ĐIỀU KHOẢN VỀ ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP

0
599

Trong lĩnh vực biểu diễn, nhằm đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan, người ta cũng sử dụng hình thức hợp đồng giống như hoạt động kinh tế. Theo đó, hợp đồng có các điều khoản quy định quyền, trách nhiệm của đơn vị tổ chức, đoàn thể, cá nhân tham gia… trong đó có cả điều khoản liên quan đến đạo đức. Chẳng hạn, Điều 5, khoản 4 Hợp đồng biểu diễn của Nhà hát Quốc nhạc Đài Loan, Trung tâm Nghệ thuật Truyền thống Quốc lập năm 2017 quy định: “Trong thời gian diễn ra Chương trình biểu diễn và Dự án kết thúc được một năm, bên B phải duy trì hình ảnh xã hội đúng đắn, lành mạnh, nếu có thông tin tiêu cực qua điều tra thấy đúng là sự thật phải chịu trách nhiệm bồi thường tiền vi phạm hợp đồng thù lao biểu diễn đối với Chương trình biểu diễn này”.

Người tham gia biểu diễn thường quan tâm đến mức thù lao, phương thức thanh toán, giá trị sản phẩm… nói chung là quyền và lợi, chứ ít khi để ý đến trách nhiệm và nghĩa vụ đi kèm. Thông qua nội dung hợp đồng trên cho thấy, phạm vi và tính chất của nó vượt khỏi không gian, thời gian của buổi biểu diễn thuần túy. Về phạm vi (không gian), người tham gia dù ở quốc gia khác bên ngoài lãnh thổ đơn vị tổ chức sự kiện vẫn phải có trách nhiệm thực hiện cam kết đã ghi trong hợp đồng. Về thời gian, sau khi sự kiện kết thúc, hợp đồng ấy vẫn còn hiệu lực ràng buộc trách nhiệm của người tham gia thêm một năm nữa.

Như trên đã đề cập, khi ký được hợp đồng, chúng ta thường quan tâm đến quyền lợi của mình mà lơ là đến nghĩa vụ, trách nhiệm đi kèm, thậm chí trong trường hợp trên, không ít người cười thầm trong bụng, nghĩ bên A “bao đồng”, “lo bò trắng răng”. Vì, sau khi sự kiện kết thúc, chúng ta đã bỏ tiền vào túi và “cao chạy xa bay”. Về nước, dù có làm sao thì mắc mớ gì đến họ! Nghe có vẻ hợp tình (huống), nhưng không hề hợp lý. Bởi điều khoản về đạo đức thể hiện bằng giấy trắng mực đen vẫn duy trì hiệu lực trên hợp đồng, bất kể chúng ta có nhận thức được hay không? Ví dụ sự vụ liên quan đến nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, gần hơn có ca sĩ Thanh Bùi chẳng hạn. Ở đây không cố đi vào giải thích nguyên nhân sự vụ mà chỉ nói về ảnh hưởng của nó trong phạm vi đạo đức. Hãy thử đặt mình vào vị trí nhà tổ chức, nhà sản xuất, nhà tài trợ… có sự tham gia của hai nhạc sĩ, ca sĩ này! Dù đương sự là nạn nhân hay nguyên nhân thì họ đã gặp phải rủi ro. Như chúng ta biết, đằng sau mỗi sự kiện văn hóa luôn có sự hiện diện của những người trả tiền cho nó, như: nhà tài trợ, nhà thầu, nhà tổ chức hay Mạnh Thường Quân… Và để làm nên hay dựng lên một tên tuổi, thậm chí một tượng đài hãy nhìn xuống bệ đỡ của nó xem cấu trúc nội tại. Cấu trúc này mới thực sự làm nên tính ổn định của kết cấu sản phẩm. Khi hành động, chúng ta dễ dàng xuất phát từ động cơ cá nhân, nhưng nếu hậu quả xảy ra, chắc chắn ảnh hưởng tới rất nhiều người, thậm chí có những người tưởng chừng như không liên quan. Lấy ví dụ về một vụ tai nạn giao thông. Người liên quan không chỉ có người nhà, người thân, đồng nghiệp, bác sĩ, hộ sĩ … mà còn có cả những cá nhân tình cờ chứng kiến sự cố xảy ra. Họ có thể là người bán vé số hay sửa xe ven đường đưa tay giúp đỡ nạn nhân, gọi xe đưa đi cấp cứu…

Cá nhân hóa lợi ích và xã hội hóa rủi ro từ lâu đã trở thành quy luật phổ biến trong xã hội. Nó khoét sâu vào vốn xã hội, tiềm ẩn nhiều bất công. Bởi lợi ích xã hội thường bị một số người hưởng, trong đó có tên tuổi, danh hiệu, thương hiệu cá nhân, nhưng khi rủi ro xảy ra, rất nhiều người phải gánh chịu hậu quả, trong đó có nhà tài trợ, nhà tổ chức, nhà thầu, nhà đài, nhà phát hành băng đĩa… Nói như người xưa, đằng sau sự thành công của một người luôn có rất nhiều người. Nhìn ở khía cạnh đạo đức quả như vậy, đồng thời nhìn ở khía cạnh bản chất càng rõ hơn. Giả sử chúng ta đặt mình giữa sa mạc sẽ cảm nhận được mức độ cần thiết của những người đứng đằng sau, kể cả người không còn hiện hữu trên cõi đời này. Câu nói trên nhắc nhở con người về lòng biết ơn mà thực chất phản ánh một sự thực. Lấy ví dụ về âm bồi, một hiện tượng vật lý trong âm thanh nói chung và âm nhạc nói riêng. Theo đó, một âm thanh luôn được tạo bởi một chuỗi âm thanh, tùy thuộc vào cấu trúc này mà làm nên tính chất của một âm thanh, hiểu là âm cơ bản được cơ quan thính giác tiếp nhận. Tiếng đàn, tiếng hát, tiếng chim hót sớm mai, tiếng ve kêu mùa hè… tất cả đều tuân theo quy luật đó. Sự khác biệt của mỗi âm thanh đều tùy thuộc vào cấu trúc hàng bồi âm. Hiểu một cách cụ thể, nhờ sự hỗ trợ, bồi thêm các âm “dấu mặt” mà âm cơ bản thể hiện được tính chất của mình. Như vậy, một âm thanh đẹp là bởi có nhiều bồi âm hỗ trợ,  vì cơ quan thính giác của con người chỉ nghe thấy một âm cơ bản, nên nghiễm nhiên quy công trạng về âm này. Lý lẽ phổ biến đó đi ra từ tự nhiên vào trong xã hội. Nó khiến cho một người phải nhờ sự trợ giúp của nhiều người nhằm làm nên thành quả của mình, ngược lại, hậu quả của một người cũng ảnh hưởng đến nhiều người, như các vụ việc xảy ra trong mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó có nghệ thuật.

Cách đây hơn 2000 năm, Khổng Tử tiếp xúc nhạc Thiều từng đánh giá bằng câu “tận thiện tận mỹ”. “Tận mỹ” nhằm đánh giá đối tượng dưới góc độ thẩm mỹ, còn “tận thiện” rõ ràng phản ánh thuộc tính đạo đức của nó. Vốn là ông tổ của Nho giáo, người chủ trương tư tưởng “lễ nhạc trị quốc” như Khổng Tử, rõ ràng ngài không thể không suy xét đến công năng, tính chất giáo hóa về mặt đạo đức của âm nhạc. Đến thế kỷ XVIII, người được mệnh danh bậc thánh nhạc là Lutvich van Beethoven cũng đề cao giá trị đạo hạnh như một chuẩn mực tối thượng đối với con người. Thế kỷ XIX, nhà soạn nhạc người Đức Robert Alexander Schumann tiếp tục đặt ra “68 điều huấn giới âm nhạc”, đồng thời nhấn mạnh “nghệ thuật tối cao thống nhất với đạo đức”.[1] Còn theo cách phân định của nhà triết học hiện đại người Pháp Pierre Boudier thế kỷ XX, vốn liếng của con người nói chung có bốn loại, gồm: kinh tế, văn hóa, xã hội và biểu trưng. Cả bốn loại vốn này có thể tăng trưởng rất nhanh đối với những người vừa có tiềm lực kinh tế, tri thức văn hóa, vừa có tài sản xã hội (mạng lưới quan hệ), biểu trưng (nổi tiếng). Song, vốn liếng ấy cũng dễ dàng sụt giảm nhanh chóng bởi hậu quả của những hành vi suy đồi, thiếu đạo đức. Con người sống trong thế gian tương đối, bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào cũng tồn tại tính hai mặt của nó mà một mặt chịu sự quy phạm, định giá về chuẩn mực đạo đức. Do ảo tưởng về tài năng, có người nhất thời không tuân thủ mệnh lệnh đạo đức, kết quả là khi tài sản quan trọng này bị thâm hụt, các loại vốn khác, như kinh tế, văn hóa, xã hội, biểu trưng đều ảnh hưởng nghiêm trọng. Đạo đức dù có được cụ thể hóa bằng điều khoản ghi trong bản hợp đồng hay không thì từ môi trường xã hội đến văn hóa đều có những quy phạm ràng buộc con người vào khế ước chung.

L.H.Đ (HNS)

[1] Tanabe Hisao: “Lịch sử âm nhạc Trung Quốc”, bản dịch Hoa văn của Trần Thanh Tuyền, Thương vụ Ấn thư quán phát hành, Thượng Hải năm 1937, tr 83.