“It’s A Man’s Man’s Man’s World”: Tiếng nói ‘nam quyền’ giữa làn sóng nữ quyền

0
1133
Đĩa đơn “It’s A Man’s Man’s Man’s World”

Thập niên 1960, giữa khoảng thời gian đỉnh cao của phong trào nữ quyền phương Tây, một “tiếng nói” nam quyền vang lên – lời phản bác của giới đàn ông những mong khẳng định vị thế của giới mình một cách khéo léo. Việt Nam có đến 2 ngày dành để tôn vinh phụ nữ, vì thế trong ngày Quốc tế đàn ông 19/11 tới đây, hãy cho cánh mày râu một cơ hội để nói lên “thế giới” của mình.

Trong 2 cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai, do sự thiếu nhân lực trầm trọng mà phụ nữ buộc phải “nhúng tay” vào những ngành nghề trước đây vốn chỉ dành cho nam giới như: chế tạo vũ khí, đạn dược và máy móc… Hệ quả là khi cuộc chiến đi qua, phụ nữ dần nhận thức được khả năng tự chủ của mình khi không còn phải phụ thuộc vào đàn ông ở bất kỳ công việc nào. Làn sóng nữ quyền bắt đầu quay trở lại, mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

It’s A Man’s Man’s Man’s World, tiếng nói khẳng định vị thế của cánh mày râu đã ra đời giữa bối cảnh đó.

Tuyên ngôn nam quyền viết bởi một phụ nữ

It’s A Man’s Man’s Man’s World là “đứa con” chung của “bố già dòng nhạc soul” James Brown và bạn gái cũ Betty Jean Newsome. Trong đó, James Brown viết nhạc còn Betty Newsome đảm nhận phần lời.

Quả không ngoa khi nói rằng It’s A Man’s Man’s Man’s World là một tuyên ngôn đầy khéo léo của phái mạnh, truyền tải thông điệp rõ ràng đến với phái đẹp đang hừng hực với “cuộc nổi dậy” của họ.

Bằng việc liệt kê hàng loạt phát minh như ô tô, tàu thủy, điện… hay việc làm vui cho trẻ em bằng cách tạo ra đồ chơi, bài hát nhấn mạnh vai trò của người đàn ông đối với thế giới, từ đó đưa đến khẳng định chắc nịch “This is a man’s, a man’s, a man’s world” (Đây là thế giới của đàn ông).

Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở đó, hẳn là ca khúc này sẽ bị phái nữ “ném đá” không thương tiếc. Nhưng có lẽ do được viết lời bởi một người phụ nữ mà It’s A Man’s Man’s Man’s World có thêm một câu rất “đắt”: “But it wouldn’t be nothing, nothing without a woman or a girl” (Nhưng sẽ không là gì nếu không có phụ nữ).

Kết hợp với lời khẳng định ở trên, câu hát khôn khéo đóng vai trò như lời “hòa giải” giữa 2 giới, vạch rõ vai trò không thể tách rời của mỗi giới đồng thời nâng cao giá trị người đàn ông lên mức cao thượng, thấu hiểu. Anh ta có thể tài năng đến mức “chinh phục” được cả thế giới, nhưng vẫn không thể thiếu một người phụ nữ bên cạnh.

Vô hình chung, câu hát này có phần “đá xoáy” một chút đến lối suy nghĩ độc lập, không cần dựa dẫm vào đàn ông manh nha xuất hiện ở một bộ phận phụ nữ thời bấy giờ (mà cho đến ngày nay thì càng ngày càng phổ biến).

Theo chia sẻ của Betty Newsome, ca từ được cô lấy cảm hứng từ Kinh thánh, kết hợp với những quan sát tâm lý, hành vi của những người bạn trai cũ, trong đó có cả chính James Brown.

“Cha đẻ” dòng nhạc funk đồng thời là “bố già nhạc soul” James Brown

Chờ đợi 3 năm cho một ‘‘siêu phẩm’’

Về phía James Brown, khoảng thời gian thập niên 1960 là giai đoạn lên ngôi của nhạc funk mà trong đó James Brown là người đi đầu. Giai đoạn này ông sáng tác và thành công với rất nhiều bản hit nhạc funk với cấu trúc nhạc ngày càng phức tạp điển hình nhưCold Sweat.

Tuy nhiên có 2 thể loại nhạc vẫn được James Brown tận dụng trong giai đoạn này, đó là ballad và bules. Bằng chứng là với It’s AMan’s Man’s Man’s World, James Brown đã lựa chọn kết hợp thể loại ballad đầy cảm xúc với lối hát nhức nhối, khắc khoải đặc trưng của blues.

Sáng tác vào năm 1963, It’s A Man’s Man’s Man’s World được James Brown “ủ” tận 3 năm mới đem ra thu âm. 2 tuần thu âm chóng vánh được thực hiện vào tháng 2/1966 tại phòng thu Talentmasters của Bob Gallo ở New York. Bản thu đầu tiên có bao gồm dàn bè nữ, nhưng khi đưa ra chính thức phần bè này bị cắt đi.

Ban đầu tên bài hát chỉ là It’s A Man’s World, nhưng James Brown bổ sung thêm thành It’s A Man’s Man’s Man’s World nhằm gợi liên tưởng đến bộ phim hài nổi tiếng năm 1963 -It’s A Mad, Mad, Mad, Mad World.

James Brown chưa từng chia sẻ về nguyên nhân cho sự “ ủ mưu” đến tận 3 năm này, nhưng lý do được cho là hợp lý nhất là vì ông muốn nhường cho I Cry củaTammy Terrel ra mắt trước.

I Cry là sáng tác của James Brown và Bobby Byrd, thể hiện bởi Tammy Terrel (nữ ca sĩ thuộc quản lý của James Brown), phát hành năm 1963. Trên thực tế, chùm hợp âm của I Cry được James Brown tái sử dụng trong It’s A Man’s Man’s Man’s World, khiến 2 bài hát này nghe “na ná” nhau.

Nếu I Cry ra mắt trước chỉ khiêm tốn xếp thứ 15 trên BXH Billboard R&B, thì 3 năm sauIt’s a Mad, Mad, Mad, Mad World đã xuất sắc leo lên vị trí quán quân BXH Billboard R&B, cùng vị trí thứ 8 tại Billboard Hot 100.

It’s A Man’s Man’s Man’s World góp mặt trong hầu hết các buổi biểu diễn và live album của James Brown từ đó về sau. Năm 1970, phiên bản jazz được James Brown thực hiện kết hợp với dàn nhạc giao hưởng Louie Bellson, đưa vào album Soul On Top.

Video It’s A Man’s Man’s Man’s World của James Brown và Betty Jean Newsome​:

Bài hát “trả lời”

Năm 1996, nữ ca sĩ Neneh Cherry ra mắt bài hát Woman, nằm trong album Man của cô để “đáp lại” thông điệp của It’s A Man’s Man’s Man’s World. Trong Woman, Neneh Cherry lặp đi lặp lại câu hát This is a woman’s world (Đây là thế giới của phụ nữ), sau khi liệt kê rất nhiều nỗi bất hạnh và thiệt thòi một người phụ nữ từng phải hứng chịu.

Tương tự, ban nhạc Napalm Death cũng đã cho ra mắt ca khúcIt’s A M.A.N.S World, tấn công vào tư tưởng bè phái của It’s AMan’s Man’s Man’s World, ra mắt năm 1988.

It’s A Man’s Man’s Man’s World đứng thứ 123 trong 500 bài hát vĩ đại nhất mọi thời đại do tạp chí Rolling Stone bình chọn.

“Bố già nhạc soul” James Brown

James Brown (1933 – 2006) là nhạc sĩ, ca sĩ và vũ công người Mỹ.

Ông là một trong những nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20, qua nhiều thể loại âm nhạc khác nhau. Là người có công lớn khai sinh dòng nhạc funk và James Brown thường được biết đến với cái tên “Bố già nhạc soul”.

Trong sự nghiệp James Brown có tổng cộng 16 đĩa đơn quán quân tại bảng xếp hạng Billboard R&B, ông là nghệ sĩ có nhiều đĩa đơn lọt vào BXH nhưng không lên top nhất tại BXH Billboard Hot 100. Ông được vinh dại tại Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll và Đại sảnh Danh vọng Nhạc sĩ.

Độc giả tạp chí Rolling Stone bình chọn ông xếp thứ 7 trong số những nghệ sĩ vĩ đại nhất mọi thời đại. Đồng thời theo tạp chí này, James Brown là nghệ sĩ có nhiều giai điệu được tái sử dụng nhất trong lịch sử.

Một số sáng tác nổi tiếng của James Brown có thể kể đến như:Papa’s Got A Brand New Bag, I Got You (I Feel Good), It’s AMan’s Man’s Man’s World,…

Hà My (HNS)