Đưa đàn môi qua ‘bờ rào đá’

0
1053
Chơi sáo ta, đối thoại cùng jazzman Quyền Thiện Đắc

Nhắc đến đàn môi, nhiều người nghĩ đến “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” một truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Đỗ Bích Thúy được đạo diễn Ngô Quang Hải dựng thành phim “Chuyện của Pao”…

Nhưng trong âm nhạc, đàn môi không dừng ở “bờ rào đá”. Nghệ sỹ đàn môi chuyên nghiệp đầu tiên ở nước ta, anh Nguyễn Đức Minh, là người có công đưa đàn môi hòa vào dòng chảy đại dương. Đến nay, anh vẫn tiếp tục với con đường lan tỏa âm nhạc bản địa Việt Nam.

Chân chai sạn, môi toạc máu vì… đàn môi

Nguyễn Đức Minh sinh năm 1981, tại Mường Lay, tỉnh Điện Biên. Khoảng 5 tuổi, anh theo cha mẹ trở về quê gốc, Hà Nội. Những ký ức về miền núi trong anh không nhiều.  Từ nhỏ cha anh đã định hướng con trai đi theo nghệ thuật. Nguyễn Đức Minh “tu luyện” tại Nhạc viện Hà Nội (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) từ năm 8 tuổi.  Anh học khoa âm nhạc truyền thống, được đào tạo một số nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, sáo trúc… Học hết hệ trung cấp, sang năm thứ 2 hệ đại học, Minh nghỉ nhạc viện. Đó là lúc anh biết đến đàn môi: “Hồi thanh niên tôi hay về Điện Biên, thăm bà ngoại. Tiếp xúc nhiều với đồng bào ở đó, tôi mới biết đến đàn môi. Vì được đào tạo về âm nhạc nên tôi phát hiện đàn môi rất thú vị”, nghệ sỹ nhớ lại. Khi ấy, anh chừng 18, 20 tuổi.  Tuổi trẻ nhiệt huyết, suốt 5-6 năm trời, Đức Minh lặn lội tới những bản làng dân tộc xa xôi, đôi chân chai sạn vì đi rừng, đôi môi có lần toạc máu vì thử nghiệm đàn môi để tìm hiểu sâu hơn về loại nhạc cụ đơn sơ phát ra những âm thanh vừa mới, vừa cũ, lạ lùng và hấp dẫn.

Người nâng đàn môi qua “bờ rào đá”, nghệ sỹ đàn môi Nguyễn Đức Minh

Trên con đường khám phá đàn môi, Nguyễn Đức Minh may mắn gặp được người bạn nước ngoài say mê đàn môi Việt Nam, đó là một chàng trai người Đức có lên Clemens Voight. Tuy chỉ là tay chơi đàn môi nghiệp dư song Clemens Voight có một shop bán đàn môi được thu mua từ nhiều nước trên thế giới.  Đáng nói, trong cửa hàng của anh, 60% đàn môi là của các dân tộc thiểu số Việt Nam. Clemens Voight cũng nhiều lần một mình một “ngựa sắt” đến những bản người Mông, người Dao, để tìm kiếm những mẫu đàn môi độc, lạ  mang về nước bán. Nhờ người bạn ngoại quốc Clemens Voight, Nguyễn Đức Minh mới vỡ lẽ: Hóa ra đàn môi có ở nhiều nước trên thế giới. Lâu nay, anh cũng như nhiều người Việt vẫn nghĩ đàn môi là nhạc cụ độc đáo của nhiều dân tộc thiểu số ở ta, tiêu biểu là người Mông. Vì cảm mến tình yêu và năng khiếu đàn môi của Đức Minh, nên người bạn nước ngoài đã giới thiệu anh với  giáo sư người Việt tại Pháp chuyên nghiên cứu về đàn môi, chính là  “vua muỗng” Trần Quang Hải, con trai trưởng của giáo sư, tiến sỹ Trần Văn Khê. Không chỉ nắm giữ và phát triển nghệ thuật gõ muỗng, ông là “từ điển sống” về đàn môi, là người đầu tiên trên thế giới ứng dụng đàn môi để tạo ra hiệu ứng âm thanh trong nhạc techno. Đức Minh trò chuyện với thầy Quang Hải qua email. Thầy Hải quý trò ở tinh thần ham học nên hứa: Biết được đến đâu thầy sẽ chia sẻ với trò đến đó. Sau đó, giáo sư Trần Quang Hải đã giới thiệu Đức Minh với Hiệp hội đàn môi quốc tế.  Năm 2006, Hiệp hội đàn môi quốc tế tổ chức  festival đàn môi thế giới tại Hà Lan, với sự tham gia của nhiều nghệ sỹ đàn môi chuyên nghiệp đến từ 33 nước trên thế giới, Nguyễn Đức Minh là đại diện duy nhất của Việt Nam.

Anh kể: “Tôi phải bỏ tiền túi để tham gia festival, mẹ tôi cho tôi gần 3000 euro, bởi ban tổ chức chỉ bao ăn, ở, nghệ sỹ tham gia phải lo chi phí đi lại”. Thành công ngoài mong đợi bù đắp cho những nỗ lực của anh, Đức Minh được đánh giá là một trong 4 người chơi xuất sắc nhất tại festival đàn môi thế giới 2006. Sau chiến thắng này, ở Việt Nam mới biết đến Đức Minh như một nghệ sỹ nghiên cứu và chuyên tâm về đàn môi. Từ một nhạc cụ đơn giản, thô sơ, bị người làm nhạc ở Việt Nam hờ hững, hoặc không biết đến nó, hoặc chỉ sử dụng như một thứ “gia vị”, Đức Minh đã kéo đàn môi Việt hòa vào dòng chảy đàn môi thế giới và khẳng định màu sắc độc đáo.

Đưa âm nhạc bản địa Việt ra thế giới

Dù thắng lợi ở sân chơi quốc tế, song về Việt Nam Nguyễn Đức Minh lại chật vật tìm môi trường cho đàn môi. Nhắc đến anh, nhiều người còn nhớ tới ban nhạc “Hồn tre”, nỗ lực đem đàn môi tới mọi miền đất nước, cho dù… cát xê “thấp không chịu nổi”, theo lời thú nhận của anh khi ấy. Năm 2009, một nghệ sỹ Việt Kiều ở Pháp có tên Nguyễn Nhất Lý, về Việt Nam xây dựng một chương trình xiếc mới mang tên “Làng tôi”, Nhất Lý gọi điện mời Đức Minh tham gia chương trình. Sau đó, “Làng tôi” được một nhà khai thác bên Pháp mua trong vòng 3 năm. Nhờ tham gia “Làng tôi” anh được đi diễn rất nhiều ở Châu Âu, tiếp xúc với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, va chạm với nhiều nghệ sỹ làm nhiều thể loại âm nhạc khác nhau … Đức Minh cùng 3 người bạn là Đinh Anh Tuấn, Trần Kim Ngọc, Nguyễn Quang Sự quyết định tách “Làng tôi” thành một nhóm riêng, mang tên “Đàn Đó”. Mục đích của nhóm nghệ sỹ này là làm ra những sản phẩm không chỉ nói được câu chuyện của nghệ thuật đương đại mà còn muốn tham gia một cuộc giao lưu sòng phẳng về văn hóa, với phương Tây.

Nhưng để tạo ra một sản phẩm nghệ thuật đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, các nghệ sỹ phải lao động cật lực trong suốt 6 năm trời. Họ phải đầu tư từ sân khấu, đạo cụ, nhà xưởng… “Đứa con” đầu tiên của họ ra đời mang tên “Lời của tre” – “Bamboo Talk”.  Riêng việc sáng tạo ra những nhạc cụ mới, từ chất liệu tre, đã lấy của họ hai năm ròng rã. Trong số những nhạc cụ mới, đàn đó là nhạc cụ mang lại cho họ nhiều cảm giác nhất, họ yêu quý âm thanh của nó, nên đã lấy tên đàn làm tên nhóm.  Ngay trên trang cá nhân, Nguyễn Đức Minh chia sẻ những hình ảnh điền dã để tìm một giống tre “khổng lồ” ở núi Ngọc Lĩnh- Nam Trà My, Quảng Nam:  “Để có được những âm thanh, chất lượng tuyệt vời từ cây đàn đó, anh em chúng tôi không quản ngại địa lý, vùng miền, cốt để tìm được loại tre tốt nhất cho việc tạo ra những cây đàn tuyệt vời”.  Thông qua cuộc trình diễn “Lời của gió” – “Bamboo Talk”, các nghệ sỹ còn gửi gắm thông điệp nhân văn về môi trường, kêu gọi bảo vệ “Mẹ Thiên Nhiên”.

Từ nhóm chỉ có 4 nghệ sỹ, “Đàn Đó” dần gia tăng thành viên, đáng chú ý là jazzman Quyền Thiện Đắc. Họ cùng nhau xây dựng một chương trình hòa nhạc mang tên “Chém gió”. Hàng tuần “Chém gió” vẫn diễn tại Phù Sa Lab studio 21/52 Tô Ngọc Vân, Tây Hồ.  Đây thực chất là cuộc đối thoại giữa âm nhạc bản địa và nhạc jazz, phần nhạc Jazz  do jazzman Quyền Thiện Đắc đảm nhiệm, phần âm nhạc bản địa do nghệ sỹ đàn môi Đức Minh và các nghệ sỹ nhóm “Đàn Đó” “gánh”.  Sự kết hợp các nhạc cụ: Các loại Pí lam tre, kèn Saxophone, kèn Sona, Đàn môi, Trống M’nông, Chiêng Ê Đê, Chiêng dây… tạo ra cuộc giao thao âm nhạc Đông- Tây ngoạn mục. Một khán giả Việt nhận xét: “Như phong lại như vũ, “Chém gió” vừa dồn dập lại vừa có cả những thánh thót. 60 phút, từ thanh âm cồng đầu tiên tới nốt chạm ống nứa cuối cùng, khán giả nhấp nhổm bởi kìm giữ bàn chân trên mặt sàn và bàn tọa trên ghế thực sự là một việc khó khăn…”.  Nhận xét khác, của vị khán giả ngoại quốc: Trình diễn gió hóa là một trải nghiệm văn hóa rất phát triển.

Nhưng mục đích của nhóm “Đàn Đó”  là đưa “Lời của tre” –“Bamboo Talk” và “Chém gió” “vượt biên” để tham gia một cuộc giao lưu văn hóa Đông- Tây sòng phẳng. Đến nay, “Lời của tre” – “Bamboo TalK”, “Chém gió” vẫn chưa tìm được nhà kinh doanh nghệ thuật giúp họ đưa sản phẩm của mình đi xa. Tôi hỏi Nguyễn Đức Minh, anh đã thực sự sống được với nghề hay chưa? Đức Minh thành thật: Công vợ nuôi là chính.

Nông Hồng Diệu (HNS)