Người dẫn dắt Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời bật mí những kế hoạch biểu diễn hấp dẫn trong năm 2019

0
809

Sau hơn một năm đi vào hoạt động, Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời – Sun Symphony Orchestra (SSO) đã tạo dựng được ấn tượng, tình cảm đẹp đẽ của công chúng yêu thích nhạc giao hưởng.

Để hiểu hơn những dự định âm nhạc mà Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời đang ấp ủ để dành tặng cho khán giả mộ điệu, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Giám đốc Âm nhạc- Nhạc trưởng chính của SSO – ông Olivier Ochanine.

Xin chào ông và chúc mừng những thành công bước đầu của Sun Symphony Orchestra. Từ buổi công diễn đầu tiên trước công chúng đến nay, SSO đã trình diễn những tác phẩm âm nhạc nào và đã có bao nhiêu buổi diễn?

Ra mắt công chúng lần đầu tiên vào tháng 5/2018, kể từ đó đến nay chúng tôi đã biểu diễn nhiều tác phẩm của các nhạc sỹ Việt Nam cũng như của các nhà soạn nhạc kinh điển trên thế giới. Chúng tôi cũng đã tham gia biểu diễn trong cả các chương trình nhạc Pop hay nhạc đương đại. Thật khó có thể nào liệt kê hết được nhưng tôi rất thích sự linh hoạt này của SSO.

Xin ông cho biết tiêu chí hoạt động và những mục tiêu mà SSO hướng tới là gì?

Thành lập năm 2017, Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời với sự đồng hành của Tập đoàn Sun Group được kỳ vọng mang đến những tiêu chuẩn mới cho nền âm nhạc Việt Nam. Qua quá trình tuyển dụng khắt khe, SSO đã quy tụ được những tài năng âm nhạc cổ điển xuất sắc đến từ Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới.

Không chỉ đặt kỳ vọng trở thành một trong những dàn nhạc đẳng cấp của châu Á, chúng tôi còn mong muốn được góp phần quan trọng trong việc phát triển một thế hệ nghệ sỹ và khán giả mới của âm nhạc cổ điển tại Việt Nam. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ và luôn hướng tới sự hoàn hảo, tôi tin SSO sẽ đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Ông vừa nói quá trình tuyển chọn nhân tài cho SSO vô cùng khắt khe. Vậy tiêu chuẩn để trở thành thành viên Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời là như thế nào?

Đúng vậy, họ phải trải qua những vòng tuyển chọn khá ngặt nghèo. Và thật may mắn là SSO đã quy tụ được cho mình những thành viên tài năng, từng được đào tạo bài bản tại các Học viện âm nhạc danh tiếng , được rèn luyện và trưởng thành từ các Dàn nhạc nổi tiếng trên thế giới.

Lựa chọn để trở thành nhạc công chuyên nghiệp chưa bao giờ là con đường dễ dàng. Số năm mà các nhạc công phải khổ luyện để có thể chơi điêu luyện một loại nhạc cụ mà họ chọn được tính bằng hàng thập kỷ. Nhưng khổ luyện thôi cũng chưa đủ, để trở thành một nhạc công chuyên nghiệp, bạn phải sở hữu cái gọi là tài năng thiên bẩm – điều này thì chẳng trường lớp nào có thể đào tạo được.

Quy tụ những nhạc công tài năng như vậy thì việc tập luyện của dàn nhạc có nhất thiết phải tiến hành thường xuyên hay chỉ khi gần đến các chương trình biểu diễn, thưa ông?

Một dàn nhạc cũng giống như một đội bóng, cần phải luyện tập hàng ngày để chuẩn bị cho những sự kiện. Và trong “đội bóng” đó thì mỗi nhạc công cũng giống như một cầu thủ, phải tự mình tập luyện hàng ngày để có thể giữ vững phong độ và phát triển các kỹ năng. Người Việt Nam có câu “có công mài sắt, có ngày nên kim”, mỗi nghệ sỹ âm nhạc cổ điển cũng vậy thôi, càng luyện tập nhiều, họ sẽ càng giỏi hơn mà thôi.

Qua những buổi biểu diễn, ông có cảm nhận thế nào về gu thẩm mỹ của khán giả Việt Nam đối với âm nhạc giao hưởng?

Khán giả luôn là nguồn cảm hứng giúp chúng tôi làm việc tốt hơn. Tôi rất biết ơn và đặc biệt ấn tượng với khán giả Việt Nam bởi sự yêu mến và ủng hộ của họ dành cho SSO. Tôi tin rằng họ đánh giá cao chất lượng biểu diễn của dàn nhạc. Bạn không thể giải thích với ai đó làm thế nào để có thể cảm thụ âm nhạc. Điều đơn giản là bạn chỉ cần nhắm mắt lại lắng nghe và cảm nhận nó. Tôi tin rằng khán giả của chúng tôi hiểu điều đó.

Không thể phủ nhận rằng rất nhiều dàn nhạc giao hưởng trên thế giới đang phải hoạt động phi lợi nhuận. Trong điều kiện thị trường Việt Nam, liệu SSO có thể độc lập phát triển?

Tôi không đồng ý với nhận định này. Những giá trị thặng dư mà một dàn nhạc có chất lượng và đẳng cấp mang lại không thể đo lường bằng vật chất. Điều này đã được chứng minh qua suốt chiều dài lịch sử. Thành công không chỉ là sự giàu có về tiền bạc. Có những giá trị tinh thần mà chúng ta không thể xem nhẹ. Âm nhạc nên được coi là một nguồn tài nguyên thiên nhiên, quý giá như không khí chúng ta thở, nước chúng ta uống. Bạn không thể sống thiếu không khí hay thiếu nước được. Sau một thời gian ở Việt Nam, tôi nhận ra rằng nhu cầu trong đời sống tinh thần của người dân ở đất nước này rất cao. Nhiều người Việt Nam hiểu sự giàu có về vật chất chỉ là phù du. Đó là lý do tôi tin vào một tương lai tươi sáng của SSO.

Chiến lược phát triển của dàn nhạc trong thời gian tới được SSO và Sun Group hoạch định như thế nào?

Để SSO thành công, chúng tôi cần phải trở thành một phần không thể thiếu của cộng đồng. Thương hiệu SSO sẽ phải đi xa hơn việc chỉ đơn giản là một cái gì đó để giải trí đơn thuần. Chúng tôi làm việc hết sức, để có thể trở thành một phần của tâm hồn Việt Nam, để không chỉ là một Dàn nhạc tổ chức các buổi hòa nhạc định kỳ, mà còn là nơi tìm kiếm và phát triển, tôn vinh những tài năng âm nhạc Việt Nam và thế giới. Với cam kết phát triển bền vững cũng như xây dựng và phát triển đội ngũ nhạc công chuyên môn cao, tôi hoàn toàn tin tưởng vào con đường phía trước cho SSO.

Trân trọng cảm ơn ông!

(HNS)