Nhạc sĩ Hoàng Tạo – Đằng sau những tác phẩm

0
947
Chú thích ảnh: Nhạc sĩ Hoàng Tạo – bìa phải – chụp ảnh lưu niệm trong một chương trình Nghệ thuật do Truyền hình Việt Nam thực hiện nhân kỷ niệm 25 năm ngày Không quân chiến thắng trận đầu, tháng 4/1990, cùng nhạc sĩ Văn Cao và phu nhân, Anh hùng Phi công Nguyễn Văn Cốc, các nhạc sĩ Văn Dung và Ngọc Khuê. - Ảnh: NSNA Xuân Át.

Kỷ niệm ngày mất của nhạc sĩ Hoàng Tạo (5 tháng 5 Giáp Thân, 2004) 

Hoàng Tạo yêu, say đắm và khám phá trong muôn màu rồi thả nghiêng, thả nghiêng tươi tắn gửi tấm lòng mình. Âm nhạc và ca khúc của Hoàng Tạo gắn bó đây đó – trên nẻo đường chiến tranh – trong hoà bình xây dựng.

Một thoáng gập ghềnh để nhớ lâu

Một chút ý tứ để bồi hồi liên tưởng

Hát về anh bộ đội như gặp ở Hoàng Tạo chí tình xông xáo, có kỷ niệm sâu sắc với nhiều gương mặt tác phẩm. Gắn bó mật thiết với quân đội nói chung và bộ đội Phòng không – Không quân nói riêng, những chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ biển trời Tổ quốc.

Câu hát cuộc đời có lúc tưởng như bông đùa mà có thật. Tác giả âm nhạc luôn là vậy, đầy lạc quan mà đắm trong da diết. Tình khúc của Hoàng Tạo như câu ca trong bài “Tình Người để lại”:

Kể sự tích trăm năm

Thấy ngàn năm tráng kiện

Tuổi xuân một cây đời

Kể sự tích mười năm

Thấy trăm năm trẻ lại

Tình người tình đời bên nhau…

Hoàng Tạo bền bỉ – đi cùng thời gian – đi cùng thời cuộc. Nhiều tác phẩm ngẫu nhiên là chứng nhân lịch sử gắn liền với sự kiện quan trọng của đất nước. Chẳng hạn như: Tên lửa về bên Sông Đà đánh dấu ngày bộ đội tên lửa Phòng không Việt Nam xuất trận, đánh thắng trận đầu ngày 24/7/1965. Bài hát đã trở thành bài ca truyền thống đơn vị và đơn vị lấy tên là “Đoàn Tên lửa Sông Đà”; Những mùa bay đôi đánh dấu chuyến bay lịch sử vào vũ trụ của Anh hùng Liên Xô Gorbatko và Anh hùng Phạm Tuân, ngày 23/7/1980.

Trong Khúc ru tìm đồng đội ta ngỡ như là trong từng giây phút của những ngày hoà bình xây dựng đất nước, lòng người không nguôi một khúc ru…

Ơi à bạn, ơi à anh

Đất đai lặng yên đầy tình,

Có thiêng thì cho mình gặp…

Hình ảnh đi tìm đồng đội vẫn dành để trong lòng ta một chỗ thiêng, vẫn đau đáu một niềm tin đi tìm đồng đội – gặp lại chỗ anh nằm nơi chiến trường xưa. Bài hát đã vào phim cùng tên Đi tìm đồng đội của Điện ảnh Quân đội Nhân dân đạt giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan Phim lần thứ 10 tại Hải Phòng. Rồi Quần đảo đồng đội, Những mùa bay đôi v.v… mỗi lần hát lên như bồi hồi diễn ra một sự kiện, một kỷ niệm không quên.

Trong công việc “bếp núc” của người sáng tác, Hoàng Tạo thường không tránh né những điều gai góc mà ở đó bắt gặp sự mạnh dạn tìm tòi.

Từ những gắn bó tích cực với cuộc sống đã khơi nguồn cho những bài ca như thế: Một Khóm măng rừng, một Mưa trên chốt, một Chú ngựa hồng lên điểm tựa, một Chiếc ba lô và bài ca tình nguyện, một Khúc si mê Đảo Hòn MêHát lên mùa xuân Công binh, một Kho hàng, một Con Thỏ Pin, một Ru bích tình yêu… những điều tưởng như nhỏ bé bất ngờ kia đã rung ngân thành giai điệu. Như không kể đâu là đề tài lớn, đâu là đề tài nhỏ mà là cách nhìn và sự phát hiện để tìm ra một hình tượng âm nhạc, để tìm ra một đề tài thú vị, một giai điệu cởi mở, một nhóm lời ca ý nhị hay là một khúc thức sáng tạo…

Ngoài ra trong giai điệu Hoàng Tạo cũng thường thấy gần gũi với chất dân ca, man mác gợi về đâu đó, gần gũi nhưng không dễ dãi, không bị đồng hoá bởi dân ca. Trong nhiều tác phẩm của Hoàng Tạo, người ta tin rằng để tìm thấy cái gồ ghề bất ngờ kia là sự sắp xếp có ý tứ, dễ mến, dễ yêu và thấm lâu.

Nhạc sĩ Hoàng Tạo đã gởi gắm những điều riêng – chung vào khá nhiều tác phẩm không riêng gì những bản tình ca, những khúc ca trữ tình mà cả những bài ca ngợi trẻ trung. Hình như đâu đó đều có cái riêng chung của một mình, của một người và của mọi người. Những bóng dáng riêng – chung ấy như mối dây liên tưởng hàm súc những mến thương luôn tìm nhau và để gặp nhau. Có một điều không nhiều người biết, những niềm riêng chung ấy được thể hiện rất rõ trong một số ca khúc của ông. Chung thì mọi người đều biết, như nói đến Mây trắng, Én trắng rồi để nói đến những điều sâu kín, riêng tư nhất của cuộc đời, để nói về một người phụ nữ yêu quý của ông:

Mây ơi mây của ta, bốn mùa mây trắng mây hồng

Nhắn giùm với đó cho ta, sẽ cùng đăm đắm chân mây

Mây ơi mây của ta

Mây ơi mây cùng ta !

(Mây Trắng)

Hay là:

Kìa là mây, mây ơi cứ xa xôi

Sao anh không là mây, mây bên mây bồng bềnh ?

(Én Trắng)

Mặc dù trong đời tư của ông, cũng đã có một thời gian dài hai ông bà ly thân, nhưng ông luôn nhớ và viết những dòng ấy, “Sao anh không là mây, mây bên mây bồng bềnh?” Mây hay Vân là thế, là Mây hồng thì cũng “Hồng Vân” đó thôi… Cho đến thời gian ông lâm bệnh và mất, thì bà cùng con trai, con dâu và các cháu đã làm trọn bổn phận của mình. Ông đã cảm thấy hạnh phúc vì những người thân yêu đã ở bên và trên tay, trên ngực ông vẫn toả hơi ấm của sự sống những tác phẩm của mình được gom lại trong cuốn sách Theo dấu măng rừng (Với 258 trang chứa đựng 120 bản nhạc cùng phụ lục – Nhà xuất bản Âm nhạc – 2004) được gửi từ Hà Nội vào khi còn thơm mùi mực.

Rồi những Mây trắng, Én trắng, Mây xa, Hỡi đàn chim vô tư, Biển vẫn thế, Tằm ơi tằm ở… vẫn cứ gọi tha thiết những riêng – chung và lạc quan vô tư đi vào cuộc sống của âm nhạc là vậy. Trong các bản nhạc không lời, các morceaux (khúc nhạc) – piano, trong sonate violoncelle – piano trong các bản nhạc múa, hay trong các operetta Những chàng trai mặc áo màu lửa, Họ chưa biết tên nhau; trong thanh xướng kịch Bài ca bầu trời – cộng tác cùng các tác giả kịch bản: nhà thơ Trần Đăng Khoa, Ngọc Trân, đạo diễn Hoàng Hà, Vũ Minh… vẫn thường gặp ở Hoàng Tạo những màu sắc lạ và những cấu tứ đạt đến phong độ.

Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước gian khổ và oanh liệt, Hoàng Tạo đã có duyên với Đưa anh đi hái măng rừng hát lên niềm lạc quan yêu đời, trẻ trung mà trải nghiệm cùng nhắn gửi tha thiết. Giờ đây vẫn như “theo dấu măng rừng” ấy – nhớ lắm, nhớ lắm khi vui chiến thắng. Vẫn đuổi theo những dòng đời kỷ niệm, những bài ca tình nguyện. Đúng vậy, không riêng gì Hoàng Tạo mà tất cả chúng ta đều tình nguyện gắn bó mình với bao đau khổ sướng vui của cuộc đời, tự nguyện sống ở bên nhau và để dành cho nhau…

Ngọc Khuê (HNS)