Nghệ nhân say mê với những câu hát đối

0
1004
Nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Pẩu biên soạn lại các bài hát đối cổ. Ảnh: Long Vũ

Dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ông Phạm Văn Pẩu, ở thôn 1, xã Quảng Nghĩa, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh vẫn miệt mài sưu tầm, truyền dạy nghệ thuật hát đối cổ của cha ông cho thế hệ trẻ. Với ông, tình yêu và lòng đam mê nghệ thuật hát đối là niềm tự hào vô bờ và cũng là trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo tồn vốn nghệ thuật dân gian này trước nguy cơ đang dần mai một.

Hát đối (hay còn gọi là hát đôi, hát đúp, hát ví) là một biến thể của lối hát đối đáp của các cư dân vùng đồng bằng Bắc bộ. Hát đối xuất phát từ vùng ven biển ở Vân Đồn, Cẩm Phả, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái, Quảng Ninh. Các cư dân ở đây thường hát trong những lúc đi biển, đi làm nương, hay khi đánh cá, gỡ lưới…

Chúng tôi được đồng chí Bùi Văn Lai, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn 1, xã Quảng Nghĩa  dẫn đến gặp ông Phạm Văn Pẩu (sinh năm 1936), một “cây” hát đối có tiếng ở vùng đất này. Bên chén trà ấm nóng mới pha, ông Pẩu tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hát đối đã 3 đời. Từ khi còn nhỏ, khoảng chừng 6-7 tuổi, tôi hay được nghe các bà, các mẹ, các chị hát đối trong xóm, thôn, xã. Lớn hơn một chút thì theo các liền anh, liền chị đi xem hát đối ở những lễ hội, có những canh hát đối thâu đêm, suốt sáng. Nhiều lúc, tôi quên ăn, quên ngủ, mải mê xem hát đối mà bị bố mắng và đuổi ra khỏi nhà vì tội… mê hát”.

Ông Pẩu chia sẻ: Nghệ thuật hát đối chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, ca ngợi quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa. Có nhiều cách hát đối như: Hát đối trên nương, trên bến, dưới thuyền, đánh cá, trồng rau, lấy củi, từng thuyền hát đối với nhau hoặc hát đối với những đôi hát khác. Để hát đối được, ngoài giọng hát hay, người hát phải có vốn từ vựng phong phú, đặc biệt là sự thông minh, nhanh trí và khéo léo trong khi hát. Câu hát đối phải đúng với câu hỏi, vế đối mà người kia đưa ra, có vần, có điệu, nghe xuôi tai.

Về nhịp của các bài hát đối thường là nhịp 2/2/2. Khi hát, các từ trong lời hát thường được ngân dài khi lấy hơi rồi đẩy ra. Để hát được lối hát đối này cần từ 2 đến 6 người trở lên, người hát thường hát theo cặp. Và có khi, những canh hát diễn ra mấy ngày hoặc mấy tháng. “Chẳng thế mà có nhiều cô gái ở trong thôn này hát đối với mấy anh ở thôn kia mấy đêm liền. Trời sáng thì về đi làm đồng, tối lại hẹn nhau hát, càng hát càng hăng say. Nhiều khi nghĩ lại, không biết tại sao lúc đấy lại nhanh trí như vậy, có khi đối phương chưa hát xong thì trong đầu mình đã có sẵn câu hát đối lại rồi”, ông Pẩu hóm hỉnh chia sẻ.

Câu chuyện đôi trai gái nên duyên vợ chồng nhờ hát đối cũng không phải là chuyện hiếm ở các thôn, xã ven các biển ở Móng Cái. Thật thú vị khi ông Pẩu là trường hợp như vậy. Ông Pẩu kể lại, năm ấy, ông là chàng thanh niên 21 tuổi cùng đám bạn ra chơi ở xã Vạn Ninh. Trong cuộc hát đối đó, ông đã gặp và hát đối với vợ của mình suốt hơn 4 tiếng đồng hồ. Sau lần ấy, đôi trai tài, gái sắc đã tìm thấy một nửa của đời mình. Một thời gian sau đó, ông Pẩu được cha mẹ đem trầu cau xin hỏi cưới cô gái hát đối hay ở xã Vạn Ninh.

Ông Pẩu cho biết thêm: “Vào những ngày 15, 16 tháng Giêng, chúng tôi lại kéo nhau đến hội làng Bầu để hát hội. Những ngày hát, du khách và nhân dân ở khắp các nơi đến xem đông nghịt. Vì quá yêu những câu hát đối này, mà trong những năm tháng chiến tranh, tôi còn mang cả nghệ thuật hát đối này sang nước bạn Trung Quốc để vừa hát và dạy các bạn bên nước ngoài học loại hình hát đối này”.

Nhưng qua thời gian, ngày càng ít người biết đến nghệ thuật hát đối. Đặc biệt, ở xã Quảng Nghĩa, quê của ông Pẩu và các xã lân cận cũng không còn ai học hát đối, nên loại hình nghệ thuật độc đáo này có nguy cơ mai một. Nhận thấy được giá trị của nghệ thuật hát đối cũng như trách nhiệm bồi dưỡng giúp thế hệ mai sau bảo tồn và gìn giữ nghệ thuật dân tộc này, năm 2014, ông Pẩu cùng các cụ cao niên và các chị em trong đội hát thành lập câu lạc bộ (CLB) hát đối của xã. CLB thu hút rất đông hội viên tham gia. Hiện nay, CLB hát đối ở xã Quảng Nghĩa có hơn 50 thành viên, thường tập luyện vào mỗi tối thứ bảy và chủ nhật hằng tuần.

Gần trọn đời người gắn bó với lối hát đối, hiện nay, ông Pẩu đã sưu tầm được hơn 250 bài hát đối cổ và thuộc làu làu hơn 2.100 câu hát, bài hát đối hát giao duyên về cuộc sống sinh hoạt cộng đồng cư dân. Không chỉ hướng dẫn học sinh hát, ông Pẩu còn nhiệt tình “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để truyền dạy lối hát đối cổ truyền này cho nhiều thế hệ.

Ghi nhận những đóng góp không ngừng nghỉ trong việc thực hành, phát huy và truyền dạy nghệ thuật hát đối trong cộng đồng, tháng 3-2019, ông Phạm Văn Pẩu vinh dự được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú ở loại hình “Nghệ thuật trình diễn dân gian tỉnh Quảng Ninh”.

Chị Lương Thị Nhung, học trò của ông Phạm Văn Pẩu cho biết: “Ông Pẩu rất nhiệt tình truyền dạy nghệ thuật hát đối cho lớp trẻ và tiếng hát của ông còn mượt mà, đằm thắm lắm. Ông vừa dạy, vừa sao chép, phô tô ra nhiều bản hát khác cho các bạn trong thôn, xã để học hát và luyện hát. Hằng năm, ông Pẩu cùng CLB hát đối xã Quảng Nghĩa còn đi giao lưu với các bạn hát ở thành phố Móng Cái và Đông Hưng, Bằng Tường (Trung Quốc)”.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật dân gian tỉnh Quảng Ninh cho biết: Nghệ thuật hát đối cổ là một trong những loại hình nghệ thuật còn sót lại khá hiếm ở vùng đất ven biển tỉnh Quảng Ninh. Đây là loại hình nghệ thuật hát đối, một biến thể của loại hình hát ca trù, hát ví của vùng đồng bằng Bắc bộ xưa kia. Hát đối là nét văn hóa rất rực rỡ, chẳng thế mà hằng năm, các ca nương, ca nam bên các xã, phường ở Móng Cái hay hát đối giao duyên với các thôn, thị trấn bên Trung Quốc. Không gian hát đối thường rất rộng, có khi lúc trên thuyền đánh cá, lúc gỡ lưới, lúc lên rẫy, làm nương… Giờ đây, nghệ thuật hát này đang dần một mai một, nếu như không có những người như ông Pẩu, chắc những câu hát đối này sẽ dần dần bị lãng quên”.

Long Vũ (HNS)