Nhạc sĩ Việt Anh: ‘Tuổi thơ là vùng đất an toàn và diệu kỳ’

0
1123
Nhạc sĩ Việt Anh.
Trầm lắng, tinh tế và vẫn đầy mơ mộng, nhạc sĩ Việt Anh – tác giả của rất nhiều bản tình ca lãng đãng – chia sẻ về ‘Dế mèn phiêu lưu ký’, vở nhạc kịch theo phong cách broadway do anh sáng tác.

Lần đầu tiên, Dế mèn phiêu lưu ký – tác phẩm văn học của nhà văn Tô Hoài, quen thuộc với độc giả nhiều thế hệ, được Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM (HBSO) lấy cảm hứng, chuyển thể thành nhạc kịch. Người viết kịch bản văn học và phần nhạc cho vở diễn là nhạc sĩ Vũ Việt Anh, tác giả của các ca khúc Dòng sông lơ đãng, Hoa có vàng nơi ấy, Đêm nằm mơ phố…

Đồng hành cùng Việt Anh là nhạc trưởng Trần Nhật Minh, một người bạn, người em trong nghề lẫn cuộc sống. Đảm nhận phần dàn dựng sân khấu, không ai khác là “phù thủy” Phạm Hoàng Nam, một “fan cứng” của Dế mèn.

“Tôi muốn kể cho con nghe về tuổi thơ trong trẻo và diệu kỳ”

Phóng viên: Được khán giả biết đến bởi những bài tình ca sâu lắng, nhưng sau đó anh đã rời bỏ ánh hào quang để tiếp tục học chuyên sâu vào khí nhạc. Điều gì khiến anh không còn mặn mà với những bản tình ca nữa?

Nhạc sĩ Việt Anh: Tôi quyết định sang New Zealand vì muốn học sâu thêm về sáng tác. Không chuẩn bị hoặc đắn đo gì nhiều đâu. Một tháng sau quyết định thì tôi bay. Sau thời gian trở về từ New Zealand, công việc của tôi cũng khá đa dạng. Viết nhạc cho dàn nhạc giao hưởng, âm nhạc cho các tác phẩm múa, nhạc cho phim hay hoà âm cho ca sĩ… Tôi không còn chỉ viết tình ca như thời gian trước. Cuộc sống luôn vận động và có những biến động mới mẻ mà, phải thế không? Viết nhiều đề tài khác nhau cũng giúp mình hiểu thêm về cuộc sống.

* Anh ấp ủ viết nhạc cho vở ‘Dế mèn phiêu lưu ký’ trong hoàn cảnh nào? Mất bao lâu để hoàn chỉnh một tác phẩm khí nhạc dài hơi như vậy?

– Tác phẩm nào cũng cần có chút “duyên” mới có thể ra đời. Sau những lần dàn dựng các tác phẩm musical kinh điển ngoại quốc, tôi và nhạc trưởng Trần Nhật Minh bắt đầu ấp ủ thực hiện một vở nhạc kịch từ tác phẩm văn học Việt Nam. Dế mèn là lựa chọn đầu tiên của hai anh em. Ý tưởng này được “fan” của Dế mèn là đạo diễn Phạm Hoàng Nam ủng hộ ngay lập tức và đồng hành cùng chúng tôi. Từ ý tưởng đến tác phẩm hoàn chỉnh là một quãng dài vô tận. May mắn là nhạc kịch Dế mèn đã được nhạc trưởng Trần Vương Thạch cùng các nghệ sĩ HBSO tạo mọi điều kiện để tác phẩm có thể đến với công chúng.

* Tại sao lại là ‘Dế mèn phiêu lưu ký’ mà không phải là một vở nhạc kịch lấy cảm hứng từ tác phẩm nào khác, một vở viết về tình yêu chẳng hạn?

– Đối với tôi, tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký luôn đầy cảm hứng. Tôi muốn viết về phần trẻ thơ trong những người trưởng thành. Ai cũng từng có một thế giới rộng lớn, bí ẩn của trí tưởng tượng hay ước mơ được chu du khắp thiên hạ. Tôi muốn kể cho con mình về những nhân vật, những hình ảnh gần gũi nhất trong tuổi thơ tôi và nhiều thế hệ, mà có thể chỉ còn giữ được trong trang sách. Sức hút lạ lùng của Dế mèn từ những câu chuyện được kể trong tác phẩm vẫn là những vấn đề chúng ta đang đối mặt của ngày hôm nay.

Dế mèn phiêu lưu ký đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật, từ phim hoạt hình, kịch, tranh vẽ cho đến nhạc kịch. Trong ảnh là tranh vẽ của họa sĩ Tạ Huy Long.

* Thế giới tuổi thơ trong trẻo và đẹp đẽ. Có người bị ám ảnh bởi nó, cũng có người nương náu vào thế giới ấy để không thất vọng trước những đổi thay diễn ra hằng ngày. Còn anh thì sao?

– Nhớ về thời thơ ấu, tôi thấy có điều gì đó khá chông chênh. Có lẽ vì hoàn cảnh gia đình tôi phải di chuyển nhiều giữa nhà quê và thành phố, giữa Hà Nội và Sài Gòn nên cảm xúc lúc nào cũng chậm hơn một nhịp. Chưa kịp quen đã phải xa. Mới hơi nhớ đã trở về. Tuổi thơ, dù vậy mãi mãi là vùng đất an toàn và kỳ lạ, đủ đẹp cho tất cả mọi người mỗi khi hoài niệm. Tôi vẫn thấy mình là cậu bé chạy trên bãi cỏ năm nào chờ mẹ đi làm về.

“Dế mèn là thử thách lớn với tôi”

* Đây có phải là vở khí nhạc đầu tiên của anh hay chỉ là vở đầu tiên mà công chúng được biết đến một Việt Anh hoàn toàn khác so với trước kia?

– Mặc dù tôi đã viết một vài giao hưởng và một số tác phẩm cho dàn nhạc nhưng đây vẫn là thử thách lớn. Giống như phải tổng hợp tất cả các phong cách tôi đã từng viết vào trong một vở và làm thế nào để các chất liệu trở nên hoà quyện. Tôi không nghĩ rằng mình có thể trở nên hoàn toàn khác được, vẫn là những ca khúc Việt Anh và cộng thêm thôi…

“Âm nhạc của tôi vẫn là những ca khúc của Việt Anh và cộng thêm thôi…”

* Với một tác phẩm văn học đã quá quen thuộc như “Dế mèn phiêu lưu ký” thì cái khó của việc sáng tạo lần hai bằng âm nhạc là gì?

– Khi viết lại kịch bản cho âm nhạc, chúng tôi cũng suy nghĩ nhiều để chọn lựa những chi tiết, tình huống mà âm nhạc sẽ vang lên hiệu quả nhất. Có những tình tiết rất hay, thú vị nhưng sẽ không gói vừa trong thời gian hơn 1 tiếng của vở nhạc kịch nên chúng tôi đành phải lược bỏ. Cái khó của vở diễn này là làm sao để người xem vẫn nhận diện được tinh thần tác phẩm nhưng bản thân những người thực hiện phải có những sự sáng tạo mới.

* Đâu là cốt lõi cần phải giữ lại để có thể bay bổng, sáng tạo mà vẫn không làm khán giả hụt hẫng?

– Suốt trong quá trình làm việc, từ khi bắt đầu viết đến lúc hoàn thành, tôi chỉ nghĩ một điều đơn giản: hãy làm cho tuổi thơ của các em bé trở thành những ngày tháng đẹp đẽ và đáng nhớ nhất.

* Anh đã vượt qua thử thách đó thế nào?

– Ngoài việc sáng tác những phân đoạn theo phong cách đã quen thuộc, tôi cũng viết những giai điệu hoàn toàn mới mẻ với chính mình. Tôi cũng phải cảm nhận và thay đổi từ bên trong. Đối với người làm công việc sáng tạo thì đây là sự trải nghiệm hết sức cần thiết và thú vị. Song có lẽ thử thách lớn nhất vẫn nằm ở quãng đường còn lại, cùng với các nghệ sĩ, đạo diễn, biên đạo… khi ra mắt vở nhạc kịch hoàn chỉnh.

* Phải mất một khoảng thời gian, từ diễn trích đoạn cho đến công diễn khí nhạc, rồi tiếp tục bổ sung phần lời cho một “phiên bản” khác vào giữa năm 2019. Sự chuẩn bị từng bước này là để khán giả tập làm quen hay vì một lý do nào khác?

– Việc dàn dựng một tác phẩm mới cần tâm sức của rất nhiều người, đặc biệt là cho lần trình diễn đầu tiên. Đối với tôi công việc này rất mới mẻ cần phải vừa làm vừa học hỏi. Việc hoàn chỉnh phần âm nhạc cũng mới chỉ là nửa quãng đường, còn cả một khối lượng lớn công việc đang chờ đạo diễn, biên đạo, biên kịch… Ngoài ra, việc chuẩn bị kinh phí cho vở diễn với cả trăm nghệ sĩ cũng là cả một vấn đề. Chắc chắn sẽ cần nhiều đóng góp và sẽ còn thay đổi nhiều thứ để vở diễn có thể ra mắt hoàn chỉnh vào giữa năm 2019.

Ca sĩ Đào Mác và Võ Hạ Trâm trong trích đoạn Dế mèn phiêu lưu ký được công diễn vào giữa năm 2018. Ảnh: Hoàng Sơn

* Đồng hành cùng anh trong dự án này là nhạc trưởng Trần Nhật Minh. Đây không phải là dự án đầu tiên hai anh song hành. Có câu, một người bạn tốt là một món quà. Điều gì đã tạo nên sự đồng cảm và gắn kết giữa hai anh?

– Nhạc trưởng Trần Nhật Minh luôn sát cánh cùng tôi trong những dự án âm nhạc và cũng là cậu em thân thiết trong cuộc sống. Chúng tôi đã cùng góp nhặt từ những ý tứ đầu tiên cho đến lúc tác phẩm dần thành hình hài. Có lẽ điều gắn kết chúng tôi đó là ngoài việc cả hai đều hoạt động trong môi trường nghệ thuật, đều ôm ấp những mộng mơ muốn làm một cái gì đó thì cả hai đều quý bè bạn và chơi hết mình trong âm nhạc.

* Gắn bó với HBSO trong thời gian dài, anh nhận thấy nhu cầu thưởng thức các tác phẩm giao hưởng, nhạc vũ kịch có gì thay đổi, ít nhất là trong khoảng thời gian lúc anh mới bắt đầu làm việc cùng HBSO đến thời điểm hiện tại?

– Tôi thấy giờ đây, việc thưởng thức nghệ thuật cổ điển đã bắt đầu trở thành nhu cầu thưởng thức tinh thần không thể thiếu đối với một tầng lớp khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ. Tôi rất vui vì chứng kiến các tác phẩm giá trị và sự lao động nghiêm túc của các nghệ sĩ được trân trọng và đón nhận. Tôi tin là, những nỗ lực, không chỉ của riêng tôi mà của rất nhiều đồng nghiệp trong lĩnh vực này sẽ gặt hái được quả ngọt trong tương lai.

* Cảm ơn anh đã dành thời gian chia sẻ!
Hoàng Linh Lan (HNS)