Phim, nhạc Việt xuyên biên giới: Có gì để tự hào?

0
281
Sự kết hợp với ban nhạc huyền thoại 911 đã đưa tên tuổi Đức Phúc lên một tầm mới

Thời gian gần đây, những tín hiệu tích cực từ âm nhạc và điện ảnh Việt khiến câu chuyện “mang chuông đi đánh xứ người”, “nghệ thuật xuyên biên giới”, “xuất khẩu văn hóa”,… một lần nữa được xới lại.

Những tín hiệu vui…

Thời gian gần đây, ca khúc “See tình” của Hoàng Thùy Linh bất ngờ trở thành hiện tượng âm nhạc toàn cầu khi gây sốt tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, thậm chí ở Mỹ, Brazil, Bangladesh, Pakistan… “See tình” là ca khúc kết hợp chất liệu âm nhạc dân gian với nhạc điện tử. Không chỉ giới trẻ ở các nước mà nhiều nghệ sĩ Kpop, siêu sao, vận động viên quốc tế cũng bày tỏ sự yêu thích đặc biệt đối với giai điệu của ca khúc, liên tục học theo vũ đạo của Hoàng Thùy Linh qua video clip đăng tải lên các nền tảng xã hội.

Trước “See tình”, nhạc Việt cũng từng có một số ca khúc phổ biến ở một số quốc gia như: “Ghen Cô Vy” (Min & Erik); “Hai phút hơn” (rapper Pháo); “Dễ đến dễ đi” (Quang Hùng MasterD); “Ngây thơ”, “Dạ Vũ”, “Bên trên tầng lầu” (Tăng Duy Tân)… Trong đó, ca khúc “Ngây Thơ” của Tăng Duy Tân kết hợp với nữ ca sĩ Huang Ling đã xuất hiện trong BXH ca khúc – nghệ sĩ cuối năm của QQ Music ở Trung Quốc. Còn “Hai phút hơn” của Pháo lọt Top 12 BXH World Digital Song Sales của Billboard, #1 BXH Shazam toàn cầu, đặc biệt trở thành ca khúc Việt Nam đầu tiên lọt top 10 BXH Global Viral Chart của Spotify, cho thấy sức ảnh hưởng không hề nhỏ trên toàn thế giới.

Đầu năm 2023, thị trường nhạc Việt cũng sôi động hơn khi ca sĩ trẻ Đức Phúc tung bản hit “Em đồng ý” (I Do) kết hợp cùng nhóm nhạc quốc tế 911. Chỉ sau vài ngày ra mắt, MV đã vượt hơn 10 triệu lượt xem, giữ vững vị trí top 1 trending Âm nhạc và “khuấy động” các bảng xếp hạng âm nhạc. “Em đồng ý” là phiên bản song ngữ Anh – Việt của ca khúc “I do” – bài hát được gọi là “thánh ca đám cưới” của nhóm nhạc 911 huyền thoại quốc tế gắn liền với thanh xuân của thế hệ 7X, 8X người Việt. Sản phẩm nhanh chóng nhận được nhiều lời khen từ khán giả dành cho tinh thần vui tươi, tích cực mà ca khúc mang lại.

Trước đó, năm 2019, Sơn Tùng M-TP từng ra mắt MV “Hãy trao cho anh” kết hợp với huyền thoại Rap của thế giới – Snoop Dogg. Sản phẩm cũng lập tức gây “bão” khi đạt 1 triệu view trong vòng 8 phút và 4,7 triệu view trong vòng 50 phút kể từ lúc ra mắt. Ca khúc này cũng trở thành MV cán mốc 100 triệu view nhanh nhất Vpop, đứng thứ 50 trên toàn thế giới với xấp xỉ 3 triệu lượt thích. Thành tích này đã đưa tên tuổi Sơn Tùng vào danh sách thế giới cũng như thiết lập nên nhiều kỷ lục Việt Nam lúc bấy giờ.

Ngoài ra, còn có một số nghệ sĩ Việt cũng từng có tác phẩm âm nhạc kết hợp với nghệ sĩ nước ngoài như K-ICM (với Plastik Funk, Polmoya và 9tySlac), Soobin (với Ji Yeon của nhóm T-ara), Thanh Bùi (với Tata Young)…

Ở một diễn biến khác, trong lĩnh vực điện ảnh, mới đây, theo thông tin từ nhà sản xuất, bộ phim “578: Phát đạn của kẻ điên” (đạo diễn Lương Đình Dũng) đã chính thức “xâm nhập” thành công vào thị trường phim điện ảnh quốc tế với tên tiếng Anh “578: Magnum”, trong đó có: Italy, Ba Lan, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Slovakia, Isarael, Ấn Độ, Mexico, Argentina, Brazil, Canada, Đức, Đài Loan, Estonia, Hy Lạp, Đan Mạch… Đặc biệt, với việc xuất hiện tại một số quốc gia Ba Lan, Italy, Tây Ban Nha, Đan Mạch… “578: Magnum” trở thành phim điện ảnh hành động đầu tiên của Việt Nam được phát hành tại nhiều quốc gia ở châu Âu. Phim cũng đã và đang được quảng bá ở nhiều liên hoan phim quốc tế.

“578: Phát đạn của kẻ điên” thuộc thể loại hành động – hành trình. Câu chuyện phim theo chân một tài xế container (Alexandre Nguyễn đóng) trên hành trình truy tìm kẻ cưỡng hiếp con gái mình. Phim có sự tham gia của hoa hậu H’Hen Niê. Nhà sản xuất cũng tiết lộ, hiện, bộ phim đang được phát hành thông qua công ty phát hành tại Anh và Đức. Theo dự kiến đến 30/6/2023, bộ phim sẽ được lan toả tới 42 quốc gia và gần 10 vùng lãnh thổ trên thế giới.

Vui thôi, đừng quá!

Dù đang “tung tăng” ở nhiều liên hoan phim và rạp phim quốc tế nhưng trước đó, khi ra rạp ở Việt Nam hồi tháng 5, “578: Phát đạn của kẻ điên” bị xếp vào hàng “bom xịt”. Bộ phim hành động của đạo diễn Lương Đình Dũng bị chê kịch bản lỏng lẻo, dàn diễn viên không thực sự tròn vai, lời thoại và diễn xuất tâm lý còn hạn chế. Được công bố mức đầu tư khoảng 60 tỷ đồng, phim chỉ thu về hơn 3,5 tỷ đồng tiền bán vé (theo số liệu của Box Office Vietnam- đơn vị quan sát phòng vé độc lập).

Dự án cũng chưa gây ấn tượng với giới phê bình, thậm chí hoàn toàn mất tích tại giải Cánh diều 2021 của Hội Điện ảnh Việt Nam, không được đề cử ở bất kỳ hạng mục nào. Phim cũng từng gây tranh cãi khi trở thành đại diện Việt Nam tham dự giải Oscar (và bị loại ngay ở vòng đầu).

“See tình” của Hoàng Thùy Linh đang “gây bão” toàn cầu nhờ giai điệu vui nhộn, bắt tai

Sau 2 tuần ra rạp, đạo diễn đã xin rút phim khỏi hệ thống phim chiếu rạp ở Việt Nam để thay đổi “chiến thuật” nhắm vào thị trường quốc tế với mục tiêu hướng tới là trong năm 2023, phim sẽ có mặt tại 62 quốc gia và dự kiến thu về 2,63 triệu USD. Tuy nhiên, nếu con số này thực sự đạt được cộng với doanh thu 3,5 tỷ trước đó ở trong nước thì cũng mới chỉ giúp đoàn phim “gỡ gạc” lại vốn đầu tư và lãi nhẹ.

“Cũng mừng cho đoàn phim nhưng một bộ phim bị cả khán giả và giới phê bình trong nước quay lưng thì cũng nên thẳng thắn nhìn lại mình. Chưa kể, việc trình chiếu ở nhiều liên hoan phim quốc tế có thực sự nâng tầm bộ phim hay không vẫn còn ẩn số. Bởi trên thế giới hiện có khoảng hơn 550 liên hoan phim quốc tế nhưng rất ít trong số đó được xếp hạng A theo xếp loại của Hiệp hội Điện ảnh quốc tế”, một đạo diễn nhận định.

Trở lại lĩnh vực âm nhạc, MV của Đức Phúc dù nhận được nhiều lời khen “có cánh” về giai điệu, nội dung cũng như thông điệp của bài hát nhưng không ít khán giả phàn nàn phần tiếng Việt của Đức Phúc hát bên cạnh 911 vẫn còn yếu thế, thiếu tự tin. “Hãy trao cho anh” của Sơn Tùng M-TP, dù được khen hoành tráng, công phu về hình ảnh nhưng bị chê hát không rõ lời. Những sự hợp tác với nghệ sĩ nước ngoài trước đó cũng mới dừng lại ở việc tạo ra hiệu ứng truyền thông, chứ chưa thể nói lên điều gì từ kỳ vọng vươn ra thế giới.

Điểm chung của “See tình”, “Ghen Covy”, “Hai phút hơn”, “Ngây thơ”, “Bên trên tầng lầu”… là có giai điệu độc đáo, dễ nhớ, loạt vũ đạo đơn giản bắt mắt… Đó là những điểm thu hút, giúp các ca khúc trở thành xu hướng. Tuy nhiên, phải thừa nhận nhạc Việt thường xuất hiện ở thị trường âm nhạc thế giới với hình thức gắn một trào lưu trên mạng xã hội, một điệu nhảy, một đoạn nhạc ngắn vài chục giây thay vì cả ca khúc trọn vẹn. Người nghe quốc tế đôi khi vì thấy giai điệu hay, vui nhộn nên bắt chước mà không cần biết bài hát đó đến từ đâu. Do đó, để được khán giả trên thế giới đánh giá, thưởng thức như một sản phẩm âm nhạc hoàn chỉnh vẫn là câu chuyện dài.

Ngoại trừ Hoàng Thùy Linh, Min và Erik, vốn đã tạo dựng được dấu ấn âm nhạc trong nước thì những cái tên còn lại, dù tạo dấu ấn ở thị trường quốc tế nhưng lại “mất hút” trong lòng nhạc Việt.

Ngoài ra, một ca khúc thành công về hiệu ứng truyền thông, được khán giả yêu thích, đón nhận, thậm chí nổi tiếng tại nước ngoài cũng chưa chắc đã được giới chuyên môn đánh giá cao. Đó là lý do khiến “See tình” bị loại khỏi danh sách đề cử giải thưởng Cống Hiến mới đây để nhường vị trí cho “Gieo quẻ”- một ca khúc khác của Hoàng Thùy Linh.

Nhiều người đặt câu hỏi: Sau “See tình” nhạc Việt sẽ ra sao? Những người lạc quan kỳ vọng sức hút của ca khúc sẽ là cú hích lớn để nhạc Việt vươn tầm thế giới. Tuy nhiên, giới chuyên môn lại cho rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để các hiện tượng như “See tình” không chỉ dừng lại ở vài chục giây vũ đạo bắt mắt hay giai điệu bắt tai.

Theo nhạc sĩ Quốc Trung, yếu tố chuyên môn, kỹ năng vẫn là điểm yếu của những người làm nhạc Việt. Hơn nữa, với các nước như Hàn Quốc, chính phủ đã định hướng âm nhạc như một ngành công nghiệp phát triển, kèm theo đó là các chính sách đầu tư từ giáo dục, hạ tầng,… Nam nhạc sĩ nhận định: “Cần có kế hoạch tỉ mỉ và nền công nghiệp âm nhạc cũng như đời sống âm nhạc Việt Nam phong phú. Để Vpop tiến ra thế giới một cách vững vàng cần một chiến lược và tầm nhìn dài hơi của các cơ quan quản lý, người làm nghệ thuật. Như vậy, những ca khúc Việt mới thực sự có chỗ đứng chứ không phải là một xu hướng sớm nở chóng tàn”.

D.A (HNS)