Nghệ sĩ cello Hoài Xuân: Không làm nghệ thuật vì tham vọng

0
1015
Hoài Xuân với cây đàn Cello

Hoài Xuân với tiếng đàn cello trầm ấm, gương mặt xinh đẹp và phong cách biểu diễn cuốn hút đầy đam mê đã thổi một luồng không khí mới vào cello (trung hồ cầm) – vốn trước nay còn khá xa cách với công chúng.

Hoài Xuân là một trong số ít nghệ sĩ cello Việt Nam có sự đầu tư rất lớn cho âm nhạc. Các tác phẩm của Hoài Xuân như: MV “Hướng về Hà Nội”, Album “Khúc Phiêu du một đời” với các tác phẩm nhạc Trịnh, MV “Sóng về đâu”… đã khiến cho cello trở nên gần gũi hơn, dễ đi vào lòng người hơn.

Bẵng đi gần một năm không thấy cô lên sân khấu tại các sự kiện âm nhạc cổ điển trong nước mà lại nghe phong phanh rằng Xuân đi tu nghiệp Tiến sĩ biểu diễn cello ở Romania. Một ngày đầu Thu Hà Nội, tôi tình cờ gặp lại Hoài Xuân khi cô tham gia biểu diễn ở một sự kiện âm nhạc, lại được nghe tiếng đàn cello trầm ấm, êm ái này.

Câu chuyện bên ly cà phê với Xuân khiến tôi hiểu thêm về nỗi lòng của người nghệ sĩ với niềm đam mê bất tận dành cho âm nhạc, người không làm nghệ thuật vì tham vọng, người mong muốn đến cháy bỏng là mang cello đến được nhiều hơn với công chúng tại Việt Nam.

Chào Hoài Xuân, lâu lâu thấy bạn vắng bóng tại các cuộc biểu diễn lớn trong nước, bạn “mất tích” lâu thế?

Hoài Xuân không “mất tích” mà đi học về cello 4 năm tại Romania. Hiện Xuân đã học xong năm thứ nhất. Trong năm học, thỉnh thoảng Hoài Xuân vẫn về Việt Nam tham gia biểu diễn.

Sự nghiệp đang “lên” thì đột nhiên bạn “gác lại” để đi tu nghiệp. Điều gì khiến Xuân có quyết định dũng cảm và cũng khiến khán giả bất ngờ này?

Hoài Xuân nghĩ rằng, đi tu nghiệp đâu có nghĩa là dừng lại sự nghiệp biểu diễn, mà ngược lại, liên tục học tập là cách Xuân thấy vô cùng quan trọng và cần thiết đối với người nghệ sĩ. Sự nghiệp âm nhạc đòi hỏi luôn luôn rèn luyện và trau dồi không ngừng nghỉ. Mình muốn tập trung thời gian học tập này để trao dồi thêm kiến thức cho bản thân. Từ cách học, cách nghe, quan sát và rèn luyện hằng ngày.

Hoài Xuân hy vọng sau này lại có thể sáng tạo và cho ra đời những sản phẩm chất lượng hơn, có chiều sâu hơn và đến được với trái tim khán giả hơn nữa.

Việc học có làm ảnh hưởng đến việc tham gia các show diễn của bạn?

Công việc của Hoài Xuân là nghiên cứu và biểu diễn. Vì thế, Hoài Xuân luôn luôn rèn luyện và biến việc biểu diễn tương đồng với đề tài nghiên cứu mà mình đang theo đuổi.

Ngoài ra, Hoài Xuân có nhiều cơ hội biểu diễn giao lưu với các bạn trong trường, cũng như những buổi biểu diễn tại Đại sứ quán Việt Nam tại Romania để giao lưu quảng bá về âm nhạc, văn hoá và con người Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, mình luôn chọn thời điểm phù hợp để về nước biểu diễn. Hoài Xuân cảm thấy may mắn vì luôn được sống cùng đam mê và từng bước từng bước trưởng thành, hoàn thiện mình hơn.

Hoài Xuân (ngoài cùng bên phải), ông Trần Thành Công, Đại sứ Việt Nam tại Romania (ngoài cùng bên trái) cùng đoàn nghệ sĩ Việt Nam trong chương trình Xuân Yêu Thương 2016, do Đại sứ quán Việt Nam tại Romania tổ chức. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Tại sao Hoài Xuân lại chọn Romania để tu nghiệp mà không phải là một quốc gia Tây Âu? Bạn cảm nhận thế nào về đất nước và con người nơi đây?

Được “chạm” đến nền âm nhạc cổ điển tại Đông Âu là điều quá tuyệt vời. Được rèn luyện và học hỏi từ nền âm nhạc này cũng là mơ ước của không ít nghệ sĩ trong đó có Hoài Xuân.

Romania là một đất nước xinh đẹp, hiền hoà… và âm nhạc cổ điển cũng vô cùng phát triển. Ngoài ra, đến Romania để học tập cũng là một cơ duyên với Hoài Xuân và mình trân trọng điều đó.

Bạn có gặp khó khăn gì trong việc hòa nhập với cộng đồng người Việt ở Romania?

Thực tình, mình dành hầu hết quỹ thời gian cho nghiên cứu và tập luyện. Nhưng Xuân luôn trân trọng những cơ hội được gặp gỡ và biểu diễn trước cộng đồng người Việt tại Romania.

Mỗi lần như thế, Xuân cảm nhận được hơi ấm của người Việt nơi xa xứ, tình thương trìu mến mà mọi người quan tâm và dành cho nhau, thật sự ấm áp vô cùng.

Hoài Xuân sinh ra tại Quảng Bình, học nhạc tại Huế từ năm 8 tuổi, sau đó học tại Học viện Âm nhạc quốc gia và hiện học để lấy bằng Tiến sĩ biểu diễn về cello. Có vẻ như Xuân sinh ra là để làm âm nhạc, để “kết duyên” với cây đàn cello?

Đến với cây đàn violoncello (cello) thực sự là cơ duyên và là điều may mắn nhất đối với Hoài Xuân.

Hồi nhỏ, khi ngắm cây đàn và nghe âm thanh trầm ấm phát ra từ nó, Hoài Xuân đã bị mê hoặc và “yêu” luôn cello từ đó.

Đến bây giờ, trải qua 20 năm, Xuân vẫn luôn thấy lựa chọn cello là quyết định đúng đắn nhất trong sự nghiệp âm nhạc của mình.

20 năm theo đuổi cello vốn là một nhạc cụ thuộc bộ dây trong dàn nhạc giao hưởng, hay được sử dụng để “chơi” những bản nhạc cổ điển, “bác học”, kén công chúng, Hoài Xuân gặp những khó khăn gì? Có khi nào bạn thấy nản với nghề?

Nói về khó khăn thì nhiều lắm, không thể kể hết được, nhưng quan trọng là niềm đam mê đã thôi thúc Xuân bước không ngừng nghỉ. Điều đó khiến cho đường đi của mình có phần nhẹ nhõm hơn.

20 năm qua với những nỗ lực, khổ luyện, chưa khi nào Hoài Xuân hết đam mê với cello. Tình yêu ấy đã ngấm vào huyết quản của Xuân rồi.

Hoài Xuân cũng rất vui và có thêm động lực với nghề hơn khi âm nhạc cổ điển đang ngày càng được nhiều người biết đến, được trân trọng, được lắng nghe, được đầu tư và ngày càng có nhiều tài năng hơn. Mình luôn tin rằng âm nhạc cổ điển không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta.

Nghệ sĩ Cello Hoài Xuân. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Với MV “Hướng về Hà Nội”, Album “Khúc Phiêu du một đời” với các tác phẩm nhạc Trịnh, MV “Sóng về đâu”, Hoài Xuân được biết đến là một trong số rất ít các nghệ sĩ cello Việt Nam đầu tư lớn cho âm nhạc, “làm mới” nhạc Việt và đã tạo được tiếng vang trong nghề. Động lực nào khiến Hoài Xuân làm điều này, có phải vì bạn quá tham vọng?

Cảm ơn bạn đã dành lời khen cho Hoài Xuân.

Cần khẳng định rằng, Hoài Xuân không làm nghệ thuật vì tham vọng. Còn động lực nào ư? Chỉ có một điều duy nhất khiến mình dành hết tâm huyết vào các sản phẩm của mình đó là niềm đam mê âm nhạc, tình yêu với cello và sự lao động nghiêm túc trong mỗi sản phẩm âm nhạc mình cho ra đời mà thôi.

Cello ở Việt Nam cũng không nhiều người biết, vậy mà bạn lại chọn nghiệp này, lại còn “học cao” thế. Một cách chân thành, bạn có “toan tính” gì cho sự nghiệp của mình?

Hoài Xuân làm nghệ thuật là vì đam mê, mình chưa khi nào có “toan tính” gì. Đơn giản là yêu cello quá. Âm thanh trầm ấm da diết truyền cảm đi được vào tận cõi lòng người nghe của cây đàn khiến Xuân không thể dứt ra được.

Dù khó khăn, dù chưa nhiều người biết đến loại nhạc cụ này nhưng Hoài Xuân vẫn có niềm tin mãnh liệt vào nó, tin vào con đường mình đã chọn và tin vào tương lai cello tại Việt Nam.

Với 20 năm trong nghề, Hoài Xuân có trăn trở, mong ước được đóng góp gì cho sự phát triển của cello tại Việt Nam?

Ước muốn lớn lao nhất của Hoài Xuân là được biểu diễn và phổ biến cello rộng rãi hơn nữa tại Việt Nam, khiến công chúng trong nước không chỉ coi nhạc cụ thuộc bộ dây này như được “đo ni đóng giày” với những bản nhạc cổ điển, “bác học” mà cello còn được biêt đến là một nhạc cụ với âm trầm ấm rất gần gũi với lòng người.

Từ việc phổ biến đó, hy vọng sẽ ngày càng có nhiều người yêu tiếng đàn cello hơn, theo học cello và xuất hiện nhiều nhân tài âm nhạc tại đất nước mình.

Cello cũng không chỉ là một nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng mà là một nhạc cụ có thể đứng solo (biểu diễn độc lập) với sự hỗ trợ của một vài nhạc cụ khác như guitar, piano…

Xuân quan niệm thế nào về sự nghiệp, tình yêu, cuộc sống?

Mọi thứ với Hoài Xuân rất đơn giản và nhẹ nhàng, nỗ lực học tập, rèn luyện bản thân và lắng nghe trái tim, nhưng “vạn sự tùy duyên” (cười).

Cảm ơn Hoài Xuân, chúc bạn khỏe và hiện thực hóa được ước mơ của mình!

Dương Liễu (baoquocte)