Làm sao để có một công chúng âm nhạc tinh tế?

0
1193

Có lẽ đây là một ước muốn mà người sáng tác, biểu diễn và nói chung là mọi người làm công tác âm nhạc luôn đau đáu trong lòng. Ý kiến của giới nhạc trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như sự phản ánh của công luận cũng thường lo lắng về thị híếu âm nhạc của một bộ phận công chúng thưởng thức âm nhạc nước ta.

Cạnh đó, chúng ta cũng được biết đã có một thời những buổi biểu diễn các chương trình âm nhạc thính phòng – giao hưởng đều không bán vé, chỉ toàn giấy mời. Khách đến nghe không đông, nhưng vào nhà hát rồi thì như bị sa bẫy.Dù nghe không hiểu gì, chán muốn về, thì cửa nhà hát khóa chặt, không ai được ra về trước khi hết chương trình.

Cho đến nay, hiện tượng “nhốt thính giả” hình như đã không còn nữa, nhưng dẫu sao lượng thính giả cho loại hình nghệ thuật này cũng chưa phải là nhiều. Đó chính là vì ta chưa thật sự có một công chúng biết thưởng thức mọi loại âm nhạc từ phổ thông đến tinh tế, như từ ca khúc đến âm nhạc thính phòng – giao hưởng.

Cũng được biết các bậc tiền bối trong làng nhạc như các cụ Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận…đã từng lên tiếng nhiều lần về sự cần thiết đưa việc dạy nhạc vào các trường,vì mong muốn nước ta có một công chúng biết làm và thưởng thức âm nhạc như nhiều nước trên thế giới. Những người đã từng một thời sống dưới ách thống trị của thực dân Pháp cho biết nhiều trường học công và tư thời ấy tuần nào cũng có giờ học hát, học nhạc lý, thế mà sang chế độ ta nhiều năm lại không có, chỉ có học hát như một môn ngoại khóa mà thôi.

Thật ra ở nước ta trước đây không phải hoàn toàn không có việc học nhạc ở các trường. Từ năm 1956 khi cải cách giáo dục ở miền Bắc, môn âm nhạc đã được đưa vào kế hoạch dạy học ở trường cấp I và cấp II. Tuy nhiên đó chỉ là những quy định trên văn bản, còn trên thực tế thì nó chưa trở thành hiện thực. Mãi đến tận năm 1996 môn âm nhạc mới được giảng dạy cho học sinh lớp 6, năm 1997 dạy cho học sinh lớp 7, năm 1998 dạy cho học sinh lớp 8. Tuy nhiên ở nơi nào có giáo viên thì dạy, không có thì đành thôi, vì thế khi đó nhiều trường trung học cơ sở chưa thực hiện được việc dạy âm nhạc vì thiếu giáo viên.

Cho đến năm 2002, Bộ Giáo dục – Đào tạo mới quyết định Âm nhạc là môn học chính khóa, có chương trình và sách giáo khoa được triển khai từ lớp 1 đến lớp 9 trên phạm vi toàn quốc. Nói vậy nhưng thời gian đầu đã có  một lỗ hổng lớn là thiếu giáo viên, nhiều thày cô giáo dạy các môn khác nếu có chút trình độ về âm nhạc phải kiêm nhiệm dạy môn nhạc để “lấp lỗ hổng”, vì vậy đã phát sinh ra nhiều vấn đề về chất lượng giảng dạy. Cho nên việc đào tạo giáo viên dạy nhạc chuyên nghiệp đã trở nên cấp thiết.

Để đáp ứng nhu cầu ấy, năm 2001 Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội đã thành lập Khoa Sư Phạm Âm nhạc – Mỹ thuật, với mục tiêu đào tạo cử nhân các ngành sư phạm âm nhạc và mỹ thuật đủ kíến thức, kỹ năng chuyên ngành, nghiệp vụ sư phạm để giảng dạy bộ môn âm nhạc và mỹ thuật ở các bậc học phổ thông, đồng thời góp phần đào tạo giảng viên giảng dạy các môn âm nhạc và mỹ thuật cho các trường đại học sư phạm và cao đẳng sư phạm trong cả nước, làm nòng cốt cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xây dựng, hoàn thiện nội dung, chương trình sách giáo khoa và đổi mới phương pháp giảng dạy âm nhạc và mỹ thuật ở các bậc học phổ thông.

Khoa Sư phạm Âm nhạc – Mỹ thuật của trường ĐHSP Hà Nội, là khoa chuyên ngành đầu tiên đào tạo cử nhân Sư phạm âm nhạc – mỹ thuật trong hệ thống các trường sư phạm cả nước, cho đến nay đã có 400 cử nhân tốt nghiệp và 300 sinh viên theo học chính quy các ngành sư phạm này. Cạnh đó, việc đào tạo ngoài trường thông qua các hệ Vừa làm vừa học (VLVH), Hệ từ xa, Đào tạo liên thông…cũng đã được triển khai mạnh mẽ. Liên tục trong 10 năm qua,  kết với hơn 40 cơ sở đào tạo của trên 20 tỉnh, thành phố trong cả nước để mở các lớp đào tạo nâng chuẩn cho đội ngũ giáo viên âm nhạc, giáo viên mỹ thuật có trình độ từ trung cấp lên đại học. Tính đến nay, Khoa đã và đang đào tạo hơn 100 lớp hệ VLVH với số lượng người học lên đến hơn 6000 người, hơn 40 lớp hệ Từ xa với số lượng học viên gần 5000 người.

Là những người trực tiếp tham gia giảng dạy cũng như theo dõi việc giảng dạy âm nhạc tại các trường THCS hiện nay, chúng tôi đã thấy được lòng ham thích ca hát, yêu âm nhạc đến thế nào của con em chúng ta. Các em quả thật có năng khiếu bẩm sinh tiếp thu âm nhạc, tai của các em tuyệt đại đa số rất tốt, trí nhớ âm nhạc nhạy bén, chỉ cần có người dạy đến nơi đến chốn, với những phương tiện đầy đủ về nhạc cụ, máy nghe nhạc, với một phương pháp và thời lượng hợp lý, thì chắc chắn dần dần chúng ta sẽ có một công chúng biết làm và thưởng thức âm nhạc như mong muốn.

Thế nhưng theo tôi được biết, không phải không còn những khó khăn bất cập, chưa thật sự hiểu rõ lợi ích của việc giáo dục âm nhạc nói riêng và giáo dục nghệ thuật nói chung, nhất là về phía những người phụ trách trực tiếp các trường THCS. Cho đến nay vị trí của bộ môn âm nhạc cũng như của người giáo viên dạy nhạc còn chưa thật sự có chỗ đứng như mong muốn trong nhà trường. Ở nhiều nơi, giáo viên dạy nhạc phải làm thêm nhiều việc ngoài chuyên môn của mình, chưa được tạo điều kiện để ngày càng nâng cao trình độ giảng dạy cũng như bổ sung những kíến thức chuyên ngành cho mình. Nhạc cụ, máy nghe, phòng học chuyên ngành v.v. nhiều nơi còn thiếu, chất lượng thấp, trở ngại cho việc giảng dạy.

Việc học nhạc tại các trường phổ thông hết sức gắn bó với sự phát triển lâu dài của ngành nhạc, vì nó trực tiếp góp phần đáng kể cho việc xây dựng một công chúng âm nhạc có thị hiếu thẩm mỹ phát triển đúng hướng, một khả năng cảm thụ âm nhạc tinh tế. Cho nên chúng tôi rất mong các nhạc sĩ quan tâm cộng tác rộng rãi cho việc đào tạo giáo viên sư phạm âm nhạc, quan tâm hỗ trợ cho các nhà trường trong việc tổ chức những buổi nói chuyện, gặp gỡ với trẻ em, giới thiệu cái hay cái đẹp của âm nhạc, góp phần phát triển thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc cho trẻ thơ v.v.

Còn về phía chúng tôi, những người trực tiếp làm công tác đào tạo giáo viên dạy nhạc, qua 10 năm hoạt động, cũng rút được nhiều bài học quý báu, chắc chắn sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để góp phần vào việc đào tạo, xây dựng công chúng cho ngành nhạc của chúng ta.

Anh Tuấn ANVN20