Một di sản âm nhạc đồ sộ

0
447
Bìa sách in lời bài hát Đợi anh về (nhạc: Văn Chung, lời: Tố Hữu, dịch thơ Xi-mô-nốp) thời kháng chiến.

Chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) là thời gian định hình những bài hát được gọi bằng tân nhạc, mới ra đời trong trào lưu âm nhạc cải cách chưa đầy một thập niên trước đó.

Một mặt tân nhạc tiếp tục sản sinh các ca khúc lãng mạn, mặt khác đẩy mạnh dòng ca khúc yêu nước phục vụ cuộc kháng chiến kiến quốc. Đã có hàng nghìn ca khúc được viết ra và biểu diễn ở cả vùng kháng chiến lẫn tạm chiếm. Các chủ đề tập trung rõ nét ở ba mảng: nỗi hoài niệm về quê hương thuở thanh bình, tình yêu thời chinh chiến và cổ vũ chiến đấu.

Từ xa quê trong lớp cây già

Hoài niệm về cố hương là một đặc điểm nổi bật của ca khúc thời kháng chiến chống thực dân Pháp. Điều này không mới, nó thừa kế truyền thống đề cao các giá trị cốt lõi của xã hội Á Đông, lấy mô hình quan hệ tam giác giữa cá nhân với gia đình và nhà nước. Ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, không gian văn hóa chính của trào lưu tân nhạc và cuộc chiến tranh đang diễn ra khi đó, cơ cấu làng xã lại bao trùm lên mô hình này như một phương thức sinh hoạt đặc thù. Cố hương ở đây có thể là một “làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều” (Làng tôi – Văn Cao, 1948), hay một “Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi, ánh đèn giăng mắc muôn nơi” (Hướng về Hà Nội – Hoàng Dương, 1953), những địa điểm yên bình đối lập khung cảnh chiến tranh, định nghĩa nên khuôn mẫu lý tưởng của quê hương trong hành trang người ra trận cũng như người ly tán.

Với một hệ thống thẩm mỹ về quê hương như một ẩn dụ cho đất nước mà những bài hát này được nhìn nhận như một dòng ca khúc ái quốc. Vẫn thừa kế không gian thẩm mỹ trau chuốt, chúng chứng tỏ có sức sống lâu bền khi trở thành bộ giáo khoa bằng âm nhạc về một giai đoạn lịch sử. Các thế hệ sau vẫn dành thiện cảm cho những ca khúc cùng tên Làng tôi của Văn Cao, Hồ Bắc, Chung Quân, Quê hương anh bộ đội (Xuân Oanh, 1948) hay Về miền trung (1948), Tình hoài hương (1952) của Phạm Duy.

Vượt qua các biên giới, chúng đã có mặt trong tình tự của đông đảo công chúng như một ký ức về Tổ quốc. Đáng nói là, khác với những bài hát lãng mạn trước năm 1945 chủ yếu viết trong không gian đô thị như Hà Nội, các bài hát này đã viết về nông thôn, về vẻ đẹp của người lao động và đi sâu vào chất liệu văn hóa cổ truyền. Trong nhiều trường hợp chúng trở thành những sáng tác để đời của các nhạc sĩ, chẳng hạn như Bao giờ anh lấy được đồn Tây (hay Quê nghèo), Bà mẹ Gio Linh (Phạm Duy), Ngày mùa (Văn Cao), Quê em (Nguyễn Đức Toàn), đều ra đời năm 1948-1949.

Anh về em thỏa ước mong

Tình yêu luôn là chủ đề lớn trong bất cứ nền âm nhạc nào, dù là những bài hát thời chiến chinh. Các nhạc sĩ viết trong độ tuổi thanh xuân, và viết cho những lứa thanh niên thừa hưởng một truyền thống văn hóa giàu sắc thái tình cảm, nên những bản tình ca trong chiến tranh vẫn nảy nở, cho dù có sự biến động về số lượng theo thời gian. Ngay trong những bài hát tình tứ nhất vẫn là cặp bài trùng người chiến sĩ và cô gái hậu phương: Súng tì tay anh đứng, em ngừng liềm trông sang (Ngày mùa – Văn Cao), Một đêm trong rừng vắng, có cô sơn nữ miệng cười khúc khích ngắm anh du kích rồi lòng bâng khuâng (Sơn nữ ca – Trần Hoàn, 1948).

Tình yêu trong chiến chinh hòa quyện với phong vị cổ điển của thơ ca xưa, bằng những hình tượng chinh phu đi chiến trận, còn người phụ nữ ở nhà kiên trinh đợi chờ. Đây là khu vực được các nhạc sĩ khai thác đậm nét, do sức thuyết phục trong tâm lý cộng đồng. Các nhạc sĩ kháng chiến lẫn ở vùng tạm chiếm đều gửi gắm tâm sự về ước vọng hòa bình, về tình yêu đôi lứa trong ca khúc. Chúng có đặc điểm chung là kể bằng một giọng trữ tình về một hoàn cảnh rất riêng tư, nhưng được khái quát hóa. Và dù nơi chốn xa, cho gió mưa có rơi dầm dề, em nhủ thầm, rằng muốn có một ngày về, thì chiến đấu đừng sờn lòng, đừng nề gian khổ (Lời người ra đi – Trần Hoàn, 1951), Này người ơi có nhớ thấy nhiều người bạn tôi trong nắng quái chiều, ngồi miền quê đan áo (Áo mùa đông – Đỗ Nhuận, 1949), Em đi cắt lúa trên ngàn, còn anh chiến đấu sa tràng. Kháng chiến nhất quyết thành công, anh về em thỏa ước mong (Lên ngàn – Hoàng Việt, 1952).

Về khía cạnh văn học, ca từ của những bài hát này đã tạo nên những khuôn mẫu của một cách biểu đạt trọng lối “hát thơ”, lấy việc diễn cảm trau chuốt ngôn từ là một thuộc tính. Các ca khúc ra đời vào giai đoạn đầu cuộc kháng chiến thậm chí được xếp vào không gian “nhạc tiền chiến” vì tính lãng mạn của chúng, như Dư âm (Nguyễn Văn Tý, 1950), Nụ cười sơn cước (Tô Hải, 1947), Sóng nước Ngọc Tuyền (Huy Du, 1948), Em đến thăm anh một chiều mưa (Tô Vũ, 1948), Đường về Việt Bắc (Đoàn Chuẩn – Từ Linh, 1949). Tất cả chúng đều được viết tại chiến khu, và những vùng ma thiêng nước độc núi rừng vẫn có thể trở thành những suối mơ núi ngọc, dưới góc nhìn của những tâm hồn đang yêu.

Đi trong mùa động viên

Những bài ca cách mạng thời đầu kháng chiến có không khí sôi nổi, nhiệt thành của lớp trai Việt mới, khát khao giành độc lập. Tiếp nối mạch ca khúc “thanh niên – lịch sử” trước năm 1945 của các nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Văn Cao hay nhóm Đồng Vọng của Hoàng Quý, viết về những chủ đề yêu nước, các ca khúc cổ vũ chiến đấu đa dạng về hình thức hơn. Những bài hát mau chóng bắt nhịp nhu cầu của số đông như “Bao chiến sĩ anh hùng, lạnh lùng vung gươm ra sa trường” (Chiến sĩ Việt Nam – Văn Cao, 1945), “Ngày bao hùng binh tiến lên, bờ cõi vang lừng câu quyết chiến” (Xuất quân – Phạm Duy, 1945).

Có khi lại sử dụng khúc thức hơi hướng âm nhạc cổ truyền như Mùa đông binh sĩ (Phan Huỳnh Điểu – 1946), Tiếng còi trong sương đêm (Lê Trực – 1947), Dặn dò, Nhớ người thương binh (Phạm Duy – 1948), hoặc diễn tả có màu sắc hàn lâm như Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi – 1948), Sông Lô (Văn Cao – 1947), Du kích sông Thao (Đỗ Nhuận – 1949), Ngày về (Lương Ngọc Trác, thơ Chính Hữu – 1947), nhưng dần dần các bài hát được tập trung ở thể hành khúc hoặc ca khúc ngắn có tiết tấu nhanh, sôi nổi để phù hợp các hoạt động tập thể.

Các bài hát như Tiến về Hà Nội (Văn Cao – 1949), Nhạc rừng, Lá xanh (Hoàng Việt – 1950), Đường lên Tây Bắc (Văn An – 1950) hay chùm bài hát về chiến dịch Điện Biên Phủ của Đỗ Nhuận đều chú ý đến tính phổ cập của giai điệu và lời ca để trở thành những bài hát tập thể. Đáng chú ý là nhiều bài hát đã trở thành những viên gạch đầu tiên của thể loại, chẳng hạn những bài hát khai thác chất liệu dân ca của Nguyễn Xuân Khoát, Phạm Duy hay những bản trường ca mang phong cách giao hưởng hợp xướng của Văn Cao, Đỗ Nhuận.

Mặc dù có thể phân chia dòng bài hát theo chủ đề, nhưng dường như trong mỗi nhạc sĩ đều có ý muốn thử sức ở nhiều chủ đề khác nhau, cũng như trong các bài ca có thể chứa đựng các sắc thái đa dạng. Có thể coi Tình quê hương (Việt Lang, 1948), Tiếng hát quay tơ (Tử Phác, 1949), Đợi anh về (nhạc Văn Chung, lời Tố Hữu dịch thơ Xi-mô-nốp, 1949) là những bài hát trữ tình, nhưng cũng là tâm sự của những chàng trai Vệ quốc ra đi mang theo những gửi gắm của người yêu, người vợ trẻ nơi quê nhà: “Em ơi đợi anh về, đợi anh hoài em nhé, mưa có rơi dầm dề, ngày có buồn lê thê, thì em ơi cứ đợi”.

Những ca khúc ra đời trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp không chỉ mang tính thời sự, cổ vũ, thúc giục toàn dân chiến đấu và chiến thắng, mà còn là những tâm sự nhiệt thành của một thế hệ đi vào cuộc kháng chiến. Chúng đã đóng vai trò đáng kể trong việc kiến tạo cảm hứng tập thể, được duy trì, kế thừa và phát triển nhiều thập niên sau; trở thành di sản nổi bật của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp còn được hát đến ngày nay.

Trúc Hà (HNS)