Người trẻ có quay lưng với âm nhạc truyền thống?

0
399
Nhạc sỹ Đặng Hoành Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc.

Nhạc sỹ Đặng Hoành Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc cho rằng, không nên coi âm nhạc truyền thống giống âm nhạc đương đại, tức phải có hàng vạn khán giả, những show diễn với sự tham gia của hàng vạn người xem.

“Một sân khấu nhạc truyền thống với hàng vạn khán giả trẻ chỉ là sự ảo tưởng” 

Trước làn sóng tấn công mạnh mẽ của các dòng nhạc hiện đại, âm nhạc truyền thống dường như bị lép vế. Nhìn trên bề nổi và diện rộng, nhiều người mặc định giới trẻ đang dần quay lưng và âm nhạc truyền thống càng trở nên xa lạ trong đời sống của họ. Thế nhưng, qua gần 15 năm tham gia vào công tác nghiên cứu di sản, Nhạc sỹ Đặng Hoành Loan nhận định, thế hệ trẻ ngày nay không hề quay lưng. Bởi nếu họ thực sự quay lưng, âm nhạc truyền thống đã lụi tàn.

“Nếu chúng ta đo đếm kỹ lưỡng, sẽ thấy thế hệ trẻ tham gia vào các Câu lạc bộ âm nhạc cổ truyền là rất đáng kể. Mặc dù chưa có những thống kê cụ thể, nhưng ước chừng có đến vài ngàn người. Điển hình như ca trù, nếu như năm 2005 mới chỉ có lác đác vài em cùng khoảng 20 nghệ nhân thì đến năm 2018, tại Liên hoan ca trù toàn quốc đã có khoảng 320 em tham gia và không có nghệ nhân. Hát xoan từ khi chỉ có các nghệ nhân cao tuổi, đến nay đã có vài trăm người trẻ ở độ tuổi từ 15 – 40 tuổi” – Nhạc sỹ Đặng Hoành Loan cho biết.

Theo Nhạc sỹ Đặng Hoành Loan, âm nhạc truyền thống có được như ngày hôm nay là nhờ vào sự tham gia rất lớn của lớp trẻ. Có thể coi đó là một lực lượng khổng lồ, không chỉ là nhân tố bảo vệ mà còn đóng vai trò quyết định tới vận mệnh của nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, không nên coi âm nhạc truyền thống giống âm nhạc đương đại, bởi bản thân nghệ thuật truyền thống không thuộc về sân chơi hiện đại. Việc mong muốn những cuộc biểu diễn truyền thống được giới trẻ kéo đến đông như nhạc nhẹ thực chất chỉ là sự “ảo tưởng”.

Cùng quan điểm với Nhạc sỹ Đặng Hoành Loan, Nhạc sĩ Nguyễn Đình San cho biết, việc nhận định người trẻ quay lưng với âm nhạc truyền thống là không đúng: “Trong những buổi trò truyện tại một số trường đại học, tại các cơ quan có nhiều trí thức trẻ, tôi đã thử làm cuộc điều tra xã hội học với câu hỏi: Nhạc truyền thống và nhạc trẻ, bạn ưa thích loại nào hơn? Kết quả phần lớn người tham gia đều nói thích nhạc truyền thống hơn. Họ nói rằng nhạc trẻ chỉ phù hợp trong những cuộc sinh hoạt, vui chơi náo nhiệt chứ không đem lại cảm xúc thẩm mỹ. Tôi cho rằng đây là một sự hiểu biết rất đáng trân trọng”.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình San.

Cần nhiều hơn nữa các sân chơi sinh hoạt cộng đồng 

Trên thực tế những năm trở lại đây, sự xuất hiện của một số câu lạc bộ âm nhạc truyền thống như một tín hiệu tích cực cho nền nghệ thuật nước nhà. Có thể kể tới như: Câu lạc bộ Cầm Ca, Câu lạc bộ Ca trù Thái Hà, Câu lạc bộ Nhạc cụ truyền thống (Đại học FPT), Dự án Nhã Âm, Nhóm Chèo 48h,… Quy tụ được số lượng lớn các bạn trẻ tham gia, tìm lại và hướng đến việc bảo tồn các giá trị nghệ thuật truyền thống là điểm chung của các câu lạc bộ này.

Đánh giá cao những sáng tạo của các câu lạc bộ, tuy nhiên Nhạc sỹ Đặng Hoành Loan cho rằng, để nghệ thuật truyền thống đến gần hơn nữa với khán giả trẻ, vẫn cần nhiều hơn nữa các sân chơi sinh hoạt cộng đồng. Theo nhạc sỹ, âm nhạc truyền thống không phải là âm nhạc biểu diễn mà là âm nhạc sinh hoạt. Nếu không hoạt động trong đời sống, âm nhạc truyền thống sẽ dần biến mất. Còn nếu con người tạo ra được điều kiện sinh hoạt thì sự “sống” lại của âm nhạc truyền thống cũng là lẽ đương nhiên.

“Nếu chúng ta tổ chức được nhiều hơn nữa các sân chơi, ca hát cộng đồng với các quy mô khác nhau, chúng ta sẽ càng kích động và tập hợp được nhiều hơn nữa lực lượng thế hệ trẻ tham gia. Ở đó, họ chính là người chơi, là nghệ sĩ và là người biểu diễn, góp phần tạo nên một sân khấu vô cùng hấp dẫn. Hơn hết, người trẻ biểu diễn sẽ thu hút được người trẻ đến xem. Điều này đang dần được chứng minh qua các câu lạc bộ nghệ thuật hiện nay.

Cũng cần nhấn mạnh, trách nhiệm của lớp trẻ là phải tham gia trong tất cả các cuộc vận động, phục hưng nghệ thuật cổ truyền. Vai trò đứng ra tổ chức không thuộc về họ mà thuộc về các nhà quản lý văn hoá.” – nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc cho biết.

K.N (HNS)