Câu chuyện nhỏ qua tấm ảnh chụp Văn Cao và Trịnh Công Sơn

0
319
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhạc sĩ Văn Cao tại Đại hội III Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ngày 22/10/1983 (Ảnh Hoàng Kim Đáng)

Tôi chụp tấm ảnh Văn Cao và Trịnh Công Sơn này đã gần 40 năm tại tiền sảnh Nhà hát Lớn Hà Nội, trước giờ khai mạc Đại hội Toàn quốc lần thứ III Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ngày 22/10/1983.

Đây là thời điểm cuối thu và đầu mùa đông Hà Nội. Không khí giao mùa trời chuyển khá bất thường. Hai người đến dự Đại hội vẫn chưa kịp mặc áo ấm. Ông Văn Cao chỉ tay ra hiệu và giới thiệu: “Đây là nhạc sĩ nổi tiếng Trịnh Công Sơn vừa từ Huế ra” và “Người chụp ảnh chúng ta là Hoàng Kim Đáng, nghệ sĩ nhiếp ảnh. Vừa viết báo, vừa chụp ảnh, hiện là phóng viên của Tuần báo Văn nghệ – Hội Nhà văn Việt Nam”.

Trịnh nhạc sĩ thoáng mỉm cười và bắt tay tôi, giọng nhỏ nhẹ: “Tôi đã có biết quý danh, xin hân hạnh được hội ngộ”. Nói rồi, Trịnh nhạc sĩ rút cây viết ghi vào cuốn sổ lưu niệm các Đại hội Văn Nghệ của tôi: “Nhân Đại hội Âm nhạc III, gặp anh Hoàng Kim Đáng – tháng 10/1983 – run tay quá! (vì Hà Nội trời trở rét – TG), ký tên: Trịnh Công Sơn”.

Thú thật, cái tên Trịnh Công Sơn nhạc sĩ tôi đã nghe nhiều lần trên làn sóng các buổi phát thanh của đài Sài Gòn qua giọng hát của Thái Thanh; đặc biệt là giọng ca của Khánh Ly và những giai thoại thiên tình sử giữa Trịnh nhạc sĩ với một số ca sĩ, mỹ nhân. Hình như khoảng trời phía Nam thời ấy, nếu đã có Trịnh Công Sơn, tất phải sinh ra Khánh Ly để chuyên hát những ca từ của chàng nhạc sĩ đa tài và đa tình ấy.

Nhưng lạ thật, sống dưới chính thể bù nhìn ấy nhưng “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, tuyệt nhiên trong tác phẩm của anh vẫn trong sáng, không bị pha một chút “tâm lý chiến”. Anh còn viết hàng loạt ca khúc tuyên truyền khêu gợi tình yêu quê hương đất nước, hãy đứng lên phản chiến, trở về với quê hương xứ sở.

Đặc biệt, bài Ru em viết một bà mẹ khóc thương về cái chết của người con trai mình đi lính cho Việt Nam Cộng hòa. Ca khúc này đạt giải Vàng, được phát hành và bán tới hơn hai triệu bản tại Nhật Bản thời ấy.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi lại thấy anh viết cả bút ký, tùy bút in trên Tuần báo Văn nghệ, rồi lại làm thơ, vẽ tranh… Đúng là Trịnh nhạc sĩ đa tài thật. Rồi lại một hồi rộ lên chuyện Trịnh Công Sơn “vượt biên”(!). Đó là lời những kẻ xấu tung tin đồn nhảm và cũng chẳng thấy ở anh một lời thanh minh, giải thích nào mà chỉ thấy Trịnh nhạc sĩ xuất hiện trong các cuộc giao tiếp, trò chuyện với các danh sĩ Bắc Hà ở mọi lĩnh vực: cầm, kỳ, thi, họa…như Nguyễn Tuân, Văn Cao, Bùi Xuân Phái… cùng hai nghệ sĩ trẻ đa tài như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha.

Sáng hôm ấy, hai con người xuất hiện trước ống kính, một Nam, một Bắc gần như huyền thoại ấy còn mãi với thời gian, với đất nước và dân tộc, đó là Văn Cao và Trịnh Công Sơn. Bên cạnh Trịnh Công Sơn, một nhân vật đã được đề cập trong bài viết là Văn Cao, một nghệ sĩ lớn trên nhiều lĩnh vực: thơ ca, hội họa, âm nhạc… Người đã sáng tác bài Tiến quân ca được Bác Hồ và Quốc hội tuyển chọn là Quốc ca chính thức của đất nước Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đến nay và sẽ còn mãi đến mai sau.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người con của quê hương xứ Huế lần đầu tiên được gặp, tôi chỉ thấy ở anh toát ra một sự bình dị, có đôi mắt sáng lan tỏa từ một con người có tâm hồn sâu thẳm. Nhưng từ con người bình dị cụ thể ấy đã sáng tạo ra một gia tài tác phẩm đồ sộ với hơn 600 ca khúc để đưa anh trở thành một nghệ sĩ lớn, một thiên tài âm nhạc: Trịnh Công Sơn.

Đất nước trong thời kỳ mở cửa, đổi mới tư duy, rất có điều kiện cho nhiều dòng nhạc, trường phái âm nhạc kích động, bốc lửa như nhạc pop, nhạc rock tràn vào nghiêng ngả và có xu hướng tưởng như chiếm lĩnh được toàn bộ tâm hồn trẻ Việt Nam, nhưng hóa ra không phải thế! Nó chỉ hợp với “tạng chất” của từng người, một số lượng người nào đó. Nhạc tiền chiến vẫn giữ nguyên vị trí là nhạc tiền chiến. Nhạc Cách mạng (họ thường gọi là “nhạc đỏ”) vẫn đứng vững với tư thế của nhạc Cách mạng.

Đặc biệt là nhạc Trịnh Công Sơn nó thẩm thấu, êm dịu, lan tỏa đến từng gia đình (từ người dân đô thành Sài Gòn đến bưng biền Đồng Tháp, trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng) cho đến ngày nay, nhạc Trịnh Công Sơn vẫn là tiếng nói trái tim Nối vòng tay lớn từ Mục Nam quan cho đến Mũi Cà Mau.

Trong tương lai, nhạc Trịnh Công Sơn sẽ cất cánh bay vòng quanh trái đất, bởi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một trong sáu nhạc sĩ được tôn vinh, được trao giải lớn vì đã có nhiều cống hiến trong lĩnh vực âm nhạc cho hòa bình thế giới. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng là người Việt Nam đầu tiên và rất xứng đáng được trao Giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới (World Peace Music Awards) 2004.

“Hai con người xuất hiện trước ống kính, một Nam, một Bắc gần như huyền thoại còn mãi với thời gian, với đất nước và dân tộc. Đó là Văn Cao – một nghệ sĩ lớn trên nhiều lĩnh vực: thơ ca, hội họa, âm nhạc… Người đã sáng tác bài Tiến quân ca được Bác Hồ và Quốc hội tuyển chọn là Quốc ca và và Trịnh Công Sơn – chàng nhạc sĩ đa tài và đa tình.

Đại hội Toàn quốc lần thứ III Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm ấy diễn ra thành công tạo tiền đề cho một nhiệm kỳ “cải tổ”

Đại hội bầu Ban chấp hành: 29/243, tỉ lệ 1/8 hội viên. Tổng thư ký là nhạc sĩ Huy Du. Hội được bổ sung thêm đội ngũ Hội Văn nghệ giải phóng.

Nhiệm kỳ “cải tổ”: thời mở cửa chuyển đổi cơ chế quản lý dẫn đến nhiều thay đổi về tổ chức và hoạt động của Hội. Giai đoạn “xiết chặt hàng ngũ” đoàn kết bảo vệ hỗ trợ nhau, khẳng định “Hội là một tổ chức xã hội nghề nghiệp” trong đó nhấn mạnh tính chất xã hội. Nhiều đêm tác giả được tổ chức: Văn Cao, Đỗ Nhuận, Huy Du, Đoàn Chuẩn; đặc biệt có đêm nhạc tác giả trẻ: 60 romances Đặng Hữu Phúc (1986) và nghệ sĩ cao niên: đêm nhạc độc tấu của Thái Thị Liên (1988). Về đối ngoại, lần đầu tiên âm nhạc giao hưởng Việt Nam được giới thiệu trọn vẹn ở nước ngoài: đêm khí nhạc tại Novosibirk 1987.

Đây là nhiệm kỳ của âm nhạc nhập cuộc với những trăn trở, tìm tòi, vấp váp, ngộ nhận. Trước đây đồng nhất một kiểu tư duy nghệ thuật coi âm nhạc chỉ là vũ khí tuyên truyền, hô hào động viên. Đã tới lúc quan niệm âm nhạc thiên về ngợi ca đã trở thành công thức giáo điều không thể chấp nhận được. Âm nhạc còn bày tỏ nỗi cô đơn, cái Tôi và có chức năng phê phán. Chương trình Trần trụi 87 của nhạc sĩ Trần Tiến trở thành hiện tượng trong đời sống âm nhạc (Theo Hội Nhạc sĩ Việt Nam).

(HNS)