Bản quyền âm nhạc có khởi sắc theo CPTPP?

0
900
Việt Nam hiện đứng thứ 40 trong danh sách 50 quốc gia trong bảng xếp hạng Chỉ số sở hữu trí tuệ quốc tế
Trong cuộc chơi toàn cầu, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc, càng không thể lấy những lý lẽ lạ lùng của mình áp lên thế giới, bởi điều đó sẽ chỉ dẫn đến một việc: ta chẳng chơi được với ai.
Ngày 14/1, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực ở Việt Nam. Ông Đinh Trung Cẩn – Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) – cho rằng, giữa thời đại công nghệ nhiều phức tạp, đây là một điều đáng mừng, để hoàn thiện luật pháp của nước ta và để các doanh nghiệp đi vào lộ trình thực thi luật bản quyền một cách có ý thức, trong đó có bản quyền âm nhạc.
Hơn 2.000 đường link YouTube bị gỡ do vi phạm bản quyền
Con số 2.000 đường link YouTube bị gỡ do vi phạm bản quyền âm nhạc mà VCPMC đưa ra tại cuộc họp tổng kết năm vừa diễn ra tại TP.HCM chỉ là một ví dụ nhỏ trong tảng băng chìm về tình hình vi phạm bản quyền âm nhạc ở nước ta.
Tháng 4/2018, Sky Music đã tự ý sử dụng hơn 2.000 tác phẩm âm nhạc thuộc quyền sở hữu của các nhạc sĩ thành viên VCPMC để kinh doanh dịch vụ cung cấp giải pháp phát nhạc có thu phí, đồng thời đăng tải các ca khúc này trên website của mình, khiến nhiều người bức xúc. Theo VCPMC, thiệt hại từ hành vi xâm phạm quyền mà Sky Music gây ra ước tính ít nhất 3,3 tỷ đồng.
Đáng nói, tình trạng vi phạm bản quyền này không chỉ dừng lại ở trong nước mà còn vươn ra ngoài lãnh thổ. Trong lĩnh vực ca nhạc, lùm xùm và tranh cãi thì nhiều, nhưng kiện ra tòa, đáng kể nhất, phải nhắc tới vụ nhạc sĩ người Mỹ Zack Hemsey kiện ca sĩ Noo Phước Thịnh, vì sử dụng một đoạn nhạc nền hơn 1 phút trong ca khúc The Way để đưa vào MV Chạm khẽ tim anh một chút thôi mà chưa có sự đồng ý của chủ sở hữu. Zack Hemsey đã buộc Noo Phước Thịnh phải xóa MV khỏi mọi phương tiện truyền thông, đồng thời bồi thường hơn 800 triệu đồng.
Dù Việt Nam đã có hệ thống quy định pháp luật đáp ứng yêu cầu bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, nhưng việc vi phạm bản quyền trên môi trường số ở nước ta vẫn diễn biến phức tạp, do mối lợi thu được quá lớn. Tình trạng xâm phạm quyền tác giả âm nhạc diễn ra khá phổ biến trong nhiều năm qua, ở nhiều lĩnh vực như: biểu diễn, website, ứng dụng, nhà hàng, khách sạn… với nhiều hình thức vi phạm khác nhau: sử dụng tác phẩm không xin phép, sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến tác giả…
Ban quyen am nhac co khoi sac theo CPTPP?
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam sắp hoàn thiện website theo hướng chuyên nghiệp, chuẩn quốc tế.
Đặc biệt, sự phát triển vượt bậc của công nghệ đã “chắp cánh” cho các hành vi xâm phạm quyền tác giả trở nên ngang nhiên, tinh vi và phức tạp hơn. Theo ông Đinh Trung Cẩn, “vấn nạn này không những gây thiệt hại cho các chủ sở hữu quyền tác giả, gây bức xúc trong xã hội, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trong bối cảnh chúng ta đã là thành viên của nhiều thỏa ước quốc tế về bản quyền như công ước Berne, hiệp định Trips”.
Nhập cuộc chơi chung
CPTPP có hiệu lực ở Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc chúng ta phải tuân theo những nguyên tắc của cuộc chơi chung, trong đó có sở hữu trí tuệ. CPTPP đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc chặt chẽ. Giải quyết vi phạm bản quyền sẽ không dừng lại ở việc phạt hành chính, dễ gây tình trạng “nhờn luật” mà sẽ được hình sự hóa ở tòa án quốc tế.
Trước tình hình mới, nhiều đơn vị, cá nhân cũng buộc phải cập nhật xu hướng “chống” vi phạm bản quyền của thế giới. “Trong thời đại công nghệ, điều tiên quyết là mọi quy trình đều phải được xử lý công nghệ. Trước mắt, VCPMC đang hoàn thiện website theo hướng chuyên nghiệp, chuẩn quốc tế. Hiện phiên bản demo đã xong, quý I này sẽ đưa vào hoạt động” – ông Đinh Trung Cẩn cho hay.
Theo đó, để đảm bảo minh bạch, tất cả nghệ sĩ (chủ sở hữu quyền tác giả) đều được cung cấp tài khoản riêng, để cập nhật, đối soát số tiền tác quyền theo quý, truy xuất thông tin về đơn vị sử dụng, ở đâu, tiền thu bao nhiêu, đóng thuế bao nhiêu… Số hóa được xem là một bước tiến, để giản lược các quy trình nặng giấy tờ và thủ tục. Việc bổ sung lực lượng kỹ thuật cũng như hoàn thiện hệ thống phần mềm để có thể xử lý vi phạm bản quyền kịp thời cũng là điều quan trọng.
Ban quyen am nhac co khoi sac theo CPTPP?
Noo Phước  Thịnh bị kiện bồi thường 800 triệu vì bị kiện vi phạm tác quyền trong MV Chạm khẽ tim anh một chút thôi
Khi bị phát hiện, đa số nơi vi phạm đều hợp tác giải quyết. Nhưng theo VCPMC, cũng có những đơn vị cố tình chậm trễ hoặc chây ì. Khi đó việc phải dắt nhau ra tòa là điều bắt buộc.
Trong lúc các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam vẫn còn nhiều nơi lơ mơ về sở hữu trí tuệ, điều đáng mừng là các doanh nghiệp nước ngoài đã rất sẵn lòng hợp tác. Ngoài các website nhạc số, VCPMC cũng đã ký hợp đồng với các “ông lớn” như YouTube, Facebook, để tăng cường đối soát tác phẩm, tuyên bố quyền của thành viên, làm căn cứ cho các đơn vị này chi trả, phân phối tác quyền. Trong cuộc chơi toàn cầu, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc, càng không thể lấy những lý lẽ lạ lùng của mình áp lên thế giới, bởi điều đó sẽ chỉ dẫn đến một việc: ta chẳng chơi được với ai và vẫn mãi chìm đắm trong mông muội.
Chỉ số liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan của Việt Nam vẫn ở mức thấp
Bảng xếp hạng Chỉ số sở hữu trí tuệ (IP) quốc tế hằng năm lần thứ 6, do Trung tâm Chính sách đổi mới toàn cầu (GIPC), thuộc Phòng Thương mại Hoa Kỳ, công bố hồi đầu năm 2018, cho biết: Việt Nam đã có bước đi tích cực hướng tới tăng cường khung sở hữu trí tuệ, nhằm cạnh tranh bình đẳng hơn với các nước Đông Nam Á, nhờ sự phản ánh Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017, cũng như những kết quả tích cực đạt được thông qua các chỉ số mới. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn quá nhiều việc phải làm, để thực sự bước vào những cuộc chơi chung. Năm 2018, trong bảng xếp hạng IP, Việt Nam xếp thứ 40/50 nền kinh tế được đánh giá.
Cụ thể, tổng điểm của Việt Nam tăng từ 30% trên tổng điểm có thể đạt được (10,34 trên thang điểm 35) trong ấn bản lần thứ 5 lên 33% (13,19 trên thang điểm 40) trong ấn bản lần thứ 6. Tuy nhiên, các chỉ số liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan đều ở mức thấp. Giữa 2 lần đánh giá, nhóm quyền tác giả và quyền liên quan của Việt Nam là 1,28/7, xếp 50/50 trong bảng xếp hạng, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực được khảo sát như Thái Lan (2,28), Philippines (1,78).
Đ.D (PNO)