NSƯT Việt Hoàn: “Cảm ơn những tháng ngày vất vả…”

0
790

Lần đầu tiên sau 20 năm đứng chung một sân khấu, tam ca nhạc đỏ Việt Hoàn – Đăng Dương – Trọng Tấn sẽ có một live concert riêng “Đường chúng ta đi” tại Hà Nội vào ngày 26-8.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với NSƯT Việt Hoàn – về những trăn trở làm nghề, về dòng nhạc anh miệt mài theo đuổi hơn 20 năm qua.

– Vì sao đến bây giờ, sau một chặng đường rất dài hơn 20 năm đi cùng nhau với những thành công rực rỡ, tam ca Việt Hoàn- Đăng Dương- Trọng Tấn mới có một liveshow riêng?

+ Tôi còn nhớ, năm 1998, NSND Quang Thọ muốn chọn 3 giọng hát để thể hiện ca khúc “Đường chúng ta đi” trong liên hoan ca nhạc toàn quốc – một bài hát từng có nhiều nghệ sĩ đơn ca thành công và thầy muốn trẻ hóa nó bằng ba giọng ca của sinh viên nhạc viện.

Thầy không ngờ, sau đêm ấy, ”Đường chúng ta đi” được giải vàng, khán giả cả nước viết thư về Đài truyền hình yêu cầu được nghe tam ca này hát. Đó là dấu mốc cho sự kết hợp của ba anh em.

Từ đó trở đi chúng tôi luôn kết hợp với nhau trên các sân khấu lớn. Live show được ấp ủ từ rất nhiều năm trước, quãng 10 năm, 15 năm cũng muốn làm nhưng phải đến bây giờ mới đủ duyên để thực hiện. Chúng tôi luôn tự hào vì đã đi với nhau một chặng đường dài như vậy và sẽ đi tiếp trên chặng đường phía trước.

– Để có được vinh quang của ngày hôm nay, hẳn anh cũng đã trải qua không ít những khó khăn?

+ Nếu không có những vất vả, thử thách trong cuộc sống, chúng tôi không có ngày hôm nay. Tại sao có những ca sĩ trẻ bây giờ hát dòng nhạc chính thống, giọng hay, đẹp trai hơn chúng tôi nhưng họ không thành công.

Tôi nhìn lại gia tài của mình không chỉ là giọng ca trời cho mà trong giọng hát đó có cả những trải nghiệm sống, tôi đi qua thời bao cấp, nghèo khó, xếp hàng đi gánh nước, đong gạo mới cảm nhận được cái tình của người lao động khi hát về những bài hát lao động.

Cuộc sống vất vả ăn sâu trong giọng hát, nó thành của mình, đôi khi cảm giác như nhạc sĩ viết cho mình vậy. Vì thế sự khó khăn, vất vả đó không còn là những trách cứ nữa. Bây giờ tôi cảm ơn những ngày tháng vất vả ấy đã tôi luyện cho tôi trưởng thành và có ngày hôm nay, cho tôi sự đồng cảm trong từng lời hát.

– Tôi nghĩ, tình yêu của khán giả dành cho anh không chỉ giọng hát mà còn là sự tỏa sáng từ tâm hồn đẹp, một tâm hồn nghệ sĩ chân chính?

+ Điều này đáng để tự hào về mình, chúng tôi xuất phát từ những vùng quê nghèo, cảm nhận âm nhạc giống nhau và cách sống cũng thế. Không bao giờ chúng tôi nghĩ rằng mình phải tỏa sáng quá nhiều trên sân khấu hay rực rỡ trên báo chí, cũng không có sự ganh đua, đố kỵ.

Họ đã đi cùng nhau qua hai thập kỷ.

Anh em ai đạt được cái gì đều vui như niềm vui của mình. Và đặc biệt, với nghệ sĩ, điều này rất hiếm, chúng tôi sợ scandal, không phải vì sợ cho bản thân mà sợ một điều gì đó đẹp đẽ của cuộc sống sẽ mất đi. Vì thế, tôi luôn đi đúng con đường mình chọn, luôn giữ hình ảnh đẹp và luôn nhắc nhở mình sống tử tế, thiện lành.

– Gọi là tam ca nhưng ba anh đều có sự nghiệp riêng của mình, Đăng Dương đắm đuối với nhạc thính phòng và đã thực hiện một dự án lớn trong đời, Trọng Tấn cũng lựa chọn con đường tự do và thử sức với nhiều dòng nhạc để tiếp cận khán giả. Còn Việt Hoàn, người anh cả có vẻ im hơi lặng tiếng nhất?

+ Tôi là nghệ sĩ của Đài Tiếng nói Việt Nam, công việc chính là thu thanh và giới thiệu tác phẩm mới để những ca khúc đó được sống và lan tỏa trong khán giả. Tôi tham gia các show diễn và chuyển tải những bài hát chính thống đến khán giả. Đó là con đường tôi chọn và đã đi bền bỉ với nó hơn 20 năm qua.

Bây giờ, tôi cũng bắt đầu nghĩ đến trách nhiệm với lớp trẻ, tôi cùng NSND Thanh Hoa thành lập nhóm Kendy Kid, toàn con cháu nghệ sĩ hợp thành một nhóm hát, tôi trực tiếp dạy về ký xướng âm, nhạc lý cơ bản, NSND Thanh Hoa dạy kỹ thuật thanh nhạc và cách truyền tải hồn bài hát. Điều đó rất ý nghĩa, ý nghĩa hơn cả những show đi kiếm tiền. Có những buổi đi hát cát xê rất cao nhưng nếu vì các con, tôi sẵn sàng hy sinh.

– Phải chăng đó là cách anh đang đào tạo thế hệ kế cận vì rõ ràng, với dòng nhạc chính thống có khá nhiều người trẻ hát nhưng để thành danh không dễ?

+ Tôi rất muốn theo đuổi con đường này, giống như ngày xưa bố tôi cũng là một ông bầu. Tôi nghĩ, cần có một người đi trước đứng ra đào tạo các con từ kinh nghiệm của người thầy già và chính họ sẽ đưa các con lên.

Ngày xưa ông bầu không chỉ là người tổ chức mà còn định hướng cho nghệ sĩ hát gì, đào tạo cho họ kỹ năng nghệ thuật, giống như những gánh hát của Hà Nội những năm 1950 đã có những nghệ sĩ như Nguyễn Xuân Khoát, NSND Sỹ Tiến. Tất cả các gánh hát, những ngôi sao đều từ tay thầy mà ra và chính thầy cũng là ngôi sao đã có kinh nghiệm.

Tôi nghĩ các con sẽ học theo thầy, bằng chính kinh nghiệm của thầy. Mục đích của tôi là có vài ba học trò có năng lực và tôi sẽ truyền lại kinh nghiệm, thẩm mỹ âm nhạc và những gì mình đã trải qua cho các em.

Bản thân mình có thể là quản lý cho các em khi mình hết duyên với sân khấu. Bây giờ, cứ cuối tuần tôi dạy các con, ngoài kiến thức âm nhạc còn kỹ năng của nghệ sĩ, khi ra sân khấu trái tim dù có đau buồn vẫn phải cười. Tôi muốn đào tạo các em thành một nghệ sĩ đích thực.

Ba nghệ sĩ trong buổi họp báo giới thiệu live-show.

– Như anh từng chia sẻ, vì sao có nhiều người hát hay nhưng họ không thành công với dòng nhạc này và sau 20 năm, ba cái tên Việt Hoàn – Đăng Dương – Trọng Tấn vẫn chưa có người kế cận?

+ Vì cuộc sống bây giờ quá sướng nên các em hát rất hời hợt. Các em lao vào quá nhiều dòng nhạc, muốn sớm trở thành ngôi sao, mỗi thứ hát một tí, hơi nuông chiều khán giả, cứ nghĩ, khán giả thích cái gì thì mình chiều. Điều đó là sai vì mình chỉ phục vụ khán giả ở một mảng nào đó thôi.

Phải hiểu dòng nhạc mình theo đuổi, hiểu bản thân mình muốn gì mình mới thành công được. Tôi không lên án nhưng tôi muốn nhắc nhở một số giọng ca trẻ, các em đã bước chân vào nhạc viện rồi thì nhạc chính thống mới là con đường các em theo đuổi, hãy bền bỉ trau dồi cho nó, có thể hôm nay chưa kiếm được nhiều tiền nhưng nó sẽ bền lâu.

Phải hiểu mình, sở trường của mình ở dòng nhạc nào và kiên định với con đường đã chọn. Dòng nhạc chính thống đi vào trái tim khán giả bằng chính những cảm xúc từ ca từ đẹp, khi hát về một giọt mồ hơi rơi phải cảm nhận được sự vất vả của người lao động như thế nào.

Hay khi hát “ba lần tiễn con đi”, phải hiểu được sự mất mát đó như thế nào, nếu hát hời hợt, chỉ bằng lời thôi, nốt nhạc thôi chưa đủ. Hãy hát bằng cả trái tim, khối óc của mình. Có một số bạn mải nghĩ thế nào nổi tiếng cho nhanh, mải facebook, có nhiều người còn quên về thăm mẹ làm sao hát hay về mẹ được.

Nhưng tôi vẫn có một niềm tin như ngày xưa thầy Trung Kiên từng lo lắng, đến thời NSND Lê Dung, NSND Quang Thọ sẽ hết, thế rồi tự dưng lại có Đăng Dương – Trọng Tấn – Việt Hoàn – Anh Thơ…

– Nhưng mặt khác, làm sao để dòng nhạc chính thống với những ca từ rất đẹp về quê hương đất nước này tiếp cận khán giả trẻ trong thời buổi lấn sân của Kpop và nhạc nhẹ?

+ Chúng tôi không hát để chiều khán giả. Chúng tôi chọn một cách hát, một dòng nhạc và nỗ lực theo nó để nó để chinh phục trái tim khán giả. Đặc biệt trong các chương trình lớn, những ca khúc nổi tiếng qua bàn tay tài hoa của các nhạc sĩ Lưu Hà An, Thanh Phương, họ đã làm trẻ hóa các ca khúc cách mạng, mang đến cho nó một hơi thở mới.

Tôi lấy một ví dụ ca khúc “Cỏ non Thành Cổ”, trước đây phối rất chậm, rất ủy mị, làm cho khán giả rơi nước mắt. Họ khai thác triệt để sự hy sinh của người chiến sĩ trên mặt trận Quảng Trị. Nhưng bản phối gần đây họ cho rock vào, giới trẻ sẽ cảm nhận được sự hồi sinh của cỏ trên xương máu của người chiến sĩ như một dòng chảy đang cuộn trào.

Trong đêm nhạc này sẽ có nhiều ca khúc nhạc chính thống được làm sống lại kiểu như thế. Một bài hát thời xa xưa được khoác lên cái áo của đương đại sẽ thuyết phục giới trẻ. Phải trẻ hóa bằng nghệ thuật, hoàn thiện hơn bằng kỹ thuật thanh nhạc, hòa âm.

Có những clip của các nghệ sĩ opera hàng triệu lượt người like và share vì ca khúc bất hủ đó được hát bằng một chất giọng cao hiếm có và những nốt dài tưởng như bất tận.

Vì thế, tôi nghĩ trách nhiệm của người nghệ sĩ trong vấn đề này rất lớn. Tôi rất tự tin, có những buổi diễn cùng các bạn trẻ trong nước, nước ngoài, các trường đại học, thì sự tung hô cho Trọng Tấn – Đăng Dương- Việt Hoàn cũng chẳng kém gì Hồ Quỳnh Hương, Hồ Ngọc Hà hay Đàm Vĩnh Hưng.

Chứng tỏ sức sống và tình yêu của công chúng vẫn còn nguyên vẹn, chỉ có điều nghệ sĩ có làm tròn trách nhiệm của mình với dòng nhạc mình theo đuổi hay không.

– Phải chăng, ý thức làm nghề nghiêm túc và tâm thế cống hiến đó đã làm nên sức sống bền bỉ của anh trong vòng hơn 20 năm qua và đến bây giờ vẫn chưa hết “hot”?

+ Tôi nghĩ, quan trọng nhất là tâm hồn và cách thể hiện của người nghệ sĩ. Giọng hát hay thì nhiều vô cùng nhưng cách hát của họ nhạt, không đi được vào trái tim khán giả. Ai cũng nói tôi xấu trai thì thay vào đó, tôi chinh phục khán giả bằng ánh mắt, thái độ, tình cảm.

Tôi luôn giữ một hình ảnh khiêm tốn và một trái tim ấm để đến với khán giả. Ngày xưa, người ta nghĩ nghệ sĩ là mua vui, cái từ mua vui là sai. Tôi tự hào bởi nghệ sĩ đích thực là một bác sĩ tâm lý, có những người stress, thậm chí trầm cảm nhưng khi nghe một bài hát mà họ đồng cảm, họ sẽ biết yêu cuộc sống hơn. Niềm tự hào đó là nguồn động lực để mình làm nghề thay vì nghĩ rằng kiếm được nhiều tiền.

– Việt Hoàn có một người vợ trẻ xinh,  giờ lại còn lấn sân sang nghề ca sĩ. Anh có bị áp lực không?

+ Vợ tôi – Hoa Trần sống với tôi và cảm nhận được cái đẹp của đời nghệ sĩ, tôi nghĩ điều đó có ảnh hưởng rất tích cực đến quyết định của cô ấy. Trước đây, bố mẹ Hoa không muốn cô đi theo nghề ca sĩ vì ông bà quan niệm xướng ca vô loài. Còn tôi, vẫn có niềm tin vào Hoa và tin vào chính mình.

Hãy nghĩ mình không phải là người mất mà người ta sẽ mất mình đi. Tôi ủng hộ con đường Hoa lựa chọn, chỉ những người “yếu tim” mới không dám ủng hộ vợ mình được sống với đam mê mà thôi.

– Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Việt Hà (cstc)