Từ bản quyền đến bản photocopy

0
492
(Ảnh: internet)

Nếu như vấn đề vi phạm bản quyền nổi lên trên bề mặt xã hội thông qua hành vi đạo nhạc gây bức xúc cho người sáng tạo thì chìm xuống lòng xã hội là nhiều thói quen liên quan, trong đó có việc sử dụng ấn phẩm photocopy. Tình trạng này tuy chưa đến mức xảy ra tranh chấp, kiện tụng, nhưng đã gián tiếp ảnh hưởng đến môi trường văn hóa, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ pháp lý.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc chế bản bằng hình thức chụp ảnh, scan, photocopy… tài liệu, ấn phẩm chỉ thực hiện trong phạm vi hẹp với sự ủy thác của tác giả, đơn vị quản lý tài sản hoặc cam kết của người tham gia. Ngược lại, ở nước ta sử dụng tài liệu photocopy diễn ra công khai, rộng rãi, vô tư đến mức thoải mái. Thực tế cho thấy, nhiều cửa hàng photocopy thường nằm gần trường học, giống như hiệu thuốc gần bệnh viện, có cơ sở kinh doanh chủ yếu phục vụ nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, tài liệu photocopy xếp thành chồng, phân loại theo từng bộ mà đa số chụp lại từ sách, ấn phẩm có tác giả, tác quyền. Xuất phát từ một hiện tượng phổ biến, nên người ta không nhận thấy “mặc cảm tội lỗi” đối với hành vi của mình. Xét về lâu dài, nó thúc đẩy một nền văn hóa coi thường pháp luật, coi nhẹ tài sản trí tuệ.

Như trên đã nói, ở nhiều quốc gia không cho phép kinh doanh dịch vụ photocopy. Máy photocopy chỉ được dùng ở những nơi có chức năng sao chép tài liệu nhằm mục đích lưu trữ, học tập, tra cứu, như: Viện nghiên cứu, Thư viện, Bưu điện… Ngay trong cơ sở giáo dục cũng vắng bóng máy photocopy. Vì, sử dụng tài liệu photocopy, phát tán “sách giả” đồng nghĩa với hành vi phạm pháp. Vả lại, các loại sách giáo khoa, bản nhạc, sách nghiên cứu, từ điển… đa số đều bán ở hiệu sách. Ở nước ta, tài liệu chuyên dụng hầu như không tiêu thụ trên thị trường, đặc biệt là sách nhạc. Những tuyển tập nhạc đàn, nhạc hát bày bán trong hiệu sách chiếm một số lượng ít ỏi so với nhu cầu to lớn của học sinh, sinh viên, thầy cô giáo, những người hoạt động âm nhạc. Chưa kể, sách bán trên thị trường không phải sách sử dụng trong nhà trường.

Nếu nhìn vào bề nổi của hoạt động in ấn, sự gia tăng các đơn vị tham gia xuất bản có thể lạc quan về sự phát triển của ngành công nghiệp này. Nhưng, nhìn nghiêng sang lĩnh vực âm nhạc, cụ thể là ấn phẩm phục vụ công tác học tập, nghiên cứu, giảng dạy… thì thấy rõ tính chất khập khiễng, mất cân đối giữa sản phẩm phục vụ số đông và số ít trong ngành xuất bản. Mặc dù, số ít không hẳn đã ít và kém quan trọng hơn, đặc biệt xuất phát bởi mục tiêu phát triển văn hóa, giáo dục đất nước. Nhiều lần tham dự lớp Master class, tôi không khỏi hụt hẫng trước tình cảnh học sinh, sinh viên sử dụng tài liệu photocopy. Suốt thời gian dài đầu tư nguồn lực cho lĩnh vực giáo dục, từng bước cải thiện cơ sở vật chất, môi trường học tập, điều kiện âm thanh, máy chiếu sáng, nhạc cụ… song, một công cụ vô cùng quan trọng là ấn phẩm lại bị bỏ quên. Học sinh, sinh viên vẫn quen sử dụng tài liệu photocopy. Nếu làm phép so sánh, giữa nguồn lực (tài chính) đầu tư cho thiết chế văn hóa (cơ sở vật chất), nhạc cụ và in ấn, xuất bản sách giáo khoa, bản nhạc, sách công cụ nói chung thì khoản đầu tư sau ít tốn kém hơn, đồng thời đem lại hiệu quả rộng rãi. Có thể thấy, không phải mọi đối tượng đều được sử dụng nhạc cụ tốt, phòng tập có cách âm, điều hòa hay bước lên sân khấu hiện đại… nhưng, đa số các em đều có thể mua sách làm công cụ học tập. Học sinh vùng sâu, vùng xa hay đô thị phát triển gần như bình đẳng với nhau về phương diện này.

Giáo dục nói chung và âm nhạc nói riêng rất cần sự hậu thuẫn của văn hóa, từ những thiết chế quy mô lớn cho đến bộ công cụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu. Nếu thiếu sự hậu thuẫn của văn hóa, âm nhạc khó phát triển rộng rãi, đa dạng, phổ cập. Mỗi cá nhân giống như người đi trên dây phải dựa vào bản thân để đạt được sự thăng bằng. Học sinh, sinh viên âm nhạc từ thế kỷ trước đã phải “khởi nghiệp” với tài liệu chép tay. Máy photocopy du nhập góp phần hỗ trợ đắc lực cho việc học tập. Đã hơn ¼ thế kỷ trôi qua, nhân loại bước sang thập niên thứ 3 của thế kỷ 21 với những nỗ lực, phấn đấu xây dựng thời đại 4.0, đô thị thông minh, hội nhập thế giới… song, một công cụ quan trọng nhằm thúc đẩy nhu cầu học tập là ẩn phẩm, sách nhạc, tài liệu phục vụ nghiên cứu… vẫn phải sử dụng bản photocopy. Đó là chưa kể, việc làm này thực chất đã vi phạm tác quyền, bản quyền, chẳng qua chưa tới mức hay xảy ra tình huống phải truy cứu trách nhiệm liên quan.

Máy photocopy lẽ ra đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Cơ sở giáo dục có thể thay thế hoàn toàn tài liệu photocopy bằng ấn phẩm xuất bản với chất lượng ổn định. Xét trong tình hình thực tế, mong muốn này dường như vẫn còn xa vời đối với học sinh, sinh viên, thầy cô giáo âm nhạc. Ngay kể cả ấn phẩm giành cho nhạc cụ truyền thống cũng không có trên thị trường. Nhiều sinh viên nước ngoài sang Việt Nam học tập, tìm hiểu không khỏi ngạc nhiên, khó hiểu trước tình trạng ấn phẩm cổ nhạc Việt Nam không bán trong hiệu sách!!! Không lẽ, chúng ta đợi nước ngoài in rồi nhập khẩu? Còn đối với tác phẩm âm nhạc kinh điển, xu hướng in ấn nhằm vào những tác phẩm phổ biến, tập hợp thành tuyển tập, đặc biệt thiếu tính hệ thống. Bên cạnh bản nhạc, chúng ta còn thiếu trầm trọng loại ấn phẩm có nội dung liên quan đến lịch sử, tác giả, sách nghiên cứu, sách hướng dẫn nghe…

Trong nền kinh tế thị trường, có những phân khúc kém ưu thế mở rộng thị phần, tất nhiên, để đánh giá đúng mức độ cấp thiết từng loại sản phẩm cần năng lực phán đoán của cả nhà sản xuất và doanh nghiệp. Nhưng, cơ sở giáo dục thì khác. Cơ sở giáo dục phải xuất phát từ mục tiêu dài hạn, đặc biệt gánh vác trên vai sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, mà muốn đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, rõ ràng phải đầu tư nguồn lực, ngoài cơ sở hạ tầng, còn có công cụ, tài liệu học tập. Theo đó, nhà trường có thể mua hoặc xin nhượng bản quyền ấn phẩm của những nhà xuất bản uy tín trên thế giới, rồi in trong nước. Hoạt động này coi như một khoản đầu tư dài hạn. Nếu nhìn vào nhu cầu thực tế, sản phẩm trên chưa hẳn đã kém về thị phần trên thị trường sách. Bởi, phân khúc này đang bị doanh nghiệp bỏ ngỏ. Lạc bước vào hiệu sách ở một số quốc gia lân cận có thể thấy rõ hình ảnh tương phản về tài liệu âm nhạc với trong nước.

Cho đến nay, việc sử dụng máy photocopy, tài liệu photocopy đã trở thành “vô thức tập thể”. Chúng ta quá quen với việc “nhân bản vô tính” tài sản trí tuệ. Tất nhiên, máy photocopy, tài liệu photocopy chưa phải nguồn cơn dẫn tới hoạt động phi pháp là vi phạm bản quyền. Nhưng, ở nước ta, hoạt động photocopy, sử dụng tài liệu photocopy diễn ra quen đến mức mà người sử dụng quên rằng mình vô hình trung, gián tiếp tiếp tay cho những hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Bởi, trong số nhiều tài liệu photocopy, có không ít ấn phẩm được luật sở hữu trí tuệ bảo hộ. Chúng ta có thể ỷ lại về một hành lang pháp lý lỏng lẻo, khó chạm đến quyền hạn, trách nhiệm liên quan, hoặc chí ít thì con đường đi tìm công lý quá chông gai, nên tiếp tục duy trì thói quen sử dụng tài liệu photocopy. Xin nói rằng, hành động này sớm muộn phải có điểm dừng. Trước năm 1975, nhiều ấn phẩm âm nhạc đều quy định rõ về tác quyền, phạm vi sử dụng, như không được xuyên tạc lời ca, không hát nơi công cộng hoặc có bất kỳ hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với ca khúc…. Ngay cả những bản nhạc in dưới dạng tờ rời cũng quy định như vậy, chưa nói đến kinh, sách, từ điển tra cứu. Tất nhiên, tình trạng vi phạm bản quyền vẫn diễn ra trôi nổi trên thị trường. Nhưng, nó chưa bao giờ nhận được sự hậu thuẫn của cơ sở giáo dục. Ngày nay, chúng ta sử dụng tài liệu photocopy một cách rộng rãi ngay trong cơ sở giáo dục. Văn hóa xã hội cũng quen với việc photocopy tài liệu. Phát triển văn hóa cần đầu tư đồng bộ nhiều phương diện, không chỉ xem trọng bộ mặt, thể diện quốc gia mang tính chất “đối ngoại” mà xem nhẹ những khâu quan trọng, như in ấn, xuất bản sách, tài liệu công cụ. Bởi, đây là một công cụ trọng yếu nhằm thúc đẩy sự phát triển nội tại văn hóa âm nhạc nói chung, giáo dục âm nhạc nói riêng, đồng thời theo xu hướng hội nhập quốc tế, nhằm tránh tiếp tục đi vào lối mòn của thói quen “nhân bản vô tính” tài sản trí tuệ để từ bản quyền đi đến bản sắc, chứ không thể kéo dài thời kỳ quá độ của bản photocopy. Ranh giới pháp lý giữa bản quyền và bản photocopy tuy rất mong manh, nhưng rõ ràng, chỉ cần một bước nhỏ chúng ta có thể rơi vào cảm bẫy của thói quen, nhất là khi nó nhận được sự hậu thuẫn của cả cộng đồng.

Lê Hải Đăng (HNS)