“Mái nhà chung” cho nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc

0
1011
Các nghệ sĩ biểu diễn cần được bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng trong hoạt động âm nhạc.

Hơn 2 năm thành lập, Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) đã nỗ lực để tạo nên “mái nhà chung” của nghệ sĩ biểu diễn, góp phần thực hiện các quyền liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, chỉ một số ít nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc biết, hiểu được vai trò của tổ chức này để tham gia và cùng bảo vệ quyền lợi, sự nghiệp cho chính mình.

Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn

Cách đây 2 năm, nước ta mới có hai tổ chức quản lý tập thể quyền liên quan đến âm nhạc là Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) – bảo vệ quyền lợi cho đơn vị sản xuất bản ghi âm, ghi hình ca nhạc. Còn nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc, từ ca sĩ, nhạc công đến người chỉ huy trên khắp cả nước là khoảng 30.000 người, hoạt động sôi động trong lĩnh vực giải trí, lại chưa có tổ chức đứng ra bảo vệ quyền lợi.

Vì thế, tình trạng vi phạm quyền lợi của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc diễn ra tràn lan. Nhiều ca sĩ, nghệ sĩ bị quỵt tiền công, bị “dùng chùa” bài hát, bản nhạc, bị sử dụng hình ảnh với mục đích kinh doanh không xin phép… Có thể kể ra là trường hợp ca sĩ Thái Thùy Linh. Cô đã rất bức xúc khi nhiều đơn vị sử dụng CD độc quyền của mình trên các website âm nhạc mà không xin phép hay trả tiền.

Ca sĩ Mỹ Tâm đã bỏ nhiều công sức để kiện một số tổ chức sử dụng giọng hát của mình với mục đích thương mại mà không trả thù lao.

Vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh còn bị một website tự tiện sử dụng hình ảnh để quảng cáo thuốc… Đây chỉ là một trong số ít nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc bị xâm phạm quyền lợi đã lên tiếng, còn đa số nghệ sĩ khác không có ai bảo vệ nên thường bỏ qua.

Nhìn rộng hơn, ở lĩnh vực nghệ thuật, trong khi các nghệ sĩ khác đều có hội nghề nghiệp như Hội Nhạc sĩ, Hội Mỹ thuật, Hội Nghệ sĩ Múa, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh… thì các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc lại thiếu một “mái nhà chung” để tụ hội, sinh hoạt nghề nghiệp. Lý giải về vấn đề này, NSND Thanh Hoa thẳng thắn: “Các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc có cá tính mạnh, sự tự tôn cao và chưa biết cách sẻ chia. Điều đó có thể khiến họ tự do hoạt động nhưng cũng hạn chế cơ hội tiến xa trong nghề và đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của âm nhạc”.

Sau nhiều năm vận động tích cực của các nghệ sĩ, ngày 1-12-2015, Bộ Nội vụ đã có Quyết định số 1813/QĐ-BNV thành lập Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc (APPA). Đây là tổ chức xã hội, nghề nghiệp tự nguyện, là đại diện tập thể bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam. Hội cũng đã tiến hành đại hội lần thứ nhất vào ngày 25-2-2016, bầu Ban Chấp hành gồm 25 thành viên, trong đó NSND Thanh Hoa là Chủ tịch.

Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đã tích cực tham gia như NSƯT Thanh Lam, NSƯT Việt Hoàn, NSƯT Bùi Công Duy, Đàm Vĩnh Hưng, Minh Quân, Tân Nhàn… Ca sĩ Minh Quân chia sẻ, trước đây mình chỉ biết lên sân khấu hát xong bài rồi nhận thù lao, không hay rằng còn được hưởng những quyền lợi khác sau đó. Vì vậy, sự ra đời của APPA đã góp phần hoàn thiện hệ thống bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trong hoạt động âm nhạc ở nước ta.

Tạo môi trường âm nhạc chuyên nghiệp

Sau hơn 2 năm ra đời, hiện APPA đã thu hút được hơn 700 hội viên, gồm nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc thuộc các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trên cả nước và nghệ sĩ tự do có hoạt động biểu diễn âm nhạc từ 5 năm trở lên. APPA có 4 trung tâm chính: Trung tâm Bảo vệ bản quyền và hình ảnh nghệ sĩ; Trung tâm Đào tạo kỹ năng mềm; Trung tâm Tổ chức sự kiện truyền thông; Trung tâm Tổ chức biểu diễn.

Theo NSND Thanh Hoa, chỉ một bộ phận nhỏ nghệ sĩ biểu diễn ở nước ta có thể tự tổ chức hoạt động và bảo vệ quyền lợi của mình, còn nhiều nghệ sĩ có tài năng nhưng chưa có điều kiện phát triển, đặc biệt là nghệ sĩ hoạt động tự do. Vì vậy, tham gia “mái nhà chung” này, họ sẽ được bồi dưỡng tài năng, bảo vệ quyền liên quan đến sở hữu trí tuệ, đồng thời được tôn vinh trong môi trường chuyên nghiệp…

Tuy nhiên, với hơn 30.000 nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc đang hoạt động trên cả nước, con số vài trăm nghệ sĩ tham gia Hội như hiện nay là khá ít ỏi. Theo luật sư Phạm Anh Tuấn (Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh), số lượng hội viên ít đồng nghĩa với số lượng nghệ sĩ ủy quyền bảo vệ ít, việc thu phí sử dụng tác phẩm âm nhạc từ đơn vị khai thác sẽ càng khó khăn hơn. Vì các đơn vị này chỉ muốn chi trả một lần cho đại diện hợp pháp của phần lớn các nghệ sĩ biểu diễn.

Nghệ sĩ Vũ Mạnh Linh, Phó Trưởng đoàn Ca múa nhạc, Nhà hát Tuổi trẻ cho rằng, việc chưa nhiều nghệ sĩ đăng ký hội viên là do họ chưa hiểu rõ về hoạt động Hội cũng như những lợi ích khi được đứng cùng một “mái nhà”. Vì vậy, APPA cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá thông qua những thành viên là những nghệ sĩ nổi tiếng.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng Ban Chấp hành Hội đang tích cực chuẩn bị cho hoạt động tri ân các nghệ sĩ lão thành. Theo NSND Thanh Hoa, đầu năm 2019, Hội sẽ tổ chức trao Kỷ niệm chương cho các nghệ sĩ có 30 năm cống hiến trong hoạt động biểu diễn âm nhạc. Bên cạnh đó, Hội đang chuẩn bị một chương trình nghệ thuật quy tụ những nghệ sĩ biểu diễn hàng đầu cả nước để quảng bá về APPA.

Có sự tham gia tích cực của các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc, chắc chắn APPA sẽ trở thành tổ chức nghề nghiệp bảo vệ tốt hơn cho hoạt động âm nhạc, tạo môi trường biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, lành mạnh ở nước ta.

An Nhi (hanoimoi)