QUỐC DŨNG- NGƯỜI THÍCH LÀM ĐẸP NHỮNG GIAI ĐIỆU QUÊ HƯƠNG

0
211
Tuy khá thành công với việc viết ca khúc nhưng công việc chiếm nhiều thời gian nhất của Quốc Dũng vẫn là việc hoà âm phối khí.

Nhìn Quốc Dũng say sưa nói về những khát khao âm nhạc của mình, ít ai ngờ rằng cậu bé mới ngày nào từng được xem là “thần đồng âm nhạc” của Sài Gòn, giờ đây đã ngấp nghé tuổi lục tuần.

Với bề dày 50 năm hoạt động âm nhạc, nhạc sĩ Quốc Dũng đã ghi dấu ấn riêng của mình trong hầu hết mọi lĩnh vực, từ sáng tác, hòa âm phối khí, trình diễn, cho đến lĩnh vực thu âm, anh đều tỏ rõ năng lực của một nhạc sĩ tài năng và lão luyện.

Sinh năm 1951 tại Thái Lan. Năm 1954, khi theo gia đình hồi hương trở về Việt Nam Quốc Dũng mới 3 tuổi. Năm 10 tuổi, Quốc Dũng được vào học Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn và năm 16 tuổi, anh tốt nghiệp thủ khoa môn nhạc pháp Tây phương. Sau khi đỗ Tú tài 2, Quốc Dũng vào học tại Viện Đại học Vạn Hạnh.

Mê âm nhạc từ nhỏ, 15 tuổi Quốc Dũng đã trình diễn mandolin trên truyền hình trong dàn nhạc đại hòa tấu. Bản nhạc đầu tiên của Quốc Dũng được viết khi mới 11 tuổi. Nhưng đó chỉ là một nhạc phẩm không lời. Phải đến năm 17 tuổi anh mới hoàn chỉnh bản nhạc đó thành ca khúc đầu tay Em đã thấy mùa xuân chưa. Sau đó, anh liên tục tung ra nhiều ca khúc nổi tiếng khác như Mai, Đường xưa, Cơn gió thoảng, Điệp khúc mùa xuân, Thoát ly, Hoang vắng, Biển mộng

Vào những năm đầu thập niên 1970, khi phong trào nhạc trẻ phổ biến ở miền Nam, Quốc Dũng cùng Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà là những nhạc sĩ đầu tiên Việt hóa nhạc trẻ, bắt đầu soạn các ca khúc nhạc trẻ bằng tiếng Việt. Khi đó anh cùng với Thanh Mai tạo thành một đôi song ca nổi tiếng. Với khả năng sáng tác, biểu diễn và sử dụng mandolin, guitar, piano, trống, bass, keyboard, organ, Quốc Dũng là một trong những gương mặt tiêu biểu của nhạc trẻ thời đó.

Vắng bóng khá lâu trên thị trường âm nhạc, gần đây, nhạc sĩ Quốc Dũng vừa xuất hiện trở lại bằng bộ ba CD rất tâm đắc của anh: Đường xưa, Chiều hạ vàng và Hòa tấu guitar. CD Đường xưa gồm những ca khúc vang bóng một thời, Chiều hạ vàng là tuyển tập những ca khúc trữ tình của nhiều tác giả với sự trình bày của ca sĩ Bảo Yến. Và album Hòa tấu guitar Quốc Dũng là sản phẩm “khoe” ngón đàn điêu luyện và đầy cảm xúc của anh trong các tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau.

***

Hẹn gặp tôi ở không gian café Phong Nguyệt-một địa chỉ gần studio Quốc Dũng, sau khi nhắp một ngụm cà phê “ngọt đắng” do chính nữ nhạc sĩ chủ quán Quỳnh Lệ pha chế, Quốc Dũng chậm rãi bắt đầu câu chuyện… “Tôi nghiệm ra có hai thứ quý nhất trong đời là tự do và tình yêu. Và với tôi, âm nhạc chính là không gian, là ngôn ngữ, là đôi cánh giúp tôi bay lượn, khám phá, trải nghiệm nhiều điều thú vị về tự do và tình yêu. Tôi có thể tự hào nói rằng âm nhạc không chỉ nuôi dưỡng tâm hồn, tình yêu trong tôi mà còn giúp tôi nuôi sống được cả bản thân và gia đình…”

Lời tâm sự ngắn gọn của Quốc Dũng ít nhiều đã hé mở những “từ khóa” giúp người yêu nhạc có thể cảm thấu thế giới tâm hồn của anh. Hóa ra ẩn sâu sau những giai điệu bổng trầm phong phú, những chuyển hành hợp âm điệu nghệ, những ca từ giàu sức biểu cảm của hàng trăm ca khúc anh viết, chỉ là những cách diễn cảm biến ảo của một điệu hồn luôn khao khát tự do và tình yêu.

Luôn tìm tòi những nhạc ngữ lạ để chuyển tải những thông điệp về tự do và tình yêu

Từ góc độ của một nhạc sĩ sáng tác, có lẽ chính cảm thức tự do và bản lĩnh sáng tạo đã giúp Quốc Dũng nằm trong danh sách rất ít những nhạc sĩ có ý thức tìm tòi, khai phá khá thành công những nhạc ngữ lạ , góp phần làm phong phú ngôn ngữ nhạc trẻ Việt.

Ca khúc Biển Mộng của nhạc sĩ Quốc Dũng do Fatima Mougammadu (con gái một người bạn của NS Quốc Dũng) viết lời Anh ngữ mang tựa đề “Holding me” được lọt vào vòng bán kết trong cuộc thi ca khúc 2008 do Hội những nhà sọan nhạc và ca khúc gia chuyên nghiệp Anh quốc, Hội những nhà soạn nhạc và ca khúc gia quốc tế, đài BBC, Quỹ tài trợ World Music và nhiều tổ chức khác trong kỹ nghệ âm nhạc tổ chức hằng năm có thể xem như một ví dụ.

Lọt vào vòng bán kết trong một cuộc thi ca khúc quốc tế uy tín được tổ chức hằng năm với sự tham gia của hơn 6000 ca khúc gia và giành được điểm 6 (là điểm số dành cho những ca khúc được thừa nhận có nét sáng tạo) là điều đáng khích lệ đối với NS Quốc Dũng.

Nét lạ nổi bật đầu tiên của Biển Mộng là ca khúc được viết ở chủ âm Đô trưởng (C) nhưng tác giả lại mở đầu ca khúc bằng một hợp âm Mi trưởng (E) (bậc III của C và là bậc V của Am ( bậc vi của C):

| E | F | Em | Am |

III IV iii vi

Dùng cadence vi (Am) ở ô nhịp thứ 4, khiến cho Am có được vai trò của bậc I và hợp âm E mở đầu như một hợp âm bậc V của Am. Ngòai ra, giữa hợp âm F và Am có chung hai nốt A, C, nên khi chuyển hành liền bậc E – F trong hai ô nhịp đầu để ngay sau đó dùng hợp âm Em là hợp âm iii của C nhưng lại là hợp âm v của Am là một thủ pháp chuyển hành hòa âm tạo màu sắc khá thú vị, vừa giấu được chủ âm để tạo bất ngờ trong phần phát triển kế tiếp, vừa tạo được màu cảm xúc phù hợp với ý nghĩa của ca từ “xa loài người” khá thú vị.

Nét sáng tạo đáng chú ý khác là trong đọan điệp khúc, trong câu : “Đời chỉ còn một ngõ tối chắn lối…” với hai nốt biến âm F# và G# trong đường nét giai điệu chuyển tải hai từ “chỉ còn”, tác giả đã chuyển từ E qua Am nghe vừa quen vừa lạ, rất đơn giản nhưng lại tạo được sự chuyển động rất hiệu quả.

| Am | Dm | G7 | C |

vi ii V7 I

| E | Am | F | E |

III vi IV III

Nghe Biển Mộng của nhạc sĩ Quốc Dũng, có thể nhận ra ngay là ca khúc đã được sáng tác song hành theo cả trục ngang và trục dọc, nghĩa là vừa viết giai điệu vừa phối hợp với việc giải quyết hòa thanh cùng lúc, chứ không phải là dạng ca khúc tự phổ thơ của chính mình. Và có lẽ chính điều đó đã giúp cho Biển Mộng thoát khỏi sự chi phối của nhạc thơ và khai mở được những nhạc ngữ phong phú và có được nét riêng độc đáo.

Luôn tìm tòi những nhạc ngữ lạ để chuyển tải những thông điệp về tự do và tình yêu

Quốc Dũng- Người làm đẹp dòng nhạc quê hương 

Về phương diện hòa âm phối khí, nếu Bảo Chấn được xem như một phù thủy đa năng, Võ Thiện Thanh nổi tiếng với dòng electronic thì Quốc Dũng được xem như người có công làm đẹp cho dòng nhạc quê hương.

Tuy khá thành công với việc viết ca khúc nhưng công việc chiếm nhiều thời gian nhất của Quốc Dũng vẫn là việc hoà âm phối khí. Là một trong những người đầu tiên ở Sài Gòn mở phòng thu tư nhân (năm anh mới 18 tuổi), Quốc Dũng cho thấy niềm đam mê khám phá từng nốt nhạc, cũng như những cách chuyển hành hợp âm tiềm ẩn trong những đường nét của giai điệu. Thời đó, việc mở phòng thu của anh chỉ chuyên dùng thu âm các chương trình phát thanh của Sài Gòn. Về sau, khi đời sống ca nhạc bắt đầu phát triển, các ca sĩ đã tìm đến các phòng thu để ghi âm. Hầu hết các tên tuổi lớn của làng ca nhạc Sài Gòn trước 1975 đều đã ghé đến studio nhỏ gọn nằm ngay cạnh phòng khách nhà anh. Hiện nay, phòng thu của anh chủ yếu làm các chương trình cho người thân, bạn bè, nhất là thực hiện album cho ca sĩ Bảo Yến, Khải Ca.

Có lẽ Quốc Dũng thuộc lớp nhạc sĩ thời cũ, lại được tiếp xúc nhiều với những bài hát nhạc quê hương. Nhạc cụ đầu tiên anh làm quen chính là mandolin, sau đó mới học thêm guitar, piano, trống, bass, keyboard… Phải chăng vì thế mà những giai điệu trữ tình của dòng nhạc này đã ngấm vào anh trong cả các sáng tác lẫn trong cách hoà âm.

Nghe những bản phối của nhạc sĩ Quốc Dũng, người nghe có thể cảm nhận được thủ pháp chuyển hành hợp âm ít nhiều mang hơi hướng của Paul Mauriat, không quá cầu kỳ, phức tạp, nhưng anh luôn tìm được những “đường binh” hợp âm hợp lý và đầy màu sắc, thỉnh thoảng, anh lại khéo điểm xuyết những âm sắc nhạc cụ dân tộc để thổi hồn cảm xúc thêm cho giai điệu. Từ những âm điệu nhạc Chăm trong Giấc mơ kiều nữ, những ca khúc đậm chất tự sự như Ông lão và con chó ngoanNàng của tôi cho đến những ca khúc mang âm hưởng dân ca Huế do ca sĩ Bảo Yến thể hiện hay những khúc hát mang âm điệu dân ca Nam bộ, Quốc Dũng đều tạo được những âm sắc lóng lánh rất riêng dễ đi vào lòng người.

Những nhạc công từng chơi trong ban nhạc Quốc Dũng thời vàng son ở sân khấu ca nhạc Quận 10 cho đến bây giờ vẫn còn tỏ ra rất ngưỡng mộ với cách phối nhạc điệu Bossa độc đáo của Quốc Dũng đến nỗi mỗi khi chơi nhạc điệu này, họ đều gọi đó là điệu Bossa Quốc Dũng như một cách ghi nhận đóng góp rất riêng của anh. Gần đây, nhạc sĩ Quốc Dũng hào hứng khoe với tôi anh vừa nâng cấp lại home studio của mình. Và trong một buổi tối tình cờ ghé lại Quán cà phê Phong Nguyệt -số 63B Trần Quốc Thảo- tôi và một số người bạn may mắn được thưởng thức ngón đàn tài hoa và điêu luyện của Quốc Dũng và nhạc sĩ Kim Tuấn (em vợ của NS. Quốc Dũng). Chỉ với hai cây guitar thùng mộc mạc, nhưng cuộc trò chuyện ăn ý của hai tay guitar đã làm chúng tôi mê mẩn đến nỗi ngồi đến gần 12 giờ đêm mà chưa ai muốn về…

Nhạc sĩ cùng tác giả bài viết – Anh Thanh Bình.

Là một nhạc sĩ sống gắn bó và sống được từ chính hoạt động âm nhạc, Quốc Dũng có quan niệm khá nghiêm túc nhưng cũng rất thoáng về đời sống nhạc Việt. Một mặt anh bức xúc lên tiếng cảnh báo “Nhạc Việt đang rơi vào quỹ đạo của một chòm sao xấu”, mặt khác, anh không “vơ đũa cả nắm” mà dành thời gian ngồi nghe một cách chọn lọc dòng nhạc teen đang nghiên cứu xem thật ra tuổi teen đang thích điều gì ở những ca khúc thuộc dòng này, vì theo anh, có một số người đã tỏ ra quá cực đoan khi cho rằng đó là dòng “nhạc rác”! Giới trẻ vốn thích cái mới, cái lạ, và thích thay đổi. Từ những hạt bụi quặng, Pautopxki đã thấy được “Bông hồng vàng”. Dường như Quốc Dũng cũng đang mong tìm thấy được những “Bông hồng vàng” trong dòng nhạc teen hôm nay, để tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm những nhạc ngữ lạ cũng như những ca từ phù hợp với lứa tuổi teen thay vì chỉ ngồi phê phán. Hy vọng Quốc Dũng sẽ sớm có những ca khúc mới được tuổi teen đồng cảm và sẵn sàng đón nhận!

Thanh Bình (songnhac.vn)