Tổng kết giải thưởng âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2021

0
557

Năm 2021, đi qua với nhiều khó khăn thử thách nghiệt ngã: Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến toàn thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta, bão lũ bất thường tàn phá miền Trung, gây nhiều thiệt hại về người và của, nhiều chương trình nghệ thuật, Festival quốc tế phải tạm hoãn… Tuy vậy, năm 2021 cũng ghi đậm dấu ấn những thành tích trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật.

Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tiến hành xét Giải thưởng Âm nhạc năm 2021 từ ngày 30 tháng 11 đến ngày 08 tháng 12 năm 2021. Hội đồng xét giải thưởng Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tiến hành xét Giải thưởng trong các lĩnh vực: Thanh nhạc, Khí nhạc, các công trình Lý luận phê bình và Báo chí âm nhạc, các tập hợp chương trình biểu diễn.

Ban tổ chức đã nhận được 176 tác phẩm của 176 tác giả là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước gửi tham dự.

Cụ thể: thể loại Thanh nhạc có 167 tác phẩm (trong đó có 17 ca khúc thiếu nhi, 03 ca khúc nghệ thuật); 03 tác phẩm giao hưởng, 07 hợp xướng và ca cảnh, 12 tác phẩm khí nhạc (độc tấu, hòa tấu, nhạc cụ), 03 tác phẩm giao hưởng; 01 Chương trình biểu diễn; 09 công trình lý luận tham dự giải.

Hội đồng nghệ thuật đã làm việc nghiêm túc, khoa học, kỹ lưỡng và công tâm để chọn ra những công trình, tác phẩm có chất lượng đề nghị Ban tổ chức trao giải thưởng.

Kết quả: 10 Giải A, 25 Giải B, 37 Giải C, và 01 chương trình biểu diễn xuất sắc.

01 tác phẩm đạt giải A Giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam 2021, đã được nhận giải kép của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam 2021.

Thay mặt cho Hội đồng xét Giải thưởng Âm nhạc năm 2021, tôi xin nêu lên một số ý kiến nhận xét được tập hợp từ các Hội đồng chuyên ngành như sau:

Về thể loại khí nhạc, ưu điểm là có tác giả đã mạnh dạn đầu tư cho hoà tấu dàn nhạc hỗn hợp: dân tộc, giao hưởng với điện tử, với những đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, đề tài về tình yêu quê hương đất nước con người, hay dàn nhạc kèn đã khai thác tính dân tộc, kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và âm nhạc phương Tây. Có một số tác phẩm có tìm tòi sáng tạo trong cấu trúc và ngôn ngữ thể hiện. Tuy nhiên còn ít các tác phẩm có chất lượng cao, thật sự sáng tạo và gây cảm xúc mạnh cho nguời thưởng thức… những tác phẩm đạt chất lượng cao vẫn chỉ ở một số tác giả cũ, chưa có xuất hiện nhân tố mới trong làng nhạc khí của Hội ta, vẫn tình trạng cũ, một số tác phẩm giữa âm thanh và tổng phổ chưa khớp nhau.

Về Thanh nhạc: ca khúc dự thi năm nay đã có ca khúc về đề tài bảo vệ môi trường, thật sự gây được xúc động mạnh mẽ và mang tính chinh phục, được Hội đồng thẩm định đều đánh giá cao; hoặc viết về mẹ, về tình yêu quê hương đất nước, phòng chống dịch Covid-19 cũng gây được cảm tình cho người nghe. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ca khúc nghe quen thuộc, bút pháp theo lối cũ, nhiều bài còn giống nhau kể cả về giai điệu lẫn nội dung. Ngoài một vài ca khúc thật sự có chất lượng cao vẫn còn nhiều ca khúc ca sĩ thể hiện hay phối khí thu âm không trùng khớp với văn bản âm nhạc cả về cao độ và trường độ…

Bên cạnh đó cần lưu ý các nhạc sĩ viết thanh nhạc vẫn dễ nhầm lẫn các thể loại như Hợp xướng, ca khúc nghệ thuật, với hợp ca và ca khúc có bè hoặc gửi nhầm thể loại như ca khúc thiếu nhi và ca khúc người lớn.

Về ca khúc thiếu nhi, Đã có những ca khúc hay cho trẻ em phù hợp với lứa tuổi hồn nhiên trong sáng của các em, được dàn dựng tốt nên hiệu quả khá cao.

Về các công trình lý luận phê bình:

Xét theo số lượng và chất lượng tác phẩm dự thi, giải thưởng Lý luận phê bình được phân theo 2 thể loại: Sách biên soạn và các bài báo về âm nhạc. Như vậy mùa giải này không có sách nghiên cứu.

– Số lượng: không nhiều, tập trung ở phía Bắc, gồm 5 cuốn sách (Hà Nội và khu vực miền Trung) và 4 chùm bài viết (đều của Hà Nội).

– Đề tài và thể tài: khá đa dạng – từ cổ chí kim (nhạc cổ điển phương Tây – opera, nhạc cổ truyền Việt Nam – dân ca và nhạc Phật giáo, ca khúc đại chúng), từ sưu tầm điền dã, biên soạn giáo trình đào tạo chuyên nghiệp và dàn dựng chương trình ca nhạc lễ hội, đến bình luận ca nhạc, giới thiệu tác giả tác phẩm. Vì thế đối tượng hướng đến cũng khác nhau: giới nghiên cứu sưu tầm dân ca, giảng viên đào tạo chuyên ngành biểu diễn thanh nhạc, người quản lý âm nhạc, công chúng các lứa tuổi (từ trẻ đến cao niên).

– Hình thức: sách in đẹp, có những cuốn khá dầy dặn (tuy không phải khổ lớn thường dùng cho sách nghiên cứu); chùm bài báo phần lớn được đóng tập cẩn thận và ghi chú đầy đủ nơi đăng tải, nhưng lại có chùm gom những mảnh cắt từ báo ra, tùy tiện cẩu thả, không kèm danh mục. Ban Lý luận phê bình xin đề nghị Hội Nhạc sĩ từ năm sau đưa vào quy chế xét thưởng hàng năm: yêu cầu các bài báo cần sắp xếp và đóng tập đàng hoàng theo khổ A4 kèm mục lục ghi rõ ngày và nơi đăng tải.

– Chất lượng nội dung: rất tiếc năm nay không phải mùa bội thu của lý luận. Có sách lẽ ra thuộc thể tài nghiên cứu, nhưng nội dung không đáp ứng nên phải xếp vào sách biên soạn cho hợp lý hơn và đảm bảo cho uy tín của giải thưởng.

Nhìn chung, các tác giả hướng đến phần nổi nhiều hơn là đầu tư vào chiều sâu. Nhiều vấn đề đặt ra mà giải quyết chưa tới, có những đề mục khá kêu nhưng phần luận bàn không đủ thuyết phục hoặc không trúng, có những phân tích và thuật ngữ chưa chuẩn xác. Các tác phẩm dừng ở nội dung biên soạn giáo trình, kinh nghiệm tổ chức sự kiện, báo cáo điền dã, giới thiệu tác giả tác phẩm cho đối tượng đại chúng, điều tra xã hội học. Chủ yếu mang tính sử liệu, văn hóa học, xã hội học, dân tộc nhạc học, đường lối phát triển văn hóa theo quan điểm chính trị nhiều hơn là âm nhạc học. Lại càng khó xếp vào chuyên ngành lý luận nghiên cứu phê bình âm nhạc. Gần như thiếu phân tích âm nhạc và rất ít thí dụ nốt nhạc, những thí dụ hiếm hoi không kèm lời phân tích hoặc đôi khi lại có những nhận xét để lộ sự thiếu hụt kiến thức âm nhạc. Như vậy, tính khoa học chưa tới, tính nghệ thuật trong văn phong và cách biểu hiện mà lĩnh vực phê bình đòi hỏi vẫn chưa có.

Đây là điều khiến Ban Lý luận phê bình hết sức phân vân, một mặt rất ghi nhận, hoan nghênh và muốn ủng hộ các tác giả đã nhiệt tình viết, hăng hái tham gia một lĩnh vực vừa khó vừa khổ; mặt khác lại không thể không băn khoăn nếu dễ dãi chấp nhận mọi khiếm khuyết có thể làm giảm độ tin cậy đối với giải thưởng âm nhạc của Hội, hơn nữa còn dẫn đến ngộ nhận, ảnh hưởng đến chất lượng lý luận phê bình âm nhạc hiện nay và sự phát triển chuyên ngành này trong tương lai.

Hội đồng thẩm định ghi nhận kết quả lao động sáng tạo, những ý kiến đóng góp chân thành của các nhạc sĩ, nhà lý luận phê bình âm nhạc, đặc biệt là những nhà báo, nhạc sĩ lão thành thường xuyên tham gia giải hàng năm của Hội.

Xin cám ơn các Giáo sư, Tiến sĩ, NSND, NSƯT, các nhạc sĩ, các nhà lý luận phê bình đã nhiệt tình tham gia Hội đồng thẩm định với trách nhiệm cao, góp phần khẳng định uy tín và chất lượng của giải thưởng Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam hàng năm.

Trước thềm năm mới – Nhâm Dần 2022, cùng với những giai điệu mùa xuân, thay mặt Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam xin kính chúc quý vị đại biểu cùng toàn thể anh chị em nhạc sĩ, nghệ sĩ, và gia đình sức khỏe – hạnh phúc – an khang – thịnh vượng; năm mới sáng tạo mới – thành công mới!

Đức Trịnh (HNS)