Trẻ em nghe nhạc cổ điển sẽ tăng IQ?

0
2674

Nói đến chuyện làm tăng trí thông minh (cách nói thời thượng bây giờ là tăng IQ) cho con trẻ thì các bậc phụ huynh ai chẳng ham. Vậy nên khi ý tưởng luyện trí thông minh cho trẻ nhỏ bằng cách cho nghe nhạc cổ điển được tung ra, nó đã thành một trào lưu lôi cuốn các bà mẹ trẻ trong những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21.

Thậm chí có bà mẹ cho con nghe nhạc từ khi đứa con vẫn nằm trong bụng. Lại có bà mẹ không chỉ cho đứa con nằm trong bụng nghe nhạc, mà còn đọc truyện cổ tích cho con nghe với hi vọng sau này con mình thông minh hơn người.

“Hiệu ứng Mozart”

Những thí nghiệm sớm nhất về tác động của âm nhạc lên não người được tiến hành từ năm 1988, khi nhà sinh học thần kinh Gordon Shaw cùng học trò thử mô hình hóa hoạt động của não trên máy tính tại Đại học California ở Irvine. Dưới dạng mô phỏng, họ thấy rằng các tế bào não được kết nối với nhau thiên về những nhóm có những kiểu lóe sáng và nhịp điệu đặc thù nhất định.

Shaw phỏng đoán rằng những kiểu lóe sáng này là sự trao đổi cơ bản của hoạt động não. Do tò mò, họ quyết định biến đổi những tín hiệu đầu ra trong thí nghiệm mô phỏng thành âm thanh thay vì in ra như thường lệ. Thật ngạc nhiên, những kiểu nhịp điệu như vậy nghe khá giống âm nhạc thời đại mới, hay nhạc phương Đông, với một chút sắc thái baroque.

Chả cứ gì người, chuyện âm nhạc tác động đến cả trâu bò và những loài động thực vật khác đã được nói đến. Người ta đã biết rằng cây cối nghe nhạc thì sinh trưởng tốt hơn. Một trại làm phómát ở Ý cho trâu nghe nhạc Mozart ba lần một ngày để chúng cho sữa nhiều hơn.

Vậy thì nay trẻ em vừa uống sữa bò được bổ sung nhiều vi chất có giá trị giúp trẻ thông minh hơn (các hãng sữa vẫn bảo thế), vừa thưởng thức âm nhạc cao cấp thì kiểu gì chỉ số IQ chả tăng? Quan niệm nghe nhạc cổ điển làm tăng trí thông minh phổ biến đến nỗi nó trở thành hiện tượng với tên gọi “hiệu ứng Mozart”.

Nhưng thuật ngữ “hiệu ứng Mozart” lại do một bác sĩ tai mũi họng người Pháp tên là Albert Tomatis đặt ra trong cuốn sách ông viết nhan đề Pourquoi Mozart? (Tại sao Mozart?) năm 1991 để mô tả tác dụng của nhạc Mozart trong việc chữa trị cho những người bị khiếm khuyết về ngôn ngữ và thính giác, lĩnh vực mà ông nghiên cứu từ thập niên 1950.

Tuy nhiên nó mang ý nghĩa mới sau khi tạp chí Nature số ra ngày 14-10-1993 đăng kết quả thí nghiệm của Frances Rauscher, Gordon Shaw và cộng sự về tác dụng của nhạc Mozart đến tư duy về không gian của họ. 36 sinh viên Đại học California được chia thành ba nhóm: một nhóm được nghe bản sonata cho hai đàn piano của Mozart mang số hiệu K488, nhóm thứ hai nghe băng hướng dẫn cách thư giãn để hạ huyết áp và nhóm thứ ba không nghe gì cả trong 10 phút.

Kết quả trắc nghiệm về tư duy không gian thông qua các trò cắt và gập giấy cho thấy nhóm đầu có chỉ số IQ trung bình về không gian cao hơn hai nhóm kia chừng 8-9 điểm. Sau đó các nhà khoa học nói trên còn tiến hành thêm vài thí nghiệm nữa và thấy rằng hiệu ứng tăng IQ không xảy ra đối với nhạc hiện đại và các loại nhạc khác, chẳng hạn nhạc nhảy.

Ngay sau đó, báo chí bắt lấy chủ đề “nóng sốt” này. Trên một số báo New York Times ra năm 1994, Alex Ross viết rằng “các nhà nghiên cứu đã xác định rằng nghe Mozart quả thật làm bạn thông minh hơn”.

Thậm chí có cả một hãng bên Mỹ thành lập năm 1996 có tên Baby Einstein chuyên sản xuất băng, đĩa DVD, video và các sản phẩm khác dành cho trẻ em bao gồm cả nghệ thuật cổ điển, âm nhạc lẫn thơ ca.

Một nhạc công là Don Campbell viết liên tiếp hai cuốn sách nhan đề Hiệu ứng Mozart: Khai thác sức mạnh của âm nhạc để chữa trị thân thể, tăng cường trí óc và khai mở tinh thần sáng tạo (1997) và Hiệu ứng Mozart đối với trẻ em: Đánh thức trí óc, sức khỏe và tính sáng tạo của con bạn bằng âm nhạc (2000) bán kèm theo đĩa CD.

Các bang như Georgia và Tennessee đã chi tiền cho trẻ em thưởng thức nhạc cổ điển. Zell Miller, thống đốc bang Georgia, còn cho các nhà lập pháp bang này nghe nhạc Beethoven rồi hỏi họ: “Nào, giờ thì các vị có thấy mình thông minh hơn không?”.

Năm 1998, Miller ra một dự luật phát không cho mỗi bà mẹ mới sinh con một đĩa CD nhạc cổ điển. Chính quyền bang Florida thì thông qua một đạo luật bắt các nhà trẻ và mẫu giáo công lập phải cho trẻ em nghe nhạc cổ điển ít nhất một giờ mỗi ngày.

Khoa học hoài nghi

Tuy nhiên, thí nghiệm đã gây ra tranh cãi trong cộng đồng khoa học. Tìm hiểu kỹ thì ra trong thí nghiệm đình đám trên, hiệu ứng tăng IQ không kéo dài quá 10-15 phút. Nhiều nhà khoa học đã thực hiện những thí nghiệm tương tự, nhưng đa số cho biết họ không thấy có sự khác biệt giữa nhóm nghe nhạc Mozart và các nhóm khác. Chỉ có rất ít thí nghiệm xác nhận kết quả của Rauscher và cộng sự.

Một nhóm các nhà khoa học Phần Lan ở Trường đại học Tổng hợp Helsinki còn thử nghiệm với cả khỉ trong các điều kiện: nghe nhạc Mozart, nghe giai điệu đơn giản, nghe nhiễu ồn pha tạp (white noise) và không nghe gì cả. Kết quả trái ngược hẳn: tư duy không-thời gian tăng cao nhất ở nhóm nghe tiếng ồn tạp và thấp nhất ở nhóm nghe nhạc Mozart.

Năm 1998, Christopher Chabris tại Đại học Harvard đã xem xét 16 nghiên cứu, thí nghiệm về vấn đề này và tổng kết như sau: “Các kết quả không cho thấy những thay đổi rõ rệt nào về IQ hay khả năng suy lý. Có một sự nhỉnh hơn khá nhỏ trong việc học được một nhiệm vụ đặc biệt là hình dung ra kết quả gập và cắt giấy, nhưng ngay cả sự nhỉnh hơn ấy cũng không đáng kể về mặt thống kê, vì nó còn nhỏ hơn mức biến thiên trung bình trong kết quả thử nghiệm IQ của cùng một người”.

Bản thân Rauscher cũng phải lên tiếng nhóm của họ không hề tuyên bố rằng nghe nhạc Mozart làm tăng trí thông minh, mà là tăng hiệu quả một số bài tập về tư duy không – thời gian. Bà nói thêm rằng kinh phí của các bang nên dành cho các chương trình dạy nhạc thì hơn.

Tuy không được cộng đồng khoa học nhất trí xác nhận, một số nhà khoa học thử tìm cách lý giải hiệu ứng này bằng các giả thuyết dựa trên thần kinh học và tâm lý học. Roederer cho rằng vì nhận thức âm nhạc được xử lý ở bán cầu não phải, cùng bán cầu với xử lý tư duy không gian và thao tác sắp xếp trình tự dài hạn, nên nhận thức âm nhạc đã kéo theo sự phân tích các mẫu kích thích không gian dọc theo các thụ quan thính giác.

John Hughes thì quả quyết các chuỗi nhạc, nhất là nhạc Mozart, đều đặn lặp lại sau 20-30 giây, do đó có thể kích thích đáp ứng mạnh mẽ của não, vì nhiều chức năng của hệ thần kinh trung ương như bắt đầu giấc ngủ và các mẫu sóng não cũng diễn ra theo chu kỳ 30 giây.

Với độ lùi khoảng hai thập kỷ, có thể nói hiệu ứng Mozart không được khẳng định, nếu không muốn nói đó chỉ là ảo tưởng. Nghiên cứu của Trường đại học Vienne, tổng hợp từ nhiều nghiên cứu độc lập, kết luận rằng đây chỉ là huyền thoại. Trong cuốn 50 huyền thoại lớn của tâm lý học đại chúng xuất bản năm 2009, nhà tâm lý học Scott E. Lilienfeld đã xếp hiệu ứng Mozart ở vị trí thứ 6.

Trang mạng ScienceDaily ngày 10-5-2010 đăng bài “Nghiên cứu cho thấy nhạc Mozart không làm bạn thông minh hơn”. Gần đây hơn, trong bài “Nghe nhạc Mozart có kích thích năng lực não của bạn không?” (BBC, 8-1-2013), nữ ký giả Claudia Hammond, thạc sĩ tâm lý học, đã kết luận: “Dĩ nhiên Mozart sẽ chẳng làm hại bạn, thậm chí bạn có thể thích thú thưởng thức nhạc của ông nếu thử, nhưng nó không làm bạn thông minh hơn tí nào”.

Nguyễn Việt Long (HNS)