Màu cỏ úa: Du ca, chiến tranh, Hà Nội, biển… và cuộc đời Trần Tiến

0
956

‘Màu cỏ úa’ là phim tài liệu được nữ đạo diễn Lan Nguyên (30 tuổi) thực hiện trong 5 năm, từ 2015 đến 2020, nhờ lòng yêu mến âm nhạc và con người nhạc sĩ Trần Tiến.

“Con người không lớn lên trong bão tố hay chiến tranh. Con người lớn lên trong chính nỗi cô đơn của mình, nếu không tuyệt vọng. Tôi ơi đừng tuyệt vọng là vậy” – nhạc sĩ Trần Tiến chiêm nghiệm trong Màu cỏ úa – “Tôi tự nhận mình là kẻ du ca của chiến tranh Việt Nam. Những người du ca là những người tự do, dũng cảm nhất”.

Du ca, chiến tranh, Hà Nội và biển

Màu cỏ úa thuộc thể loại tài liệu âm nhạc có độ dài 80 phút. Phim khắc họa chân dung nhạc sĩ Trần Tiến như người du ca đi qua hai thế kỷ với hình ảnh của chính nhạc sĩ, gia đình, bạn bè gắn bó với ông như: NSND Trần Hiếu, nhạc sĩ Dương Thụ, nghệ sĩ Hồng Ánh, ca sĩ Trần Thu Hà, ca sĩ – nhạc sĩ Vũ Đinh Trọng Thắng (ban nhạc Ngọt)…

Màu cỏ úa: Du ca, chiến tranh, Hà Nội, biển... và cuộc đời Trần Tiến - Ảnh 2.Nhạc sĩ Trần Tiến bên biển – Ảnh: ĐPCC

Bộ phim đi qua nhiều tỉnh thành như Hà Nam, Hà Nội, Quảng Bình, Lâm Đồng… – những nơi in dấu chân du ca của Trần Tiến. Hiện, nhạc sĩ Trần Tiến sống những năm tháng tuổi già tại thành phố biển Vũng Tàu.

Ngoài du ca, ba chủ đề bao trùm của phim là chiến tranh, Hà Nội và biển. Bởi đó cũng là những yếu tố sâu đậm nhất trong con người và âm nhạc Trần Tiến.

Phim có tông màu đen trắng hoài cổ. Trần Tiến qua ống kính của Lan Nguyên lúc điềm đạm sâu sắc, lúc gần gũi bỗ bã như một người chú thân quen.

Màu cỏ úa: Du ca, chiến tranh, Hà Nội, biển... và cuộc đời Trần Tiến - Ảnh 3.

“Du ca đồng nội” ngày ấy – Ảnh tư liệu

Trong suốt 5 năm làm phim, sự gần gũi, quan tâm của Trần Tiến đến từng thành viên êkip kéo mọi người lại gần nhau.

Có lúc, ông đùa: “Này, ai cho mày làm việc? Tao bảo mày ngồi uống bia chứ bảo mày làm phim à?”. Còn những lúc nhạc sĩ mệt và không thoải mái, êkip tôn trọng và để ông có không gian riêng, tự do.

Đạo diễn là người hát ‘Tạm biệt chim én’ ngây thơ nhất

Lan Nguyên, đạo diễn Màu cỏ úa, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online: “Tôi lớn lên với âm nhạc của chú Trần Tiến. Năm 2015, tôi gặp ông để làm phóng sự truyền hình.

Nhưng sau khi gặp, tôi thấy không thể chỉ làm phóng sự 20 phút mà phải làm hẳn một bộ phim. Tôi muốn làm phim về một người nhạc sĩ không còn xuất hiện nhiều nhưng tôi biết chắc nhiều khán giả vẫn còn nhớ đến chú”.

Màu cỏ úa: Du ca, chiến tranh, Hà Nội, biển... và cuộc đời Trần Tiến - Ảnh 4.

Đạo diễn Lan Nguyên, người dành 5 năm làm phim về Trần Tiến – Ảnh: ĐPCC

Đạo diễn Lan Nguyên (sinh năm 1990, tên thật Nguyễn Thúy Lan) hiện là phóng viên, biên tập viên truyền hình. Cô thuyết phục được nhạc sĩ Trần Tiến làm phim vì là người hát bài Tạm biệt chim én “ngây thơ nhất” mà ông rất thích.

Khi biết Lan Nguyên chính là giọng ca đó, Trần Tiến nói: “Nếu cháu hát được nhạc của chú thế này thì chắc là làm phim được”.

Câu nói đó là động lực lớn nhất để Lan Nguyên theo đuổi bộ phim. Lan Nguyên cùng bạn bè thực hiện bộ phim từ 2015 đến 2020, với hơn 15 đợt quay. Trong quá trình đó, cô phải nhiều lần tập hợp êkip để đi quay theo lịch di chuyển, du ca của nhạc sĩ.

Có lúc, sức khỏe của Trần Tiến không tốt khiến quá trình quay bị chững lại một năm. Trong thời gian đó, Lan Nguyên không liên lạc được với ông. Cô được nhạc sĩ Dương Thụ khích lệ, khuyên không bỏ cuộc. Nhờ lời khuyên này, đạo diễn có động lực theo đuổi dự án đến cùng.

Màu cỏ úa: Du ca, chiến tranh, Hà Nội, biển... và cuộc đời Trần Tiến - Ảnh 5.

Nhạc sĩ Trần Tiến thuở trẻ du ca – Ảnh tư liệu

“Có rất nhiều khoảnh khắc xúc động trong quá trình làm phim. Lần gặp đầu tiên, tôi đã rất xúc động vì không ngờ chú từng nghe bản tôi hát Tạm biệt chim én. Có những khoảnh khắc đã được đưa vào phim nhưng cũng có những khoảnh khắc, chúng tôi giữ cho riêng mình như một kỷ niệm quý giá về chú” – đạo diễn Lan Nguyên chia sẻ.

Khi bộ phim hoàn thành, đầu năm 2020, Lan Nguyên mang bản phim màu đến Vũng Tàu để chiếu cho nhạc sĩ Trần Tiến xem trọn vẹn. Gia đình mong muốn những hình ảnh về ông đọng lại trong mắt khán giả luôn là những thước phim hào sảng, phóng khoáng như vậy.

Bộ phim chiếu ra mắt tại Dcine Bến Thành (TP.HCM) vào ngày 23-11 và L’Espace (Hà Nội) vào ngày 30-11, sau đó sẽ lên kế hoạch chiếu thương mại.

Màu cỏ úa: Du ca, chiến tranh, Hà Nội, biển... và cuộc đời Trần Tiến - Ảnh 6.

Gia đình mong muốn hình ảnh Trần Tiến đọng lại trong khán giả là sự trẻ trung, hào sảng. Trong ảnh là khi ông song ca cùng một bạn trẻ trên phố Hà Nội, cách đây nhiều năm – Ảnh: ĐPCC

Màu cỏ úa: Du ca, chiến tranh, Hà Nội, biển... và cuộc đời Trần Tiến - Ảnh 7.M.L (TTO)