Nhạc sĩ Hoài An: Trách nhiệm ghi lại vẻ đẹp con người và đất nước

0
1066
Nhạc sĩ Hoài An

Từ nhiều năm trước, nhạc sĩ Hoài An đã được khán giả yêu nhạc Việt biết đến qua loạt ca khúc Tình thơ, Nếu phôi pha ngày mai, Tình khúc vàng, Nếu mai rời xa… Những sáng tác đậm chất đời ấy như lời tự tình của nam nhạc sĩ đối với cuộc sống tình cảm nhiều cung bậc và cũng không ít thăng trầm của anh.

1. Hoài An không ngừng tự khám phá bản thân, anh thích sự tìm tòi những cung bậc khác nhau của đời sống âm nhạc qua nhiều thể loại: ca khúc cho thiếu nhi, ca khúc lịch sử, ca khúc truyền thống, ca khúc mang âm hưởng dân ca dân gian… Đến thời điểm này, nhạc sĩ Hoài An được xem là một trong số ít những gương mặt nhạc sĩ trẻ có sức sáng tạo mạnh mẽ.

Khi mới 6 tuổi, Hoài An đã làm quen với âm nhạc qua cây đàn guitar. Năm 15 tuổi, cậu bén duyên với guitar điện. Thời sinh viên, cậu tham gia thành lập nhóm nhạc Sóng Xanh (ban nhạc Trường Đại học Bách khoa TPHCM). Năm 1998, Hoài An sáng tác 3 ca khúc: Tình thơ, Bên em mùa xuân, Nếu phôi pha ngày mai – những ca khúc đánh dấu sự trưởng thành của chàng trai trẻ nhiệt huyết với âm nhạc. Đặc biệt, ca khúc Tình thơ của anh đã rinh giải Mai vàng do Báo Người Lao động tổ chức. Khoảng năm 2000, anh cùng nhạc sĩ Quốc An, Nguyễn Nhất Huy, Võ Hoài Phúc, Công Tuấn… lập nhóm nhạc Ký túc xá, tham gia nhiều chương trình biểu diễn phục vụ sinh viên như: Mùa hè xanh, Thanh niên tình nguyện, Vòng quanh ký túc xá 1 và 2 (cùng ca sĩ Cẩm Ly).

Năm 2008, anh tham gia biểu diễn gần 20 suất phục vụ sinh viên – học sinh TPHCM và Hà Nội trong tour “Không thử sao biết”. Trong giai đoạn gắn bó với nhóm Ký túc xá, Hoài An viết khá nhiều ca khúc như Mùa hè quê hương, Áo xanh tình nguyện, Lời mẹ ru, Ngẩn ngơ câu hò… Đáng chú ý nhất là ca khúc Nếu chỉ còn một ngày để sống – một sáng tác đánh dấu tuổi 30 đầy sức sống và khả năng phá cách trong tư duy âm nhạc của anh.

2. Những thay đổi của con đường âm nhạc và sự trưởng thành đã khiến nhạc sĩ trẻ ấp ủ kế hoạch thực hiện dự án âm nhạc dành cho trẻ thơ. Anh mong muốn có nhiều ca khúc chất lượng, kết hợp giáo dục với âm nhạc để góp sức định hướng thẩm mỹ trong thưởng thức âm nhạc cho thiếu nhi. Anh bắt đầu phát triển chương trình “Âm nhạc và trẻ thơ” trên YouTube (iKidsMuzik) với hơn 60 video ca khúc mới, trong đó nhiều ca khúc viết theo chủ đề huyền sử – truyền thuyết như: Công ơn Hùng Vương, Tiếng trống Mê Linh, Cổ tích Thạch Sanh, Tiếng Việt, Bánh chưng bánh dày, Trương Chi – Mỵ Nương, Bạch Đằng giang, Hào khí Thăng Long, Tinh thần Đông A…; một số sáng tác dành cho độ tuổi mẫu giáo như: Sắc màu trái cây, Singing A to Z (học từ vựng tiếng Anh), Lớp học giữa đại ngàn…

Bên cạnh đó, sau những chuyến về nguồn do Hội Âm nhạc TPHCM tổ chức, anh cho đời nhiều sáng tác đậm chất tình tự quê hương: Nhớ tiếng đàn kìm, Đất trời Bạc Liêu, Vĩnh Long tình đất tình người…

Hoài An chia sẻ: “Tôi thường cố gắng hết mình trong mọi việc. Tôi thích làm việc cùng người có chuyên môn, có tư duy sáng tạo, dù có những bài chúng tôi làm đi làm lại nhiều lần”.

3. Theo đuổi và gắn bó với âm nhạc hơn 30 năm, ngoài guitar, Hoài An còn sử dụng được nhiều loại nhạc cụ như keyboard, drum, mandolin, ukulele, đàn nguyệt. Anh là nhạc sĩ tiêu biểu của những người trẻ yêu nhạc, chơi nhạc và làm nhạc thời đại kỹ thuật số. Anh bộc bạch: “Nhiều bạn trẻ thường nhắn tin hỏi tôi về phương pháp sáng tác, tôi luôn trả lời và kèm theo lời khuyên nên đầu tư việc học nhạc chuyên nghiệp, đúng hướng để đi được xa hơn. Trên thực tế có khá nhiều nhạc sĩ trẻ không có điều kiện theo học tại các đơn vị đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, các bạn cũng loay hoay tự học qua sách báo, học online ở trường nhạc quốc tế, hay tham gia những khóa học ngắn hạn về sáng tác, thanh nhạc và kỹ thuật xử lý ca khúc của Trung tâm Tổ chức – biểu diễn, Hội Âm nhạc TPHCM tổ chức…”.

Với việc tài liệu âm nhạc còn khá khiêm tốn, sự tiếp cận của các nhạc sĩ trẻ với sáng nhạc chưa nhiều, nhạc sĩ Hoài An mong mỏi có một thư viện sách âm nhạc phong phú (đặc biệt là tài liệu về âm nhạc truyền thống, dân gian…), để các nhạc sĩ trẻ có nhiều điều kiện hơn trong việc nâng cao kiến thức chuyên môn. “Cũng cần có nhiều hơn những chuyến về nguồn để nhạc sĩ trẻ mở rộng kiến thức lịch sử – xã hội, trui rèn tư duy, quan điểm và đạo đức người nhạc sĩ, giúp các nhạc sĩ trẻ có thêm nhiều tư liệu thực tiễn để sáng tác những tác phẩm chất lượng, đi vào đời sống”, Hoài An tâm sự.
Tốt nghiệp cử nhân máy tính ngành công nghệ phần mềm, Hoài An không phải là người được học hành âm nhạc bài bản, nhưng bằng tinh thần ham học và nỗ lực sáng tạo, anh đã không ngừng thăng hoa cùng âm nhạc. “Tôi thấy mình có một phần trách nhiệm trong việc ghi lại vẻ đẹp của con người và đất nước Việt Nam qua những sáng tác. Đó là điều tôi đã nguyện sẽ theo đuổi đến cùng trong hành trình gắn bó với âm nhạc!”.

Thúy Bình (HNS)