Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến: Người lưu giữ hồn quê

0
750

Tính dân tộc, tính nguồn cội là một đặc điểm lớn ăn sâu vào gốc rễ âm nhạc Nguyễn Vĩnh Tiến, từ tận những mạch ngầm. Âm nhạc của anh là những cung điệu sớm biết rằng mình có đôi cánh, phải bay đi tìm quê hương, sớm biết mình là suối, sông, phải xuôi về nguồn mạch.

Đặc điểm này hiển lộ rất rõ ngay từ ca khúc Bà tôi, một bài hát mang tính bước ngoặt đưa cái tên Nguyễn Vĩnh Tiến đến gần số đông thính giả. Tại thời điểm bài hát này lên sóng chương trình Bài hát Việt, Nguyễn Vĩnh Tiến là người rất mới với đại đa số công chúng yêu nhạc, dù trước đó anh đã có nhiều giải thưởng gây chú ý trong lĩnh vực văn chương và kiến trúc. Một gương mặt trẻ, anh mang đến một ca khúc mang âm hưởng dân gian hiện đại, thoạt nghe thì có vẻ đấy không phải là một lựa chọn ưu thời mẫn thế. Tuy nhiên, trái với những ý nghĩ ban đầu của rất nhiều người, bài hát đã thành công rực rỡ, và có một đời sống rộng rãi trong số đông công chúng. Đó là một ca khúc mang nội dung khắc họa những cảm xúc của một người cháu trong đám tang của bà mình. Đó là một đám tang quê, có ngổn ngang ký ức, có nước mắt bé bỏng, có xấp ngửa bước chân của một người cháu lần tìm về bóng bà nằm hòa với bóng cánh đồng vàng rộm, với đình làng cao cao.

Giữa nét giai điệu dìu dặt nhịp đồng dao, đậm màu dân tộc này ta có thể thấy ngay trong đó là một bức tranh làng quê Việt Nam, đẹp chân phương, hồn hậu lạ kỳ: “Cười cười một chuỗi trời thử bụng ta/ Có mùa thóc lép lợp trên mái nhà/ Có mùa hoa cà tự nhiên tím tái/ Bà ví lông gà vàng như vườn cải/ Ông ví mặt trời như lời mối lái/ Ai ví tình yêu như trò nghịch dại…”. Đó hoàn toàn không phải là một bức ảnh lia nhanh một nông thôn với nhiều cao ốc lấn sâu vào nương ruộng, một làng quê vay mượn chiếc áo thị thành. Mà, đó chắc chắn là bức họa thật chi tiết có hồng hồng màu má thôn nữ đương xuân, có cái nồng nàn dễ lan tỏa của một mùa nếp mới dậy hương, tất cả nằm vương vào một buổi chiều cô tịch.

Vào tháng 7 năm 2005, ca khúc này đạt được giải Bài hát của tháng, do cả Hội đồng thẩm định lẫn khán giả bình chọn trong chương trình Bài hát Việt. Thời điểm đó, có rất nhiều ý kiến trái chiều chung quanh Bà tôi, về khía cạnh nhạc thuật cũng như mức độ “lành nghề” của một tác giả chưa trải qua bất kỳ trường lớp đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp nào. Tuy nhiên, sau tất cả, hầu hết mọi người đều dễ dàng đồng ý với nhau rằng đây chính là một bài hát hay, bởi ca từ được sử dụng rất dân tộc, có sức lay động lớn đến tâm hồn người thưởng lãm. Đó, như là sự khởi phát một hình thái tư duy rất mới về ca từ trong một ca khúc của người trẻ, vốn đã quá nhiều não nùng, quá nhiều ủy mị từ nhiều năm trở lại đây. Hoặc, đó như là chuyến trở về của một nét mỹ cảm đã mất hút từ rất lâu trong đời sống âm nhạc. Tôi rất thích nhận định của nhạc sĩ Nguyễn Cường về  bài hát Bà tôi: “Một ca khúc mà trong đó tự con chữ hát lên”.

Sau thành công vượt ngoài mong đợi của ca khúc Bà tôi, có cảm tưởng Nguyễn Vĩnh Tiến tuyệt nhiên không để hào quang chiến thắng ban đầu vây bủa mình quá lâu. Một ca khúc khác được anh trình làng sau đó không lâu, Giọt sương bay lên, tháng 11 năm 2005 tiếp tục đăng quang giải Bài hát của tháng và giành luôn Giải nhất dòng nhạc Dân gian đương đại của chương trình Bài hát Việt 2005. Từ Bà tôi cho đến Giọt sương bay lên, đó là những gam màu đồng nhất. Người mộ điệu tiếp tục được nghe trong tiếng mõ chiều là những câu hát ngập tràn hình ảnh làng quê Việt Nam: “Hoa cỏ phù du/ Người gạn tình tư trèo lên đỉnh đồi/ Gặp ngôi nhà cũ nắng gặm tường vôi/ Hoa vàng một thời…”. Mỗi khi được diện kiến đến những bài hát như thế này, tôi thoảng nghĩ, may ra chỉ có những cái giếng không đáy được đào sâu đến tận những mạch ngầm sâu xa nhất của nguồn cội thì mới chứa đựng nổi lượng hình ảnh mà tác giả đã mang ra, ghép nhạc.

Nguyễn Vĩnh Tiến đã có cơ duyên sở hữu một gia sản về ngôn ngữ Việt Nam vô cùng quý giá, ở cả bề rộng và bề sâu. Đó là một sự trù phú không dễ có của bất kỳ tâm hồn Việt Nam nào. “Mùa màng trôi, ôi tiếng chim kêu trong veo những giọt sương/ Mùa màng trôi, ôi chiếc lá xanh soi gương những giọt sương…”. Ở bài này, anh đưa ra hình ảnh ẩn dụ về sự bay của một giọt sương để từ đó đưa ra những chiêm nghiệm, suy tư, và cả những khát vọng mong muốn được chắp cánh, mong muốn được thăng hoa. Ca khúc này, xét về mặt giải thưởng đạt được, thành công hơn cả bài Bà tôi, đã âm thầm làm chuyển hướng những nghi ngại của nhiều người trở thành cảm giác chờ đợi tiếp nữa, tiếp nữa các sản phẩm mới đính kèm với cái tên Nguyễn Vĩnh Tiến, một “nhạc sĩ ngạc nhiên” theo cách mà nhà thơ Phan Huyền Thư đã gọi anh.

Album đầu tay Giọt sương bay lên ra đời năm 2007, với sự cộng tác của giọng ca “Thị Mầu” Ngọc Khuê và nhạc sĩ Phan Cường, mang lại một chuyến bay lên thực sự cho âm nhạc của Nguyễn Vĩnh Tiến. Bay lên, để tìm về nguồn cội, cũng là tìm lại bản thể chính mình. Điều này thể hiện rõ trong ca khúc nổi bật Chim bông lau tìm bóng, một bài hát được nhà văn Ngô Tự Lập đánh giá là “vượt lên trên cả Bà tôi và Giọt sương bay lên, hai tác phẩm nổi đình đám đã xác lập tên tuổi Nguyễn Vĩnh Tiến với tư cách là một nhạc sĩ”. Đó là một câu chuyện được kể lại khi tác giả hóa thân thành con chim bông lau nhỏ ngước mắt trông xuống con sông làng, không thấy bóng mình như mọi khi, để rồi từ đó khởi sự ra đi một kiếm tìm mải miết. Đây là một bài hát trong đó tác giả đã thể nhập rất trọn vẹn vào hình ảnh con chim bông lau, từ tiếng hót, đôi cánh chao cho đến những vết nứt gãy, sự thiếu trọn vẹn sẵn có trong tâm hồn mỗi con người: “Sóng vỗ, nghe như câu chuyện về dòng sông/ Bỏ quên mất bóng cho đôi bờ/ Gửi bao héo hắt cho đôi bờ/ Tôi chao, chao đi chao lại cùng sương khói/ Tìm đâu thấy bóng tôi trôi ngày/ Tìm đâu trí nhớ tôi sương mù”.

Ngoài ra, trong album này còn có một ca khúc khác không thể bỏ quên, đó là ca khúc Giấc mơ dai dẳng. Đây là một bài hát có khả năng gây ra nhiều ám ảnh, có khả năng gợi nhớ cho tâm hồn người thưởng ngoạn. Thông qua hình ảnh những giấc mơ dai dẳng, đeo bám, ám ảnh, bài hát là câu chuyện kể mang màu sắc siêu thực về chuyến trở về của một linh hồn lạc lõng trong một ngôi làng cổ vùng Bắc Bộ: “Vườn nhà ai rách như vườn chuối/ Tiếng giã cua khô như giã phải càng/ Ba lang thang bảy lang thang/ Hỏi xem già làng còn rượu quý không?”. Ngôn ngữ âm nhạc ở bài này trào cuộn một màu xa xưa và được cộng hưởng bởi lối hòa âm ma mị của Phan Cường, tạo ra một thang điểm vượt khung, nếu như tôi được phép cho một số điểm đánh giá nào đó. Đoạn điệp khúc bài này đặc biệt hay, đặc biệt vừa khít với giọng hát của Ngọc Khuê: “Ôi làng người cũ đi đâu?/ Nay tôi phải hỏi sao lâu không về?/ Hay là người đợi trên đê/ Tôi băng qua ruộng có đi theo cùng?/ Ôi làng ngày tháng trôi sông/ Ven đê lại nở những bông hoa vàng/ Ôi tờ lịch mới sang ngang/ Dập dềnh dạt giấc dở dang giữa dòng…”. Âm nhạc trong tiểu đoạn này phơi bày ra không gian đậm sắc huyền ảo, trong đó có những hồi tưởng, những hoang mang, những nuối tiếc về tính hữu hạn của thời gian, của kiếp sống. Kết thúc bài hát, tác giả, nhân vật chính của ca khúc tan rất nhanh vào khoảng không, để người nghe ngồi lại lửng lơ với những cảm xúc, dập dềnh trôi theo dòng suy tưởng hãy còn bỏ ngỏ. Những ca khúc mà người viết vừa lược nêu, cùng với những bài hát khác là Ơi con chim chào mào, Trai làng tôi và Lời bài hát vòng nước xoáy, đã giúp album Giọt sương bay lên là trở thành một sản phẩm âm nhạc đầy đặn, và thành công…

Kể cả khi anh có những đổi mới khi cho ra đời album riêng Vol.2 mang phong cách dân gian thính phòng có chủ đề Ngồi trên vách nắng vào năm 2008, thì tính dân tộc trong âm nhạc Nguyễn Vĩnh Tiến vẫn không mất đi. Thậm chí, người ta còn thấy nó chấp chới bay, vượt khỏi cổng làng, vượt ngoài những áp đặt thông thường, những định nghĩa, khái niệm trong khuôn khổ hai chữ “dân gian”. Tôi muốn nhắc ngay đến ca khúc Sông ơi đừng chảy trong album này với tiếng hát của ca sĩ Anh Thơ. Vốn là người hay nhặt nhạnh, tôi thấy yêu mến bài hát này ngay, bằng hình ảnh tu từ rất đắt: “Mây trôi đồng lần/ Nợ nần giăng giăng…”. Một hình ảnh mà chỉ những người rất thơ mới may mắn cóp nhặt được trong những khoảnh khắc siêu thanh ngắn ngủi, những mi-li-giây bứt ra khỏi thế giới hiện thực. Trở lại với tổng thể ca khúc, thì đây là một bài hát ẩn hiện trong đó là những câu chuyện của sự phẳng lặng, sự yên ắng tâm hồn, những đối thoại vô thanh. Người trên sông bảo thôi sông đừng chảy, để người ngồi nghe gió qua khe vội vàng, để đuổi kịp trăng khuya mờ tỏ, để trông lại một lần nào “Góc đêm, mạng nhện, nợ nần giăng giăng…”.

Bài hát kết thúc với một chuyến khứ hồi hiện thực, khi nhân vật biết rằng con sông vẫn chảy, ấu thơ vẫn mất đi, cái đang còn lại là cái không vĩnh cửu: “Sông không về nguồn/ Ta không về được những kỷ niệm ấu thơ/ Cơn mê mệt nhoài/ Li ti những hiện thực vừa vút qua/ Sông không dừng lại/ Như ta không thể nào neo bóng em yêu…”. Về mặt hình thức, ở bài này, đã hiển hiện rõ những nét âm điệu mượt mà xung quanh những gập ghềnh, những khúc khuỷu mà chúng ta vẫn thường nhận thấy trong album đầu tay. Đáng chú ý, trong album này đó là ca khúc Bóng anh hùng: “Giá như không có tâm hồn/ Giờ này vui như sóng vỗ từng cơn/ Giờ này vui như nước chảy xa nguồn/ Vui như…nụ cười đã loãng ra cùng mùa xuân…” Đây là ca khúc lấy cảm hứng từ bốn câu thơ trong truyện ngắn Chảy đi sông ơi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: “Chảy đi sông ơi/ Băn khoăn làm gì/ Rồi sông đãi hết/ Anh hùng còn chi…”. Nơi đây, dường như không ẩn hàm quá nhiều triết lý, nơi đây chỉ có những lời tự tình với con sông, với bóng anh hùng lẩn khuất trong sương. Chúng ta còn có tâm hồn, nghĩ là còn biết khổ đau, chúng ta còn chân trời, nghĩ là còn đôi chân mòn, đôi cánh mỏi. Bài hát chỉ ra những căn nguyên của những thống khổ trên cuộc đời: chúng đến từ chính những ước mơ cao quá tầm tay, những chân trời viễn mơ, những vực bờ huyễn mộng. Nhân vật trong ca khúc chỉ mong muốn “mơ đầy nhành hoa”, mơ giản đơn một sự sống vươn lên, mơ thuần khiết một nét đẹp bung tỏa hàng ngày mà thôi.

Đến đây, tôi phát hiện ra bản thân mình còn rất nhiều điều muốn nói về album này. Về ca khúc có cái tên là Trĩu, bắt nguồn từ một bài thơ Nguyễn Vĩnh Tiến viết từ Toulouse, Cộng hòa Pháp, bài hát mang nằng nặng tâm tư của người chồng xa nhà, những suy nghĩ lắng đọng về người vợ của mình: “Tôi yêu con phố trĩu đèn/ Yêu em đi làm về mắt trĩu/ Không hình bóng nào còn vương/ Ngoài loang loáng những ngày trĩu/ Tôi như nỗi nhớ trĩu cành/ Yêu em như nhành hoa trĩu…”. Về ca khúc mở đầu đẹp như một buổi sáng thâm trầm miền trung du: “Nhìn đường xa bụi dâng/ Bao nhiêu nếp nhà nằm suy tư/ Bao nhiêu câu chuyện dài hoang vu/ Kìa bông huệ trắng thơm như nắng mai, thơm như ai vừa đặt tên…” Về những liên tưởng dày đặc bóng dáng em, dáng mẹ, dáng quê nhà trong ca khúc Một hạt cơm nhỏ: “Một hạt cơm nhỏ/ Có làn da trắng em/ Một hạt cơm nhỏ/ Có mùa trăng mới lên/ Một hạt cơm nhỏ/ Cũng làm mẹ mơ/ Mơ đến, những ngày hè nắng chang chang/ Mơ đến, lũ ngập đồng, ôi nước sông…”. Về dáng người sông Thao trong ca khúc Ông tôi mà thân phụ của anh, bác Nguyễn Vĩnh Tuyền đã chắp bút phần lời cho ca khúc: “Mặt trời phía hừng đông/ Soi bóng ông trôi dài về phía ngọn đồi cao/ Nơi những thân cây rừng vừa đứng vừa chờ trông/ Nơi những con chim rừng vừa bay vừa ca hát…”.

Khi mà album vol.1 Giọt sương bay lên đã làm được rất nhiều cuộc khai mở khá mạnh mẽ với miền đất dân gian, khi mà mọi người đang có những băn khoăn, âu lo về âm nhạc Nguyễn Vĩnh Tiến liệu có còn sức lôi cuốn ở thời hậu Bà tôi hay không, thì sự ra đời của album vol.2 Ngồi trên vách nắng với rất nhiều điều mới mẻ được tìm thấy, rất nhiều nguồn mạch được khơi thông đã mang lại nhiều ấn tượng cho công chúng về một Nguyễn Vĩnh Tiến khác: đó là một người có khả năng sải những bước dài trong âm nhạc…

Nguyễn Đăng Khoa (HNS)