“The Sound of Silence”: Ca khúc kể về… “âm thanh của sự im lặng”

0
906
Hai thành viên Simon và Garfunkel quen nhau từ thời tiểu học tại thành phố New York (Mỹ) hồi năm 1953.

Hơn 55 năm sau khi ra mắt, “The Sound of Silence” vẫn khiến công chúng nhắc nhớ về Simon & Garfunkel. Ca khúc đậm chất thơ, nói về sự cô đơn, lạc lõng của tuổi trẻ.

Simon & Garfunkel là một nhóm nhạc hai thành viên gồm Paul Simon và Art Garfunkel. Đây là một trong những nhóm nhạc ăn khách nhất hồi thập niên 1960, những bản hit đình đám nhất của nhóm có thể kể tới “The Sound of Silence” (1965), “Mrs. Robinson” (1968), “The Boxer” (1969), “Bridge over Troubled Water” (1970)…

Hai thành viên Simon và Garfunkel quen nhau từ thời tiểu học tại thành phố New York (Mỹ) hồi năm 1953, ngay từ khi còn nhỏ, họ đã học cách phối hợp với nhau để cùng sáng tác và thể hiện những ca khúc. Khi đến tuổi thiếu niên, hai người lấy tên nhóm là “Tom & Jerry” và tiếp tục sáng tác, biểu diễn trong các sự kiện quy mô nhỏ.

Đến năm 1963, hai người bạn tái hợp và chính thức thành lập nhóm Simon & Garfunkel, ký hợp đồng với hãng thu âm.

Dù vậy, album đầu tay của nhóm bị xem là thất bại về mặt doanh thu, điều này khiến nhóm nhanh chóng tan rã, mỗi người đi theo một hướng riêng. Tới năm 1965, ca khúc “The Sound of Silence” của nhóm được phối lại và bất ngờ trở thành hit trên sóng phát thanh của Mỹ, dẫn đầu trên các bảng xếp hạng âm nhạc.

Ngay sau đó, nhóm tái hợp để cho ra mắt album thứ 2 và bắt đầu đi lưu diễn trên khắp nước Mỹ. Kể từ đây, Simon & Garfunkel tiếp tục đạt được những thành công mới với những album ra mắt sau đó.

Nhưng lúc này, mối quan hệ giữa hai người bạn bắt đầu có những bất hòa sâu sắc, khiến họ thường xuyên bất đồng trong các ý tưởng nghệ thuật, dẫn tới sự tan rã lần 2 vào năm 1970.

Album thứ 5 cũng là album cuối cùng của nhóm – “Bridge over Troubled Water” (1970) trở thành album thành công nhất trong sự nghiệp chung của Simon & Garfunkel, đồng thời trở thành một trong những album bán chạy nhất thế giới.

Trong sự nghiệp solo sau này, Simon và Garfunkel vẫn đạt được những thành công riêng, họ có nhiều lần tái hợp biểu diễn bởi người hâm mộ vẫn dành nhiều tình cảm cho nhóm. Đáng kể nhất là sự kiện âm nhạc “The Concert in Central Park” tổ chức hồi năm 1981, thu hút hơn 500.000 khán giả, đây là một trong những buổi biểu diễn âm nhạc có số người tham dự đông nhất trong lịch sử.

Nhóm Simon & Garfunkel từng giành được 10 giải Grammy. Tạp chí âm nhạc Rolling Stone đã đưa nhóm vào vị trí thứ 3 trong top 10 nhóm song ca vĩ đại nhất mọi thời đại. Simon & Garfunkel cũng thuộc vào nhóm những nghệ sĩ ăn khách nhất khi bán được hơn 100 triệu đĩa hát.

Không thời thượng nhưng không bao giờ lỗi thời

Nhóm Simon & Garfunkel ngay cả trong thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp cũng không phải một nhóm nhạc thời thượng, họ không chạy theo thị hiếu khán giả, có chất riêng và khiến những khán giả cảm thấy hợp “gu” sẽ tự tìm tới với mình.

Âm nhạc của Simon & Garfunkel cho tới hôm nay vẫn tiếp tục có lượng khán giả riêng, điều này cho thấy rằng nhạc hay không cần phải bắt kịp thị hiếu, không cần phải thời thượng, mà thậm chí sẽ hấp dẫn công chúng vượt thời gian.

Âm nhạc của nhóm từng được sử dụng trong bộ phim “The Graduate” (Sinh viên tốt nghiệp – 1967), bộ phim thành công nhất năm 1967 xét về mặt doanh thu.

Âm nhạc của nhóm từng được sử dụng trong bộ phim “The Graduate” (Sinh viên tốt nghiệp – 1967), bộ phim thành công nhất năm 1967 xét về mặt doanh thu. Phim cũng nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình, nhận được 7 đề cử tại giải Oscar, trong đó có đề cử cho Phim hay nhất. Viện phim Mỹ đã đưa “The Graduate” vào danh sách những phim Mỹ xuất sắc nhất mọi thời đại.

Chuyện phim kể về chàng thanh niên Benjamin Braddock (nam diễn viên Dustin Hoffman), một sinh viên vừa tốt nghiệp Đại học nhưng không có những mục tiêu, định hướng rõ ràng cho tương lai. Cậu bắt đầu một cuộc tình vụng trộm với người phụ nữ hơn tuổi và đã có gia đình – bà Robinson, chỉ để rồi nhận ra mình bị ám ảnh bởi… cô con gái của bà.

Nhạc phim có sử dụng hai ca khúc đình đám của nhóm Simon & Garfunkel là “The Sound of Silence” và “Mrs. Robinson”. Âm nhạc của nhóm vốn dành cho người trẻ, nhưng phải tới một độ tuổi nhất định người ta mới thấu cảm được hết cái hay trong âm nhạc đậm chất thơ của Simon & Garfunkel. Mỗi ca khúc của họ đều có thể xem như một bài thơ với rất nhiều ý tứ.

“The Sound of Silence”: Ca khúc huyền thoại ngợi ca… “âm thanh của sự im lặng”

Hơn 55 năm sau khi ra mắt, “The Sound of Silence” vẫn khiến công chúng nhắc nhớ về Simon & Garfunkel. Đây là ca khúc nằm trong album đầu tay thất bại thảm hại của nhóm, khiến hai chàng trai nhanh chóng tan rã lần đầu, ngay khi vừa mới cùng nhau khởi động sự nghiệp ca hát.

Rất may, nhà sản xuất âm nhạc của album – ông Tom Wilson sau đó đã ngồi thử phối lại, chèn thêm tiếng đệm của guitar điện tử và trống vào cho ca khúc “The Sound of Silence”, một ca khúc mang nhiều chất hoài niệm, một bản ballad acoustic đậm chất thơ. Ông Tom Wilson cho bản “cover” ra mắt trở lại mà không hỏi xin ý kiến của hai ca sĩ.

Hơn 55 năm sau khi ra mắt, “The Sound of Silence” vẫn khiến công chúng nhắc nhớ về Simon & Garfunkel.

Phiên bản phối lại này sau đó nhanh chóng được yêu thích trên sóng phát thanh và dẫn đầu trên các bảng xếp hạng âm nhạc của Mỹ, giúp đưa Simon & Garfunkel trở lại thị trường âm nhạc với một vị thế mới.

Nhưng dường như cái “dớp” lận đận này đã đeo đuổi sự nghiệp của hai nam ca sĩ, bởi họ có hai lần chính thức tan rã, nhiều lần tái hợp để cùng nhau biểu diễn trong một khoảng thời gian, để rồi sau đấy lại đường ai nấy đi.

“The Sound of Silence” có ý nghĩa đặc biệt trong sự nghiệp của nhóm, giúp Simon & Garfunkel được biết đến và yêu thích sau thất bại đầu tiên.

Thành viên Paul Simon – nhạc sĩ sáng tác ca khúc từng lý giải về sức hấp dẫn của “The Sound of Silence” rằng: “Ca khúc rất đơn giản, xét cả về giai điệu và ca từ, nội dung nói về sự cô đơn, lạc lõng của tuổi trẻ, điều mà chúng ta đều ít nhiều có trải nghiệm qua.

Simon & Garfunkel – The Sound of Silence (The Concert in Central Park)

Ca khúc rất trẻ trung, một thanh niên có thể nghe và nhận thấy bài hát không tệ, bởi trong đó không chất chứa những suy nghĩ rối rắm, không có những xúc cảm sâu thẳm, mênh mang, mà chỉ có cơn hờn giận, một thoáng khủng hoảng của tuổi trưởng thành. Ca khúc được viết dựa trên những xúc cảm chân thực và tạo được sự đồng cảm với hàng triệu người nghe, chủ yếu bởi nó đơn giản và dễ hát theo”.

Trong khi đó, thành viên Art Garfunkel nhận định: “Ca khúc có một giai điệu tuyệt vời, rất du dương, dễ nhớ. Trải qua thời gian, tôi càng nhận ra sức hấp dẫn đến từ sự giản đơn trong giai điệu và ca từ của nó”.

Nếu để nói về những ý thơ trong lời hát, phải nói tới phong cách sáng tác của nam ca sĩ – nhạc sĩ từng giành giải Nobel Văn học – Bob Dylan (hiện 80 tuổi).

Quả thực, Paul Simon ngưỡng mộ Bob Dylan và có bị ảnh hưởng bởi thần tượng trong phong cách sáng tác, chính Simon từng nói: “Tôi sáng tác ca khúc “The Sound of Silence” năm 21 tuổi, tôi sẽ không bao giờ viết nổi ca khúc này nếu không có thần tượng Bob Dylan. Ông ấy là người đầu tiên có những ý niệm rất sâu sắc về tuổi trẻ, về những tâm sự của lứa tuổi thanh niên”.

Bích Ngọc (DT)