Kết nối âm nhạc Việt Nam và thế giới

0
450
Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh tại một buổi hòa nhạc.

Vừa có tài chỉ huy dàn nhạc, vừa có khả năng chơi điêu luyện các loại nhạc cụ của cả phương Đông và phương Tây, nhạc trưởng trẻ Đồng Quang Vinh (sinh năm 1984) được giới âm nhạc trong nước mệnh danh là sứ giả kết nối âm nhạc Việt Nam và thế giới. Anh là người đã dấn thân cống hiến để những nhạc cụ tre nứa dân tộc tưởng chừng đơn sơ, mộc mạc, cũng có thể diễn đạt âm nhạc hàn lâm một cách đầy ấn tượng và sáng tạo.

Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống nghệ thuật với cha là Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Đồng Văn Minh – nghệ sĩ biểu diễn kiêm chế tác nhạc cụ dân tộc, mẹ là NSƯT Mai Thị Lai – nguyên chủ nhiệm bộ môn đàn tranh của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Đồng Quang Vinh sớm đến với âm nhạc dân tộc. Năm bảy tuổi, người nhạc trưởng tương lai đã được cha mẹ dạy về nhạc lý và cách chơi các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam. Lên chín tuổi, anh theo học chính quy về sáo trúc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Ngay từ những năm tháng ấy, Vinh đã theo bố mẹ đi biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại nhiều nước trên thế giới, nhưng anh nhớ nhất chuyến lưu diễn ở sáu thành phố lớn của Nhật Bản. Khi đó, Đồng Quang Vinh đã chơi những bản nhạc của nước bạn bằng cây sáo trúc, đàn tơ rưng Việt Nam và nhận được sự tán thưởng lớn từ công chúng. Đó cũng là lúc, cậu bé 12 tuổi bắt đầu nhận ra âm nhạc chính là điều kỳ diệu gắn kết các quốc gia trên thế giới, và không gì khác, âm nhạc dân tộc chính là thứ để khẳng định vị thế của âm nhạc Việt Nam. Từ đó, Đồng Quang Vinh bắt đầu lao vào tìm hiểu, luyện tập các loại nhạc cụ dân tộc. Bên cạnh trau dồi kỹ năng biểu diễn, anh còn ký âm, phối khí, viết lại và sáng tác nhiều tác phẩm cho Khoa Nhạc cụ truyền thống của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Sau đó, anh được Ban Giám đốc Học viện cử đi học chuyên ngành Chỉ huy dàn nhạc tại Học viện Âm nhạc Thượng Hải (Trung Quốc) năm 2004.

Sau chín năm hoàn thành xuất sắc chương trình đào tạo đại học và cao học tại đây, chàng nhạc trưởng trẻ dứt khoát từ chối nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp ở xứ người để về nước với mong muốn làm được nhiều điều có giá trị cho âm nhạc nước nhà. Bên cạnh vai trò chỉ huy chính dàn nhạc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Giảng viên chuyên ngành chỉ huy dàn nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Đồng Quang Vinh là gương mặt chỉ huy quen thuộc tại nhiều chương trình hòa nhạc lớn của Việt Nam và quốc tế. Anh khao khát có thể đưa âm nhạc dân tộc ra thế giới, đưa âm nhạc hàn lâm tới gần hơn với công chúng Việt và đã đứng ra thành lập Dàn nhạc Sức sống mới – dàn nhạc dân tộc duy nhất hiện đang chơi theo hình thức giao hưởng hóa trên nhạc cụ tre nứa Việt Nam.

Đồng Quang Vinh chia sẻ: Cây tre, cây nứa là hình ảnh đã gắn bó với ông cha ta từ nghìn đời. Thanh âm từ nhạc cụ tre nứa là hồn cốt của âm nhạc Việt Nam và đây cũng là thứ nhạc cụ đã gắn bó cả đời với cha mẹ anh. Chính vì vậy, Đồng Quang Vinh luôn tâm huyết và tìm mọi cách nâng tầm nhạc cụ dân tộc dẫu biết rằng con đường này không hề bằng phẳng. So với nhạc cụ phương Tây, nhạc cụ tre nứa Việt Nam dẫu thô mộc, đơn giản hơn, nhưng lại không bị can thiệp nhiều bởi yếu tố công nghệ, cho nên khi chơi có lợi thế về thể hiện cảm xúc. Âm nhạc của ta còn có thêm bộ gẩy với đàn tranh, nguyệt, tì bà, tam thập lục. Nếu bộ dây được coi là linh hồn của âm nhạc phương Tây thì bộ gẩy mới chính là linh hồn của âm nhạc dân tộc Việt Nam. Theo Đồng Quang Vinh, nếu biết vận dụng một cách khéo léo, âm nhạc dân tộc sẽ đi được những chặng đường rất dài và xa trên hành trình chinh phục bạn bè quốc tế. Có điều, trong khi các nhạc cụ phương Tây đã có hàng trăm năm sử dụng và cải tiến để có thể cùng xuất hiện, kết hợp nhuần nhuyễn với nhau trong một dàn nhạc giao hưởng thì các nhạc cụ dân tộc Việt Nam chưa trải qua quá trình như vậy. Muốn “bê” những nhạc cụ tre nứa Việt với tơ rưng, đinh pá, sáo trúc, tiêu, pí, khèn, đàn tranh, tam thập lục, nguyệt, đáy, klongput, trống… đứng cạnh nhau, sắp xếp thành dàn nhạc, có thể chơi những bản nhạc giao hưởng mang tinh thần hiện đại, Đồng Quang Vinh đã phải làm việc một cách nghiêm khắc, miệt mài trên cơ sở phân tích những điểm mạnh, yếu của từng loại nhạc cụ để cải tiến, điều chỉnh, viết lại tác phẩm. Rất may, trên hành trình ấy, anh đã nhận được sự trợ giúp lớn từ cha mình trong khâu cải tiến nhạc cụ.

Để nhạc cụ tre nứa chơi được nhạc giao hưởng đã khó, muốn chúng có thể kết hợp nhuần nhuyễn với những nhạc cụ phương Tây lại càng là điều không đơn giản. Bởi cùng là bộ dây nhưng violon có quãng rộng hơn đàn nhị; cùng là bộ hơi nhưng phương Tây có nhiều nhạc cụ thuộc cả bộ gỗ và đồng, trong khi Việt Nam chỉ có tiêu, sáo trúc, sáo mèo là phổ biến; hay đàn tranh Việt Nam chỉ chơi ngũ cung cho nên chơi theo hệ toàn cung hay bán cung của nước ngoài rất khó… Những thách thức này buộc Đồng Quang Vinh phải nghiên cứu sâu về tính năng, phong cách âm nhạc của từng loại nhạc cụ, tìm ra những quãng tốt nhất cho từng nhạc cụ để phân phối trong một bản nhạc. Đây cũng là lúc vai trò “hai trong một” vừa là chỉ huy, vừa là nghệ sĩ biểu diễn của anh được phát huy cao độ…

Đền đáp xứng đáng cho tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc ấy là những buổi diễn âm nhạc cổ điển sang trọng, nơi những bản nhạc thính phòng, nhạc jazz của phương Tây vang lên một cách đầy ấn tượng trên những nhạc cụ tre nứa dân tộc; nơi Đồng Quang Vinh cùng Dàn nhạc Sức sống mới đã làm nên những cuộc đối thoại văn hóa bằng âm nhạc, góp phần xây nên nhịp cầu vững chắc nối âm nhạc dân tộc và âm nhạc thế giới…

Việt Anh (HNS)