Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh: Khó nhất là làm đàn ông!

0
1209
Đồng Quang Vinh để lại nhiều dấu ấn trong vai trò nhạc trưởng. Ảnh NVCC​
Sử dụng điêu luyện các nhạc cụ dân tộc, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh cũng là người hiếm hoi đưa nhạc cụ tre nứa dân tộc vào âm nhạc hàn lâm, luôn kín lịch luyện tập, biểu diễn khắp trong và ngoài nước.

Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, ngoài những chia sẻ về nghề, về chuyện đưa âm nhạc dân tộcchạm vào âm nhạc cổ điển phương Tây, khi được hỏi làm gì khó nhất? Vị nhạc trưởng sinh năm 1984 lập tức trả lời: Làm… đàn ông.

Anh là người chuyển soạn các bản nhạc cổ điển, nhạc thính phòng, nhạc jazz của phương Tây vào nhạc cụ dân tộc làm từ tre nứa, thoạt nghe rất có khoảng cách, vậy điểm hòa hợp, điểm mạnh của nhạc cụ dân tộc ở đây là gì?

Âm nhạc dân tộc và âm nhạc hàn lâm có nhiều điểm chung về nhạc khí. Chẳng hạn bộ hơi vẫn phải lấy hơi; bộ gõ thì vê, đập; bộ gảy, bộ kéo đều có cách nhay dây giống nhau. Điểm mạnh của nhạc cụ tre nứa rất nhiều, chỉ đàn t’rưng thôi đã có 3 loại, âm vực rộng hơn cả piano, âm sắc cũng mạnh. Cái ví dụ đấy nó hơi lệch lạc, nhưng mình muốn nói đến sự giàu có trong âm nhạc dân tộc. Điểm mạnh nữa là nhạc dân tộc có thể biểu đạt rất nhiều nốt luyến láy, như đàn k’ní, sáo phong tiêu, tiêu, khèn bè mà piano không làm được. VN có đến 54 dân tộc, mỗi dân tộc một nhạc cụ riêng. Mình coi đấy là sự tự hào, học cả đời không hết.

Điểm nổi trội khác của nhạc cụ dân tộc là sự tự nhiên, tre nứa vừa cứng, lại vừa mềm, trong khi nhạc cụ phương Tây có sự can thiệp rất nhiều bởi công nghệ, máy móc, mất đi tính người, tính tự nhiên. Lấy ví dụ nhìn một khèn bè của người Thái, chả thấy công nghệ gì cả, mộc mạc lắm, đó là điểm mạnh trong nhạc cụ tre nứa dân tộc.

Nhạc hàn lâm, nhạc dân tộc, cảm giác luôn có khoảng cách với khán giả, nhớ lại lần thử nghiệm đầu tiên đưa tre nứa vào nhạc hàn lâm, cảm xúc và phản ứng của khán giả thế nào?

Xu thế chung của thế giới chẳng xã hội nào nhạc dân tộc, nhạc hàn lâm chiếm thế thượng phong cả, phải là nhạc pop. Mình lấy các bản nhạc quen thuộc của phương Tây, chuyển soạn cho nhạc cụ dân tộc trình diễn, công việc được mình đầu tư kỹ lưỡng, mang tính học thuật, có tầm chứ không làm theo kiểu rẻ tiền, không làm chỉ để gây chú ý. Vậy nên khi các khán giả trẻ VN nghe Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ từ đàn t’rưng, họ phấn khích vì lạ, vì bất ngờ. Trong khi khán giả nước ngoài ngạc nhiên không kém khi thấy tre nứa chơi được loại nhạc đã ăn sâu vào tâm thức họ. Nhờ vậy họ thấy yêu VN hơn, các bạn VN thêm yêu nhạc dân tộc hơn.

Nhạc hàn lâm là sự chuẩn mực, nguyên tắc, muốn phá cách, hẳn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, khi xem anh chỉ huy dàn nhạc, người xem thấy một năng lượng, một sức sống, một cá tính rất riêng, đó có phải là một kiểu phá cách?

Đồng Quang Vinh sử dụng điêu luyện các nhạc cụ dân tộc. Ảnh: Nguyễn Đình

Âm nhạc hàn lâm thế giới có nhiều vĩ nhân như Herbert von Karajan, khi chỉ huy dàn nhạc, ông thường nhắm mắt, phong cách cổ điển, và âm nhạc của ông rất tròn vẹn, hay Riccardo Muti của Ý, các ông ấy đều chuẩn mực, khuôn khổ, từ đầu đến cuối đứng như một ông hoàng, nhịp đều, chặt chẽ với cái “phiêu” rất hạn chế. Nhưng với Leonard Bernstein thì đôi tay dang rộng, rồi Seiji Ozawa với động tác như một chú khỉ, âm nhạc của họ phần nào sinh động hơn, truyền cho nhạc công cảm hứng khác biệt. Đó là hai phong cách chỉ huy khác nhau, mình là người tìm cách hòa trộn giữa các vĩ nhân này. Nghề chỉ huy cũng là chơi nhạc, nhưng không qua âm thanh mà qua động tác. Động tác của mình tính ngẫu hứng cao, không lần diễn nào giống nhau cả, điều quan trọng là dàn nhạc đều, có cảm hứng. Khi múa đũa trên sân khấu, người xem chỉ thấy phong thái biểu diễn thôi, còn kết quả được như thế là hàng trăm giờ luyện tập cùng dàn nhạc ở hậu trường.

Ở VN, nhạc hàn lâm, nhạc dân tộc rất kén với công chúng số đông, anh có thể chia sẻ cách kéo khán giả về với mình?

Mỗi lần biểu diễn, mình rất chú tâm lôi cuốn khán giả. Khi thấy khán giả vui, mình thường có cảm hứng và phiêu theo nhạc. Nếu khán giả tĩnh quá, mình phải tìm cách đưa họ vào nhịp, bằng động tác, bằng giới thiệu về bản nhạc sắp trình diễn, có pha trò, kết quả là nhiều khán giả tương tác, có khi họ còn hát theo, hỏi lại, rồi vỗ tay to hơn. Nhiều buổi diễn, nhạc công chơi bản nhạc nhưng người nghe buồn ngủ, chứng tỏ người chơi không toàn tâm toàn ý, họ chỉ hoàn thành nốt nhạc, xong rồi về, đó là một thất bại. Muốn làm tốt, không chỉ chơi nhạc mà phải giảng giải cho người nghe về bối cảnh xã hội của tác phẩm, cả về lịch sử, văn hóa gắn với tác phẩm, có thể bằng lời, có thể bằng cách trình diễn, hai thứ cộng hưởng giúp người nghe hiểu thông điệp người chơi nhạc đang làm gì, như vậy mới kéo được khán giả đến với mình.

Một chương trình có nhạc trưởng Đồng Quang Vinh tham gia. Ảnh: NVCC

Đang học theo nền âm nhạc dân tộc từ ảnh hưởng gia đình, rồi trường lớp, vì nguyên cớ gì anh lại chuyển hướng sang thể loại nhạc hàn lâm?

Trong quá trình học chỉ huy âm nhạc dân tộc ở Thượng Hải, mình được tiếp xúc nhiều với âm nhạc phương Tây, bởi trường luôn mời những bậc thầy về chỉ huy như Seiji Ozawa, Riccardo Muti, cho sinh viên đi xem, viết báo cáo… thu hoạch. Tiếp cận hai nền âm nhạc, mình nghiệm ra nếu muốn thu hẹp khoảng cách giữa hai yếu tố Đông – Tây, chỉ học âm nhạc dân tộc thì không đủ, bởi cả hai đều có nhiều điểm chung. Chẳng hạn lấy dàn nhạc dân tộc VN so với dàn nhạc giao hưởng phương Tây, mình có đàn nhị, đàn cò, họ có violon. Rồi đàn nhị hồ, thì họ có viola. Mình có sáo trúc thì họ có sáo flute, kèn sona của mình họ có kèn oboe, trumpet. Bộ gõ mình có t’rưng, ching’ram thì họ có marimba, xylophone. Một dàn nhạc dân tộc khi xếp vào nhau được lựa chọn theo bố cục không khác mấy với dàn nhạc phương Tây. Mô hình dàn nhạc dân tộc VN cũng đang dựng theo hướng đó.

Theo đuổi con đường khá… đa đoan, vất vả là đưa âm nhạc dân tộc hòa cùng âm nhạc hàn lâm, điều gì giúp anh đam mê và gắn bó với nghề?

Chỉ là tình yêu thôi. Nếu không chọn nhạc cụ tre nứa, mình có thể cầm đũa chỉ huy, không thì làm cái khác và nhàn hơn rất nhiều, thu nhập cũng không tệ. Hoặc như người khác chỉ theo giao hưởng, hoặc cải lương, còn mình lại ôm tất thế nên càng khó khăn, phức tạp. Nhưng mình cảm thấy như có duyên nợ, cả gia đình cùng làm âm nhạc từ tre nứa, tre nứa cũng là hồn Việt, cũng do nhiều nguyên nhân mà giờ ít người làm, do vậy mình cảm thấy có trách nhiệm. Mình tự viết các bài phối, chẳng do ai đặt hàng.

Khi được mời diễn ở một quốc gia khác, dù không ai yêu cầu phải chơi bài nhạc nào cụ thể, nhưng mình thường tìm các bản nhạc phổ thông nước sở tại, phối lại để trình diễn. Lấy ví dụ khi người Việt thấy dàn nhạc giao hưởng Tây chơi bản Bèo dạt mây trôi, tự nhiên cảm thấy có gì đó gắn kết, gần gũi. Mình quan sát rất nhiều dàn nhạc nước ngoài đến biểu diễn, hết bài xong rồi về, dù diễn tốt, hay, nhưng cảm giác thiếu cái gì đó. Nếu chỉ diễn một đoạn bài Trống cơm, chắc chắn hiệu ứng sẽ khác. Do vậy khi làm nghề, mình luôn muốn người nghe phải có ấn tượng, khiến người ta nhớ. Thu nhập cũng có, nhưng không giàu vật chất mà giàu bằng niềm vui.

Làm chồng, làm cha, làm giám đốc, làm chỉ huy dàn nhạc, làm nhạc công, làm người dẫn chương trình… theo anh làm cái gì khó nhất?

Khó nhất là làm đàn ông. Nếu độc thân thì dễ, nhưng khi đã làm chồng, làm cha, người đàn ông cần có sự nghiệp vững chắc, trong công việc nói phải giữ lời, nghề nghiệp đảm bảo, được mọi người nể trọng, về nhà không để vợ con cực khổ. Nhiều người có thể rất thành công ở bề ngoài, giàu có, địa vị cao trọng, nhưng khi về nhà chưa chắc gia đình đã hạnh phúc, êm ấm. Để cân bằng được hai yếu tố công việc và gia đình là cả thử thách không nhỏ, mình phải tập cuộc sống dung hòa. Có những buổi rất muốn gặp bạn bè, nhưng việc gia đình con cái chưa ổn nên phải lỗi hẹn, hoặc phải an bài mọi chuyện trong nhà rồi mới an tâm đi được.

Đồng Quang Vinh sinh trưởng trong gia đình đều là những nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc, với cha là NSƯT Đồng Văn Minh – người chuyên chế tác nhạc cụ dân tộc từ tre nứa, mẹ là NSƯT Mai Lai – chủ nhiệm môn đàn tranh, Học viện Âm nhạc quốc gia VN. Theo học sáo trúc từ năm 9 tuổi (1993) tại Học viện Âm nhạc quốc gia VN, đến năm 20 tuổi Vinh được cử đi học chuyên ngành chỉ huy dàn nhạc dân tộc tại Học viện Âm nhạc Thượng Hải (2004). Tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành chỉ huy dàn nhạc với thành tích xuất sắc (2013). Tham gia dàn dựng, chỉ huy và biểu diễn nhiều chương trình cùng dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Nhạc vũ kịch, dàn nhạc dân tộc Thượng Hải, dàn nhạc dân tộc Nhà hát Ca múa nhạc Triết Giang, dàn nhạc dân tộc Hồng Kông… và khu vực châu Á.

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh vừa là người dàn dựng, chỉ huy dàn nhạc giao hưởng và dàn nhạc dân tộc, đồng thời là nghệ sĩ biểu diễn điêu luyện các loại nhạc cụ dân tộc, đại diện VN diễn tấu tại Festival Âm nhạc dân tộc quốc tế tại Trung Quốc, Pháp, VN. Diễn tấu cùng các nghệ sĩ tên tuổi của nền âm nhạc hàn lâm như Yosuke Yamashita (Nhật Bản), tham gia dàn dựng tác phẩm Requiem của Joseph Verdi, chuyển soạn hơn 50 tác phẩm âm nhạc hàn lâm, âm nhạc dân tộc của Trung Quốc, Nhật Bản, VN, Hàn Quốc… để có thể trình diễn bằng các nhạc cụ dân tộc làm từ tre nứa.

Nghiên cứu rất hệ thống

Ảnh: NSCC

Đồng Quang Vinh đã nghiên cứu một cách rất hệ thống tính năng và cách phối khí cho nhạc cụ phương Tây cũng như phương Đông. So với nhạc cụ cổ điển phương Tây, nhạc cụ dân tộc VN có độ đặc sắc và cá tính mạnh mẽ, nhưng âm sắc, âm lượng thiếu độ dày và biên chế thiếu các nhạc cụ âm trầm, trong khi điều quan trọng nhất với các dàn nhạc muốn phát triển phải giữ được cân bằng về âm thanh. Việc thử nghiệm đưa lý luận âm nhạc phương Tây vào sự phát triển của âm nhạc VN, sẽ là một trong những phương pháp đáng cân nhắc. Gần đây, nhiều nhà soạn nhạc phương Tây có cảm hứng với nghiên cứu âm nhạc dân tộc châu Á và châu Phi, vì sự thần bí và phong phú trong âm nhạc phương Đông đem lại cho âm nhạc phương Tây sức sống mới. Đây là một đề tài rất thú vị. Đồng Quang Vinh là người nghệ sĩ luôn tìm cách kết hợp kiến thức và kinh nghiệm về cả âm nhạc phương Đông và phương Tây để tiến hành nhiều thử nghiệm mới”.

Nghệ sĩ piano Claire Shuang Shuang Mo

Ảnh: NSCC

Nhiệt huyết lan tỏa đến khán giả

Khi được mời về chỉ huy dàn nhạc giao hưởng của Nhà hát Nhạc vũ kịch VN, chỉ sau một chương trình, Đồng Quang Vinh đã khẳng định được đẳng cấp, trình độ bằng cá tính và chuyên môn cao. Nghệ sĩ của dàn nhạc và người xem thấy ở Vinh tình yêu với nghề, cháy bỏng với đam mê, lôi cuốn khán giả nhập tâm thưởng thức. Trong chỉ huy, có những lúc Vinh phá đi chuẩn mực của âm nhạc hàn lâm, đưa khán giả đến gần với âm nhạc cổ điển. Làm việc cùng Vinh thấy ở bạn ấy thái độ nghiên cứu nghiêm túc, là một chỉ huy trẻ, tài năng, nhiệt huyết, sáng tạo, yêu nghề, vui vẻ, hòa đồng, giữ uy tín trong từng chương trình, hăng say cống hiến cho âm nhạc dân tộc. Đây là người đáng ngưỡng mộ, là một hiện tượng vì người có khả năng chỉ huy tốt dàn nhạc ở VN hiếm lắm, Vinh là người khẳng định chỗ đứng rất nhanh, nhiều khán giả chờ chương trình do Vinh chỉ huy để đến xem, sức trẻ và nhiệt huyết của Vinh lan tỏa được đến khán giả.

TS-NSND Phạm Anh Phương (HNS)