Nhật Chiêu nói về vẻ đẹp tiếng Việt trong nhạc Trịnh

0
468

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nói ngôn ngữ trong nhạc Trịnh Công Sơn có tính nghịch – hợp và đậm dấu ấn thiền ca.

Tại buổi “Trịnh Công Sơn – tình ca và thiền ca”, diễn ra cuối tháng 4, Nhật Chiêu cho rằng ca từ Trịnh Công Sơn vận dụng sự đa nghĩa của tiếng Việt. “Nhiều người nói Trịnh Công Sơn sáng tác như chơi, ‘lấy từ trong túi ra’ nhưng thật ra nhạc sĩ rất cẩn trọng, chơi chữ nhiều, ca từ triết lý”, nhà nghiên cứu nói.

Trong bài Ở trọ, Trịnh Công Sơn giúp người nghe hình dung ra nhiều nghĩa, nhiều kiểu “ở trọ”. Không riêng con người, con cá, con sáo, mưa nắng, đêm tối… đều “ở trọ”. Tương tự, nghe nhạc Trịnh, người nghe thấy nhân vật “em” xuất hiện nhiều, nhưng nếu chỉ hiểu “em” là người con gái vẫn chưa đủ. Theo Nhật Chiêu, cùng một từ ”em”, ngoài chỉ người tình, còn là cách Trịnh gọi sông núi, trần gian, hay đạo sống.

Trịnh Công Sơn tận dụng sự gợi cảm của tiếng Việt để trở thành một trong những người viết nhạc thành công nhất. Trong tiếng Anh, danh từ thường đi kèm mạo từ cố định nhưng ở tiếng Việt, nó có thể kết hợp với nhiều tiền tố khác nhau. Trịnh Công Sơn vận dụng đặc trưng đó. “Ở nhạc Trịnh, nhân hình phản chiếu thiên nhiên và thiên nhiên phản chiếu nhân hình. Tôi đã thử tìm hiểu ngôn ngữ nhiều nước, nhưng chỉ có tiếng Việt mới thể hiện được ý đó”, nhà văn nói. Những tiền tố đứng trước danh từ chỉ người thường bắt nguồn từ hình ảnh thiên nhiên. Ví dụ, nói “môi”, ca từ của Trịnh Công Sơn liên tưởng đến bến bờ để có từ “bờ môi”, nói “trán” sẽ liên tưởng đến vầng thái dương để có từ “vầng trán”, nói “cười” sẽ liên tưởng đến nụ hoa để có từ “nụ cười”. Ở câu hát “Tình yêu như biển, biển rộng hai vai/ Tình yêu như biển, biển hẹp tay người”, trong bài Lặng lẽ nơi này, chiều kích của thiên nhiên được Trịnh thể hiện qua hình ảnh con người.

Tính nghịch – hợp trong ca từ cũng giúp tạo bản sắc cho nhạc phẩm của ông. Theo Nhật Chiêu, không có bài nào của Trịnh từ đầu đến cuối đều là nỗi buồn hoặc niềm vui. Sự đối lập luôn tồn tại trong lời hát như “đen và trắng”, “ngày và đêm”, “tốt và xấu”, “tỉnh và mê”. Tuy nhiên, ý nghĩa bài hát không mâu thuẫn mà quy về một mối: “Hướng đến cái đẹp tích cực trong cảm xúc”. “Buồn, thương, đẹp” là ba từ khóa để đi vào thế giới ca từ của Trịnh Công Sơn”. Trong bài Chỉ có tôi trong một đời, Trịnh Công Sơn viết: “Đời đã cho tôi ngậm ngùi/ Đời sẽ cho thêm ngọt bùi/ Đời sống chan hòa trong tôi”. Nhạc sĩ cho rằng ở đời luôn có sự song hành của “ngậm ngùi” và “ngọt bùi”. Nghịch lý ấy đã chuyển hóa thành sự hợp lý, thể hiện nếp sống hòa hợp, thuận theo tự nhiên.

Tưởng nhớ ngày mất cố nhạc sĩ, Nhật Chiêu sáng tác bài thơ Người đón đợi vô thường, với những câu “thân trần/ nở trắng sơn khê/ ta theo mục tử/ xin về với như/ vô thường em đợi gió ư”. Ông nói “vô thường” vốn là khái niệm Phật giáo, chỉ sự biến đổi không ngừng của cuộc sống. Ngoài ra, từ này còn chỉ sự ngẫu nhiên hay duy nhất, yếu tố tạo nên vẻ đẹp của từng khoảnh khắc sống. Trịnh Công Sơn đã mượn triết lý Phật giáo để viết trường ca Đóa hoa vô thường. Lời hát kể về từng giai đoạn con người đi tìm bản ngã, chấp nhận mọi được – mất trong cuộc đời, khi hiểu thấu bản thân cũng là lúc phải xa lìa trần gian.

Nhật Chiêu sinh năm 1951, có hơn 40 năm nghiên cứu, giảng dạy và viết lách. Ông còn được độc giả biết đến trong vai trò một dịch giả, nhà nghiên cứu văn học… Từ sau năm 1975, Nhật Chiêu gắn bó việc dạy văn ở trường Nguyễn Thị Minh Khai, TP HCM trước khi là giảng viên của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố. Ông dành thời gian xây dựng giáo trình cho sinh viên các môn văn học Nhật, Trung Cận Đông, Phương Đông… với nhiều đầu sách được tái bản nhiều lần như: Ba nghìn thế giới thơm (biên khảo), Những kiệt tác văn chương thế giới (viết chung), Basho và thơ Haiku (biên khảo), Nhật Bản trong chiếc gương soi (biên khảo), Đại cương văn hóa phương Đông (viết chung)…

Từ năm 2006, Nhật Chiêu còn được xem là một hiện tượng văn xuôi với các truyện ngắn Mưa mặt nạ, Người ăn gió và quả chuông bay đi… Năm 2011, khi về hưu, ông có nhiều thời gian hơn để tập trung sáng tác, ra mắt hàng chục bài thơ, đầu sách như: Lời tiên tri của giọt sương (tập truyện song ngữ Việt – Anh), Tôi là một kẻ khác (thơ tượng quẻ), Người về với như (thơ ca tương chiếu)…

(HNS)