Đờn ca tài tử mùa xuân

0
466
Đến Bạc Liêu, bao giờ trong tôi cũng đậm đầy cảm xúc về một vùng đất hào phóng, đầy chất tài tử. Tôi cũng mê “ngón” đờn ca tài tử – đặc sản văn hóa phi vật thể của người Nam bộ nói chung và đất Bạc Liêu nói riêng. Bao năm qua, đờn ca đã thể hiện sức sống trong lòng người dân và được gìn giữ bởi các thế hệ nghệ sĩ, những người yêu nghệ thuật truyền thống.

Sức sống của Dạ cổ hoài lang

Câu chuyện về ông Trần Trinh Huy – người được mệnh danh là công tử Bạc Liêu hay “hắc công tử” đã lôi cuốn bao người đến Bạc Liêu. Nhà công tử Bạc Liêu (tọa lạc tại số 13 Điện Biên Phủ, phường 3, TP. Bạc Liêu) giờ là địa điểm tham quan thú vị. Tham quan, nghe câu vọng cổ, ắt hẳn mọi người sẽ muốn tìm hiểu về đờn ca tài tử – loại hình nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và là danh hiệu UNESCO ở Việt Nam có vùng ảnh hưởng lớn, với phạm vi 21 tỉnh, thành phố phía Nam.

Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, ở phường 2, TP. Bạc Liêu có nhiều tư liệu về Cao Văn Lầu, người đã sáng tạo bản Dạ cổ hoài lang. Hơn 100 năm trước, vào một đêm rằm trăng sáng tháng 8, tại làng Vĩnh Hương, tổng Thạnh Hòa, ông Cao Văn Lầu đã trình làng bản Dạ cổ hoài lang (Nghe tiếng trống đêm nhớ chồng), nhịp đôi, 20 câu lột tả nỗi niềm người vợ của ông (sau 3 năm chung sống không có con. Ba mẹ ông mong muốn ông thôi vợ để lấy người khác). Với giai điệu và ca từ thổn thức, xót xa, bản Dạ cổ hoài lang đã nhanh chóng đi vào lòng người và lan tỏa khắp vùng Nam bộ. Điều trùng hợp lạ kỳ là ngay sau khi ông sáng tác bản Dạ cổ hoài lang cũng là thời điểm vợ ông mang thai, nhờ vậy ông và vợ tránh được cảnh chia ly…

Theo các nhà nghiên cứu, đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật trình diễn phổ biến ở miền Nam Việt Nam, ra đời cuối thế kỷ XIX. Đờn ca tài tử là nghệ thuật của đờn (đàn) và ca, do người Nam bộ sáng tác để hát chơi sau những giờ lao động vất vả của bà con vùng miệt vườn sông nước, với lối sống phóng khoáng, cởi mở, bình dị. Dạ cổ hoài lang là một trong những bài hát nổi tiếng và phổ biến nhất của đờn ca tài tử, được cộng đồng tiếp nhận. Dạ cổ hoài lang ban đầu đơn giản, dần được các danh ca, danh cầm phát triển theo tính ngẫu hứng. Trên cơ sở của 20 bài gốc (bài tổ) và 72 bài nhạc cổ cho 4 điệu, gồm 6 bài Bắc (diễn tả sự vui tươi, phóng khoáng), 7 bài Hạ (dùng trong tế lễ, có tính trang nghiêm), 3 bài Nam (diễn tả sự an nhàn, thanh thoát) và 4 bài Oán (diễn tả cảnh đau buồn, chia ly). Các nhịp hát cũng thay đổi, từ nhịp 2 đến 4, 8, 16, 32 và 64.

…Đường dù xa ong bướm

Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang

Ðêm luống trông tin bạn

Ngày mỏi mòn như đá vọng phu

Vọng phu vọng luống trong tin chàng

Lòng xin chớ phũ phàng

Chàng là chàng có hay

Đêm thiếp nằm luống những sầu tây…

Đờn ca tài tử là loại hình diễn tấu có ban nhạc gồm 4 loại là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (gọi là tứ tuyệt), sau này cách tân bằng cách thay thế độc huyền cầm bằng cây guitar phím lõm. Theo tài liệu ghi chép, đầu thế kỷ XX, ở Nam bộ đã hình thành nhiều nhóm ca nhạc hoạt động dưới hình thức tài tử và nhanh chóng phát triển khắp lục tỉnh Nam kỳ. Nhạc sư Lê Tài Khí (1870 – 1948) còn được gọi là Nhạc Khị (con cụ Lê Văn An, một bầu gánh hát bội nổi tiếng lúc bấy giờ ở Bạc Liêu). Nhạc Khị đã thành lập ban nhạc lễ để phục vụ các đám cúng kiếng, tế lễ của đình làng hoặc ở các gia đình. Đây cũng là ban nhạc lễ đầu tiên trong vùng. Nhạc Khị là người có công lớn đối với đờn ca tài tử  trong việc canh tân, hiệu đính 20 bản tổ, được giới nghệ sĩ cổ nhạc tôn làm Hậu tổ. Ông cũng là thầy và có ảnh hưởng lớn đến Cao Văn Lầu.

Sau hơn 100 năm tồn tại và phát triển, với sức mạnh nghệ thuật của mình, bản Dạ cổ hoài lang đã trở thành viên ngọc quý trong kho tàng âm nhạc dân tộc, với tư cách là làn điệu lớn nhất, là bài “vua” trong tất cả các bài bản cổ nhạc, góp phần thúc đẩy phong trào đờn ca tài tử và sân khấu cải lương phát triển. Dạ cổ hoài lang không chỉ góp phần làm vinh dự cho nền âm nhạc dân tộc mà còn góp phần tạo ra bản sắc Bạc Liêu, làm sâu sắc và bề thế thêm nền văn hóa Bạc Liêu nói riêng, vùng Nam bộ nói chung.

Phát triển du lịch và gìn giữ văn hóa

Hiện Bạc Liêu có gần 70 câu lạc bộ, đội, nhóm sinh hoạt đờn ca tài tử, với hơn 500 nghệ nhân, tài tử, chứng tỏ sức sống mãnh liệt của phong trào đờn ca tài tử của người dân nơi đây. Việc bảo tồn nghệ thuật đờn ca tài tử ở Bạc Liêu không chỉ chính quyền và cơ quan chức năng quan tâm, giữ gìn, mà nhiều người dân coi đó là “chiếc nôi gia đình”. Tiêu biểu như gia đình ông Sáu Sợi (nghệ nhân Trần Thanh Xuân), ở TP. Bạc Liêu; gia đình tài tử họ Mai ở Phước Long; gia đình Minh Luận ở thị xã Giá Rai…

Đến Bạc Liêu sẽ là thiếu sót nếu không đến thăm khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Nơi đây thật sự là “điểm đến hấp dẫn”, là khu du lịch nổi tiếng của Bạc Liêu và đồng bằng sông Cửu Long. Bằng chứng sinh động là nhiều năm qua, du khách trong và ngoài nước đến Khu lưu niệm ngày càng tăng. Khi chưa xảy ra dịch Covid-19, khách đến rất đông, có tuần đón từ 2.500 đến hơn 3.500 lượt khách. Nhiều hãng lữ hành, Công ty du lịch đã ký kết hợp tác với Ban quản lý Khu lưu niệm để đưa du khách đến tham quan và thưởng thức đờn ca tài tử, như: Công ty Cổ phần du lịch Bạc Liêu, Bali Travel, Công ty Cổ phần TNHH dịch vụ du lịch Vòng Tròn Việt (TP. Hồ Chí Minh), Công ty Cổ phần cung ứng nghiệp vụ chất lượng cao quốc tế (Hà Nội), Công ty Cổ phần Win Way Việt Nam (TP. Hồ Chí Minh), Công ty đầu tư tài chính phát triển thương mại quốc tế Á Châu (Hà Nội)… Cuối năm 2020, Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã được UBND tỉnh Bạc Liêu xếp hạng du lịch OCOP 4 sao.

Là “món ăn” tinh thần không thể thiếu, ở nông thôn Nam bộ từ xưa đến nay, đám tiệc nào cũng có đờn ca tài tử. Ai biết đờn ca, dù chỉ bập bõm cũng rủ nhau lập nhóm để đàn hát. Nhiều nghệ sĩ đã và đang tích cực truyền dạy, gìn giữ, phát triển các câu lạc bộ đờn ca tài tử, như: Mười Khói, Mộc Thái, Nhạc Tẹn, Tư Bình, Đỗ Hữu Trí, Tư Loan, Thanh Sử, Văn Phước, Vũ Trường Giang… trong đó có những tài nữ còn trẻ như Ngọc Cần, Ngọc Đợi.

Ngọc Đợi có chất giọng bẩm sinh, làn hơi cao chứa nhiều cung bậc cảm xúc. Chỉ cần cô cất tiếng ca là người nghe thổn thức, say mê. Cô được cha dạy những câu vọng cổ đầu tiên từ khi 8 tuổi và đến nay, hát đờn ca giỏi, cải lương cũng tài. Nghệ sĩ Ngọc Đợi chia sẻ: “Quê hương chúng tôi có nhiều tấm gương, nghệ sĩ tài năng, giỏi đàn, ca hay. Trong điều kiện khó khăn, gian khổ nhưng họ vẫn sáng tác, cống hiến cho nghệ thuật. Người mà tôi nể phục là cụ Ba Chột, đã sáng tác 18 bản cổ nhạc, cụ còn để lại cho đời một sản phẩm vô giá đó là chiếc đàn sến ba dây và cách đàn đặc biệt của loại nhạc cụ này. Hay ông Trần Tấn Hưng, người đầu tiên sử dụng guitar như là một nhạc cụ chính thống của cổ nhạc ở Bạc Liêu”.

Đến những làng nông thôn mới của Bạc Liêu, hầu như nơi nào cũng có câu lạc bộ đờn ca tài tử. Đó là những hạt nhân đào tạo, bồi dưỡng những tài năng ngay từ cơ sở. Họ sinh hoạt thường xuyên, tạo sự gắn kết, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần. Đó cũng là cách người dân thể hiện lòng tự hào đối với quê hương, cách làm đầy thêm những mùa xuân.

Trọng Duy – Thái Huy (HNS)