Huỳnh Phúc Thanh Nhân thăng hoa khi đạo diễn đêm nhạc Văn Cao, gói gọn số phận đời ông qua hình dáng chàng Trương Chi

0
628

Hơn 80 năm những bài hát của người nhạc sĩ ấy đến với cuộc đời này và đã 1/4 thế kỷ từ ngày ông ra đi nhưng di sản của nhạc sĩ Văn Cao vẫn còn sống mãi. Chân dung cuộc tình tập 9 là câu chuyện của nhạc sĩ Văn Cao với những tác phẩm âm nhạc bất hủ của ông. Chương trình tiết lộ những câu chuyện âm nhạc, lẫn cuộc đời của Văn Cao được kể từ danh ca Phương Dung và đạo diễn Huỳnh Phúc Thanh Nhân.

Nhạc sĩ Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao, ông sinh ngày 15/11/1923 ở Hải Phòng. Những bài hát của nhạc sĩ Văn Cao đi cùng những năm tháng quan trọng nhất của đất nước, trải dài từ thời kỳ đầu của nền tân nhạc cho đến những bản tình ca ra đời trong khói lửa chiến tranh đến khi hoà bình như Tiến về Sài Gòn, Gò Đống Đa, Thăng Long hành khúc, Sông Lô…

Những ca khúc có tính cách tân mạnh mẽ, khai thác vẻ đẹp của âm nhạc dân tộc cùng những truyện xưa tích cũ trong văn hoá dân gian như Buồn tàn thu, Thiên thai, Trương Chi, Bến xuân, Suối mơ, ngay cả trong những năm tháng kháng chiến, vẻ đẹp đầy lãng mạn ấy vẫn hiển hiện trong Làng tôi, Ngày mùa. Vẻ đẹp trong những tình khúc Văn Cao bắt nguồn từ những tình yêu lớn lao dành cho quê hương dân tộc. Những gì tinh túy đều được ông chắt lọc để đưa vào từng giai điệu, từng lời ca và những bài hát ấy sống mãi cùng tâm hồn người Việt.

Vượt qua những thử thách khắc nghiệt của thời gian, những tác phẩm của nhạc sĩ Văn Cao đã trở thành những viên ngọc quý trong kho tàng nghệ thuật Việt Nam. Lịch sử âm nhạc Việt Nam sẽ còn mãi nhắc tên nhạc sĩ Văn Cao, không chỉ vì ông là người sáng tác ca khúc Tiến quân ca mà còn vì những cống hiến lớn lao cho nền nghệ thuật nước nhà ở 3 lĩnh vực: âm nhạc, hội họa, thơ ca.

Trong Chân dung cuộc tình, danh ca Phương Dung xúc động nhắc về Văn Cao: “Tôi chưa có dịp gặp ông nhưng tôi yêu thích dòng nhạc này từ những năm 14 – 15 tuổi. Tôi biết thời trẻ, Văn Cao là một người đẹp trai, về già ông quá kiệm lời. Ông mang dáng dấp của một người nghệ sĩ lớn. Mỗi khi hát Suối mơ, Bến xuân, tôi mường tượng đến khung cảnh ngoài Bắc và bản thân là bóng hồng của ông trong ca khúc. Bài Bến xuân, tôi sử dụng một bài quan họ để dẫn vào Bến xuân, để hát bài này khác với ca sĩ khác. Với Buồn tàn thu, dù thích nhưng tôi sợ mình hát không tới ca khúc này”. Nữ danh ca thú vị khi hai nhạc sĩ Văn Cao và Phạm Duy có những ca khúc cùng chủ đề như Trương Chi – Khối tình Trương Chi, Thiên thai – Tiếng sáo Thiên Thai.

Đạo diễn Huỳnh Phúc Thanh Nhân cho rằng chủ đề này khá “nặng ký” cho cả thí sinh và đạo diễn: “Ông là một cây đại thụ khi âm nhạc của ông hàn lâm về giai điệu lẫn ca từ, nếu dàn dựng tiết mục nhẹ nhàng, mộc mạc sẽ không toát được phần hồn của bài hát. Mỗi lần tiếp xúc với nhạc Văn Cao, tôi nặng nề tâm lý, mang áp lực rất lớn. Tuy nhiên, tôi bắt được “cái thần” những bài diễn từ câu nói “Trương Chi là tôi đấy” của chính Văn Cao. Các bài hát của ông đều gói gọn số phận đời ông qua hình dáng chàng Trương Chi. Cái đẹp của tâm hồn và cốt cách trong ông đã khiến khán giả và người dàn dựng thăng hoa trong từng câu hát”. Với ca khúc Buồn tàn thu mang dấu tích của câu chuyện Chinh Phụ Khúc, người chinh phụ đêm đêm chờ chồng, nghe những tiếng bước độc hành trong sương gió ngoài kia, cũng được chị mang đến khán giả.

Huỳnh Phúc Thanh Nhân từng dàn dựng một trích đoạn về thời thanh xuân của Văn Cao. Khi ấy, ông làm thơ, vẽ tranh để có tiền nuôi ước mơ âm nhạc. Ông có vài mối tình, dễ rung động trong một vài khoảnh khắc vì những hành động đơn giản. Chị kể lại những chi tiết đã tìm hiểu về hoàn cảnh sáng tác các ca khúc của Văn Cao: “Như một ngày, một cô gái ghé qua thăm nhà, cầm chiếc quạt mo quạt cho ông. Ông rung động vì hành động nhỏ và sáng tác ca khúc Cung đàn xưa. Một lần ông trải qua bạo bệnh, trong cơn sinh tử ông “thoát xác “ và nhìn thấy hình ảnh chốn thiên thai, hiện lên thuần khiết, sau tất cả những mệt mỏi của một kiếp phù sinh. Sau khi trải qua cơn “thập tử nhất sinh”, ông viết hai ca khúc Suối mơ và Thiên thai”.

Huỳnh Phúc Thanh Nhân thổ lộ chị đặc biệt yêu thích và thường tìm đọc những tài liệu về Văn Cao: “Người ông mỏng manh, chưa bao giờ nặng quá 45kg, cảm giác gió có thể thổi ông bay đi nhưng con người mỏng manh đó chưa bao giờ khuất phục trước một cơn giông bão nào trong cuộc đời”.

Pha Lê (HNS)