NHẠC SĨ BÙI ĐỨC THỊNH: NGU CÔNG THỜI NHẠC SỐ

0
1610

Nếu như đạo diễn Đỗ Thành An không khoe phim “Tiếng đàn kìm” của  anh  đang khởi quay mà trong đó  toàn bộ phần âm nhạc từ hòa âm đến sáng tác ca khúc đều do nhạc sĩ Bùi Đức Thịnh đảm trách thì tôi cũng quên mất là mình đã từng có một người bạn mà lâu lắm rồi không gặp.Cái tên của bạn tôi khá lạ với nhiều người trong giới Âm nhạc đại chúng, bởi anh không có tính hay la cà dẫu anh vốn cũng là người … “nhiều chuyện”.

Bùi Đức Thịnh nhiều chuyện lắm, không phải vì tuổi tác nhiều, sống nhiều để có nhiều chuyện để nói, mà anh đã nhiều chuyện từ hồi cách nay hơn 35 năm, khi mà anh em, bạn bè trang lứa chúng tôi tóc còn xanh, sức còn sung và…răng còn đầy đủ. Cũng phải thôi, anh luôn luôn nhiều chuyện mỗi khi “tám” về âm nhạc dẫu thời điểm ấy vốn liếng âm nhạc của tụi tôi không đầy lá mít…

Với tôi hình ảnh người bạn cũ, Bùi Đức Thịnh là nhạc sĩ ở miền biển Kiên Giang chỉ vỏn vẹn có thế, có khác hơn là một mơ ước của anh: “đưa giao hưởng vào ca khúc”  mà khi ấy (năm 1978) anh em chúng tôi cho là chuyện…  chiêm bao.

Thật  không dễ dàng chút nào khi viết về 1 người bạn, bởi nhạc sĩ Bùi Đức Thịnh  vốn không thuộc kiểu người thích khoa trương thanh thế kể cả khi đang “đương thời”. Anh đã từng là Trưởng ban văn nghệ của đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Kiên Giang, chi hội phó Chi hội Nhạc sĩ khu vực đồng bằng sông Hậu,  Uỷ viên kiểm tra Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Thích và không thích

Với nhạc sĩ Bùi Đức Thịnh cái sự thích và không thích của anh trong cuộc sống đời thường cũng như âm nhạc  nhiều vô kể…chỉ riêng cái cách thích sống ẩn dật của anh cũng đã làm người viết bài này phải mệt mỏi và khó khăn lắm mới “chộp” được anh , bởi  thích “ẩn” và luôn “dật dờ” đây đó, từ các thành phố Kiên Giang, Cần Thơ, Long Xuyên đến Sài Gòn…

Tôi hiểu tính khí Bùi Đức Thịnh từ khi còn là trai tráng, anh khiêm nhường, thậm chí gần như không nói về mình kể cả những tác phẩm, những đứa con tinh thần của anh đạt giải thưởng lớn cấp quốc gia. Không tự mãn để vịn vào những thành công đó mà khuếch trương thân thế mặc dù sự thẩm thấu cũng như vận hành âm nhạc  khả năng của anh là rất cao trong nghề nghiệp.

Một số nhạc sĩ như: Minh Trí, Xuân Tư, Bùi Nguyên Lâm, Đắc Tâm , Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Trung, Vũ Thành, Tiến Nghĩa, …  nhận xét anh như là một ông hòang trong chuyện đưa hòa âm giao hưởng vào ca khúc phổ thông. Anh nghĩ sao về những lời “đồn thổi ” này, tôi hỏi.  Không suy nghĩ Bùi Đức Thịnh đáp trả như bắt gặp một câu nhạc trúng ý : “Âm nhạc là vô biên khôn cùng. Khi có những người đẩy cái tôi của họ ra công chúng, thì tôi lùi cái tôi của mình lại, để bằng những kiến thức nhất định của mình mà sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc, tìm cái mới mà phục vụ nhu cầu thưởng thức của công chúng. Nếu công chúng chấp nhận ta thì đó là niềm vui, và sẵn sàng lắng nghe những ý kiến họ bổ sung thêm cho ta, đó là điều đáng mừng. Tôi nghĩ, trong sáng tạo mà ta có chỉ là giọt nước nhỏ nhoi, còn những gì ta chưa có là cả một đại dương mênh mông… Tôi không tự mãn với những lời khen tặng đó, nhưng cũng cám ơn những nhận xét của bạn bè  nhờ đó tôi biết được mình đứng ở đâu trong công việc mình đang làm”.

Có nghe qua những những ca khúc trong album của nhạc sĩ Minh Trí do Bùi Đức Thịnh hòa âm hòan toàn theo phong cách giao hưởng mới thấy hết được cái “ma lực” của âm nhạc, cái “thần” của ca khúc, anh đẩy một sản phẩm âm nhạc trôi tuột ra khỏi những niêm luật thông thường, hòa âm mà không hợp âm nhưng hợp nhất, tiết tấu mà không tiết tấu nhưng vẫn trật tự có lớp có lang…Trong hòa âm của nhạc sĩ Bùi Đức Thịnh những nốt nhạc, cung bậc tha hồ tung tăng, bỡn cợt nhưng lại ngoan ngoãn, đàng hoàng…

Ngu Công thời nhạc số

Để giải mã cho những chiêu thức anh vận dụng, tôi hỏi : “Sao anh lại có khuynh hướng đưa hòa âm, phối khí ca khúc theo phong cách nhạc giao hưởng?” Trợn trợn đôi mắt sau làn kính dầy nhạc sĩ Bùi Đức Thịnh nói : “Chẳng có gì là khó hiểu, phải nói thẳng khán giả đa số nghe ca khúc có lời chưa nói đến hòa tấu. Nếu ta cho họ nghe những bản giao hưởng để phổ cập thì e rằng chưa thể thích hợp ngay với họ. Vì thế ta cần xem lại với một cách thể hiện đưa ca khúc vào phong cách hòa âm giao hưởng, có thể họ dễ nghe dễ hiểu hơn, rồi từng bước, từng giai đoạn mà nâng cao thưởng thức của họ với giao hưởng thuần túy”.

Ngoài kia, biển đang yên sóng vài cánh chim hải âu chao đảo ngã nghiêng báo hiệu hoàng hôn đang xuống… Nhìn rõ anh hơn, một Bùi Đức Thịnh chất phác, râu tóc,  trang phục có phần xuề xoà. Tự dưng tôi thấy thương cảm cho ý nghĩ của bạn tôi, trong lúc mọi người đang ra sức  “ăn xổi ở thì”, hay kêu gào hãy cứu lấy nền âm nhạc kiểu này kiểu nọ, hoặc “đao to búa lớn” âm nhạc phải thế này, thế kia…thì ngược lại “lão nông” Bùi Đức Thịnh âm thầm và cứ âm thầm đi làm cái việc của Ngu Công “Đưa giao hưởng vào ca khúc”.

Trò chuyện lâu với nhạc sĩ Bùi Đức Thịnh tôi mới hiểu thêm vì sao anh cứ luôn rong ruổi đây đó, bởi ở Kiên Giang anh còn mẹ già đã hơn 90 tuổi, Sài Gòn nơi ở của con gái và mấy đứa cháu ngoại và không thể thiếu sự đồng điệu của bạn bè nghề nghiệp của Long Xuyên, Cần Thơ…Bởi thế, mới thấy trong bộ dạng sần sùi kia chứa đựng cả một trách nhiệm lớn lao với đạo, đạo làm con, đạo làm cha, và đạo với âm nhạc, cả đời anh vẫn đau đáu làm sao đưa công chúng nước mình tới gần hơn với nhạc giao hưởng một tinh hoa của nhân loại…. Dẫu chưa thật tròn trịa như ý, nhưng tôi tin anh đang đúng, bởi sắp tới đây khi bộ phim “Tiếng Đàn Kìm” khởi chiếu, công chúng sẽ được biết thêm một món lạ mà quen từ âm nhạc trong phim.

Biển đã đổi màu xám xịt, chắc mấy cánh hải âu đã về nơi yên ấm, chỉ còn lại tiếng sóng rì rào len lén vỗ bờ… .Chia tay “lão nông” âm nhạc, tôi thấy thương thương  cái dáng liêu xiêu đó, ẩn trong anh là một Ngu Công của thời nhạc số.

Phan Khanh (HNS)