Thiếu vắng âm nhạc, nỗi đau của nền giáo dục Việt

0
1375
Có ai nhớ đến âm nhạc là một yếu tố làm nên con người văn minh, biết quý cái hay và trọng cái đẹp? Có thể âm nhạc ít khi sinh sôi tiền cho người say mê nó, nhưng chính cái ham mê đó giúp người ấy có một đời sống nội tâm sâu sắc hơn, một triết lý sống hài hòa hơn, và một cái nhìn thường là nhân bản hơn với đồng loại cũng như với thiên nhiên…

Một lần, nhạc sĩ Dương Thụ đến nói chuyện với sinh viên, giảng viên trường tôi. Và chỉ trong vòng không đầy hai tiếng đồng hồ, có bốn câu chuyện khiến những người quan tâm đến giáo dục Việt Nam phải đau lòng.

Xin nói ngay, nỗi đau này không phải do anh Dương Thụ hay các giảng viên gây ra. Họ chỉ là những “nhân chứng”, kể lại đôi ba câu chuyện rất thật quan sát được khi đi ra thế giới.

Nỗi đau đến là khi người viết nhìn lại những sinh viên của mình, hiểu được Việt Nam còn phải phấn đấu biết bao nhiêu nữa mới có chút hy vọng rút ngắn khoảng cách với các nước khác. Đau ở chỗ biết cần phải làm gì để thay đổi, nhưng lại chỉ có thể giới hạn trong phạm vi khiêm tốn của những người có tâm huyết.

Câu chuyện của Dương Thụ dẫn người nghe về trải nghiệm của anh trong gần nửa thế kỷ sống và làm việc với âm nhạc Việt, về lịch sử tân nhạc Việt từ những năm 1932 đến đương đại. Vẻ ngoài điềm đạm, trầm tĩnh nhưng suốt mấy mươi năm qua, người nhạc sỹ ấy đã tạo không ít xáo động cho đời sống âm nhạc và cũng chịu sóng gió không ít.

Nhưng “điều còn mãi” trong tôi sau buổi giao lưu của Dương Thụ lại là 4 câu chuyện nhỏ, hai do anh kể, và hai do giảng viên trường tôi kể.

Câu chuyện thứ nhất, anh Thụ kể, một lần sang Nhật anh được bạn rủ đi nghe hòa tấu nhạc cổ điển tại trường đại học. Và vị nhạc sĩ người Việt đã rất thán phục khi biết toàn bộ thành viên ban nhạc đều là sinh viên đang học tại trường.

Dương Thụ được biết, học sinh Nhật học nhạc từ bé, và thường học chơi một nhạc cụ trong nhiều năm đi học. Khi vào đại học, nhà trường có thể tuyển chọn những sinh viên xuất sắc nhất để lập một ban hòa tấu tầm cỡ. Như vậy, nhà trường có ban nhạc, còn sinh viên thì có cơ hội chơi, thưởng lãm nhạc hay.

Sau đó, thầy trưởng khoa Kinh tế thương mại trường tôi, mới từ Thái Lan về nước sau 20 năm dạy học xứ người, nối tiếp với một câu chuyện tương tự. Một lần đến thăm Đại học Rangsit tại Pathumthani, một tỉnh nhỏ ở phía Bắc thủ đô Bangkok, thầy Khang cũng được nghe dàn nhạc giao hưởng do sinh viên trường lập, chơi nhạc cổ điển châu Âu rất hay.

Câu chuyện thứ 3 do một giảng viên vừa đi công tác ở một hòn đảo nhỏ bên Philippines. Chị kể, tại một buổi giao lưu với các đồng nghiệp đến từ nhiều nước, chị rất đỗi ngạc nhiên khi trường tiểu học sở tại cũng có một ban nhạc gồm 40 em chơi măng-đô-lin khá điêu luyện.

Cuối cùng, nhạc sĩ Dương Thụ kết thúc với câu chuyện về một gia đình người bạn anh quen từ thuở nhỏ đang định cư bên Anh. Một lần sang nước này, anh được gia đình bạn mời dự lễ cưới của con gái họ.

Điều làm Dương Thụ ngạc nhiên và thích thú là trong lễ cưới đơn giản đó, sau phần nghi lễ, cô dâu và chú rể hòa nhạc tặng người thân và bạn bè. Chàng đánh dương cầm, nàng chơi cello vô cùng du dương. Tò mò anh hỏi họ chơi nhạc ở đâu mà có vẻ “thiện nghệ” đến vậy và được biết, mỗi sáng chủ nhật, họ thường chơi nhạc trong nhà thờ.

*

Nghe xong 4 câu chuyện, tôi lan man nghĩ đến những tài năng lớn như Ngô Bảo Châu, những Đặng Thái Sơn, Trần Quốc Thảo… Nghĩ đến chuyện xưa về cây cam trồng bên này hay bên kia sông Vị…

Càng ngẫm, tôi thêm buồn khi thấm thía cái đặc tính “ăn xổi ở thì” của hầu hết người Việt mình. Dân tộc ta rất kiên cường, anh dũng trong chiến tranh, đánh bật mọi thế lực ngoại xâm về quân sự. Thế nhưng, cũng chính dân tộc ấy lại ít khi đủ kiên nhẫn để bỏ công rèn luyện một tài năng hay sở thích nào cho đến nơi đến chốn?

Đặc tính này thể hiện ngay từ trong những việc thường ngày, như làm đường, sửa máy móc, v.v… cho đến các quốc sách có tầm chiến lược, như giải quyết vấn nạn tai nạn giao thông, an toàn thực phẩm, dịch vụ y tế, phát triển kinh tế bền vững cho các thế hệ sau, v.v… Hầu như không mấy người có chức trách nhìn xa hơn nhiệm kỳ của mình hay đặt lợi ích của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

Không biết có bao nhiêu trường ở Việt Nam hiện nay có chương trình dạy nhạc, hay ít ra dạy thưởng thức âm nhạc. Nhưng cứ ra đường vào 6 h sáng, đã thấy các em vội vã đến trường, và liên miên đến tối là đủ các lớp học thêm, bù, kèm, ngoại ngữ, “kỹ năng”… , kể cả ngày cuối tuần.

Với lịch trình kín mít như thế, hẳn không nhiều học sinh tiếp cận được với âm nhạc trong suốt 12 năm ở trường phổ thông. Các trường đại học lại càng gần như hoàn toàn không có âm nhạc, trừ các nhạc viện.

Không biết trong các chương trình cải cách giáo dục, có ai nhớ đến âm nhạc là một yếu tố làm nên con người văn minh, biết quý cái hay và trọng cái đẹp? Có thể âm nhạc ít khi sinh sôi tiền cho người say mê nó, nhưng chính cái ham mê đó giúp người ấy có một đời sống nội tâm sâu sắc hơn, một triết lý sống hài hòa hơn, và một cái nhìn thường là nhân bản hơn với đồng loại cũng như với thiên nhiên…

GS. Vũ Đức Vượng (HNS)