Nghệ sĩ và những nỗ lực sáng tạo trong một năm biến động

0
1107
Nghệ sĩ piano Trang Trịnh đã thực hiện dự án “Âm nhạc 24h”

2020 – một năm đầy biến động của Việt Nam và thế giới. Đại dịch COVID-19 đã có những tác động không nhỏ đến đời sống, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Nhưng đối với những người nghệ sĩ, có lẽ, đó cũng là khoảng lặng để họ suy ngẫm và sáng tạo để thực hiện sứ mệnh của mình, kết nối con người, xoa dịu những nỗi đau và mang đến những giá trị sống tích cực cho xã hội.

Họ, những nghệ sĩ đã vượt qua những khó khăn của năm 2020 cống hiến cho đời những giai điệu đẹp bằng âm nhạc. Hơn lúc nào hết, âm nhạc đã thực hiện được vai trò kết nối, chữa lành và xoa dịu những vết thương…

Nghệ sĩ Piano, nhà giáo dục âm nhạc Trang Trịnh

Trang Trịnh nhận danh hiệu Thành viên của Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh khi mới 32 tuổi – danh hiệu chỉ dành cho những nghệ sĩ có đóng góp đáng chú ý cho nền âm nhạc chuyên nghiệp, từ một trong những cái nôi nghệ thuật được kính trọng nhất thế giới. Sau hàng loạt các dự án biểu diễn sáng tạo gây chú ý tại Việt Nam từ 2011, Trang Trịnh thu hút khán giả, đặc biệt là giới trẻ tới với âm nhạc cổ điển. Chị tiên phong đưa ra khái niệm “hoà nhạc giám tuyển” và liên tục nhắc tới hai vai trò song hành của mình: nghệ sĩ biểu diễn và nhà giáo dục âm nhạc.

Ngay từ đầu, chị đã định hướng một con đường khác biệt với sự nghiệp của một nghệ sĩ cổ điển truyền thống. Được coi là một trong những cá tính sáng tạo độc đáo nhất, Trang Trịnh biến hoá ở nhiều vai trò khác nhau, từ việc biểu diễn quốc tế, sáng tác âm nhạc, đồng tác giả của sách giáo khoa âm nhạc tiểu học (từ 2020), đến sáng lập và điều hành Dàn hợp xướng và giao hưởng Kỳ Diệu, tổ chức các lớp học nhạc miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2018, chị là người sáng lập và điều hành doanh nghiệp xã hội Wonder, với các sản phẩm và dịch vụ hướng tới trao quyền thưởng ngoạn nghệ thuật cho mọi người. Chị chứng tỏ tài năng đa chiều của mình như một nghệ sĩ, tác giả, giảng viên, người suy nghĩ và vận động cho thay đổi tích cực của xã hội. Và gần đây nhất, Trang Trịnh trở thành Equity Initiative Fellow, với mối quan tâm đặc biệt về sức mạnh của âm nhạc đối với sức khoẻ tinh thần.

Trong những ngày thế giới và Việt Nam căng thẳng vì đại dịch COVID-19, nghệ sĩ piano Trang Trịnh đã thực hiện dự án “Âm nhạc 24h” với hy vọng, âm nhạc sẽ là sợi dây kết nối, chữa lành vết thương cho mỗi con người trong những giai đoạn khó khăn của cuộc sống. Những bản nhạc cổ điển của các nghệ sĩ từ nhiều nước trên thế giới vang lên như một bản hòa âm về hòa bình, tình yêu và khát vọng an lành cho mỗi con người trên trái đất. Trang Trịnh luôn tin vào những giá trị mà âm nhạc có thể mang lại cho cuộc sống.

Chị chia sẻ: “Một số kẻ, như tôi, sống trong những cơn mơ không dứt của âm nhạc. Như thể dạo chơi từ vùng đất này đến vùng đất khác, trong những cơn mơ của Mozart, Debussy, Chopin. Những người xa lạ đã trở nên thân quen qua những cơn mơ không lời, mạnh mẽ và vô thức của họ. Ở đó, trong cái cơ duyên hiếm gặp là tôi sẽ có cơ hội để chơi nhạc và “trò chuyện” với khán giả, hay với các học trò, có thể tôi cũng sẽ bộc lộ bản thể riêng tư của mình. Bởi mỗi một lần được chơi nhạc, lại là một lần được mơ. Không cần che đậy, trong suốt, dũng cảm. Dĩ nhiên, không phải cứ là Beethoven thì mọi tác phẩm đều thành thật và vĩ đại. Không phải cứ là nghệ sĩ thì sẽ mơ, sẽ trong sáng và hết mình trong mỗi lần thổ lộ. Nhưng mà tôi hướng về phía ấy, như hoa hướng về mặt trời”.

Trang Trịnh cũng là người khởi xướng dự án “Hà Nội reo vang”. Chị nói: “Nếu kí ức tuổi thơ được gói gọn trong một chiếc hộp, thì từng phút giây cần được trân quý để khi lớn lên ngắm nhìn lại, các em sẽ mỉm cười với những kí ức sống động về 2020. Kể cả quãng thời gian COVID-19 “giông bão” cũng không tắt đi “nắng vàng” tích cực lạc quan của các em nhỏ và thành phố này. Vì khi các em nhỏ hạnh phúc, thế giới sẽ thay đổi và hạnh phúc”. Chị, trong hành trình của một nghệ sĩ, đang cống hiến và không ngừng tạo ra những giá trị tinh thần đóng góp cho xã hội. “Tôi không theo đuổi sự hoàn hảo. Đích đến nghệ thuật của tôi là sự phản tỉnh và biến đổi thực sự”, chị chia sẻ.

Tùng Dương và giấc mơ mang tên “Con người”

Có thể nói, 2020 là một năm dấu ấn của ca sĩ Tùng Dương, khi anh thực hiện dự án “Human – Con người”. Câu chuyện của Dương hôm nay không đơn thuần chỉ là âm nhạc mà đó là hành trình đi vào bên trong, tìm kiếm nguồn năng lượng từ chính bản thể của mình. Giải Âm nhạc Cống hiến 2020 đã xướng tên Tùng Dương với 3 hạng mục “Album của năm”, “Chương trình của năm” và “Ca sĩ của năm”- một ghi nhận xứng đáng cho nỗ lực của anh trong năm 2020 đầy biến động.

Dương luôn là vậy, bùng cháy và hết mình cho âm nhạc. Nhưng âm nhạc của Dương không xa rời đời sống mà thấm đẫm hơi thở cuộc sống, những suy ngẫm về số phận con người. Có lẽ, anh là một trong số ít ca sĩ luôn có concept riêng cho mỗi dự án của mình. Ở một góc nào đó, Tùng Dương đã chạm tới vẻ đẹp của trí tuệ trong âm nhạc.

Tùng Dương chia sẻ: “Tôi chọn chủ đề “Human – Con người”, bởi hơn lúc nào hết, trong một năm quá đặc biệt như năm 2020 này, khi dịch bệnh làm cho cuộc sống của chúng ta đảo lộn, khi những thiên tai liên tiếp diễn ra, đó là lúc chúng ta cảm thấy quý giá tình người”.

Anh cho rằng, dịch bệnh đã làm thay đổi quan niệm của chúng ta về cuộc sống, trước những biến động, con người thật bé nhỏ, không khỏi cảm thấy bất lực khi đối mặt với thiên tai, dịch bệnh. Nhưng không vì thế mà mỗi người chúng ta buông xuôi. Chính tình người, những tình cảm thiêng liêng của con người sẽ cứu rỗi chúng ta.

Nghe “Human”, mỗi chúng ta sẽ cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực từ những giá trị mà âm nhạc của Tùng Dương mang lại. Ở đó, có những trăn trở về số phận con người trước những đổi thay của đời sống, trước thiên tai, dịch bệnh, trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ, trí tuệ nhân tạo… Nhưng âm nhạc của Dương không nhấn chìm chúng ta trong những bộn bề tuyệt vọng mà vẫn lấp lánh vẻ đẹp của ánh sáng, của niềm tin vào hai chữ “Con người”. Tùng Dương – Bùi Karoon và nhạc sĩ Sa Huỳnh – sự hòa điệu của họ đã tạo nên một bản hòa khúc mới về ánh sáng và niềm tin.

Nhạc sĩ Quốc Trung từng chia sẻ với tôi nỗi lo lắng vì sự thiếu vắng những người trẻ, tiếng nói của những người trẻ trong đời sống âm nhạc thì sự kết nối của bộ ba Tùng Dương, Sa Huỳnh và Bùi Karoon là một dấu ấn. Những bài hát mang đậm triết lý về nhân sinh, về con người, về nỗi sợ trước sự xâm nhập của máy tính, của trí tuệ nhân tạo, con người sẽ đi về đâu khiến chúng ta ám ảnh.

Tùng Dương đã đứng trên đỉnh cao của danh vọng nhưng cái khát vọng chinh phục những miền không gian mới luôn thôi thúc anh sáng tạo. Dương không ngủ quên trong tháp ngà của chính mình mà đi sâu vào đời sống, vào bản thể để tìm kiếm những nguồn năng lượng mới. Với niềm tin, âm nhạc sẽ chạm đến trái tim và cứu rỗi con người, anh luôn mong muốn mang âm nhạc đến đúng thời điểm. Anh cho rằng, ngay trong những biến cố, khổ đau, bạn có thể chia sẻ với đồng loại thức ăn, quần áo, nhưng với người nghệ sĩ, còn gì đẹp hơn và ý nghĩa hơn khi họ cất tiếng hát của mình qua nghệ thuật để an ủi, chữa lành những vết thương và nương náu cho tâm hồn con người đi qua những khó khăn của đời sống. Dương là lửa và ngọn lửa nghệ sĩ trong Dương sẽ tiếp tục bùng cháy để cống hiến cho khán giả những giấc mơ đẹp nhất về cuộc đời.

Hành trình của Khánh Linh

Nếu Tùng Dương là lửa luôn sẵn sàng bùng cháy và thiêu đốt mọi người thì Khánh Linh là nước, một nguồn nước ngầm mát lành, trong suốt, lặng lẽ chảy. Khánh Linh chưa bao giờ ồn ào, chị cống hiến cho âm nhạc theo cách của mình. Những album của Linh trong nhiều năm qua cho thấy sự thay đổi trong tư duy âm nhạc và tinh thần sống của chị. Linh chọn con đường khó, không chiều theo tai nghe của số đông để khai phá những vỉa quặng mới trong âm nhạc. Chị đã thoát ra khỏi cái lồng chật hẹp của chim họa mi để bay lên và thăng hoa.

“Khánh Linh Journey” là một hành trình ra đi để trở về của Khánh Linh cùng với âm nhạc Võ Thiện Thanh ra đời trong năm 2020, một dự án khá ấn tượng với âm nhạc mới mẻ, khai phá một vùng đất mới trong thế giới tâm hồn tự do, khoáng đạt và ưa xê dịch của Khánh Linh.

Chị nói rằng, chị đã hóa thân qua kiếp “ngài”, thăng hoa trong tình yêu và âm nhạc. Một Khánh Linh đằm thắm, sâu sắc đầy suy tưởng về đời sống, về con người và sự dịch chuyển.

“Hãy khám phá hành trình của Linh, bạn sẽ gặp hành trình của chính mình”. Đó chính là slogan của Linh, một thông điệp tích cực đưa con người trở về với thiên nhiên, với tự do và sự khoáng đạt của tâm hồn. Âm nhạc của Võ Thiện Thanh mang đầy chất suy tư trước những vấn đề của đời sống, cái chết, sự bất an, những tiếng nói có tác động đến lương tri con người. Nhưng tiếng hát bay như gió của Khánh Linh đã chuyển tải thứ âm nhạc trĩu nặng tâm tư ấy một cách nhẹ nhõm, bình an.

Trong một năm đầy biến động như 2020, con người đối diện với dịch bệnh, thiên tai và cái chết, có lẽ, đó cũng là lúc chúng ta nhận ra, cần yêu thương nhau nhiều hơn, sống hòa thuận với thiên nhiên hơn là phá hủy, tàn phá thiên nhiên. Khánh Linh nói, chị muốn mang âm nhạc của mình để thức tỉnh lương tri con người, khi cái ác, sự vô cảm đang ngự trị. Hành trình của Khánh Linh và nhạc sĩ Võ Thiện Thanh đi qua cánh đồng, bay trên những ngọn đồi và chạm đến những tâm hồn, thức tỉnh trong mỗi con người tình yêu, lòng nhân ái.

Chị nói: “Hành trình từ những gì thuộc về quá khứ – hiện tại, những mâu thuẫn để thúc đẩy phát triển. Con người sẽ thực sự là mình khi được về với thiên nhiên. Đây là hành trình trải nghiệm của Linh, của anh Thanh, những suy tư về đời sống, một bước tiến khác biệt trong sự nghiệp của cả hai anh em. Chúng tôi hoàn toàn để cảm xúc dẫn lối. Các bài hát như những khúc phim ngắn, có nội dung và tư tưởng. Như một vòng tròn xuất phát điểm muốn khám phá, bung đôi cánh vượt mọi giới hạn, đến bến đỗ cuối luôn giữ cái cốt cách của người Á Đông – không quên nguồn cội dù có hiện đại đến đâu”.

Còn nhạc sĩ Võ Thiện Thanh chia sẻ: “Dù biết với người nghệ sĩ, sự thôi thúc đi tìm cái đẹp là bản năng, không vì mục đích gì cả. Giống như hoa là phải nở, dù có ai ngắm hay không. Nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc vì mình không đơn độc trên hành trình đi tìm cái đẹp”.

Khá lâu rồi, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh mới quay trở lại trong đời sống âm nhạc, và Khánh Linh, một ca sĩ thế hệ hậu sinh đã chạm được sợi dây kết nối của họ. Âm nhạc đi vào miền tâm tưởng. Âm nhạc ở đây không chỉ xoa dịu hay mang đến niềm vui mà cao hơn thế, nó còn có giá trị thức tỉnh lương tri, hướng con người tới ánh sáng của cái đẹp. Trong ánh sáng của vẻ đẹp, khi người nghệ sĩ đi qua cánh đồng và tự do thênh thang giữa những ngọn đồi phủ kín màu xanh ấy, tôi tìm thấy mình, cũng như bạn, sẽ tìm thấy mình trong đó, trú ngụ và bình an.

Tôi tin, Linh sẽ đi xa hơn trong hành trình của mình để cống hiến cho âm nhạc những giai điệu đẹp.

“Hoa lửa” Hồng Vy

Tôi muốn dành một bài cuối trong chuyên đề này để viết về chị, NSƯT Hồng Vy, một người đàn bà hát đã vượt qua những đau đớn của bệnh tật, của những nỗi phiền muộn để cất tiếng hát. “Live Concert Vy” diễn ra những ngày cuối năm tại Hà Nội, là cuộc gặp gỡ của những người bạn cùng theo đuổi giấc mơ âm nhạc thính phòng của Việt Nam. Một đêm nhạc thăng hoa của cảm xúc, tình yêu và nước mắt.

Ở đó, khán giả không chỉ được thưởng thức những bản tình ca đi cùng năm tháng mà còn cảm nhận sâu sắc hơn sự tận hiến của người nghệ sĩ. Vy sẽ hát đến khi nào không thể hát. Dù thời gian qua chị đã phải trải qua bao nhiêu thăng trầm, biến cố của cuộc đời, dù đang phải chiến đấu với bệnh nan y nhưng trong chị vẫn luôn cháy bỏng ngọn lửa đam mê với âm nhạc, vẫn luôn lạc quan, yêu đời, dũng cảm đối mặt với tất cả những thử thách của cuộc sống.

Những ai yêu thích dòng nhạc hàn lâm, thính phòng, là fans của Nhà hát Giao hưởng, Nhạc – Vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh chắc không xa lạ với NSƯT Hồng Vy, một giọng soprano đẹp hiếm có, luôn là một trong những tên tuổi được công chúng chờ đợi trong các chương trình của nhà hát.

Xuất thân từ Nhà hát Quân đội, bắt đầu được khán giả biết đến từ cuộc thi Sao Mai 2001, sau đó Vy chuyển công tác sang Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam rồi Nhà hát Giao hưởng, Nhạc – Vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh, dù ở bất cứ môi trường làm việc nào Hồng Vy vẫn luôn thể hiện một sự nghiêm túc, thậm chí là “khó tính” trong chuyên môn, sự khó tính đó có thể thấy rất rõ trong “Live Concert VY”.

Dù chương trình của cô phần lớn được sự hỗ trợ từ bạn bè, đồng nghiệp nhưng đã quy tụ được rất nhiều tên tuổi trong giới âm nhạc từ Bắc chí Nam, từ các giọng hát đã từng là bạn đồng môn của Vy như: nghệ sĩ Trọng Tấn, NSƯT Đăng Dương, NSƯT Thúy Nội, Lương Huy… đến các nghệ sĩ của thành phố Hồ Chí Minh như: Đào Mác, Phạm Trang, Duyên Huyền, Trần Nhật Minh, Lê Ha My, Hồ Nga… và nhiều tên tuổi khác góp phần làm nên chất lượng của chương trình như violist Trịnh Minh Hiền, Tùng John (đạo diễn sân khấu), Lưu Quang Minh (giám đốc âm nhạc), Tăng Ngân Hà (giám đốc sản xuất)…

Một concert chất lượng và đẹp đã mang đến cho khán giả những thông điệp về tình yêu thương, niềm hy vọng để Hồng Vy đủ nghị lực, niềm tin tiếp tục chiến đấu và sẽ chiến thắng trong mọi thử thách của cuộc đời như lời ca khúc “Bài ca hy vọng” (Văn Ký) mở màn chương trình: “Mùa đông và mây mù sẽ… tan”. Chị không đơn độc trong tình yêu của mình dù dòng nhạc chị theo đuổi kén người nghe và nhiều năm qua, cái tên NSƯT Hồng Vy vẫn lặng lẽ trong đời sống âm nhạc.

Tôi từng có nhiều dịp trò chuyện với chị khi chị ra Hà Nội thực hiện các concert nhỏ với mong muốn mang âm nhạc thính phòng, những giai điệu đẹp của âm nhạc Việt Nam đến gần hơn với công chúng. Bên ngoài cái vẻ mong manh, mình hạc sương mai của Vy là một tâm hồn và khát vọng sống mạnh mẽ, đầy nội lực.

Ai đó nói, âm nhạc cũng chính là cuộc đời, với Hồng Vy – người yêu âm nhạc từ trong từng hơi thở, thì âm nhạc chính là lẽ sống của chị. Trong những giai đoạn khó khăn của đời sống, âm nhạc chính là cứu cánh của chị, giúp chị vượt qua bệnh tật hiểm nghèo và những biến cố riêng. Nghe chị hát, tôi nhớ đến hình ảnh con tằm rút ruột nhả tơ, cống hiến cho đời những gì đẹp đẽ, tinh túy nhất.

“Concert Vy” có thể không gây được tiếng vang một cách ồn ã như các show của nhiều nghệ sĩ giải trí, nhưng Vy đã chiếm trọn trái tim của những người yêu âm nhạc thính phòng. Đó chính là một đốm sáng của niềm tin, của tình yêu người nghệ sĩ được thắp lên, trong suốt và thánh thiện trong thời buổi các giá trị đang đảo chiều.

Lạ là, chính sau concert đầu tiên trong cuộc đời Vy đã hát bằng 200% của sức khỏe ấy, các chỉ số về căn bệnh hiểm nghèo của Vy được cải thiện. Tình yêu âm nhạc có phép màu chăng? Có thể lắm chứ, khi người nghệ sĩ ấy đã tận hiến, đã hy sinh và đã hát bằng cả trái tim mình.

V.H (HNS)