Não bộ của nghệ sĩ jazz và cổ điển

0
873
Nghệ sĩ piano jazz Keith Jarrett cho rằng nếu ông chơi cả jazz và nhạc cổ điển trong cùng một buổi hòa nhạc thì thật là điên rồ. Nguồn ảnh: Macleans.ca

Hoạt động trong não bộ của nghệ sỹ piano nhạc jazz hoàn toàn khác biệt với nghệ sỹ piano cổ điển, ngay cả khi họ chơi cùng một tác phẩm âm nhạc.

Miles Davis là một trong những nhạc sĩ có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến lịch sử nhạc Jazz và cả âm nhạc thế kỉ 20. “Kind of Blue”, album nổi tiếng nhất của ông, chiếm được cảm tình của cả những người không hiểu gì về jazz. Một người chẳng cần am hiểu về âm nhạc cũng biết, Miles Davis và nhà soạn nhạc thiên tài Mozart không giống nhau. Điều đáng nói là sự khác biệt này không chỉ dừng lại ở lĩnh vực âm nhạc của mỗi người mà còn nằm trong não bộ của họ khi chơi nhạc hoặc soạn nhạc.

Chúng ta vẫn biết bộ não của một nhạc sĩ khác với người bình thường. Chơi đàn hoặc sáng tác đòi hỏi sự kết hợp phức tạp của nhiều kĩ năng, được phản ánh trong các cấu trúc não phức tạp hơn. Tuy nhiên vẫn còn ít sự quan tâm dành cho sự khác biệt về não của các nhạc sĩ ở các lĩnh vực âm nhạc khác nhau.

Mới đây, các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Khoa học Não bộ và Nhận thức con người Max Planck (MPI CBS) tại Leipzig, Đức đã xuất bản trên tạp chí Brain and Cognition một công trình về vấn đề này khi nghiên cứu 30 nghệ sỹ piano, một nửa theo phong cách nhạc jazz, một nửa nhạc cổ điển. Trong khi công chúng thường nghĩ rằng việc chuyển từ chơi jazz sang nhạc cổ điển và ngược lại không phải là một vấn đề quá lớn với nghệ sỹ thì các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, việc thay đổi phong cách âm nhạc như vậy quả thật là một thách thức và các nghệ sĩ thường chỉ nổi trội về một, chứ không phải nhiều thể loại âm nhạc.

Để có cái nhìn xác thực hơn về sự khác biệt của hai nhóm nghệ sỹ, các nhà nghiên cứu đã quan sát một bàn tay chơi một chuỗi các hợp âm trên màn hình ở cả hai nhóm (đoạn nhạc họ chơi có chứa cả lỗi về mặt hợp âm và lỗi dùng sai ngón tay). Khi chơi đàn, các nghệ sĩ sẽ phải tuân theo hai bước: bước đầu tiên quyết định họ sẽ chơi cái gì – hay nhấn phím nào, và bước thứ hai xác định cách họ sẽ chơi – hay nói cách khác là dùng ngón tay nào để chơi. Các nghệ sĩ cổ điển có xu hướng tập trung vào bước thứ hai – chọn ngón nào để chơi. Điều này có nghĩa là họ tập trung nhiều hơn vào kĩ thuật và cách thể hiện cá nhân mà họ mang đến cho bàn nhạc. Mặt khác, các nghệ sĩ jazz lại tập trung vào bước đầu tiên – tức là bước xác định họ sẽ chơi các gì. Họ thường thay đổi các nốt họ chơi, sẵn sàng ứng tác và thích ứng với việc tạo ra các hòa âm bất ngờ. Daniela Sammler, nhà thần kinh học tại MPI CBS cho biết: “Có thể các quy trình khác nhau đã được thiết lập trong não của họ (các nghệ sĩ) khi chơi mỗi thể loại nhạc, và điều đó khiến cho việc chuyển đổi khó khăn hơn.”

 Các nhà nghiên cứu lập sơ đồ mô phỏng cử động của bàn tay nghệ sỹ chơi đàn. Nguồn: Classic FM.

Do đó, các nghệ sĩ dương cầm phải bắt chước các cử động tay và phản ứng với sự bất thường trong đoạn nhạc, trong khi tín hiệu từ não họ được ghi lại bằng cảm biến. Để đảm bảo rằng không có tín hiệu gây nhiễu khác, ví dụ như âm thanh của nhạc cụ, toàn bộ thí nghiệm được thực hiện trong im lặng bằng cách sử dụng một cây đàn piano bị tắt tiếng.

“Chúng tôi tìm thấy bằng chứng thần kinh về sự linh hoạt trong thiết lập các hòa âm khi các nghệ sỹ nhạc jazz chơi đàn”, Roberta Bianco – nhà nghiên cứu của MPI CBS, cho biết. “Khi chúng tôi yêu cầu họ chơi một hợp âm bất chợt trong phạm vi phát triển của một hợp âm chuẩn, não bộ của họ bắt đầu quá trình lập lại hòa âm nhanh hơn nghệ sĩ chơi nhạc cổ điển. Họ phản ứng tốt hơn và tiếp tục màn trình diễn của mình”. Tuy nhiên, các nghệ sĩ cổ điển lại trình tấu tốt hơn các nghệ sỹ jazz ở cách bấm ngón. Não của họ chứng tỏ nhận thức nhiều hơn về việc bấm ngón, và kết quả là họ mắc ít lỗi hơn trong khi chơi đàn.

Có hai quá trình hoàn toàn khác nhau xảy ra trong não bộ của các nghệ sĩ dương cầm nhạc jazz và nhạc cổ điển. Khi sử dụng các cảm biến EEG để ghi lại điện não đồ, các nhà nghiên cứu phát hiện ra sự gia tăng của sóng theta (một loại sóng sinh ra khi chúng ta đối mặt với xung đột) trong não bộ của nghệ sĩ dương cầm cổ điển khi họ phải chơi một hợp âm bất thường. Điều này trì hoãn sự phản ứng của họ, trong khi các não của các nghệ sĩ nhạc jazz có thể nhanh chóng thay đổi để chơi hợp âm theo yêu cầu.

Khi quan sát các dao động beta (một loại sóng não điện mà thường giảm khi não cảm thấy một hành động là sai lầm), các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy các nghệ sĩ piano chú ý nhiều đến các sai sót trong việc sử dụng ngón nào để đánh, trong khi các nhạc sĩ jazz lại chú ý đến sự thiếu hài hòa. Điều đó cho thấy các nhạc sĩ tập trung vào các khía cạnh khác nhau, do đó nhạy cảm hơn với những điều bất thường hay vi phạm trong đó.

Đã có nhiều báo cáo ghi nhận việc đào tạo về âm nhạc ảnh hưởng đến não bộ như thế nào như giúp tăng cường từ trí nhớ đến khả năng giải quyết vấn đề và điều chỉnh hành vi. Tuy nhiên việc được đào tạo theo các dòng nhạc khác nhau với những yêu cầu và ưu tiên khác nhau sẽ ảnh hưởng khác nhau lên não bộ càng cho thấy rõ sự khác biệt của các dòng nhạc đó. Hiếm có một nhạc sĩ nào chơi cả jazz và nhạc cổ điển trong cùng một buổi trình diễn. Họ nhận ra sự khác biệt dù có thể họ chưa từng nghiên cứu cách não bộ hoạt động. Trong một bài báo năm 1997 trên tạp chí Piano and Keyboard, nghệ sĩ dương cầm nhạc jazz Keith Jarrett được hỏi là liệu ông có cân nhắc thực hiện một buổi hòa nhạc với cả nhạc jazz và nhạc cổ điển. Ông trả lời: “Không, điều đó thật nực cười. Ý tôi là, điều đó thực sự điên rồ.” Jarret cũng chỉ ra sự khác nhau giữa các “mạch” cân thiết khi chơi mỗi thể loại nhạc chính là lý do vì sao nhạc sĩ không thể thực hiện yêu cầu này.

Giờ thì chúng ta đã hiểu các “mạch” đó chính là cách bộ não hoạt động để phù hợp với yêu cầu sáng tạo của jazz hoặc khả năng xử lý kĩ thuật đỉnh cao của nhạc cổ điển. Sammler cho biết: “Với nghiên cứu này, chúng tôi đã làm sáng tỏ việc bộ não phản ứng chính xác đến mức độ như thế nào với sự đòi hỏi của môi trường”. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta không thể chỉ tập trung vào một thể loại nhạc nếu chúng ta muốn hiểu bộ não hoạt động như thế nào trong quá trình chơi nhạc.

Tuy nhiên những hiểu biết này vẫn chưa toàn diện. Tính đến nay, các nghiên cứu mới chỉ tập trung vào nhạc cổ điển phương Tây. “Để có thể có một bức tranh toàn cảnh, chúng ta phải tìm kiếm đặc điểm chung nhất của nhiều thể loại nhạc, cũng như khi nghiên cứu cơ chế xử lý ngôn ngữ, chúng ta không thể chỉ giới hạn trong một thứ tiếng, như tiếng Đức chẳng hạn”.

Minh Châu (TS)