Hồi sinh nhịp phách ca trù

0
1347

Ở Hải Phòng có một làng ca trù gần 200 năm tuổi đã từng bị lãng quên. Giờ đây, những nỗ lực của người dân đã giúp nhịp phách ca trù dần dần hồi sinh.

Theo các vị cao niên trong làng, ca trù xuất hiện ở Đông Môn, xã Hoà Bình, huyện Thuỷ Nguyên đã gần 200 năm.

Sống với ca trù

Nguyên chủ nhiệm CLB ca trù Đông Môn, ông Trần Bá Sự cho biết: “Từ thế kỷ 19, ca trù Đông Môn đã nổi tiếng khắp vùng. Người đưa ca trù về Đông Môn là cụ kép đàn Tô Tiến Trọng – trùm phường của một giáo phường ở Kinh Môn, Hải Dương thuộc ty giáo phường Bắc Thạch, Bắc Ninh xưa.

Khi về Đông Môn, ông đã dạy ca trù cho người thân trong họ và các dòng họ khác tại địa phương. Từ ấy, làng Đông Môn trở thành một ca quán của cả một vùng duyên hải”.

Thập niên 40- 45 của thế kỷ trước, trong làng xuất hiện nhiều giáo phường do các gia đình dòng họ Tô, Phạm, Nguyễn… thành lập và lấy nghiệp hát làm nghề kiếm sống. Những đứa trẻ mới lớn lên đã theo ông, bà chúng học hát ca trù rồi trở thành những ca nương, kép đàn, quan viên.

Hồi ấy, cả làng cùng hát ca trù, sống với ca trù. Những dòng họ, gia đình lập các giáo phường “bố đàn con hát, cháu đánh trống” đi biểu diễn khắp các tỉnh thành miền Bắc như Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh, Nam Định…

Do chiến tranh từ năm 1950, ca trù Đông Môn dần bị mai một. Để bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc, năm 1993 chính quyền địa phương đã đứng ra thành lập CLB ca trù Đông Môn với sự tham gia của nghệ nhân hát ca trù Tô Thị Chè, ông “kép đàn” Tô Văn Nghị cùng rất nhiều những người đam mê ca trù.

Ông Trần Bá Sự kể: “Nhận thấy môn nghệ thuật đáng quý này ngày càng bị mai một, dân làng Đông Môn đã xin chính quyền xã thành lập CLB lưu giữ và truyền lại nghề cho con cháu trong làng. Những ngày đầu thành lập, do thiếu người, chúng tôi phải vận động toàn bộ đội tế nữ, tế nam của đình vào hoạt động. Nhạc cụ trang bị cho CLB những ngày đầu là chiếc đàn đáy cũ, trống và phách do thành viên trong CLB tự nguyện đóng góp tiền mua sắm…”.

Hồi sinh

Sau gần 20 năm, nhờ được sự chăm lo dạy bảo của các nghệ nhân giàu tâm huyết, đến nay CLB ca trù Đông Môn thực sự hồi sinh và dần tìm lại vị thế xưa kia. Ca trù Đông Môn “bay” khỏi làng, hoà nhập vào các buổi liên hoan ca múa nhạc lớn nhỏ của thành ph và Trung ương.

Một tin mừng với làng Đông Môn là Trung tâm Trao đổi giáo dục Việt Nam đang triển khai Dự án “Quỹ hỗ trợ bảo tồn nghệ thuật văn hoá dân gian đối với các di sản nghệ thuật, văn hoá phi vật thể có nguy cơ mai một”, theo dự kiến của Hội Văn nghệ dân gian TP.Hải Phòng, ca trù ở làng Đông Môn được chọn tham gia dự án.

Nhiều “ca nương”, “kép đàn” của Đông Môn đi thi đều được giải cao như chị Tô Thị Ninh, “kép đàn” ông Hoàng Minh Khánh, Tô Văn Tuyên. Riêng bà Tô Thị Chè được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân hát ca trù.

Nhiều em trong làng được tuyển chọn tham gia lớp đào tạo ca trù do ngành văn hoá tổ chức. Năm 1996, em Phạm Thị Liên đã đoạt Huy chương Vàng Hội diễn ca múa nhạc dân tộc Hải Phòng.
Ông Phạm Văn Nác- Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Bình băn khoăn: “Hiện CLB ca trù vẫn duy trì tốt. Tuy nhiên do nguồn kinh phí hạn hẹp nên địa phương không duy trì được thường xuyên lớp dạy hát và tổ chức các hoạt động cho CLB”.Cụ Tô Thị Chè cũng đã qua đời, đó là một mất mát lớn của ca trù Đông Môn, vì vậy những người “giữ lửa” ca trù và truyền lại cho hậu duệ chẳng còn được mấy…
Lo nữa là chưa kịp thời có những khích lệ, nên phần nhiều lớp trẻ trong làng không mấy mặn mà với loại hình hát truyền thống này.

(danviet)