Người nỗ lực hồi sinh điệu hò sông Mã

0
1446
Anh Nguyễn Văn Long cùng các thành viên Câu lạc bộ hò sông Mã, dân ca và nhạc cổ tham gia biểu diễn trong chương trình: Liên hoan nghệ thuật quần chúng – tuyên truyền cổ động “Tự hào miền đất và con người xứ Thanh”, kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa

Dừng chân ở đầu dốc ven đê sông Lèn (một nhánh của sông Mã), thuộc khu vực đầu xã Hà Ngọc (Hà Trung), chúng tôi bị lôi cuốn bởi những lời ca của điệu hò sông Mã được cất lên từ phía một ngôi nhà nhỏ:“Vắng cơm một bữa chẳng sao/ Vắng em một bữa lao đao cả ngày/ Vắng em chỉ một phiên đò/ Trầu ăn chẳng có chuyện đò thì không”.

Đi về phía ngôi nhà nhỏ, chúng tôi bắt gặp hình ảnh anh Nguyễn Văn Long – người được đánh giá là gương mặt tiêu biểu của vùng đất Hà Trung trên hành trình đi tìm cơ hội hồi sinh cho điệu hò sông Mã, đang mải mê tập luyện, uốn nắn từng giai điệu, câu chữ… cho những người học trò là thành viên Câu lạc bộ hò sông Mã, dân ca và nhạc cổ, để chuẩn bị cho một chương trình văn nghệ sắp diễn ra tại địa phương.

Theo lời giới thiệu, anh Long được sinh ra và lớn lên trong cái nôi sản sinh ra điệu hò sông Mã – khi bến sông trước nhà anh, xưa kia là bến nước chợ Chiềng và là chợ ven sông lớn nhất huyện Hà Trung lúc bấy giờ. Đó là nơi xuất phát của những con đò dọc và cũng là nơi trở về sau một hành trình gian nan. “Thời tôi sinh ra, các cụ Nguyễn Văn Kê, Lê Văn Khiết, Nguyễn Văn Hoành… đang còn là những trai đò lao động trên sông nước và luôn lấy những câu hò sông Mã để làm niềm vui trong những phút giây nhọc nhằn. Tôi bị lôi cuốn bởi sự độc đáo và dấu ấn văn hóa trong những điệu hò đó, vì vậy, mỗi khi các cụ cất tiếng hò, tôi học theo. Biết tôi thực sự đam mê với văn hóa dân gian của dân tộc nên trong nhiều năm, các cụ đã truyền dạy để tôi có thể hiểu và hát thành thục. Theo năm tháng, những câu hò trên bến sông ngày càng thêm gắn bó và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi”.

Năm nay bước sang tuổi 45, ngoài lao động sản xuất, anh Long vẫn say sưa với việc sưu tầm, phổ biến và bảo tồn các làn điệu hò sông Mã cùng những câu hát dân gian truyền thống của địa phương. Trong suy nghĩ, anh luôn cảm thấy tự hào về quê hương lịch sử cùng kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc của quê hương mình, trong đó tiêu biểu nhất là hò sông Mã: “Đã từng có một thời, những điệu hò được xem như món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân xứ Thanh. Từ miền sơn thượng với bao thác ghềnh hiểm trở, đến miền đồng bằng phì nhiêu, bao la bát ngát, cho tới tận những nơi cửa biển hay ngoài khơi xa sóng to gió cả, đâu đâu cũng vang vọng những câu hò, điệu lý đặc trưng nơi vùng sông nước. Nhưng, theo thời gian, những câu hò dần bị mai một, số người biết hát những điệu hò sông Mã chỉ đếm trên đầu ngón tay”. Vì lẽ đó mà nhiều năm qua, trong tiềm thức của mình, anh Long chưa bao giờ từ bỏ ý định khôi phục, hồi sinh và tìm lại vị trí vốn có cho sản phẩm văn hóa dân gian đặc sắc này.

Trên hành trình hồi sinh điệu hò sông Mã, anh Long đã cất công sưu tầm, ghi chép tỉ mỉ các làn điệu để lưu giữ. Đồng thời, anh vận động và dạy miễn phí cho người dân, đặc biệt là thế hệ thanh, thiếu nhi tại địa phương để có thể hát một cách nhuần nhuyễn 13 điệu hò đặc trưng của mảnh đất Hà Trung nói riêng và 19 điệu hò của tỉnh Thanh Hóa nói chung. Đặc biệt, năm 2007, anh là thành viên tích cực tham gia thành lập chi hội bảo tồn, phục hồi ca trù và hò sông Mã. Trong thời gian này, anh cùng với 24 thành viên trong chi hội tổ chức biểu diễn hò sông Mã trong các chương trình nghệ thuật của địa phương. Đồng thời, tham gia dạy tại nhiều lớp học hát hò sông Mã, lớp tập huấn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể ven sông Mã do Trung tâm Văn hóa tỉnh phối hợp với UBND huyện Hà Trung thực hiện.

Sau khi chi hội bảo tồn, phục hồi ca trù và hò sông Mã gặp khó khăn về kinh phí nên không còn hoạt động như ban đầu, anh Long vẫn giữ trong mình ngọn lửa và tình yêu với những câu hò. Anh tiếp tục rèn luyện giọng hát của bản thân cũng như dạy miễn phí cho các cháu thanh, thiếu nhi và là người đi đầu trong phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương, trong đó nổi bật là việc tham gia biểu diễn trên các tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã” do trung tâm phát triển du lịch sông Mã tổ chức. Lúc này, anh cùng những người bạn có chung niềm đam mê có cơ hội đưa hò sông Mã trở về với môi trường diễn xướng nguyên khai.

Đến ngày 11-5-2018, Câu lạc bộ hò sông Mã, dân ca và nhạc cổ được thành lập do anh Long làm chủ nhiệm. Và, một lần nữa, mong mỏi đưa hò sông Mã trở lại gần hơn với công chúng có thêm cơ hội trở thành hiện thực. Từ khi thành lập đến nay, anh Long vẫn duy trì đều đặn mỗi tuần hai buổi tập cho 25 thành viên của câu lạc bộ, tham gia biểu diễn các chương trình văn nghệ và đạt giải cao, như: Văn nghệ chào mừng Lễ hội khai ấn Đền Trần, Liên hoan nghệ thuật quần chúng – tuyên truyền cổ động “Tự hào miền đất và con người xứ Thanh”, kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa… Điều đáng nói, để có thể duy trì câu lạc bộ, anh Long cùng các thành viên khác đã phải tự đóng góp kinh phí mà không nhận được sự hỗ trợ từ đơn vị nào. Dù gặp khá nhiều khó khăn, nhưng với sự tâm huyết và niềm đam mê thực sự với hò sông Mã, anh Long vẫn không ngừng nỗ lực và hy vọng đến một ngày, điệu hò sông Mã đã từng “vang bóng một thời” sẽ được công chúng đón nhận trở lại với giá trị vốn có.

Trước khi kết thúc cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh Long trăn trở: “Thế hệ trẻ bây giờ đa số hướng đến âm nhạc hiện đại, không mấy ai hứng thú, đam mê với âm nhạc dân gian. Còn một số người yêu thích không phải ai cũng có thể hò được mà phải tập luyện miệt mài, thế nên muốn truyền lại cho thế hệ sau cũng khó. Điều quan trọng bây giờ là cần có sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương. Tỉnh cần quan tâm ban hành cơ chế quản lý, tổ chức và kinh phí hoạt động cho các câu lạc bộ hò sông Mã, sớm đưa các điệu hò mang đậm bản sắc quê hương vào giảng dạy trong chương trình học nhạc của các trường phổ thông và hướng tới việc phục hồi, truyền dạy, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu và yêu thích loại hình nghệ thuật đặc sắc này”.

Sông Mã, một dải nặng đầy phù sa của tỉnh Thanh, nơi sinh ra điệu hò đậm chất ngư nghiệp, là nơi đánh dấu sự có mặt của một làn điệu đã trải qua bao thăng trầm, đã và đang ẩn hình trong bóng nước của một dòng sông một thời anh hùng và huyền sử. Và chính nơi này cũng đã sinh ra những con người luôn canh cánh nỗi lo về sản phẩm văn hóa dân gian của dân tộc bị mai một, lãng quên theo năm tháng để từ đó có những hành động thiết thực nhằm hồi sinh, bảo tồn sản phẩm văn hóa dân gian độc đáo của quê hương.

Lê Tình (HNS)