là vậy

(Trích sách Chân trời gọi nắng – di cảo của nhạc sĩ Hồng Đăng, NXB Hội Nhà văn, 2023).

H.Đ (HNS)