Giao hưởng “Ảo tưởng” của Berlioz

0
1144

Âm nhạc chương trình là âm nhạc mô tả một chủ đề ngoài âm nhạc, chẳng hạn một câu chuyện, một đối tượng hay một quang cảnh bằng cách sử dụng những hiệu quả của âm nhạc. Vào thế kỉ 19, cùng với Franz Liszt, nhà soạn nhạc Pháp Hector Berlioz (1803 – 1869) là một trong những người dẫn đầu trong việc phát triển âm nhạc chương trình.

Trước khi Liszt sáng tạo ra thể loại thơ giao hưởng một chương, Berlioz đã nổi tiếng với bản giao hưởng bất hủ của mình – Symphonie Fantastique (Giao hưởng Ảo tưởng). Đây là bản giao hưởng đầu tiên của Berlioz và được xem là một trong những tác phẩm quan trọng và tiêu biểu nhất của âm nhạc đầu thời kỳ Lãng mạn.

Symphonie Fantastique Op. 14, với tên gọi chính thức là Episode de la vie d’un Artiste.. .en cinq parties (Quãng đời của một nghệ sĩ… 5 phần), miêu tả câu chuyện lãng mạn về một nghệ sĩ trẻ đã gặp gỡ một người phụ nữ, về tình yêu không được đền đáp của chàng và những hậu quả bi thương sau cùng. Điều đặc biệt là câu chuyện này được dựng lên từ chính nỗi thất vọng và tình yêu của Berlioz đối với Harriet Smithson.

Harriet Smithson (1800 – 1854) là một nữ diễn viên kịch nói người Ailen thành danh ở Paris. Trong buổi diễn vở kịch Hamletcủa Shakespeare ngày 11/9/1827 tại Rạp Odéon, Harriet Smithson đã sắm vai nàng Ophelia bạc mệnh.

Đó là lần đầu tiên kịch Shakespeare được giới thiệu ở Pháp. Có mặt trong đám khán giả, Berlioz vô cùng ấn tượng trước vẻ kiều diễm và diễn xuất lôi cuốn của Harriet Smithson trên sân khấu. Nhà soạn nhạc 24 tuổi đời Berlioz đã đem lòng yêu Harriet Smithson ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Khoảng thời gian này Harriet Smithson có khá nhiều người hâm mộ nồng nhiệt. Berlioz đã gửi cho cô rất nhiều thư tình nhưng không nhận được bất cứ hồi âm nào. Cho đến khi Harriet Smithson theo đoàn diễn rời Paris, hai người vẫn chưa hề gặp nhau trực tiếp.

Thật may mắn cho nền âm nhạc cổ điển vì nỗi ám ảnh về một người phụ nữ không thể (hay nói đúng hơn là chưa thể) với tới được đã khiến Berlioz nảy sinh ý tưởng viết một bản giao hưởng để thể hiện tình yêu mãnh liệt của mình. Berlioz nung nấu ý định này trong suốt năm 1829 và đặt bút viết Symphonie Fantastique chỉ trong vòng 6 tuần, từ đầu tháng 3 đến giữa tháng 4 năm 1830.

Symphonie Fantastique được công diễn lần đầu tại Nhạc viện Paris vào ngày 5/12/1830 dưới sự chỉ huy của Francois-Antoine Habeneck. Trong đám khán thính giả có Liszt và Spontini nhưng lại không có Harriet Smithson.

Từ trước buổi công diễn lần đầu, Berlioz đã cho công bố nội dung văn học của Symphonie Fantastique. Nội dung này do chính Berlioz soạn và tựa như một bức chân dung tự họa đầy tính lãng mạn. Tác phẩm gồm 5 chương hết sức chi tiết.

Chương I – Reveries-Passions (Ước mơ – Khát vọng): “Chủ đề của tôi là một chàng nghệ sĩ với thiên tư nhạy cảm và trí tưởng tượng sống động … người gặp được một phụ nữ đã đánh thức những khao khát trong trái tim chàng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Chàng đắm chìm trong tình yêu cuồng nhiệt với nàng. Lạ lùng thay, những hình ảnh về người chàng yêu được nối kết với ý tưởng âm nhạc đại diện cho vẻ duyên dáng và quý phái của nàng. Ý nghĩ hỗn độn này ám ảnh chàng suốt cả bản giao hưởng.”

Trong chương nhạc này, sau phần giới thiệu, giai điệu dài 40 ô nhịp tượng trưng cho ý nghĩ hỗn độn của chàng nhạc sĩ lần đầu tiên được bè violin thể hiện. Chủ đề này sẽ được tái hiện nhiều lần trong các chương sau.

Chương II – Un bal (Vũ hội): “Chàng nghệ sĩ tham dự một vũ hội nhưng sự náo động vui vẻ hội hè không làm chàng xao lãng được. Ý nghĩ hỗn độn lại trở về giày vò chàng hơn nữa.”

Chương nhạc được dạo đầu bằng đàn harp. Chủ đề về ý nghĩ hỗn độn được flute và oboe chơi tương phản với chủ đề điệu valse như thể người chàng yêu đang khiêu vũ trong đám đông.

Chương III – Scène aux champs (Cảnh trên đồng): “Một mình trên đồng trong một chiều hè, chàng nhạc sĩ nghe thấy tiếng kèn mục đồng gọi nhau bằng một làn điệu dân gian vùng Alps Thụy Sĩ. Bản song tấu kèn, tiếng xạc xào của gió thổi trên cây và niềm hi vọng về việc mình có thể có được người yêu dấu đã ru chàng vào giấc mộng. Tuy nhiên ý nghĩ hỗn độn lại trở về trong những giấc mơ. Trái tim chàng phập phồng và chàng linh cảm thấy những điều khiếp đảm. Mặt trời lặn, có tiếng sấm phía xa xa rồi tất cả chìm vào cô quạnh, tĩnh lặng”.

Chương nhạc này như một sự bày tỏ lòng ngưỡng mộ của Berlioz đối với bản Giao hưởng “Đồng quê” của Beethoven. Bè cello và viola tái hiện chủ đề ý nghĩ hỗn độn khi chàng nghệ sĩ chìm vào giấc ngủ do bè violin và flute trình bày.

Chương IV – Marche au supplice (Hành khúc tới pháp trường): “Trong nỗi thất vọng, chàng nghệ sĩ tự vẫn bằng cách uống thuốc phiện quá liều nhưng thuốc không đủ mạnh để chết người. Thay vào đó chàng rơi vào những giấc mơ đáng sợ. Chàng mơ thấy mình giết chết người chàng yêu, bị kết án tử hình và dẫn ra pháp trường. Ý nghĩ hỗn độn bồng bềnh trong trí óc chàng, nó chỉ chấm dứt khi lưỡi dao máy chém sập xuống.”

Ý nghĩ hỗn độn được thể hiện bằng clarinet trước khi dàn dây bật lên thể hiện việc đầu chàng nhạc sĩ rơi xuống. Tiếng kèn lệnh kết thúc chương nhạc này.

Chương V – Songe d’une nuit de sabbat (Giấc mơ về đêm hội Sabbath): “Tại đêm hội Sabbath của các phù thủy, chàng nghệ sĩ lại nghe thấy giai điệu tượng trưng cho người chàng yêu. Nhưng giờ đây nó đã trở thành một vũ điệu lanh lảnh và tầm thường. Người chàng yêu cũng đến chứng kiến tang lễ của chàng! Lát sau, phần “Ngày phán xử” trong bản “Mass cho người chết” được nhại một cách lố bịch. Vũ điệu của những mụ phù thủy và “Ngày phán xử” được kết hợp lại”.

Một lần nữa clarinet được giao vai trò thể hiện chủ đề ý nghĩ hỗn độn trên nền một vũ điệu thô tục được trống định âm đệm theo. Như vậy, Berlioz đã sử dụng giai điệu ý nghĩ hỗn độn như một leitmotif xuyên suốt tác phẩm.

Symphonie Fantastique được thính giả đón nhận nồng nhiệt ngay từ buổi công diễn đầu tiên. Hai năm sau đó Harriet Smithson mới được nghe tác phẩm khi Berlioz làm quen và mời cô tới dự hòa nhạc.

Thời gian này sự nghiệp của Harriet Smithson đang gặp nhiều khó khăn. Thật khó diễn tả nỗi xúc động của cô khi nhận ra mình chính là nguồn cảm hứng của Symphonie Fantastique.

Hạnh phúc của cuộc hôn nhân giữa Berlioz và Harriet Smithson chỉ kéo dài vài năm. Họ chia tay sau 9 năm chung sống nhưng bản giao hưởng của tình yêu này vẫn sống mãi trong lòng người yêu nhạc giao hưởng.

N.A (HNS)