Nhạc sĩ Văn Cao với nhạc sĩ Trần Tiến

0
650

Nhạc sỹ Văn Cao là một người sống giản dị và khiêm tốn. Ông sống hòa đồng và luôn tôn trọng mọi người, không phân biệt tuổi tác cũng như nghề nghiệp của họ. Có lẽ vì thế nên ông được mọi người yêu quí và kính trọng, đặc biệt là giới văn nghệ sỹ.

Căn gác nhỏ của gia đình ông luôn là nơi tụ hội của mọi người. Rất nhiều nhà văn, nhà thơ, họa sỹ, nhạc sĩ trẻ… những người thành danh cũng như những người mới bước những bước đi đầu tiên vào nghề đều tìm đến với ông để gặp gỡ, trao đổi, và học hỏi kinh nghiệm.

Ông coi các nhà thơ như Thanh Thảo, Nguyễn Thụy Kha, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Trọng Tạo… các họa sỹ như Lê Huy Quang, Doãn Châu, Tường Vân, Nguyễn Tấn Cứ… các nhạc sỹ Dương Thụ, Phú Quang, Trịnh Công Sơn, Từ Huy, Trần Long Ẩn, Đặng Hữu Phúc, Trần Tiến… và còn nhiều những người khác nữa không thể kể hết là những người đồng nghiệp, những người thuộc thế hệ đàn em mà ông luôn coi trọng họ như một người bạn nghề.

Có lần ông bảo tôi “Chơi với lớp trẻ mình cũng học tập được nhiều điều. Hiểu được những tư duy mới trong lĩnh vực nghệ thuật, những trăn trở của họ với thời cuộc, phát hiện những tiềm năng nghệ thuật của họ để có những lời khuyên, động viên, khích lệ giúp họ phát triển tài năng. Chơi với bọn trẻ đầu óc mình cũng trẻ ra, cuộc sống vui hơn…”.

Trong  số những nhạc sỹ trẻ, Trần Tiến là một người được Văn Cao yêu quí .

Trần Tiến sinh năm 1947 tuổi Đinh Hợi, Văn Cao sinh năm 1923 tuổi Quý Hợi, tuổi thơ của Văn Cao lớn lên cùng với những đứa trẻ con cái của những người phu bốc xếp bến Sáu kho, bến Đá trong những xóm thợ lam lũ bên dòng sông Cấm của thành Phố Hải Phòng. Còn Trần Tiến sinh ra tại Hà Nội và lớn lên cùng những đứa trẻ nghèo con cái của những người phu bốc vác ga Hàng Cỏ.

Năm 16 tuổi, Văn Cao sáng tác ca khúc đầu tiên “Buồn tàn thu”. Năm 16 tuổi, Trần Tiến học hết lớp 10 và được tuyển thẳng vào trường Đại học Kiến trúc nhưng vì thành phần gia đình nên buộc thôi học, sau đó vào làm hậu đài cho Đoàn Ca múa Hà Nội. Sống trong môi trường nghệ thuật, có người anh là Trần Hiếu, một ca sỹ nổi tiếng đã tạo cảm hứng cho lòng say mê của Trần Tiến. Tiến tự học ghi ta và hát, chỉ sau một năm đã trở thành một nghệ sĩ biểu diễn.

Con đường nghệ thuật của Trần Tiến mở ra từ đó. Những năm đầu của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Trần Tiến theo đoàn Ca múa Hà Nội vào tuyến lửa biểu diễn phục vụ quân và dân các tỉnh Quảng Bình, Vĩnh Linh. Tại nơi tuyến lửa này, bài hát “Bài ca Thanh niên ra tiền tuyến” (1967) và “Cô gái Sầm Nưa” (1968) đã ra đời.

Khoảng năm 1968, trong một lần ra Hà Nội, Trần Tiến đến thăm nhạc sỹ Văn Cao. Trần Tiến khoe: “Anh Văn ơi,  em vừa sáng tác một bài hát, bài “Cô gái Sầm Nưa”, em hát anh nghe rồi xin anh góp ý.” Trần Tiến hát say sưa, vang cả căn gác nhỏ. Văn Cao lắng nghe hết bài, nhấm một hụm rượu rồi tủm tỉm cười, bảo “bài đầu tay như thế là được đấy. Cậu đưa bản nhạc đây để mình xem rồi ta cùng trao đổi”. Trần Tiến hơi bối rối: “Em mới tập tọe viết nên chưa ghi được…”.

Văn Cao cười: “Cậu có năng khiếu đấy, nên về Trường Âm nhạc học cho có cơ bản. Thời của tớ không có điều kiện nên phải mày mò tự học vất vả lắm. Cậu nên đi vào sáng tác, đừng đi theo nghiệp ca sỹ. Về hát thì cậu không thể bằng Trần Hiếu đâu. Cái nghiệp ca hát ngắn lắm, khi mất giọng rồi là hết chẳng còn lưu lại được. Làm nghệ thuật là phải có tác phẩm, có sáng tạo mới lưu lại về sau. Mình có chết đi vẫn còn tác phẩm để lại. Cậu có lợi thế hơn mình vì là một ca sỹ nên có thể phổ cập ngay những ca khúc của mình đến với mọi người. Mang tiếng là nhạc sỹ có bao nhiêu là bài hát mà mình có hát được bài nào đâu”.

Nhớ lại thời điểm sau ngày giải phóng Thủ đô, trở về Hà Nội, Văn Cao là Phó Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam. Công việc bận rộn nhưng ông vẫn tranh thủ đọc sách và tự học đàn Piano để nâng cao kiến thức âm nhạc. Nhiều đêm hai ba giờ sáng tôi vẫn thấy ông cặm cụi đọc sách và khẽ đánh những hòa âm trên bàn phím cây đàn Piano cũ thường xuyên phải thuê người lên lại dây đàn. Những năm đó chưa có nhiều tài liệu về âm nhạc như ngày nay.

Văn Cao phải tự học qua những tài liệu bằng tiếng Pháp mà ông mày mò sưu tầm được. Cũng may mà ông giỏi tiếng Pháp. Chỉ sau vài ba năm ông đã chơi đàn thành thạo và đi vào sáng tác nhạc không lời cho sân khấu, viết nhạc cho phim và nhạc giao hưởng. Văn Cao đã khẳng định được tên tuổi của mình và được các nhạc sỹ từng du học ở nước ngoài về kính nể.

Nghe lời khuyên của Văn Cao, năm 1971 Trần Tiến trở về Hà Nội và vào học sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội, Văn Cao mừng lắm. Năm 1973 Trần Tiến lấy vợ. Nhạc sỹ Văn Cao cùng vợ đã đến dự đám cưới, ông tặng Trần Tiến một bản dịch cuốn sách: “Kỹ thuật âm nhạc của tôi” của tác giả người Pháp, nhà soạn nhạc nổi tiếng Olivier Messiaen – là một nhạc sỹ thành lập nên trường phái Tiên phong ở Pháp. Ông nhạc sỹ này cũng là thầy dạy của nhạc sỹ Nguyễn Thiện Đạo.

Năm 1978 Trần Tiến tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội và sau này trở thành một trong những nhạc sỹ xuất sắc trong nền âm nhạc Việt Nam. Nhiều tác phẩm nổi tiếng của Trần Tiến đã được đông đảo khán giả và công chúng yêu mến như: “Giai điệu Tổ quốc”, “Mặt trời bé con”, “Chiếc vòng cầu hôn”, “Ngẫu hứng qua cầu”, “Tùy hứng lý ngựa ô”, “Sao em nỡ vội lấy chồng”, “Chị tôi”, “Vết chân tròn trên cát”… Năm 1987, Trần Tiến thành lập ban nhạc “Rock Đen Trắng” lưu diễn khắp nơi và gây ra rất nhiều tranh cãi… Năm 2007, nhạc sỹ Trần Tiến được trao tặng Giải thưởng Nhà nước và nhiều giải thưởng của Hội Nhạc sỹ.

Nhạc sỹ Văn Cao luôn theo dõi từng bước đi của Trần Tiến trên con đường sáng tác âm nhạc, động viên, khích lệ Trần Tiến mỗi khi hai người gặp nhau. Đánh giá về Trần Tiến, Văn Cao nói: “Trần Tiến là một nhạc sỹ  tài năng, âm nhạc của Tiến rất đa dạng mang chất ngẫu hứng đậm chất dân gian hiện đại và sáng tạo, phù hợp với thời đại nên đã đi sâu vào tầng lớp trẻ. Chất lãng tử trong tính cách của Trần Tiến cũng là một yếu tố làm nên sự thành công trong sáng tác”.

Còn Trần Tiến đã nhiều lần nói với mọi người “Mình luôn kính trọng và yêu quí anh Văn. Đối với mình, anh Văn không chỉ là một người anh thân thiết, anh còn là một người thầy chân tình của mình trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, chính anh là người đã hướng cho mình đến với âm nhạc”.

V.T (HNS)