Về làng Hậu nghe hát ống

0
1222
Tìm về làng Hậu (Liên Chung, Tân Yên, Bắc Giang) - cái nôi của hát ống, chúng tôi được các cụ cao niên niềm nở tiếp đón. Chiều se lạnh, ngay tại ngôi đình Vường có tuổi đời 300 năm, các cụ đã kể cho chúng tôi nghe về ngọn nguồn của hát ví ống...

Chuyện rằng, làng Hậu hình thành từ thế kỷ 17 và có lẽ hát ví ống cũng ra đời cùng thời gian đó…

Từ thời phong kiến đã xuất hiện các cuộc hát ví ống ở vùng Nhã Nam của nhóm thợ cày, thợ cấy Liên Chung đi gặt thuê. Vừa gặt vừa hát, có canh hát kéo dài suốt cả mùa hái gặt, rộn ràng cả vùng Nhã Nam.

Cụ Nguyễn Vân Đài, thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát ví ống Liên Chung, cho biết đây là loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống với lối hát giao duyên, ví von, đối đáp giữa nam và nữ. Lời ca, điệu hát được truyền qua “bộ khuếch đại âm thanh cổ điển nhất” là những chiếc ống tre bọc da ếch để nam nữ gửi gắm tâm tư, tình cảm với người mình thầm thương trộm nhớ…

Từ những thế kỷ trước, thợ cày, thợ cấy, thợ gặt ở làng Hậu, Liên Chung đã cất lên lời ca điệu ví ca ngợi vẻ đẹp quê hương, thôn xóm, tỏ bày khát vọng về cuộc sống vui tươi no ấm cũng như gửi gắm nỗi niềm trong tình yêu đôi lứa: “Mùa xuân trảy hội đền Dành; Gặp nhau xa lạ trở thành thân quen; Hội Dành mười chín tháng Giêng; Tiếng đồn nức nở, linh thiêng khắp vùng; Nhiều cô đến khấn được chồng; Nhiều chị đến khấn được hồng trên tay; Núi Dành đây cảnh tuyệt vời; Rừng xanh bát ngát núi đồi thông reo…”.

Cụ Đài bảo rằng, một điều hết sức đặc biệt là ở làng Hậu có rất nhiều con ngõ được gọi là “ngõ ống”… Nhu cầu sinh hoạt văn nghệ của người dân làng Hậu đã hình thành nên hát ống trong không gian các ngõ xóm…

Hát ống ra đời từ lao động sản xuất. Nhờ các làn điệu hát ví để làm quen, để có cớ tạo mối quan hệ với nhau. Đấy là một lối làm quen táo bạo nhưng cũng hết sức tinh tế. Rồi sau đó, nếu chàng trai và cô gái kia hát tốt sẽ tạo thành một cuộc hát ví. Người hát phải nhanh chóng nghĩ ra câu hát vừa hợp vần, hợp điệu, vừa khớp nội dung để ứng đối. Cứ có trai có gái thì bất kỳ trong không gian nào cũng có thể hát ví…

Trong đời thường có hát ví mời nước, mời trầu, mời rượu, mời cơm… Mặc dù rất phong phú về nội dung nhưng hát ví giao duyên vẫn chiếm số lượng nhiều nhất. Đầu tiên có lẽ phải kể đến là hát hỏi đường. Dẫu chàng trai đã thông thuộc đường làng ngõ xóm, nhưng khi gặp một cô gái vừa ý, chàng cất giọng hát hỏi thăm đường sá – “Hỏi đường thăm giếng”. Nam thanh nữ tú trong vùng mượn hát ví để tỏ bày tình cảm, để làm quen, hẹn hò, mong ước được cùng nhau chung sống, tri kỷ trọn đời… Mong ước được kết đôi, khao khát tình yêu đôi lứa là nội dung chủ đạo của hát ví làng Hậu.

Các nghệ cho rằng, hát ví làng Hậu là loại hình văn nghệ dân gian, không phải để trình diễn trên sân khấu. Bởi thế, hát ví làng Hậu rất mộc mạc, từ khi ra đời cho đến nay không hề có nhạc đệm. Gặp nhau, mến nhau là hát ở bất kỳ một không gian nào, thời điểm nào, miễn là người hát đủ vốn từ, vốn câu, ứng đối nhanh, trau chuốt… Ví là điệu thức, ống là phương tiện. Khi nào người hát ví dùng đôi ống để hát thì gọi là hát ống, hoặc hát ví ống. Khi nam nữ đã hát ví với nhau nhiều lần, đã quen biết hoặc đã hình thành các đội, nhóm hát thì họ kéo nhau ra ngõ xóm hay sân đình để hát ví ống.

Muốn tạo ống hát, dân làng cắt những khúc tre ngà già khoảng 15cm đến 17cm rồi phơi cho thật khô. Sau đó dùng da ếch bịt vào một đầu ống rồi đem phơi nắng, phơi sương cho đến khi da ếch khô, dính chặt vào thành ống tre. Để truyền âm, ngoài bộ phận ống tre bịt da ếch còn cần phải có một sợi dây tơ tằm dài khoảng 70 sải tay. Dây tơ tằm được luồn vào chính giữa mặt da ếch, để cố định, phải chốt bằng một chiếc kim khâu.

Khi hát, nam nữ được chia làm hai phường, phường nam và phường nữ. Bên hát ghé miệng vào ống để hát còn bên nghe thì nhẹ nhàng áp ống vào tai. Sợi dây tơ tằm phải thẳng, kéo dây đến khi chiếc kim chốt áp sát vào mặt trong da ếch. Khi hát, da ếch rung lên, chiếc kim cũng rung theo đồng thời truyền âm thanh qua sợi dây tơ tằm sang phía người nghe. Các nghệ nhân hát ví ống làng Hậu tự hào rằng, ống hát chính là chiếc máy truyền âm cổ nhất còn lưu giữ đến bây giờ…

Người làng Hậu xem hát ví ống là báu vật của làng. Mặc dù, ngày nay việc bảo tồn và phát huy hát ví ống gặp vô vàn khó khăn nhưng các nghệ nhân làng Hậu vẫn không ngừng cố gắng… Với họ, hát ví ống còn thì làng Hậu còn.

Không chỉ vang lên trong những hội hè đình đám ngày Xuân tháng Tết mà các buổi đi cấy đi cày, cắt rơm cắt rạ, nhổ cỏ…ngoài đồng, người nông dân thôn Hậu vẫn hát ví đối đáp nhau bằng những giai điệu mộc mạc, đằm thắm, ân tình…như từ thuở ông cha dựng làng lập đất: “Hỡi cô thắt dải bao xanh; Có về làng Hậu với anh thì về; Làng Hậu có gốc cây đề; Có sông tắm mát, có nghề làm ăn… Đình Vường mở hội nay mai; Có thương có nhớ thì ai hãy về…”.

Văn Song (HNS)