Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh: Internet vào, nhạc Việt như “yếu mà ra gió”

0
1048
Là gạch nối giữa hai không gian nhạc Việt trước và sau khi internet vào nước ta, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh ‘đối thoại’ thẳng với âm nhạc hiện thời.
Nhạc Việt đang có xu hướng luẩn quẩn và đứt gãy
Phóng viên: Mấy năm trước, anh từng hỏi các nhạc sĩ đương thời đang làm gì mà để nhạc xưa áp đảo những ca khúc mới. Nhưng giờ ta thậm chí không đếm nổi số lượng các ca khúc, các nhạc sĩ mới…
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh: Đúng là có hàng loạt cái tên mới, ca khúc mới. Nhưng vấn đề là, nhạc Việt hiện nay không có cái riêng. Chưa kịp định hình cái này thì đã qua cái khác. Cái khác chưa kịp định hình lại qua cái khác nữa. Thời tiền chiến, bên cạnh ảnh hưởng âm nhạc Pháp hoặc châu Âu, một số nhạc sĩ có ý thức dân tộc, đã tạo ra những ca khúc rất Việt Nam. Điều đó được truyền tới thế hệ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên…
Sau ngày đất nước thống nhất, mạch đó chưa bị đứt gãy. Tới thế hệ nhạc sĩ Dương Thụ, Trần Tiến, Phú Quang… dù được hun đúc bởi không khí âm nhạc cách mạng, họ vẫn duy trì được những nét đẹp của nhạc tiền chiến trước đó; thậm chí, họ viết nhạc cách mạng cũng đẹp. Đặc biệt là Trần Tiến, tôi rất thích Mặt trời bé con, Vết chân tròn trên cát… của ông. Nhưng internet vào Việt Nam, nền âm nhạc của chúng ta giống như một người còn yếu, chưa đủ sức đề kháng mà ra gió, đang mất dần bản sắc
* Cụ thể là?
– Nhạc Việt đang có xu hướng lặp lại. Ở phương Tây hay các nước âm nhạc phát triển, họ phân biệt rõ từng nhánh nhạc, dòng nhạc. Internet vào, mọi thứ ở Việt Nam trở nên lộn xộn; công chúng không kịp nhận ra dòng nào là kinh điển, dòng nào là trữ tình, là nhạc trẻ…Đặc biệt nguy hiểm là chúng ta đang có một thế hệ được/tự xem mình là nhạc sĩ, xem nhẹ sự sáng tạo và suy nghĩ quá đơn giản với nghề. Họ chẳng thiết tha học hành, tìm đường tắt đi cho nhanh; cho nên mới có chuyện, có người tự nhận là nhạc sĩ nhưng không viết nổi một nốt nhạc.
Nền âm nhạc của chúng ta hiện nay giống như chợ trời với đầy hàng bẩn, nhưng chúng ta không thể nào cấm được. Trong khi những người không có năng lực dựa vào chiêu trò thì những nhạc sĩ có năng lực lại lười, thờ ơ, không chịu sáng tác, không tung ra tác phẩm mới. Nhìn lại trong Nam ngoài Bắc, số người sáng tác thực sự chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó cũng là nguyên nhân giúp nhạc bẩn tồn tại và phát triển.
Nhac si Vo Thien Thanh: Internet vao, nhac Viet nhu 'yeu ma ra gio'
* Anh có quan tâm tới những tranh cãi xoay quanh cách đặt tên của một số ca khúc trong năm 2018 như Như cái lò, Như lời đồn, Anh đếch cần gì nhiều ngoài em… không?
– Tôi cũng không hiểu vì sao những ngôn ngữ đó được đưa vào âm nhạc, lại được coi là bình thường. Một nghệ sĩ có văn hóa không bao giờ dám làm thế. Chỉ những người coi thường khán giả mới làm thế thôi. Tôi có cảm giác, một số nghệ sĩ, vì muốn nổi tiếng nhanh, sẵn sàng “cởi truồng giữa chợ”, để người ta xúm vào xem, mục đích là bán được hàng. Ở các nước, cũng có những nghệ sĩ dung tục như vậy, nhưng họ phân biệt rạch ròi. Thậm chí, cái dung tục của họ phản ánh hiện thực và có thông điệp, không phải chỉ để câu view như ở ta.
Nhac si Vo Thien Thanh: Internet vao, nhac Viet nhu 'yeu ma ra gio'
Nếu có con, bạn sẽ thấy sợ hãi
* Nói thế, anh không sợ đụng chạm số đông ư? 
– Nếu bạn có con, bạn sẽ thấy sợ hãi. Tôi là bố của hai đứa con, tôi không muốn chúng bị nhiễm độc bởi những thứ rác rưởi. Trong suy nghĩ của tôi, những nghệ sĩ như vậy đang tự trét bẩn vào mặt mình. Khi nói thế, tôi không sợ làm mất lòng bất cứ ai, mà chỉ sợ một số tờ báo cho rằng những tư tưởng, những suy nghĩ đó là cấp tiến.
Ăn phở có formol mãi, ăn rau xịt thuốc trừ sâu quen cũng thành tốt ư? Không đúng. Những thứ làm xói mòn tâm hồn con người mà ủng hộ nó, khác nào giết chính khán giả của mình. Điều đáng buồn ở đây, phần đông người ta lại lựa chọn nghe những điều không tốt cho tâm hồn quá nhiều.
* Có vẻ, chủ nghĩa tiêu dùng đã xâm lấn vào trong cả âm nhạc – nghệ thuật?
– Ít ai đủ kiên nhẫn để làm một thứ nghệ thuật đẹp đẽ. Họ sốt ruột, nóng lòng nổi tiếng, muốn được nhiều người biết đến, nên chọn dùng chiêu trò, thỏa hiệp. Không chỉ những ca sĩ trẻ, kể cả những ca sĩ thành danh cũng sốt ruột, sợ mình bị lãng quên, sợ không giữ nổi hào quang. Một khi tâm hồn con người không sạch, chẳng biết rồi xã hội sẽ đi về đâu. Sự thực dụng lên ngôi, xâm lấn vào trong cả sáng tạo. Ai cũng biết điều đó, nhưng không thắng lại được.
Nhac si Vo Thien Thanh: Internet vao, nhac Viet nhu 'yeu ma ra gio'
Cần nhiều hơn những producer hiện đại
* Nghe anh nói, có vẻ không khí âm nhạc chúng ta xám xịt quá. Chẳng lẽ không có nhân tố nào đặc biệt?
– Cũng có, nhưng họ cần tập trung hơn để tạo ra một con đường rõ nét. Thời tôi còn làm giám khảo chương trình Bài hát Việt, tôi thấy Nguyễn Đức Cường, Tạ Quang Thắng… có nét riêng. Họ cá tính, văn minh và cập nhật được trào lưu thế giới. Bên cạnh đó, có thể kể thêm một người rất giỏi về hòa âm như Thành Vương.
Mà những người thú vị ấy, lâu tôi cũng không còn thấy họ hoạt động gì. Chúng ta cần nhiều hơn những producer, sản xuất nhiều cho nhiều ca sĩ, có khả năng làm nên một thế hệ mới để nhận diện, tạo nên tương lai nhạc Việt. Nhiều producer giỏi sẽ tạo nên một thị trường âm nhạc tốt.
* Nhưng mấy năm qua, truyền thông lúc nào mà chẳng ra rả chuyện chúng ta đang có một thế hệ hit-maker (người tạo “hit”)?
– Đó cũng là một đặc tính quan trọng của producer hiện đại. Họ có năng khiếu nắm bắt trào lưu, biết được khán giả muốn gì. Nhưng chỉ như thế thì chưa đủ. Họ phải có bản lĩnh của một người producer. Khi có bản lĩnh, họ có thể áp đặt tư duy của họ, “bắt” công chúng nghe theo. Khi không có bản lĩnh, họ sẽ đi đường tắt, tạo ra những sản phẩm làng nhàng, thiếu cá tính, chiều lòng đám đông.
Nhưng tôi nghĩ, cũng sòng phẳng thôi. Sản phẩm sẽ thể hiện tư chất của anh. Làm thế nào thì kết quả thế đó. Sự ngụy tạo giá trị của anh có thể che mắt người ngoài, nhưng không giấu nổi người trong nghề. Cái quan trọng của một nghệ sĩ, không phải lóe lên tức thì, mà đi hết con đường dài.
Phượng Hoàng: Khoảnh khắc đặc biệt của nhạc Việt
* Võ Thiện Thanh cũng được người ta gọi là hit-maker đấy. Hit-maker thời trước và bây giờ khác nhau ra sao?  
– Công nghệ tạo “hit” thời đó khác bây giờ. Thời đó, internet chưa phổ cập nhiều. Để tiếp cận âm nhạc, chỉ có kênh Làn sóng xanh hoặc radio. Những “hit” thời đó tới nay vẫn còn giá trị. Tôi có cảm giác, “hit” thời nay có phần ảo, không thực chất. Nhưng internet không có lỗi. Lỗi là một nền giáo dục không tập trung vào giáo dục nhân văn, nghệ thuật, tâm hồn con người.
Giáo dục của mình không đủ mạnh để tạo ra một nền dân trí có sức đề kháng tốt. Khi internet vào, dân ta dễ bị nhiễm độc. Trong suy nghĩ của tôi, lớp lá cũ này đã xong rồi, chúng ta chỉ biết hy vọng ở những lớp lá sau nữa, rụng xuống, tạo thành nền đất tốt.
* Thời không internet, âm nhạc như thế nào?
– Thời không internet, âm nhạc được trân trọng, quý giá. Tôi còn nhớ cái thời mình nâng niu từng chiếc băng cassette, ghi nhạc ra sổ tay. Thời kỳ đầu tôi viết nhạc, rất vui. Giờ vẫn giữ phong cách như vậy. Ngay cả với thế giới, internet cũng tàn phá âm nhạc kinh khủng. Công nghệ số, trí tuệ nhân tạo… gây bất lợi cho nghệ thuật. Nhưng vấn đề là sức đề kháng mỗi đất nước khác nhau. Nước nào dân trí cao, văn hóa cao thì mức độ tác động sẽ thấp. Chẳng hạn châu Âu, họ không dễ bị tác động bởi nhạc Mỹ, vì cái nền của họ cao.
Đây là thời người càng biết nhiều, hiểu nhiều càng mệt. Phải có niềm tin sắt đá, chứ không thì nghệ sĩ dễ buông. Thế hệ của tôi, giờ còn ít người: tôi, Đức Trí, Đỗ Bảo, Anh Quân, Quốc Trung, Lưu Hà An, Thanh Phương… Trước tôi, còn anh Quốc Bảo. Ngoài ra, có thể kể thêm Trần Mạnh Hùng – một người làm thứ âm nhạc “rộng lớn”, nhưng tôi có cảm giác, Hùng cũng đang cô đơn giữa cái thời này.
Nhac si Vo Thien Thanh: Internet vao, nhac Viet nhu 'yeu ma ra gio'
* Lớp ca sĩ trẻ ngày nay thì sao?
– Có một điều cực kỳ nguy hiểm là một số ca sĩ ở mình đang hát tiếng Việt như ca sĩ Hàn Quốc hát tiếng Việt. Cái khó nhất là Việt hóa một hình thức âm nhạc nước ngoài. Bắt chước cách phát âm là cực kỳ ngớ ngẩn. Phát âm là phát ra cái hồn của dân tộc. Họ bắt chước như học vẹt. Họ bị lệch lạc về nhận thức. Thậm chí, ở ta có một tình trạng đáng buồn: mỗi giai đoạn âm nhạc lại giống một nước. Nếu thời trước giống Hồng Kông thì giờ đang bị ảnh hưởng Hàn Quốc.
Không biết các nhà quản lý có thấy điều đó không? Nhiều lúc tôi nghĩ, nhạc Hàn Quốc qua Việt Nam cũng chẳng phải là thứ nhạc chất lượng của họ. Âm nhạc Hàn Quốc rất hay; đặc biệt là nhạc cổ truyền. Khổ nổi, Việt Nam toàn “nhập khẩu” công nghệ âm nhạc đóng gói – thứ công nghệ đang giúp ông bầu kiếm bộn tiền nhưng nghệ sĩ bị đối xử như nô lệ. Màng lọc ở mình rất dở.
* Chúng ta có hình mẫu Việt hóa nào thành công trong lịch sử không? 
– Ban nhạc Phượng Hoàng là trường hợp có một không hai khi Việt hóa rất tốt. Âm nhạc của họ là một vệt tràn đầy. Thời còn đi học, tôi mê Phượng Hoàng bởi âm nhạc phóng khoáng, trẻ trung và chất triết lý về thân phận con người và thời cuộc trong đó. Sau này, có Đen Trắng, có Da Vàng… nhưng họ sáng tác ít quá, không đủ khỏe, đa số cover, về tầm không bằng. Phượng Hoàng là một khoảnh khắc đặc biệt của nhạc Việt, một hình mẫu tuyệt vời cho nhạc nhẹ Việt Nam phải noi theo.
* Cảm ơn anh. 
Đậu Dung (thực hiện) 
Ảnh: NVCC (PNO)