Giấc mơ tình yêu của Đỗ Bảo

0
934

Nhạc sĩ Đỗ Bảo nói anh không viết ca khúc như một công việc để nổi tiếng rồi lấy danh tiếng đó mưu sinh mà chỉ thích viết nhạc như một người đam mê khám phá thế giới cảm xúc.

Phóng viên: Lại thêm một ca khúc nữa của nhạc sĩ Đỗ Bảo làm say đắm người nghe, đó là “Cảm xúc yêu”. Anh vẫn vậy, vẫn chất đầy những ưu tư và tràn trề xúc cảm trong từng nốt nhạc. Từ đâu anh vẫn nuôi được cảm xúc trọn vẹn trong sáng tác như trước nay vẫn thế trong khi cuộc sống đang đầy những rào cản và khó khăn?

– Nhạc sĩ Đỗ Bảo: Hình như bao lâu nay rồi tôi cũng không mê thích gì nhiều hơn ngoài hai điều là yêu và được uống cà phê mỗi ngày. Đúng như bạn nói, cuộc sống có quá nhiều rào cản cần được cảm thông, bởi tính hợp lý của chúng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tôi lại nghĩ con người ta cũng không nên để những rào cản đó trở thành những rào cản thực sự. Chúng ta có óc tưởng tượng cùng sự sáng tạo, hình như là để tranh đấu trước mọi điều nhàm chán cũ kỹ, để ta có thể sống như mình muốn hoặc gần như mình muốn khi quanh ta là những rào cản muôn vẻ. Nếu mong muốn của tôi là giữ trọn vẹn cảm xúc sáng tác nhạc tình, bằng cách nào đó tôi phải gắng làm cho đời mình là bến đỗ cho những cảm xúc ấy thôi. Tôi nghĩ mọi tác giả đều có những cố gắng vượt bậc, sự hy sinh riêng, nếu muốn giữ được cảm xúc thật tốt cho sáng tác.

Thích tác phẩm âm nhạc đẹp và lành

Trúc trắc, phức tạp có lẽ là thuộc tính gần gũi nhất để mô tả nhạc Đỗ Bảo. Đó cũng chính là rào cản của lượng lớn khán giả trẻ hiện nay khi đến với ca khúc của anh?

– Tôi thích nén hoặc giấu trong tác phẩm nhiều lớp, mảng hay chi tiết cảm xúc, bởi tôi thấy đó mới chính là điều đáng làm của một người sáng tác. Bài hát là một hình thức âm nhạc nhỏ, ngắn, chúng sẽ chẳng là gì cả và nếu theo cách nhìn của tôi, chúng thật dễ để bị vùi lấp theo thời gian nếu chỉ mang một lớp cảm xúc hay hình tượng quá sơ sài, non nớt. Tôi nghĩ, mặc cho xu hướng âm nhạc giải trí cả thế giới lẫn ở ta đang chảy theo cách thực dụng hơn với những ca khúc có đời sống ngắn ngủi, còn tôi sẽ chỉ thấy rất khổ sở nếu phải cho ra đời những đứa con tinh thần theo cách đó.

Xét cho cùng, tôi không viết ca khúc như một công việc để nổi tiếng rồi lấy danh tiếng đó mưu sinh mà chỉ thích viết nhạc như một người đam mê khám phá thế giới cảm xúc. Tôi cũng tin đó là cách phù hợp hơn cả để tôi có tất cả những điều cần thiết khác.

Nghĩa là anh viết nhạc cho chính mình chứ không phải hướng đến công chúng?

– Tôi không mơ ai ai cũng thấu hiểu điều tôi viết, bởi hình như là không thể. Nếu người nghe chỉ hiểu từng phần, đôi khi ngay cả họ có hiểu sai và đắm mình trong nội dung nào đó không đúng như tôi nghĩ khi viết, là tác giả, tôi cũng vẫn thấy hạnh phúc, theo nghĩa những điều tôi viết đã là cái cớ để ai đó rung động. Tôi thấy sống là rung động và rung động là sống, nếu âm nhạc làm ai đó rung động nghĩa là nó cũng mang đến chút sự sống nào đó. Với những người giàu trải nghiệm, họ chắc thấu hiểu những gì tôi viết dễ dàng. Tôi không tự thấy mình từng viết điều gì để đánh đố người khác, tôi vẫn luôn chỉ là gắng nói giản dị về mọi điều phức tạp, mang về gần lại những gì có vẻ xa xôi, nhẹ nhõm hóa những gì buồn phiền nặng nề. Tôi thích tác phẩm âm nhạc về tình yêu hay về đời sống đều phải đẹp và lành theo nghĩa chúng như những con người hiểu biết và ôn tồn, chúng có thể nén hay giấu trong đó những lớp lang hay gợi mở đến những điều mà mọi người có thể quan tâm liên hệ mà không cần đem hết ra phô trương hoặc lên gân. Cho nên, tôi tin người có trải nghiệm cảm xúc yêu và sống rộng dài, họ sẽ rất dễ tìm thấy những góc nhỏ hay cung bậc đồng cảm trong những lời ca của tôi, dù là rõ ràng hay chỉ mơ hồ, họ sẽ chỉ càng yêu mến những gì tôi cố gắng truyền tải.

Người sáng tác cần có âm nhạc riêng

Nghe nhạc Đỗ Bảo, người ta tìm thấy chân dung người đàn ông chân tình, đứng đắn và tử tế. Nhưng cũng có ý kiến bảo rằng âm nhạc của thời ngôn tình không thực tế nên dễ bị những ca khúc phản ánh trực diện thời hiện tại nuốt chửng. Anh có nghĩ thế không?

– Tôi hơi tiếc vì chúng ta thiếu những nhà phê bình lý luận quan sát tiến trình phát triển phong cách ca khúc Việt vài chục năm gần đây. Với băn khoăn của bạn, tôi hiểu và tôi sẽ chọn cách không khiêm tốn để nói. Nếu nói về phong cách phản ánh trực diện trong ca khúc, tôi lại chính là người đi đầu, rất sớm, điều đó đã góp phần làm nảy nở và ảnh hưởng đến tư duy viết ca từ trong những thế hệ trẻ sau tôi. Album “Cánh cung” năm 2004 với những “Bức thư tình đầu tiên”, “Điều ngọt ngào nhất”, “Bài hát cho em”…, nếu ai đó tìm hiểu trong bối cảnh âm nhạc thời gian trước và sau album này, sẽ rõ điều tôi muốn nói.

Giờ này để nhìn vào thị hiếu, tôi không xúc động như lúc còn trẻ. Điều quan trọng nhất không phải là thị hiếu sắp xếp các tác phẩm hay khuynh hướng âm nhạc như thế nào, mà người sáng tác phải có âm nhạc riêng mang sức ảnh hưởng hay lan tỏa. Tôi không viết cái gì như sách ngôn tình của thanh niên mới lớn, tôi luôn chủ trương chỉ viết những bài hát hay album mà dẫu ở tuổi nào khi nghe lại tôi cũng không thấy buồn cười hay ân hận.

Có một ý kiến mà bạn băn khoăn, việc dòng tác phẩm này nuốt chửng một dòng khác, tôi đồng ý đó là một hiện tượng văn hóa bề mặt, điều chúng ta dễ thấy hằng ngày trên internet, nhưng tôi cũng lại cho rằng chúng ta đang có không chỉ một hiện tượng mà vô vàn hiện tượng văn hóa phức tạp gây mâu thuẫn trong đời sống âm nhạc. Tôi lại thường đặt vấn đề một cách khác, rằng thực tế của đám đông ngày nay là những thực tế rất thiếu thực tế, đời sống ca nhạc rất thiếu ca nhạc với không ít những cảm xúc thiếu cảm xúc.

Anh từng bảo rằng nhiều nhạc sĩ đang quên rằng công việc của mình là phải ngồi mà viết nhạc. Quả thật, bây giờ, kiếm những người sáng tác đi làm nhà sản xuất, bầu sô, giám khảo dễ hơn một nhạc sĩ ngồi viết ca khúc. Theo anh, điều đó có làm cho diện mạo của thị trường nhạc Việt đổi màu không?

– Tôi đã nói về điều này nhiều lần cỡ chục năm trước, cũng như nhiều điều khác mỗi khi tôi có nhiều trăn trở lúc còn trẻ hơn. Bây giờ, tôi thấy thị trường nhạc Việt sao cũng được, không băn khoăn gì nhiều, giống như tôi hết trách nhiệm về nó và chọn sẽ chỉ nên có trách nhiệm với chính mình thôi. Về quan niệm thường xuyên của tôi, tôi chỉ tôn trọng những người thành danh từ công việc chính danh của họ, không chỉ trong lĩnh vực âm nhạc. Nếu tôi được biết đến là một nhạc sĩ thì hẳn là tôi đã viết nhạc, nếu người ta gọi tôi là nhạc sĩ khi hằng ngày tôi hát hay múa, như vậy tôi cùng lúc hủy hoại và làm loạn thang bậc giá trị của cả việc sáng tác, việc hát và việc múa. Tất nhiên chúng ta có sự giao thoa, giao lưu công việc là hết sức bình thường nhưng tính chính danh vẫn là một điểm cốt yếu của một con người văn minh, của một xã hội văn minh.

Phải có khả năng rung động

Anh có bị áp lực và cám dỗ bởi yếu tố thương mại như “nhạc sĩ hot”, ca khúc triệu view hay album best seller…?

– Có, tôi có bị những áp lực và cám dỗ ấy đôi chút, mỗi khi bắt đầu viết một tác phẩm hay làm một album. Điều đó thường xảy ra vào lúc chuẩn bị, lúc khởi đầu nhưng trong hành trình thì tôi thường thấy mình chủ động hay thụ động xa rời những tiêu chuẩn hay gánh nặng ấy. Trong sâu thẳm quan niệm của tôi, những tiêu chuẩn gây áp lực ấy dường như giống những cái nhãn mác dán minh họa cho cái đích, nhưng cái đích thực sự của người sáng tác vốn là nơi không thay đổi, nó thường là nơi thực sự anh ta chỉ muốn đến vì chính nó chứ không vì có hay không có các nhãn mác kia. Nhất thời trong trường hợp này, tôi nghĩ đến hai kiểu tác giả, kiểu thứ nhất là ưa nhãn mác vì người ta chẳng mấy khi thật sự cảm thấy sở hữu chúng, kiểu thứ hai tin rằng nhãn mác là những thứ khá phù phiếm hoặc phiền phức mà người ta tự nhiên sẽ có khi đã đến đích thôi.

Theo anh, để có những ca khúc chất lượng, bản thân người viết cần phải có tư chất gì?

– Ngay bây giờ tôi nghĩ người viết phải có khả năng rung động trước cái đẹp muôn vẻ, lòng trắc ẩn và lương tâm để day dứt giải quyết vấn đề, cuối cùng là tri thức để suy tư rồi đưa ra kết luận.

Đề cao giá trị cảm xúc con người

“Sáng tác của Đỗ Bảo là một hành trình khám phá thế giới cảm xúc nội tâm. Điều đặc biệt nhất là nó có giai điệu và lời ca hòa quyện, hòa thành một hình tượng tình yêu dung dị và chân thật, một tình yêu tinh khôi, trẻ, đầy đam mê nhưng cũng rất chín chắn, sâu lắng. Tôi thích những bài hát ấy, có lẽ bởi nó là kiểu tình yêu đẹp đẽ, những cảm xúc yêu tôi ưa thích nhất, mỗi khi tôi nghĩ hay mơ về tình yêu” – Đỗ Bảo nói.

Anh tâm sự: “Nhiều khi tôi mơ ước giá mình sinh ra và được làm việc ở một thời kỳ cho phép mình viết nhạc thuần cảm xúc, nghĩa là hằng ngày được lắng nghe cảm xúc của mình trọn vẹn, chắt lọc và viết ra tự nhiên. Thế hệ tác giả như tôi lúc này thật ra lại có những gian khổ rất riêng, ít nhiều bị chộn rộn hơn bởi rất nhiều thông tin, quan niệm, xu thế…, nên việc sáng tác gần với một nghề nghiệp hơn là một thú vui thuần say mê như ngày xưa. Tuy nhiên, nghề nghiệp này mang những đặc thù mà tự mỗi tác giả phải phát hiện và rồi lựa chọn cho mình một lối đi. Cho dù đời sống thế nào, ở thời kỳ nào, nếu xác định là một người sáng tác, cá nhân tôi cho rằng vẫn phải đề cao giá trị cảm xúc con người lên trên những ràng buộc, những chủ trương hay đòi hỏi khác”.

(HNS)