Pháp khí nhìn từ góc độ nhạc khí

0
1084

Pháp khí là những khí cụ sử dụng trong sinh hoạt cũng như nghi lễ Phật giáo, từ loại nhỏ như chiếc tràng hạt, bình bát, bình cam lồ, kim cam xử cho đến chuông, trống, mõ, não bạt, mộc bản, pháp loa… Đứng ở góc độ nhạc khí, nhiều loại pháp khí không chỉ dùng trong sinh hoạt, nghi lễ Phật giáo mà còn có khả năng phát ra âm thanh. Theo quan niệm của ngành Nhân học âm nhạc, nhạc khí nhằm chỉ tất cả vật thể có khả năng tạo thanh. Trong đó, mỗi loại mang “âm sắc đặc thù, tạo ra một thứ âm thanh hoặc một số âm thanh có cao độ xác định hay chí ít là những vật liệu phát ra tiếng kêu liên tục trong khoảng thời gian nhất định”.[i]. Xuất phát từ thái độ bao dung và nội hàm bao quát của ngành Nhân học, âm nhạc nói chung và nhạc khí nói riêng bao trọn hầu hết các phương tiện có khả năng tạo ra âm thanh với tính chất xác định về cao độ, trường độ – lặp đi lặp lại mang tính liên tục. Như vậy, phạm trù pháp khí và nhạc khí có nhiều điểm giao nhau. Ngoài khả năng tạo ra âm thanh, pháp khí còn có âm sắc riêng biệt, trong quá trình phát thanh làm hình thành các âm hình tiết tấu thể hiện tính liên tục, lặp đi lặp lại. Từ những đặc điểm trên, nhiều nhạc khí đã vượt khỏi phạm vi tôn giáo lọt sang địa hạt âm nhạc.

Quan sát nhiều nghi lễ lớn nhỏ diễn ra trong năm tại các tự viện, đặc biệt là lễ Vu lan, pháp khí tham gia hoạt động pháp sự hết sức đa dạng, gồm: não, bạt, chuông, đẩu, chung, linh, mõ, trống, chiếu diện kính, pháp loa (hào đồng hay hiệu đồng), hải loa (ốc biển)… Trong đó, pháp khí kích âm bằng phương pháp gõ đóng vai trò chủ đạo.

Trong lĩnh vực âm nhạc, người ta dựa vào nhiều phương pháp để phân loại nhạc khí, như dựa vào chất liệu tạo âm, có bát âm (bào, thổ, cách, mộc, thạch, kim, ti, trúc); dựa vào cách kích âm, có thổi, kéo, gảy, vỗ, gõ, lắc…; dựa vào tính chất phát âm, có các họ: thân vang, màng rung, hơi, dây và điện tử. Phương pháp sau cùng được áp dụng phổ biến trong ngành âm nhạc học. Theo đó, pháp khí – nhạc khí tập trung chủ yếu vào ba họ:

Thân vang, gồm: chuông, khánh, mõ, linh, não bạt, mộc bản, chiếu diện kính…

Màng rung, có: trống.

Hơi, có: pháp loa, hải loa (ốc biển), tù và…

Trong đó, pháp khí thuộc họ thân vang, kích âm bằng phương pháp gõ, lắc chiếm đa số. Họ hơi xuất hiện với tần suất khá hiếm, như pháp loa, hải loa, tù và. Mấy pháp khí này sử dụng chủ yếu trong Phật giáo Tây Tạng. Phật giáo Triều Châu ở thành phố Hồ Chí Minh cũng sử dụng hải loa, tù và, pháp loa (còn gọi là hào đồng hay hiệu đồng) trong những nghi lễ hết sức đặc biệt, như khánh thành nghĩa trang chẳng hạn. Nói chung, sự xuất hiện của pháp khí với tần suất nhiều hay ít chịu ảnh hưởng bởi tôn phái khác nhau, song xét về mức độ phổ biến, pháp khí thuộc họ thân vang vẫn đóng vai trò chủ lực. Điều đó chỉ ra tính chất ích dụng của pháp khí kích âm bằng cách gõ trong việc triển khai hoạt động pháp sự, trì tụng… Trong hoạt động pháp sự, pháp sư, kinh sư, sám chủ hay pháp sinh, kinh sinh… thực hành nghi lễ một cách đồng bộ, như vừa tụng kinh (diễn xướng), vừa gõ mõ (diễn tấu); thể hiện âm thanh kết hợp với động tác hình thể, như bái, lạy, hợp chưởng, trì ấn, đi, chạy, ngồi, quỳ… Giống như nghệ thuật sân khấu, việc sử dụng pháp khí trong môi trường nghi lễ mang tính chất tổng hợp. Trong điều kiện này, người thực hành nghi lễ không thể vừa hát, vừa thổi kèn, song lại có thể vừa tụng, niệm vừa gõ mõ, rung chuông hay đánh trống… Đó là một trong những lý do khiến cho pháp khí gõ xuất hiện thường xuyên trong nghi lễ.

Bên cạnh đó, nhạc khí gõ nói chung và pháp khí gõ nói riêng có sở trường về kiểm soát nhịp điệu, tiết tấu. Việc giao phó chức năng giữ nhịp cho pháp khí gõ có khả năng điều chỉnh tốc độ, thống nhất động tác, hành vi, nghi thức hành lễ (đứng, ngồi, chỉnh trang y phục, khấu đầu, bái lạy… hay làm hiệu lệnh). Không phải ngẫu nhiên mà nhiều hoạt động tập thể cần huy động sức người, thống nhất động tác… đều nhờ đến sự hỗ trợ của nhạc khí gõ, như đua thuyền, kéo co, cổ vũ thi đấu thể thao…

Mặt khác, nhạc khí gõ mang tính chất truyền tin rõ rệt, từ môi trường văn nghệ dân gian đến nghi lễ. Trống, chiêng, chuông, mõ… gióng lên hướng đến những ý niệm nhất định. Trong nghi lễ Phật giáo, tiếng khánh thứ nhất cất lên, Ban Pháp sự, Tổ cổ nhạc tựu vị, tiếng thứ hai dứt là an tọa, sau tiếng thứ ba là bắt vào tụng hoặc xướng, tán…; tiếng chuông (Phạm chung) treo dưới hiên sau các tự viện dùng để báo giờ: sáng, chiều, chay, định; tiếng trống thì dùng để triệu tập tăng chúng…

Pháp khí vốn mang giá trị biểu trưng, trong hoạt động pháp sự thể hiện uy quyền hành pháp, có khả năng điều binh khiển tướng – những thế lực vô hình. Theo cuốn: “Nghệ thuật Mật giáo” của Khamtrul Rinpoche: “Đa số pháp khí có nguồn gốc từ các vũ khí được sử dụng trên chiến trường và các đồ vật nơi khu vực hỏa táng trong nghĩa địa. Là những hình ảnh chủ yếu về sự phá hủy, tàn sát, chết chóc và thuật gọi hồn. Những vũ khí hay đồ vật này được thu hồi khỏi tay của quỷ dữ và biến thành biểu tượng chống lại căn nguyên khởi sinh quỷ dữ, sự chấp thủ bản ngã”.[ii] Tác giả cuốn sách này là hóa thân của Đức Đạo Sư Liên Hoa Sinh, tinh thông nhiều lĩnh vực, như hội họa, điêu khắc, thi ca, lễ nhạc… của nghệ thuật Mật giáo. Vì vậy, những nhận xét của ông chắc hẳn có giá trị tham khảo, đặc biệt trong phạm vi Mật giáo. Ngay như chiếc mõ sử dụng trong nghi thức tụng kinh, trì chú hay niệm Phật cũng mang giá trị biểu trưng của thứ “vũ khí” dùng để hàng phục vọng tâm, tạp niệm, bên cạnh chức năng tu tập nhằm đạt tới cảnh giới “Định”; hoặc chiếc não (Tiểu bạt) trong lễ Vu Lan, Tang lễ của người Hoa dùng lúc hóa tiền, vàng, hàng mã… có tác dụng trấn áp tà ma, không để xảy ra tình trạng tranh giành, cướp đồ lẫn nhau giữa những oan hồn. Âm thanh có chu kỳ tiết tấu gồm 5 tiếng lặp đi lặp lại tượng trưng cho hiệu đức Phật A Di Đà (Nam Mô A Di Đà), một trong Tam thế Phật, vị Phật của quá khứ hay cõi Tịnh độ tiếp dẫn linh hồn… Tất nhiên, trong phạm vi pháp khí có chức năng nhạc khí không phải khí cụ nào cũng có căn nguyên từ vũ khí chiến trường. Vì, việc sử dụng âm thanh vào mục đích thực hành nghi lễ với ý nghĩa biểu trưng ngoài tính chất sơ khởi ra còn có giá trị cúng dường. Cúng dường không chỉ hiện vật cụ thể như chuông, mõ, khánh, chiêng, trống, vật tự nó… mà bao hàm cả thứ âm thanh do chính pháp khí tạo ra, như phần thiết thực của nghi lễ.

Thực hành nghi lễ đòi hỏi tính quy phạm, trình thức, khoa nghi… giống như dạng thức “Kịch trường” có cảnh, lớp, hồi, tiết mục cùng nhiều động tác biểu trưng. Việc sử dụng pháp khí – nhạc khí gõ không ngoại trừ mục đích tập hợp, thống nhất nội dung, ý tưởng. Vì thế, pháp khí – nhạc khí gia nhập môi trường nghi lễ đã trải qua sự sàng lọc của môi trường văn hóa, đi từ mục đích thực dụng đến ý nghĩa tôn giáo linh thiêng.

L.H.Đ (HNS)


[i] Vương Diệu Hoa, Kiều Kiến Trung: “Khái luận âm nhạc học”, Nxb Giáo dục Cao đẳng, Bắc Kinh, 2005, tr 256.

[ii] Khamtrul Rinpoche: “Nghệ thuật Mật giáo”, Nxb Mỹ thuật, năm 2010, tr 62.