Trù phách

0
1312
Tranh của tác giả Đằng Giao, chất liệu sơn mài và bài thơ đề trên tranh tên là Đào Hồng Tuyết của tác giả Dương Khuê.

Trong các loại hình ca kịch cổ truyền của người Việt từ chèo, tuồng, cải lương, quan họ đến xẩm, hát ru, hát văn… thì ca trù có nhiều điểm độc đáo nhất. Trước tiên là tối giản trong “biên chế”, một là đào nương vừa hát vừa gõ (phách) và hai là kép đàn đáy. Một đàn một hát, hết. Còn nhạc cụ thứ 3 sau đàn đáy và phách là trống chầu thì không thuộc biên chế chính thức của dàn nhạc ca trù vì người chơi trống chầu, bao giờ cũng là khách nghe hát (quan viên). Có thể hiểu ban nhạc ca trù có “hai người rưỡi” và “hai nhạc cụ rưỡi” cũng được.

Đàn đáy là nhạc cụ chính của ca trù, chả biết cổ nhân có chơi chữ không vì đàn đáy tức là đàn không có đáy. Chợt nhớ câu thơ của nhà thơ Lãng Minh: Mang cây đàn đáy lên sông Đáy / Chơi tiếng lòng không đáy ngậm ngùi. Trong các nhạc cụ dân tộc có mỗi đàn đáy là không đáy. Một điểm thú vị nữa, ca trù tức là đàn đáy, đàn đáy là ca trù vì không thấy bất kể một loại hình cổ nhạc nào dùng đàn đáy cũng như ngược lại không ai mang bầu, sáo, nhị vào ca trù. Đàn đáy là logo của ca trù và đặc biệt chỉ Việt Nam mới có đàn đáy.
Như đã nói ở trên, chơi trống chầu là một vị khách, còn gọi là quan viên, là người cầm chầu, đương nhiên là một “nhạc công” đặc biệt vì tiếng trống chầu có chức năng chính là thưởng phạt mà muốn ra roi chầu (dùi trống) hay thì phải am hiểu thi ca, phải “hay tai nhạc” mới thưởng đúng, phạt đúng được. Nói cách khác tiếng trống chầu bộc lộ chính xác nhất nhạc cảm và thi cảm của người cầm chầu.

Giả sử người cầm chầu là nhạc công của ban ca trù thì có nên không? Tất nhiên là không vì thưởng phạt cần khách quan, hơn nữa tự khen mình, thưởng mình thì chả hay ho gì. Thêm một ý nữa về người cầm chầu, khái niệm tương tác của nghệ thuật hiện đại, tức là khán thính giả có thể tham gia phần nào vào tác phẩm cứ tưởng là mới nhưng kỳ thực qua ca trù thì sẽ thấy cổ nhân đã thực hành tương tác từ mấy trăm năm  rồi.

Phạm Đình Hổ viết trong Vũ trung tùy bút, ca trù ở làng quê thì gõ (trống, phách) là chính, chỉ có một đàn đáy, ngược lại với ca trù cung đình ngoài đàn đáy có thêm nhiều loại đàn dây. Có thể hiểu bộ gõ nói chung (trống, chiêng, mõ, khánh…) trong đó có phách và tiếng trống chầu nhiều chất Việt, nhiều hồn Việt, gốc Việt, nhiều chất dân gian, dân giã, đậm chất quê, chất làng. Vì người Việt là người làng, nước Việt là nước làng.

Ca trù còn có tên gọi là hát cửa đình, làng nào mà chả có đình, đình tức là làng, đình làng, gốc của ca trù ở làng. Ngoài chèo (chèo sân đình) thì ca trù cũng gắn với đình, càng chứng tỏ rõ chức năng không gian nghệ thuật của đình. Tất cả các mảng chạm khắc, chi tiết điêu khắc hoặc tượng tròn liên quan đến ca trù đều ở đình, đình Tây Đằng, đình Lỗ Hạnh, đình Phùng… Ca trù đi từ làng quê ra thành thị, từ dân gian đến bác học, từ tín ngưỡng đến nghệ thuật.

Đào nương thì gõ phách, phách là nhịp phách, tức là người hát là chủ thể, làm chủ tiết tấu, giai điệu, to nhỏ, mạnh nhẹ, dài ngắn. Tiếng phách không nên chỉ hiểu nôm na là tiếng đệm cho hát. Hiểu rốt ráo thì tiếng hát, tiếng gõ phách và tiếng đàn đáy là tam tấu.

Phách là hai thanh tre, bắt buộc phải là tre già, “tre già bà lim”. Vậy thì thế này, chữ trù trong ca trù là thẻ tre dùng để quan viên thưởng cho đào kép trong lúc biểu diễn cho nhã, kết thúc chầu hát sẽ quy ra tiền tùy theo số thẻ. Nhưng hình thức thưởng bằng thẻ không chỉ có trong ca trù mà trong chèo cổ cũng thế cho nên chữ trù nguyên gốc vẫn có nghĩa là thẻ tre nhưng khi dịch muốn hay muốn đẹp thì nên hiểu trù là phách vì chỉ ca trù mới có phách.

Lê Thiết Cương (HNS)