Thiên nhân hợp nhất: Cảnh giới cao thượng của âm nhạc cổ đại

0
1204

Sư Khoáng đã hấp thụ tinh hoa của lý luận âm nhạc Nho gia, đó là “Lễ tiết dân tâm, nhạc hòa dân thanh” (Dùng lễ để tiết chế lòng dân, dùng nhạc để làm tiếng nói của dân được an hòa). Ông còn kế thừa truyền thống văn hóa Lễ Nhạc mà Chu Công thời Tây Chu đã khởi xướng, yêu cầu sáng tác nhạc phải thuận với đạo trời và tự nhiên, phải thông qua nội hàm đạo đức của âm nhạc để thiện hóa lòng người, đạt được hiệu quả giáo dục cảm động sâu sắc lòng người và làm phong tục tập quán trở nên tốt đẹp. Từ đó mà thể hiện được sự hài hòa giữa con người và tự nhiên, trời đất. Đây cũng là tư tưởng “Thiên nhân hợp nhất” của người xưa.

Theo Sư Khoáng, nếu như mới chỉ là giai điệu tiết tấu cùng hợp tấu ăn ý thì hoàn toàn chưa phải là nhạc chân chính mà chỉ có sự hòa hợp giữa tiếng lòng của con người với nhau mới có thể có được âm thanh đến từ Thiên thượng. Điều đó tạo ra sợi dây tâm linh nối liền giữa con người với con người mà sinh ra sự đồng cảm, đạt đến sự tinh lọc cả thân và tâm, hiểu ra được cảnh giới cao hơn của Đạo Trời.

Sư Khoáng đã đặt định ra rằng, âm nhạc cổ có ba loại là “Thanh Thương”, “Thanh Chinh”, “Thanh Giác”. Trong đó, “Thanh Thương” thuộc về âm thanh tượng trưng cho điềm xấu, “Thanh Chinh” là âm thanh tượng trưng cho những điều may mắn, còn “Thanh Giác” là âm thanh tượng trưng cho thời đại hưng thịnh, hoàng kim.

Lịch sử có ghi chép rất nhiều câu chuyện về tài nghệ chơi đàn của Sư Khoáng. Trong đó có ghi chép nói rằng, khi Sư Khoáng đánh đàn thì ngựa con ngừng ăn cỏ, ngẩng đầu nghiêng tai lắng nghe, chim nhỏ đang tìm thức ăn sẽ ngừng bay lượn, đánh rơi thức ăn trong miệng, trông ngóng và kêu hót theo.

Có một lần Tấn Bình Công và Vua nước Vệ cùng nghe nhạc công Sư Quyên diễn tấu một khúc nhạc. Vừa mới diễn tấu được một lát thì Sư Khoáng vội vã bước tới đè lên tay của Sư Quyên nói: “Dừng lại mau! Khúc nhạc ông đang chơi đó là lạm khúc do loạn thần cuối thời nhà Thương chế tác cho bạo chúa nhà Thương là Trụ Vương, là âm thanh mất nước. Trụ Vương vô đạo, sau bị Chu Vũ Vương tiêu diệt. Nghe nhạc thiện khiến cho con người được lợi ích, hướng về cái thiện; nghe nhạc ác sẽ khiến cho con người không còn chí hướng và sa ngã. Âm nhạc là hướng tới truyền bá đức hạnh cho con người, âm chìm đắm có hại cho đức hạnh thì nhất định không được đàn!”

Tấn Bình Công hỏi Sư Khoáng: “Đó gọi là khúc nhạc gì?”

Sư Khoáng đáp: “Đó chính là ‘Thanh Thương’, là âm điềm xấu”.

Tấn Bình Công nói: “Thế khanh hãy diễn tấu một khúc nhạc cát tường đi.”

Thế là Sư Khoáng diễn tấu khúc nhạc có sử dụng “Thanh Chinh” cho hai vị quốc quân nghe. Đây là một loại thanh âm tốt lành và mang đến những điều kỳ lạ.

Khi Sư Khoáng dùng kỹ thuật điêu luyện mà gảy khúc nhạc đầu tiên, liền trông thấy có 16 con Hạc đen tuyền từ phương Nam từ từ bay đến. Lúc Sư Khoáng gảy nhạc khúc thứ hai thì bầy Hạc đen ấy xếp thành một hàng ngay ngắn.

Khi ông chơi giai điệu thứ ba thì đàn Hạc đen vừa kêu hót vừa xếp thành hàng ngũ chỉnh tề giương cánh nhảy múa. Khi ông tiếp tục diễn tấu, trông thấy mây lành lúc ẩn lúc hiện, sương lành ào ạt kéo tới; tiếng kêu hót của bầy Hạc và tiếng đàn … tất cả hòa hợp thành một thể, còn vang vọng ngân nga rất lâu tận phía chân trời. Khiến cho con người cảm thụ được tự nhiên và thanh âm của tự nhiên, trong lòng khoáng đạt mà an bình hạnh phúc. Mọi người vô cùng ngạc nhiên, đều cao hứng hướng về Sư Khoáng chúc mừng. Từ đó về sau, người ta dùng câu “Huyền hạc giáng vân” để miêu tả về sự tuyệt vời êm ái của âm nhạc.

Sư Khoáng chỉ ra rằng tác dụng khơi dậy thiện tâm của âm nhạc có khả năng hướng dẫn và nâng cao thuần phong mỹ tục một cách vô hình, khiến cho ánh hào quang của đức hạnh chiếu rọi đến những vùng đất rộng lớn xa xôi.

Những tác phẩm của ông như “Bạch tuyết”, “Dương xuân” … là những khúc nhã nhạc để đời, biểu đạt sinh động cảnh tượng Đông qua Xuân về, mặt đất hồi sinh, vạn vật tươi tốt, sức sống tràn trề của mùa Xuân. Biểu đạt tấm lòng người quân tử giữ mình trong sạch, không vướng bụi trần, theo đuổi và hướng về tương lai tốt đẹp.

Người ta nói âm nhạc ở tầng thứ cao thì câu thông với thần linh, làm cho con người cảm thụ được sự chân thực, bao la và vĩnh hằng. Thiện hóa người khác, cảm hóa bốn phương, chính là xem trọng và yêu quý sinh mệnh, là thể hiện lòng tri ân đối với Thiên thượng đã sáng tạo ra và ban ân huệ cho tất cả sinh linh.

An Hòa (HNS)