Đưa nghệ thuật gần hơn với công chúng

0
584
Buổi hòa nhạc đặc biệt trong không gian cũ của Nhà máy In Công đoàn (ảnh chụp cuối tháng 4-2021).

Buổi hòa nhạc tổ chức ngay trong lòng một nhà máy cũ, một đoạn phố sát bờ sông Hồng vốn được coi là nơi tập kết rác lại trở thành điểm đến của nghệ thuật đương đại… Hà Nội đang có nhiều hơn những không gian nghệ thuật, mang đến trải nghiệm mới cho công chúng cũng như góp phần xây dựng công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Những trải nghiệm mới mẻ

Cuối tháng 4 vừa qua, 120 nghệ sĩ đã có buổi biểu diễn trong một không gian đặc biệt mang tên Complex 01 (29 ngách 31, ngõ 167 Tây Sơn) – một địa điểm khá mới lạ trên “bản đồ” biểu diễn nghệ thuật của Thủ đô. Địa điểm này vốn là Nhà máy In Công đoàn và đã được cải tạo thành một không gian đa chức năng. Complex 01 vẫn lưu giữ khung nền, các khẩu hiệu, hình dáng nhà máy xưa. Nơi đây đang trở thành điểm hẹn của giới trẻ vì kiến trúc hài hòa giữa cũ và mới, với không gian mở đậm dấu ấn văn hóa và lịch sử.

Tham gia biểu diễn tại đây, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, chỉ huy Hợp xướng Hanoi Voices cho biết, việc biểu diễn ở đây giúp cho âm nhạc đến gần cuộc sống, phản ánh cuộc sống, không có sự ngăn cách với khán giả.

Rất nhiều không gian sáng tạo ra đời ở Hà Nội trong những năm gần đây đã mang đến cho công chúng những không gian thưởng thức nghệ thuật với những trải nghiệm thú vị mới, bên cạnh các không gian truyền thống như nhà hát, bảo tàng… Có thể kể đến các không gian như Heritage Space, X 98 (phố Hoàng Cầu), Cà-phê thứ bảy (phố Ngô Quyền), Hanoi Rock City (phố Tô Ngọc Vân), Manzi (phố Phan Huy Ích), Thành phố sáng tạo (Hanoi Craetive City – số 1 phố Lương Yên), Ơ kìa Hà Nội (ngõ 639 Hoàng Hoa Thám)…

Cùng với đó là việc cải tạo thành công nhiều không gian cũ thành những điểm hẹn văn hóa, đặc biệt là các không gian công cộng Dự án nghệ thuật công cộng phố Phùng Hưng, Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân…

Cần thêm những không gian

Trong cuộc tọa đàm “Phát triển Công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030, tầm nhìn đến 2045” do Thành ủy Hà Nội tổ chức mới đây, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc nghệ thuật Heritage Space đã công bố kết quả khảo sát cho thấy, hiện có rất nhiều đơn vị nghệ thuật không có địa điểm cố định để hoạt động, hoặc có nhưng không gian nhỏ…

Ông Nguyễn Thanh Hùng, đại diện Tập đoàn Sovico chia sẻ: “Việc xây dựng Hà Nội thành Thành phố sáng tạo có rất nhiều thách thức. Một trong số đó đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế chỉ ra, đó là sự thiếu vắng các không gian sáng tạo, không gian văn hóa, nơi những người làm trong ngành sáng tạo có thể gặp gỡ, chia sẻ cũng như trưng bày các tác phẩm, sản phẩm hay trình diễn nghệ thuật. Tuy nhiên, những không gian như vậy trong nội đô là điều rất khó có được, do sự tập trung dân cư đông đúc, cũng như sự tăng cao về chi phí”.

Giải pháp cho vấn đề này, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Hà Nội nên khai thác, tái phân bổ không gian sáng tạo là trường đại học, bảo tàng, nhà văn hóa, không gian trong các công trình công cộng, hành chính cũ chưa được tận dụng. Bên cạnh đó là tận dụng nhà máy cũ, cơ sở sản xuất công nghiệp, nhà xưởng đã được di dời khỏi nội đô hiện đang bỏ hoang. Thực tế, những năm gần đây Nhà nước có chủ trương đưa các nhà máy như Nhà máy Bia Hà Nội, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Nhà máy Thuốc lá Thăng Long… ra khỏi khu nội đô. Đây là cơ hội để có thể tận dụng các công trình có tính di sản này nhằm tạo nên các không gian sáng tạo phục vụ cộng đồng ngay trong nội đô giống như Complex 01.

Còn ông Nguyễn Thanh Hùng lại kiến nghị phát triển các không gian văn hóa, trung tâm thiết kế sáng tạo… ở khu vực ngoại vi. “Khu vực nội đô đông đúc đang là nơi tập hợp phần lớn các hoạt động văn hóa sáng tạo của Thủ đô. Điều này khiến cư dân ngoại thành rất khó tiếp cận với các hoạt động văn hóa chất lượng. Với xu hướng người dân chuyển dịch dần ra những vùng xa trung tâm để có không gian rộng rãi, chi phí cuộc sống hợp lý hơn, việc tham gia của khối tư nhân vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng văn hóa ở khu vực ngoại vi sẽ đem lại nhiều ích lợi, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực ven đô. Đồng thời, điều đó sẽ tạo thêm sân chơi cho người dân nội đô vào các dịp cuối tuần, tăng điểm đến du lịch của thành phố, và quan trọng nhất là tạo cho những người làm nghệ thuật một điểm gặp gỡ để phát triển, ươm mầm các dự án sáng tạo”, ông Hùng bày tỏ.

Việc cần thêm không gian cho văn hóa, cho sáng tạo phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu hưởng thụ của nhân dân là hết sức cần thiết. Và chắc chắn, vấn đề này sẽ được giải quyết nếu có sự chung tay góp sức của những người yêu Hà Nội, luôn sẵn sàng cống hiến ý tưởng, công sức để làm đẹp hơn đời sống văn hóa thành phố.

An Định (HNS)