Nhạc sư 101 tuổi rời Sài Gòn về Đồng Tháp sống đời thanh nhàn

0
1009

Những ngày cuối tháng 5, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo rời căn nhà ở TP HCM để trở lại quê hương Đồng Tháp an hưởng tuổi già, sau hơn 70 năm xa quê.

Nhạc sư tâm sự lẽ ra ông sẽ sống hết đời ở đất Sài Gòn. Nhưng đầu năm nay, một lần, ông Lê Minh Hoan – Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp – mời ông về thăm quê. Vậy là, mấy mươi năm xa cách, nhạc sư có chuyến đi đong đầy kỷ niệm, nói chuyện âm nhạc với người quê nhà, thăm lại nhiều nơi. Cảnh vật và mọi thứ đều phát triển hiện đại, không còn hình bóng Sa Đéc trong trí nhớ ông ngày nào, chỉ có tình người dân quê vẫn vậy. Ai cũng yêu quý nhạc sĩ cổ truyền đã làm rạng danh quê hương Sa Đéc với ngón đàn được giới chuyên môn trong và ngoài nước vinh danh. Chuyến về quê lần đó khiến Nguyễn Vĩnh Bảo cảm động và suy nghĩ rất nhiều. Để rồi, ông quyết định: đi đâu cũng không bằng trở về mảnh đất đã sinh ra mình.

Nguyễn Vĩnh Bảo chơi đàn tranh ở tuổi 101.

Nguyễn Vĩnh Bảo chơi đàn ở tuổi 101.

Ngôi nhà mới là món quà do Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp kêu gọi mọi người, các mạnh thường quân đóng góp cùng gia đình nhạc sư. Nằm bên dòng kênh nhỏ dọc đường Đinh Bộ Lĩnh, thành phố Cao Lãnh, giữa không gian yên tĩnh, thoáng mát, ngôi nhà rộng hơn 200 m2 là nơi để ông vui hưởng tuổi già và là điểm hẹn âm nhạc cổ truyền cho khán giả mộ điệu.

Ở tuổi ngoài 100, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo như càng khỏe hơn khi được sống trong bầu không khí quê hương. Ông tự làm mọi việc trong sinh hoạt hàng ngày. Cô Thu Anh, con gái của ông, cho biết: “Cuộc sống của ba tôi từ khi ở Sài Gòn về lại Sa Đéc vẫn vậy nhưng có phần thoải mái và tốt hơn. Mỗi sáng, ông tự vệ sinh, tự đo huyết áp, sau đó kiểm tra email, lên facebook và làm những công việc thường nhật”.

Ngày nào ông cũng dạo đàn và dành thời gian dạy đàn tranh cho những ai đam mê bộ môn nghệ thuật này. Giờ, không đủ sức để dạy cho người mới bắt đầu, ông kiên trì truyền lại kinh nghiệm cho những học trò đã theo ông hàng chục năm qua. Có người đến nhà học trực tiếp, có người phải học qua mạng facebook, nhưng ít ai bỏ lỡ các buổi học.

Đến nay, nhạc sư có hàng trăm môn sinh ở khắp nơi, từ các tỉnh thành trong nước đến châu Á, châu Âu, Australia, Mỹ. Ở tuổi bách niên, ông sử dụng mạng Internet thành thạo để dạy học. Những buổi online, dù cách xa nửa vòng trái đất, ông vẫn có thể chỉnh sửa từng nốt nhạc, hòa đàn cùng học trò. Mỗi tuần, các học trò ông lại ghé nhà, nghe nhạc sư dạy những bản đàn mới. Cách sống nhẹ nhàng, thanh tao của ông vận vào tiếng đàn làm say lòng người. Có những ngón đàn từng được ông gảy hàng nghìn lần, khi dạo lại vẫn khiến người nghe xúc động. Nhạc sư từng thổ lộ: “Cũng lạ, đã có rất nhiều ông Tây bà đầm không chịu học đồ, rê, mi, fa, sol, la, si mà tìm tới tôi để học hò, xự, xang, xê, xống”.

Nhạc sư chăm sóc cho cháu khi ở nhà.

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo dạy đàn cho cháu cố – bé Phạm Thảo Vy.

Cuộc đời gần một thế kỷ của ông có biết bao biến đổi, thăng trầm. Người ta có thể biết ông như một nghệ sĩ nhưng ít ai biết đến ông là một nhà giáo, một công chức, một nhà đấu thầu, nhà kinh doanh ô tô… Trải qua nhiều “khúc cua” cuộc đời nên tiếng đàn cũng như cách ứng xử của ông vì thế càng sâu sắc, tinh tế.

Tabc

Nguyễn Vĩnh Bảo tâm sự cuối đời, ông không mong có một buổi hòa nhạc lớn cho riêng mình, cũng không mong tên tuổi được vinh danh, chỉ muốn lưu giữ những nét nhạc cổ truyền nguyên bản nhất cho thế hệ trẻ hơn. Toàn bộ tư liệu sự nghiệp của ông hiện được giữ trong nhà lưu niệm, nằm ở khuôn viên Bảo Tàng tỉnh Đồng Tháp. Đó là nhiều đầu sách về âm nhạc đến cách dạy đàn tranh, băng đĩa các loại, những bài báo trong và ngoài nước viết về nhạc sư, những tư liệu trao đổi qua lại giữa ông và cố Giáo sư Trần Văn Khê cùng học trò, thủ bút đến những bài giảng, huân chương, bằng khen trong và ngoài nước… ghi nhận một quá trình nghệ thuật bền bỉ của nhạc sư.

Cả một cuộc đời nghiên cứu về âm nhạc dân tộc, Nguyễn Vĩnh Bảo luôn kiệm lời khi nói về bản thân. Điều quan trọng với ông là được sống một cuộc đời giản dị, bao dung với bản thân và thế sự, theo đuổi tới cùng đam mê âm nhạc. “Tôi hãnh diện là người con của Đồng Tháp. Làm gì tôi cũng nhớ tôi là người Đồng Tháp chứ không phải nhớ tên mình là Vĩnh Bảo. Cái tên tôi người ta có thể quên được, nhưng Đồng Tháp thì không”, ông chia sẻ cảm xúc khi quay về quê hương.

Nguyễn Vĩnh Bảo (sinh 1918) tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (Đơn vị hành chính thời Pháp thuộc) trong một gia đình nho học rất yêu thích đờn ca tài tử. Từ 5 tuổi ông đã biết chơi đàn kìm, đàn cò, 10 tuổi biết chơi rất nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Ông là nhạc sư, nhà nghiên cứu âm nhạc, giáo sư giảng dạy âm nhạc truyền thống vừa là nhạc sĩ trình tấu, kiêm cả nghệ nhân đóng đàn. Ông là người cải tiến đàn tranh từ 16 dây thành đàn tranh 17, 19 và 21 dây với kích thước và âm vực rộng hơn.

Từ năm 1955 cho đến năm 1964, ông dạy môn đàn tranh và cũng là trưởng ban nhạc cổ miền Nam tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ ở Sài Gòn. Ngoài ra, ông đi diễn thuyết và trình tấu âm nhạc dân tộc Việt Nam ở nhiều nơi trên thế giới.

Ông có tình bạn đẹp với giáo sư Trần Văn Khê. Hai người đã cùng nhau nâng tầm nghệ thuật đờn ca tài tử Việt Nam. Năm 1972 ông cùng giáo sư Trần Văn Khê diễn tấu ghi âm đĩa Nhạc tài tử Nam bộ cho hãng Ocora và UNESCO tại Paris (Pháp). Từ năm 1970-1972 Nguyễn Vĩnh Bảo là giáo sư đặc biệt thỉnh giảng về đàn tranh tại Đại học Illinois (Mỹ).

Ông nhận giải thưởng Đào Tấn của Việt Nam năm 2005. Năm 2006, ông là nhạc sư hiếm hoi của Việt Nam, trong số sáu nhạc sư có tầm ảnh hưởng trên thế giới, được vinh danh tại hội thảo Dân tộc Nhạc học thế giới (Ethnomusicology) ở Honolulu (Mỹ). Năm 2008, nhạc sư Vĩnh Bảo được chính phủ Pháp tặng Huy chương nghệ thuật và văn học (Ordre des Arts et des Lettres) cấp bậc Officier. Năm 2014, ông nhận bằng khen của Thủ tướng chính phủ vì có thành tích trong việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Năm 2015, ông được trao tặng giải thưởng Phan Châu Trinh cho những đóng góp trong việc sưu tầm và truyền bá nhạc dân tộc.

Thanh Phương (VNE)